Phát triển trục không gian sông Hồng: Điểm tựa để hiện thực hóa xây dựng thành phố xanh

07:00 28/05/2023
Trong định hướng điều chỉnh quy hoạch chung đang thực hiện, Hà Nội tiếp tục khẳng định việc thiết lập không gian đô thị hai bên sông Hồng, trong đó sông Hồng là trục xanh, cảnh quan chủ đạo của đô thị Hà Nội nói chung và đô thị trung tâm nói riêng.

Với định hướng này TP sẽ thay đổi quan điểm phát triển theo hướng quay mặt ra sông thay vì quay lưng ra sông.

Trục phát triển chủ đạo của thành phố

Lịch sử phát triển đã tạo dựng cho Hà Nội quỹ di sản đô thị phong phú, hệ thống cảnh quan thiên nhiên đa dạng. Trong đó, sông, hồ, mặt nước đã tạo nên yếu tố đặc trưng, bản sắc và tiềm năng để Hà Nội phát triển bền vững.

Nói đến mặt nước không thể không nhắc tới sông Hồng, con sông đã tạo ra cả không gian văn hóa, bề dày lịch sử của đất nước, sự phồn thịnh của kinh thành Thăng Long xưa và Hà Nội ngày nay.

Tại Hội thảo khoa học "Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại” mới đây, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh chia sẻ, Hà Nội là TP gắn liền với những dòng sông, trong đó sông Hồng là con sông lớn nhất.

Sông Hồng đoạn chảy qua Hà Nội nhìn từ hướng Bắc. Ảnh: Phạm Hùng

Ngay từ khi mới hình thành, lịch sử kinh thành Thăng Long đã gắn liền với sông Hồng, tuyến giao thông và giao thương vận chuyển hàng hóa quan trọng.

Hệ thống sông Hồng là nguồn cung cấp nước tưới cho nền nông nghiệp của đồng bằng Bắc Bộ. Bên cạnh đó, sông Hồng cũng là nơi chứng kiến bao chiến thắng oai hùng lẫy lừng của dân tộc Việt trong lịch sử ngàn năm chống giặc ngoại xâm.

GS.TS Nguyễn Quang Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, nguyên Giám đốc Trung tâm Hà Nội học và phát triển Thủ đô khẳng định, trong suốt quá trình lịch sử của Thăng Long - Hà Nội, dòng sông Hồng luôn là nơi quy tụ mọi nguồn lực, là đặc trưng nhất cho văn hóa ở thời đại quốc gia Đại Việt mà trung tâm là văn hóa Thăng Long.

Sông Hồng đóng vai trò quyết định trong toàn bộ quá trình hình thành và biến đổi của vùng châu thổ, cùng với toàn bộ diễn tiến lịch sử, kinh tế, xã hội và văn hóa của nó, đặc biệt với khu vực Hà Nội - trung tâm của châu thổ.

Theo đánh giá của GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, thời điểm này Hà Nội quyết định chọn trục không gian sông Hồng là trục chủ đạo cho sự phát triển Thủ đô Hà Nội trong chủ trương xây dựng Thủ đô Văn hiến - văn minh - hiện đại, được coi là quyết sách kịp thời và đúng đắn. Bởi, hiện nay Hà Nội đang chứng kiến quá trình phát triển đô thị và đô thị hóa rất nhanh ở cả hai bên bờ sông Hồng.

Bên cạnh hệ thống cầu đường được xây dựng từ trước đã liên tục xuất hiện một loạt cầu mới hiện đại, cùng các đường Vành đai 2, 3, 3.5, và đặc biệt
Hà Nội đang triển khai xây dựng Vành đai 4 Vùng Thủ đô, hệ thống các tuyến đường giao thông hai bên bờ sông, nội đô, nội thị được nâng cấp…

Hệ thống giao thông ngày một hoàn chỉnh và hiện đại không chỉ kết nối hai bên bờ sông, toàn vùng châu thổ, mà đã kéo sông Hồng trở lại vị trí trung tâm, trục phát triển chủ đạo của Thủ đô Hà Nội.

Cùng với đó là kế hoạch của TP đưa các huyện nằm dọc sông Hồng thành quận (tả ngạn là Đông Anh, Gia Lâm trong năm 2023; hữu ngạn là Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Trì năm 2025). Ở phía Nam sông Hồng, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên cũng đang có tốc độ phát triển rất mạnh mẽ, tương lai khu vực này sẽ được nâng cấp lên là TP.

