Sáng 15/8, tọa đàm chủ đề Quản lý chất thải rắn xanh và vệ sinh môi trường xanh hướng tới đô thị xanh và bền vững đã diễn ra tại Hà Nội.
Sự kiện do Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng phối hợp với Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (Urenco) và Hiệp hội Môi trường đô thị và và KCN Việt Nam tổ chức.
Chất thải rắn sinh hoạt và những thách thức với phát triển đô thị bền vững
Tại tọa đàm, ông Phạm Văn Đức - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (Urenco) cho biết, trên thế giới, chất thải rắn sinh hoạt đã trở thành một vấn đề ngày càng phức tạp. Từ năm 2012, lượng chất thải rắn sinh hoạt đã đạt mức 1,3 tỷ tấn và dự kiến sẽ tăng lên 2,2 tỷ tấn vào năm 2025.
Tại Việt Nam, chất thải rắn sinh hoạt đang gia tăng nhanh chóng ở mức đáng lo ngại, kể cả về khối lượng phát sinh và mức độ nguy hại.
Năm 2010, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên toàn quốc là khoảng 44.400 tấn/ngày, đến năm 2019 đã tăng lên hơn 64.000 tấn/ngày, tăng 46% so với năm 2010.
Dự báo, đến năm 2030 sẽ có gần khoảng 92.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt phát sinh mỗi ngày.
Theo ông Phạm Văn Đức, hiện nay, hầu hết chất thải rắn sinh hoạt ở Hà Nội đã được thu gom, xử lý. Tuy nhiên, lượng chất thải rắn sinh hoạt đang gia tăng nhanh chóng, trong khi phần lớn chưa được phân loại tại nguồn.
Chất thải rắn sinh hoạt có khả năng tái chế, tái sử dụng được thu gom, vận chuyển chung với chất thải thực phẩm và chất thải khác, gây khó khăn trong việc phân loại. Điều này đã và đang gây áp lực lớn đến công tác thu gom, vận chuyển, xử lý và ngân sách dành cho xử lý chất thải rắn sinh hoạt của Thủ đô…
Đồng quan điểm, bà Sarah Remmei - Chuyên gia Quy hoạch đô thị và môi trường, cho biết, theo thống kê, có đến 85% lượng chất thải rắn trên thế giới được đưa thẳng ra bãi rác mà không qua xử lý, đây là một vấn đề rất nan giải, khi lượng chất thải rắn hàng ngày cao và khó xử lý.
Có thể thấy, chất thải rắn và vệ sinh môi trường là hai trong số những nhân tố ảnh hưởng lớn đến phát triển đô thị bền vững.
PGS.TS Lưu Đức Hải - Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng cho rằng, trong quá trình xây dựng và phát triển đô thị theo hướng bền vững, việc tìm hiểu và ứng dụng các nghiên cứu về hệ thống hạ tầng xanh cần được quan tâm một cách đúng mức, cần có sự chung tay của các cấp chính quyền và toàn xã hội.
“Thuật ngữ "xanh" đã được đề cập trong các chính sách của Nhà nước. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có khái niệm đầy đủ, thống nhất về đô thị xanh và hạ tầng xanh trong đô thị”, PGS.TS Lưu Đức Hải cho biết.
Chuỗi toạ đàm về hạ tầng xanh và các thành phần của hạ tầng xanh trong đô thị đã từng bước hệ thống hóa cơ sở lý luận về hạ tầng xanh và các thành phần của hạ tầng xanh một cách toàn diện, từ đó kiến tạo đô thị xanh qua nhiều giải pháp.
Giải pháp kiến tạo môi trường đô thị xanh, thân thiện và bền vững
Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia, nhà khoa học đã cùng nhìn lại bức tranh toàn cảnh về công tác quản lý chất thải rắn tại Việt Nam, tham khảo kinh nghiệm thế giới, từ đó đề xuất một số giải pháp trong công tác quản lý chất thải rắn xanh và vệ sinh môi trường xanh một cách phù hợp, thông minh và hiệu quả.
