Qua vụ tranh chấp nhà đất tại Vĩnh Long: Một sai lầm có thể biến trắng thành đen!

09:00 31/03/2024
Hệ thống pháp luật của nước ta đã không ngừng hoàn thiện nhưng nếu sự nhận thức, hiểu biết và vận dụng của các cơ quan tư pháp không sâu sắc, không thấu đáo, không minh bạch… thì không chỉ khiến sự chuẩn mực của pháp luật bị bóp méo, cán cân công lý bị sai lệch mà còn khiến niềm tin của người dân vào công lý bị chao đảo, nhiều gia đình chìm nổi, thậm chí có thể làm tan nát cả một dòng họ…

Kỳ 1: Câu chuyện về người con nuôi bất đắc dĩ

Nguồn gốc vụ việc diễn ra bắt đầu từ năm 1976, khi cụ Lê Quang Diệu (trú tại huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) mất và không để lại di chúc.

Cụ có 3 người con gái là Lê Thị Ngà, Lê Thị Tươi và Lê Thị Xuyến. Do không có con trai nên trong gia phả của dòng họ, cụ đã quyết định giao cho người con gái út là Lê Thị Xuyến trách nhiệm chăm lo hương hỏa và ghi tên bà vào gia phả dòng họ.

Để hoàn hảo ý nguyện này, cụ đã đem con trai của của bà Tươi là Huỳnh Văn Thảo giao cho bà Xuyến làm con nuôi từ nhỏ và đổi cả họ lẫn tên thành Lê Thanh Phong với hy vọng dòng họ Lê vẫn tiếp tục được nối dõi.

Khi mất, cụ Lê Quang Diệu để lại 3 mảnh đất vườn có diện tích khác nhau với tổng cộng khoảng 34.000 m2, mà theo bản án của Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Vĩnh Long ngày 21/3/2023 thì gồm có thửa số 147 là 8.850 m2; thửa số 148 là 13.520 m2 và thửa số 149 là 9.770 m2. Trên thửa 149 có một căn nhà cấp 4 do cụ Diệu xây cất từ trước năm 1975.

Năm 1991, khi có chính sách về kê khai ruộng đất để làm giấy chứng nhận thì cả gia đình thống nhất để cả 3 người là bà Ngà, bà Tươi và bà Xuyến cùng đứng tên kê khai. Do bà Tươi lấy chồng xa nên phần của bà Tươi sẽ do bà Trần Kim Sang (con của bà Ngà) đứng tên kê khai.

Năm 1993, trước khi bà Xuyến đi định cư ở nước ngoài cùng gia đình đã làm các thủ tục và giao lại toàn bộ quyền quản lý và sử dụng tài sản là thửa đất 148 do bà Xuyến đứng tên cho ông Phong được quản lý và sử dụng.

Đối với thửa đất 149, sau khi bà Ngà mất năm 1991, các con bà Ngà (trong đó có bà Trần Kim Sang) đã lập tờ “Đơn xin trao trả đất hương hỏa” năm 1993 sang cho bà Lê Thị Tươi và xác định đây là đất hương hỏa, không có quyền thừa kế.

Với thửa đất 147, cũng năm 1993, bà Trần Kim Sang đã làm “Đơn xin xác nhận trả đất” giao cho bà Lê Thị Tươi do không còn nhu cầu sử dụng. Bà Tươi tiếp quản và cùng ông Phong quản lý, canh tác nhưng không làm thủ tục pháp lý đứng tên do nhận thấy chưa cần thiết. Đến năm 2007, cả bà Tươi và bà Sang đều làm thủ tục pháp lý tặng cho ông Phong…

Đến đây, mọi người đều dần dần nhận ra rằng, di nguyện của cụ Lê Quang Diệu đang được các con và cháu của cụ thực hiện một cách thành kính và nghiêm túc. Đến năm 2008, tất cả các mảnh đất đều được UBND huyện Trà Ôn cấp giấy chứng nhận đứng tên ông Lê Thanh Phong.

Chưa hết, khi ở nước ngoài, bà Xuyến cùng các con, cháu luôn luôn nhớ về cội nguồn và di nguyện của cha ông nên đã nhiều lần gửi tiền về cho ông Lê Thanh Phong để xây nhà thờ Tổ vào những năm 2006 - 2007, tổng cộng khoảng 125.000 USD (tuy nhiên, khi ra tòa xử tranh chấp, con số có chứng từ chấp nhận chỉ là khoảng 73.000 USD).

Cùng thời gian đó, ngôi nhà thờ Tổ dạng biệt thự kiên cố đã được xây dựng và hoàn công vào năm 2008. Ông Phong với tư cách là người được thừa hưởng quản lý và sử dụng di sản của cha ông đã cùng những người trong dòng họ Lê thực hiện tâm nguyện của người quá cố.

Sau khi đưa con ra nước ngoài học tập và sinh sống, năm 2012, ông Lê Thanh Phong về Việt Nam có lập Hợp đồng gửi giữ cho bà Huỳnh Thị Thu Thủy và Huỳnh Thị Thu Loan (chị gái và em gái) để tạm thời quản lý và thực hiện nghĩa vụ với ông bà tổ tiên thay ông Phong…

Sự việc đến đây có thể thấy tất cả đều hoàn hảo nếu không xảy ra sự kiện năm 2013, khi bà Xuyến muốn hồi hương về sống nơi quê cha đất tổ thì 2 người quản lý mảnh đất và ngôi nhà xưa kia của bà là Huỳnh Thị Thu Thủy và Huỳnh Thị Thu Loan đã không cho bà vào ở, khiến phải đi ở nhờ.

Ngày 04/9/2015, bà Lê Thị Xuyến làm văn bản lên các cơ quan pháp luật xin rút lại việc ủy quyền đã từng giao lại tài sản cho ông Phong quản lý.

Trong các ngày 16 và 21/3/2023, TAND tỉnh Vĩnh Long đã mở phiên tòa xét xử công khai về việc “Tranh chấp đòi lại tài sản và yêu cầu vô hiệu hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất” với những sự việc tóm tắt như trên. Khi tuyên án, Tòa đã quyết định xác nhận quyền lợi hợp pháp của bà Lê Thị Xuyến với những tài sản của cha ông để lại.

Trong các ngày 12 và 26/9/2023, TAND cấp cao tại TP.HCM đã mở phiên tòa phúc thẩm xét xử công khai vụ án nhưng lại có phán quyết ngược lại, đó là công nhận quyền sở hữu ngôi nhà và quyền sử dụng đất của ông Lê Thanh Phong với những tài sản của dòng họ Lê để lại.

Một vấn đề đặt ra, tại sao cùng một dòng diễn biến lịch sử trong một dòng họ, cùng một hệ thống pháp lý của một quốc gia soi chiếu mà lại có những quyết định trái ngược 180 độ như vậy? Chúng ta sẽ phân tích tiếp…

Kỳ sau: Cuộc chuyển dịch âm thầm tài sản từ dòng họ Lê sang dòng họ Huỳnh

Bình luận