“Rõ ràng khu vực hai bên sông Hồng đang có tốc độ bứt phá rất mạnh, đây sẽ là nền tảng cho sự phát triển bền vững, hài hòa TP hai bên bờ sông Hồng. Và đây cũng là minh chứng, cụ thể cho việc sông Hồng quay trở lại là trục phát triển chủ đạo của TP, đi đúng quy luật phát triển đô thị của Hà Nội” - GS. TS Nguyễn Quang Ngọc nhấn mạnh.

Chú trọng an ninh nguồn nước và không gian xanh sinh thái

Khu vực hai bên sông Hồng ngày nay không chỉ là không gian lịch sử và văn hóa của Hà Nội mà nơi đây còn là địa điểm sinh sống, sinh hoạt của hàng vạn người dân; trục sinh thái tiềm năng lớn của Thủ đô, vùng và khu vực.

Đặc biệt, không gian này sẽ được nâng tầm, tạo động lực tăng trưởng mới cho phát triển Thủ đô khi quy hoạch phân khu sông Hồng đã được TP Hà Nội phê duyệt vào tháng 3/2022.

Theo đại diện Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội (đơn vị lập quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng), nhằm xóa nhòa sự ngăn cách về không gian, tận dụng và phát huy tiềm năng quỹ đất hai bên bờ sông Hồng, đưa dòng sông trở thành nhân tố phát triển của Thủ đô “văn hiến - văn minh - hiện đại”, đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đã đặt nền móng phát triển TP theo hướng “nhìn sông, tựa núi” thay vì “quay lưng” vào dòng sông.

Đồng thời, tiếp nối những giá trị văn hóa, nghệ thuật trong lịch sử hình thành và phát triển đô thị Việt Nam là gắn môi trường sống của con người với cảnh quan thiên nhiên. Theo định hướng quy hoạch, phân khu đô thị sông Hồng có chức năng chính là không gian thoát lũ.

Đây cũng được quy hoạch là trục không gian đặc trưng cây xanh mặt nước, văn hóa lịch sử, cảnh quan chủ đạo của đô thị trung tâm, với chức năng chính là công trình công cộng, công viên cây xanh, văn hóa, dịch vụ du lịch, giải trí biểu tượng của Thủ đô.

Đồng tình với chủ trương của Hà Nội xác định quy hoạch sông Hồng là trục chính để phát triển, tuy nhiên TS Nguyễn Đình Dương - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội góp ý thêm, quy hoạch sông Hồng không chỉ nghiên cứu trong phạm vi chiều dài 40km qua đô thị trung tâm mà cần mở rộng xem xét toàn bộ diện tích của con sông qua địa giới của Hà Nội với 163km.

Đặc biệt, quy hoạch cần chú trọng đến an ninh nguồn nước không chỉ cho Nhân dân Thủ đô mà cả vùng đồng bằng rộng lớn. Do đó Hà Nội cần thiết có kiến nghị với các tỉnh phía thượng lưu phải có giải pháp ổn định dòng chảy, an toàn hành lang thoát lũ, cùng phát triển bền vững. Đồng thời, cam kết với phía hạ lưu là nước sông Hồng thải ra không phải là gánh nặng cho các tỉnh phía dưới.

“Nhất là quy hoạch cần nhấn mạnh, nâng tầm sông Hồng không chỉ là trục xanh mà đây là vùng xanh, lõi xanh, trung tâm xanh của quy hoạch Hà Nội mở rộng và của cả Vùng Thủ đô. Các quỹ đất dành cho phát triển đô thị phải có giải pháp quản lý chặt chẽ ngay từ đầu. Có như vậy không gian hai bên sông Hồng mới phát triển một cách bền vững, thật sự là trung tâm xanh, khu vực cân bằng sinh thái cho TP Hà Nội và cả vùng Thủ đô” - TS Nguyễn Đình Dương nêu ý kiến.

Sông Hồng có ý nghĩa hết sức quan trọng không chỉ với Thủ đô Hà Nội mà còn là cả vùng đồng bằng rộng lớn. Việc khai thác sông Hồng làm trục cảnh quan quan trọng của Thủ đô là việc cần làm nhưng đã ba, bốn chục năm trôi qua hiện vẫn chưa có dự án nào thực sự lớn để khai phá dòng sông đúng với tiềm năng, quỹ đất hiện có ngoài một số cây cầu được xây dựng.

Quy hoạch phân khu sông Hồng đã được TP Hà Nội phê duyệt, để quy hoạch này sớm triển khai vào thực tiễn, bảo tồn, phát huy giá trị cảnh quan sông Hồng, rất cần sự vào cuộc tích cực, mạnh mẽ không chỉ chính quyền Thủ đô mà cả sự chung tay của các bộ, ngành, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ về giải quyết những điểm còn vướng mắc.
Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính

 

Nguồn: Kinh tế& Đô thị 

Bình luận