Phát triển vật liệu xanh là giải pháp bền vững cho tương lai xanh

11:37 03/10/2024
Để tận dụng hiệu quả cơ hội phát triển ngành vật liệu xanh, cần có sự đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng, chính sách hỗ trợ và nâng cao nhận thức của người tiêu dùng.
Phát triển vật liệu xanh là giải pháp bền vững cho tương lai xanh
Toàn cảnh Hội thảo chuyên đề 2.

Sáng 03/10, trong khuôn khổ Tuần lễ Công trình xanh Viêt Nam 2024 đang diễn ra tại Hà Nội, Viện Vật liệu xây dựng chủ trì tổ chức Hội thảo chuyên đề 2: "Thúc đẩy phát triển vật liệu xanh: Giải pháp bền vững cho một tương lai xanh", nhằm hướng đến các giải pháp phát triển VLXD xanh, VLXD bền vững góp phần đảm bảo mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050... 

Phát triển VLXD xanh là mục tiêu quan trọng

Phát biểu tại Hội thảo, ông Lê Văn Kế -  Phó Vụ trưởng Vụ VLXD cho biết, đối với ngành Xây dựng, phát triển xanh không chỉ giúp giảm thiểu tác động môi trường mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, giảm thiểu chi phí vận hành và bảo dưỡng công trình, đồng thời tối ưu hóa sử dụng tài nguyên thiên nhiên.

Trong lĩnh vực phát triển VLXD, Bộ Xây dựng trong thời gian qua đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều chính sách liên quan đến phát triển ngành VLXD. Trong các chính sách đó, mục tiêu phát triển bền vững, phát triển xanh, bảo vệ môi trường trong sản xuất VLXD luôn là mội nội dung quan trọng.

 Ông Lê Văn Kế -  Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng phát biểu khai mạc Hội thảo.

Chia sẻ xu hướng của thế giới trong sử dụng VLXD xanh, những tiến bộ và cách tiếp cận mới cho thị trường Việt Nam, ông Lê Cao Chiến - Phó Giám đốc Trung tâm Thiết bị, môi trường & an toàn lao động, Viện VLXD cho biết, xu hướng chủ yếu của thế giới trong việc sử dụng VLXD xanh là: sử dụng hiệu quả năng lượng trong công trình; tái chế và tái sử dụng VLXD; sử dụng vật liệu từ nguồn tài nguyên tái tạo; vật liệu thân thiện với sức khỏe con người; công nghệ sinh học và vật liệu phân hủy sinh học; sử dụng công nghệ và vật liệu thông minh.

Ngoài ra, chính sách toàn cầu đang chú trọng đến việc sản xuất và tái chế pin năng lượng mặt trời bền vững, nhằm giảm thiểu tác động môi trường trong toàn bộ vòng đời sản phẩm, từ sản xuất đến tái chế.

Giúp tăng hiệu suất và độ bền của sản phẩm; thúc đẩy tái chế sản phẩm khi hết vòng đời; giảm lượng khí thải carbon từ quá trình sản xuất; khuyến khích tiêu dùng thông minh và thân thiện với môi trường.

Ông Lê Cao Chiến - Phó Giám đốc Trung tâm Thiết bị, môi trường & an toàn lao động, Viện VLXD.

Đáng chú ý, ông Lê Cao Chiến đồng thời chỉ ra những thách thức của thị trường VLXD xanh Việt Nam như: Chi phí đầu tư ban đầu cao; thiếu tiêu chuẩn và quy định cụ thể; hạ tầng chưa phát triển đầy đủ; nguồn cung vật liệu xanh trong nước còn hạn chế... dẫn đến việc phụ thuộc vào nhập khẩu, gây tăng chi phí và thời gian thi công.

Ngoài những thách thức, cơ hội phát triển lĩnh vực này tại thị trường Việt Nam cũng không ít, trong đó Việt Nam đã và đang triển khai nhiều chính sách thúc đẩy phát triển công trình xanh và vật liệu xanh như chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong ngành VLXD xanh.

Thị trường quốc tế ngày càng yêu cầu các sản phẩm và công trình đáp ứng tiêu chuẩn môi trường và bền vững. Điều này tạo cơ hội cho các nhà sản xuất và doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận các thị trường xuất khẩu với các sản phẩm vật liệu xanh.

Đặc biệt, Việt Nam có nguồn tài nguyên tự nhiên phong phú như gỗ, tre, và rơm rạ, có thể tận dụng để phát triển các loại vật liệu xanh và tái tạo. Các loại vật liệu như gạch từ rơm, tre hay gỗ tự nhiên có thể thay thế các VLXD truyền thống.

Khi người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến môi trường và chất lượng sống, việc sử dụng vật liệu xanh trong xây dựng nhà ở và các công trình công cộng sẽ ngày càng được ưa chuộng.

Cách tiếp cận mới cho thị trường Việt Nam

Từ những thách thức và cơ hội này, ông Lê Cao Chiến đã chỉ ra cách tiếp cận mới cho thị trường Việt Nam như việc tối ưu hóa hiệu quả năng lượng trong công trình xây dựng là một trong những cách tiếp cận quan trọng nhất. Các vật liệu như vật liệu cách nhiệt, cửa sổ và hệ thống bao che công trình có thể giúp giảm nhu cầu sử dụng năng lượng để sưởi ấm và làm mát, qua đó giảm phát thải CO2.

Đảm bảo các sản phẩm đưa ra thị trường đều qua kiểm tra an toàn và không chứa chất độc hại.

