Phát triển VLXD mới tiên tiến, thân thiện môi trường

14:31 20/03/2025
Ngành sản xuất VLXD đang hướng đến công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại, loại bỏ những dây chuyền sản xuất VLXD lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, sản xuất ra các sản phẩm VLXD có tính năng, chất lượng cao, tiết kiệm năng lượng, nguyên, nhiên liệu.
Phát triển VLXD mới tiên tiến, thân thiện môi trường
Khách hàng tham quan Triển lãm quốc tế Vietbuild Hà Nội 2025 lần thứ nhất đang diễn ra tại Cung Triển lãm kiến trúc, quy hoạch xây dựng Quốc gia.

Đòn bẩy chính sách hỗ trợ cho ngành VLXD

Chia sẻ tại Hội thảo "Công nghệ mới, thiết bị tiên tiến, hiện đại phát triển VLXD xanh", ông Lê Văn Kế - Phó Vụ trưởng Vụ KHCN, MT&VLXD (Bộ Xây dựng) cho biết, hiện tại ngành VLXD vẫn tiếp tục gặp khó khăn về tiêu thụ do đầu tư xây dựng, thị trường bất động sản, thị trường nhà ở chưa được triển khai như kế hoạch. Cùng đó, sức ép của VLXD nhập khẩu đặc biệt là mặt hàng kính xây dựng; thị trường xuất khẩu VLXD chưa được cải thiện nhiều.

Trước những tồn tại trên, ông Kế cho rằng, Nhà nước đã ra hàng loạt chính sách hỗ trợ kịp thời cho ngành VLXD và từng bước tháo gỡ những khó khăn. Cụ thể, năm 2024 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị toàn quốc để lắng nghe các ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, báo cáo của Bộ Xây dựng và các bộ ngành, địa phương về thực trạng ngành VLXD nước ta.

Đồng thời, đánh giá tình hình thực tế để chỉ đạo các nhiệm vụ cần phải thực hiện. Trên cơ sở các kết quả trao đổi thống nhất tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 26/8/2024 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và VLXD.

Sau khi Chỉ thị số 28/CT-TTg ban hành, nhiều địa phương đã ban hành kế hoạch, chương trình thực hiện các nhiệm vụ được giao; các doanh nghiệp đã tích cực chủ động thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng, nguyên nhiên liệu, chi phí đầu vào sản xuất, tiết giảm chi phí các khâu trung gian để nâng cao năng lực, khả năng cạnh tranh và tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Mặt khác, các bộ ngành cũng đã vào cuộc tích cực rà soát, nghiên cứu hoàn thiện cơ chế chính sách để triển khai các nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 28/CT-TTg.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 10/2024/TT-BXD về quản lý chất lượng sản phẩm hàng hoá VLXD nhằm tăng cường công tác quản lý chất lượng các sản phẩm, hàng hoá VLXD trong các hoạt động sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, lưu thông trên thị trường và trong quá trình sử dụng.

Từ đó, sàng lọc và phân biệt rõ các sản phẩm, hàng hoá VLXD chất lượng tốt và các loại chất lượng chưa tốt để quản lý chính xác, hiệu quả hơn từng nhóm đối tượng. Khuyến khích nâng cao sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm, hàng hoá VLXD chất lượng tốt và xử lý vi phạm (nếu có) kịp thời đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh các sản phẩm, hàng hoá VLXD chất lượng không đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

Đáng chú ý, Thông tư 10/2024/TT-BXD quy định cụ thể, minh bạch phân biệt các sản phẩm, hàng hoá VLXD (nhóm 2) có khả năng gây mất an toàn về chất lượng công trình, sức khoẻ, môi trường với các sản phẩm VLXD thông thường không có khả năng gây mất an toàn (nhóm 1) và liên thông với pháp luật về hải quan (áp mã hàng hóa, áp mức thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, …).

Ông Lê Văn Kế - Phó Vụ trưởng Vụ KHCN, MT&VLXD chia sẻ về định hướng phát triển VLXD tại Hội thảo.

Định hướng phát triển VLXD mới tiên tiến, thân thiện môi trường

Nhận định về xu hướng phát triển VLXD trong thời gian tới, ông Kế cho rằng, tình hình thế giới và khu vực diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường có thể gây ra những tác động đến sản xuất, kinh doanh VLXD. Nhất là, sự phát triển vượt bậc của khoa học và công nghệ đang đặt ra đòi hỏi phải đẩy mạnh sản xuất chế tạo các vật liệu tiên tiến, vật liệu tính năng cao hơn...

Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế, đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ tại các nước đang phát triển cần sử dụng lượng lớn vật liệu phục vụ xây dựng và sản xuất vật dụng thiết yếu cho sinh hoạt khai thác từ thiên nhiên. 

Cùng đó, các quy chuẩn môi trường sẽ càng càng trở nên nghiêm ngặt, từ đó thúc đẩy các nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sạch, phương thức sản xuất tiêu dùng thân thiện với môi trường và an toàn cho sức khỏe con người trong ngành VLXD.

Ông Kế đánh giá, trong năm 2025 và các năm tới, nước ta sẽ tiếp tục triển khai xây dựng hệ thống đường cao tốc Bắc - Nam với mục tiêu đạt 3.000 km đến hết năm 2025, đạt 5.000 km đến hết năm 2030 và khoảng 9.000 km đến hết năm 2050; các công trình, dự án giao thông trọng điểm quốc gia; xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp và các chương trình, dự án xây dựng nhà ở khác, cùng với nhu cầu rất lớn về nhà ở của người dân;… do vậy, sẽ có nhu cầu rất lớn về VLXD.

Với các giải pháp đồng bộ tiếp tục được triển khai theo Chỉ thị số 28/CT-TTg về hoàn thiện cơ chế chính sách; Áp dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi sản xuất của ngành, nhất là sản xuất xanh có thể dự báo thị trường tiêu thụ các sản phẩm, hàng hoá VLXD trong thời gian tới sẽ tăng lên để đáp ứng nhu cầu xây dựng trong nước và đồng thời xuất khẩu ra thị trường các nước khác trên thế giới.

Ông Kế cho rằng, định hướng phát triển VLXD năm 2025 và các năm tới cần tập trung vào một số nội dung chủ yếu như: Phát triển ngành VLXD hiệu quả, bền vững, đáp ứng cơ bản nhu cầu trong nước, từng bước tăng cường xuất khẩu, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội; Phát triển các sản phẩm VLXD mới có tính năng mới hoặc đạt các giới hạn mới về tính năng, đồng thời thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính trong quá trình sản xuất và sử dụng...

Theo ông Tống Văn Nga – Chủ tịch Hội VLXD Việt Nam, ngành VLXD Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ, không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn vươn ra thị trường quốc tế với chất lượng và giá cả cạnh tranh.

Trong xu hướng phát triển bền vững, ngành VLXD đang tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ xanh, thân thiện với môi trường, góp phần xây dựng nền kinh tế tuần hoàn. Đặc biệt, ngành VLXD đang đẩy mạnh xu hướng phát triển bền vững, ứng dụng vật liệu thân thiện với môi trường xu hướng "xanh hóa" trong ngành Xây dựng không còn là lựa chọn mà đã trở thành yêu cầu tất yếu.

Bình luận