Đánh giá thực trạng và viện dẫn kinh nghiệm về xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ một số quốc gia trên thế giới, bà Sarah Remmei - Chuyên gia Quy hoạch đô thị và môi trường, cho rằng, để khắc phục tình trạng trên, Việt Nam cần đẩy mạnh cải cách chính sách và thực thi pháp luật trong lĩnh vực quản lý, xử lý rác thải hướng đến sự phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần tăng cường thu hút nguồn lực từ khu vực tư nhân và khu vực phi chính thức trong việc xử lý, tái chế chất thải theo hướng xanh, thân thiện với môi trường; đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền để thay đổi nhận thức, từ đó có hành vi ứng xử phù hợp với rác thải, biến rác thành tài nguyên.
Trong khi đó, ở góc độ xây dựng hạ tầng KCN xanh, ThS.KS Bạch Ngọc Tùng - GĐ Công ty CP Công nghệ Xây dựng ACUD Việt Nam cho biết, tính đến hết năm 2023, cả nước đã có 414 KCN với tổng diện tích khoảng 89 ngàn ha. Do đó, phát triển kết cấu hạ tầng xanh cho các KCN tại Việt Nam hướng tới mục tiêu trung hoà carbon đến năm 2050 là một mục tiêu quan trọng và cần thiết, cần có một chiến lược toàn diện bao gồm các giải pháp kỹ thuật, chính sách quản lý.
Giải pháp phát triển hạ tầng xanh cho KCN tại Việt Nam, ThS.KS Bạch Ngọc Tùng cho rằng, trước tiên phải có quy hoạch KCN xanh, cùng với đó là các giải pháp ưu tiên sử dụng năng lượng tái tạo, quản lý và xử lý nước thải bền vững, quản lý chất thải tối ưu, xây dựng hệ thống giao thông bền vững, sử dụng vật liệu xanh, nâng cao nhận thức của người dân…
Đặc biệt, cần có giải pháp tích hợp không gian xanh nhằm tạo ra các khu công viên, cây xanh và vườn hoa trong, xung quanh các KCN để cải tiện môi trường; sắp xếp các khu vực sản xuất, kho bãi, văn phòng theo cách tối ưu để giảm thiểu khoảng cách vận chuyển nội bộ, tiết kiệm năng lượng, chi phí.
Nói về tình trạng ô nhiễm rác thải (chủ yếu là chất thải nhựa) tại các đô thị du lịch, ThS Vương Thu Hoài - Viện Quy hoạch môi trường, hạ tầng đô thị và nông thôn, cho biết, thực trạng này đã làm ảnh hưởng tiêu cực tới trải nghiệm của du khách và ảnh hưởng không nhỏ tới hình ảnh du lịch của Việt Nam.
Dự báo tới năm 2030, lượng chất thải nhựa phát sinh sẽ cao gấp 3 lần năm 2019, lên tới 336.400 tấn/năm. Như vậy, lượng chất thải nhựa từ hoạt động sinh hoạt, du lịch sẽ gây mất mỹ quan đô thị và ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động du lịch nếu không được quản lý chặt chẽ.
Giải pháp cho vấn nạn này, ThS Vương Thu Hoài cho rằng, cần kết hợp các giải pháp tăng cường quản lý chất thải nhựa tại các đô thị ven biển; tách dòng chất thải nhựa khỏi chất thải rắn thông thường bằng cách phân loại tại nguồn, giảm thiểu và tái chế; từng bước xây dựng hệ thống xử lý chất thải rắn với công nghệ phù hợp (giảm phụ thuộc vào chôn lấp) và đồng bộ với phương án phân loại tại nguồn.
Một giải pháp không thể thiếu là nâng cao nhận thức và thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân, khách du lịch; các cơ sở du lịch tại địa phương cũng cần có trách nhiệm cam kết cắt giảm việc sử dụng chất thải nhựa, thay thế bằng các sản phẩm có khả năng tái sử dụng cũng như tuyên truyền tới du khách về hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa.
Cũng tại toạ đàm, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, đại diện các doanh nghiệp cũng đã cùng trao đổi kinh nghiệm và chia sẻ những mô hình quản lý tiên tiến, đồng thời đề xuất các giải pháp công nghệ mới trong xử lý chất thải và bảo vệ môi trường.
Những sáng kiến và những nội dung được thống nhất tại toạ đàm được kỳ vọng sẽ sớm được triển khai trong thực tế, góp phần kiến tạo môi trường đô thị xanh, thân thiện và bền vững hơn cho tương lai.