Ngoài ra, sử dụng các vật liệu tái chế như tro xỉ, vật liệu phá dỡ công trình để làm VLXD các công trình mới giúp giảm khai thác tài nguyên và lượng phế thải, là một phần quan trọng của nền kinh tế tuần hoàn.

Ông Lê Cao Chiến cũng cho rằng, việc hoàn thiện thể chế và chính sách khuyến khích. Xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích sử dụng nguyên liệu tái chế trong sản xuất VLXD. Hạn chế và tiến tới dừng các hoạt động sử dụng không hiệu quả tài nguyên.

Cùng với việc tăng cường đầu tư và phát triển các cơ sở tái chế chất thải từ công nghiệp và xây dựng nhằm cung cấp nguyên liệu tái chế cho ngành VLXD. Việc này không chỉ giúp giảm phế thải mà còn thúc đẩy tiết kiệm tài nguyên.

Đặc biệt, nghiên cứu phát triển công nghệ mới như việc đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ khai thác và sản xuất tiên tiến để giảm phát thải và nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên. Ví dụ, tái chế các phế thải công nghiệp: tro bay và xỉ thép trong quá trình sản xuất xi măng và bê tông.

Sử dụng vật liệu từ nguồn tài nguyên tái tạo. Các loại vật liệu như tre, gỗ, và rơm rạ đang trở thành lựa chọn phổ biến. Những vật liệu này không chỉ tái tạo nhanh chóng mà còn có khả năng lưu trữ CO2 trong suốt vòng đời công trình.

Cần xây dựng và hoàn thiện các tiêu chuẩn về VLXD, sản phẩm nội thất, đồ dùng gia đình, đảm bảo các sản phẩm không chứa các hóa chất độc hại và không phát tán khí thải gây hại cho sức khỏe.

Thiết lập hệ thống kiểm định và chứng nhận vật liệu thân thiện với sức khỏe, đảm bảo rằng các sản phẩm đưa ra thị trường đều đã qua kiểm tra an toàn và không chứa chất độc hại.

Bên cạnh đó, sự phát triển của công nghệ sinh học và vật liệu thông minh, tương lai của ngành Xây dựng xanh sẽ ngày càng phát triển. Việc sử dụng các vật liệu phân hủy sinh học, cùng với tích hợp công nghệ tiên tiến như kính thông minh và hệ thống năng lượng tái tạo, sẽ giúp giảm thiểu tối đa tác động đến môi trường, đồng thời tạo ra các công trình hiệu quả và bền vững hơn.

Cần xây dựng được các bộ tiêu chí nhãn xanh

Ông Đào Danh Tùng - Chuyên viên chính Vụ VLXD cho rằng, việc hoàn thiện hành lang pháp lý là một trong những yêu cầu cấp bách cho sự phát triển, hiện đại hóa và xanh hóa ngành VLXD.

Ông Đào Danh Tùng - Chuyên viên chính Vụ Vật liệu xây dựng

Hiện nay, Việt Nam chưa có các bộ tiêu chí nhãn xanh/nhãn sinh thái/vật liệu xanh; chưa có hệ thống tiêu chuẩn, định mức về sản xuất, sử dụng vật liệu xanh trong công trình xây dựng; còn thiếu các cơ chế chính sách ưu đãi đối với việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng sản phẩm VLXD được gắn nhãn xanh Việt Nam/vật liệu xanh; tồn tại vấn đề về chất lượng các sản phẩm vật liệu xanh, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; chất lượng nguồn nhân lực từ khâu sản xuất vật liệu xanh cho đến các khâu tư vấn lập dự án, thiết kế, thi công, nghiệm thu công trình sử dựng vật liệu xanh còn hạn chế; người tiêu dùng chưa thực sự quan tâm đối với việc sử dụng vật liệu xanh.

Theo ông Đào Danh Tùng cho rằng, cần xây dựng được các bộ tiêu chí nhãn xanh/nhãn sinh thái/vật liệu xanh; hoàn thiện hơn hệ thống tiêu chuẩn, định mức về sản xuất, sử dụng vật liệu xanh trong công trình xây dựng; xây dựng các cơ chế chính sách ưu đãi đối với việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng sản phẩm VLXD được gắn nhãn xanh/nhãn sinh thái/vật liệu xanh; đẩy mạnh việc kiểm soát chất lượng các sản phẩm vật liệu xanh, chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực từ khâu sản xuất vật liệu xanh cho đến các khâu tư vấn lập dự án, thiết kế, thi công, nghiệm thu công trình sử dựng vật liệu xanh; tăng cường hợp tác quốc tế, nhìn ra các nước phát triển, học tập kinh nghiệm về sản xuất, sử dụng vật liệu xanh cũng là những việc cần phải làm sâu sắc hơn nữa để có thể nâng cao tỷ lệ sản xuất và sử dụng các vật liệu xanh ở nước ta trong thời gian tới; tuyên truyền nâng cao nhận thức của người tiêu dung đối với việc sử dụng vật liệu xanh.

Đặc biệt, việc xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn cần phải được nghiên cứu để hoàn thiện và cần phải có quy định để đưa VLXD xanh vào sử dụng trong các công trình, trước mắt là các công trình sử dụng vốn đầu tư công, sau đó là các công trình đầu tư khác. Đề ra những chính sách cấm hay hạn chế những loại VLXD có khả năng gây ô nhiễm môi trường cao...

Việt Nam đang có nhiều cơ hội để phát triển ngành VLXD xanh nhờ vào nguồn tài nguyên tự nhiên phong phú và tiềm năng tái chế các loại vật liệu. Tuy nhiên, để tận dụng hiệu quả các cơ hội này, cần có sự đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng, chính sách hỗ trợ, và nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về lợi ích của vật liệu xanh.

Bình luận