Quản lý chất thải rắn xanh - tạo lập những đô thị xanh bền vững Quản lý chất thải rắn xanh - tạo lập những đô thị xanh bền vững

Quản lý chất thải rắn xanh - tạo lập những đô thị xanh bền vững

55% dân số thể giới hiện đang sinh sống tại các đô thị hoặc thành phố và đến năm 2050, con số này được dự đoán sẽ tăng lên tới 68% theo đánh giá của UN-Habitat1. Tổng dân số Đông Nam Á tăng trưởng với tốc độ trung bình hàng năm là 1,02% trong giai đoạn 2015 - 2020, nhưng dân số thành thị tăng ở mức 2,21% và dự kiến tiếp tục có xu hướng gia tăng2. Việc quản lý chất thải một cách bền vững sẽ là thách thức chính đối với các quốc gia đang phát triển. 

Theo báo cáo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (World Bank)3, tỷ lệ thu gom chất thải tại các nước có thu nhập cao gần như là 100%. Tuy nhiên, tỷ lệ thu gom chất thải chỉ rơi vào mức 39% tại các nước có thu nhập thấp và 51% tại các nước có thu nhập trung bình thấp.

Mức tăng trưởng kinh tế và dân số cao sẽ thúc đẩy phát sinh chất thải. Khối lượng chất thải được dự đoán sẽ tăng hơn 2,5 lần đối với các quốc gia có thu nhập thấp (low-income countries, LIC) và tăng gần như gấp đôi đối với các quốc gia có thu nhập trung bình. 

Đối với các quốc gia có thu nhập trung bình như Việt Nam, dự kiến sẽ chứng kiến mức tăng lớn nhất cả về lượng chất thải bình quân đầu người lẫn tổng lượng chất thải phát sinh. 

Để hình dung trong bối cảnh của Việt Nam, theo dữ liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Việt Nam phát thải khoảng 60.000 tấn chất thải sinh hoạt mỗi ngày. Đáng chú ý, chỉ riêng chất thải phát sinh ở các khu vực đô thị Hà Nội và TP.HCM đã chiếm tỷ trọng lớn từ 7.000 đến 9.000 tấn chất thải trên mỗi khu vực. Lượng chất thải phát sinh này được dự đoán sẽ tăng thêm khoảng 10 đến 16% vào năm 2025. 

Lượng chất thải rắn (CTR) trên toàn cầu đang cao và tăng mỗi ngày. Con số này được dự đoán sẽ đạt đỉnh vào năm 2100. CTR là một tác nhân chủ đạo góp phần phát thải khí nhà kính (GHG) do người dân vứt rác không đúng quy định. Một số đánh giá ước lượng rằng sẽ có khoảng 2,6 tỷ tấn khí tương tự khí CO2 phát thải từ chất thải rắn vào năm 2050.

Trong đó, khí metan phát thải từ chất thải hữu cơ tự phân hủy là tác nhân đóng góp lượng khí GHG lớn nhất đến từ ngành công nghiệp chất thải rắn, và các bãi rác mở sẽ là nguồn phát thải 5 đến 10% khí GHG nhân tạo trên toàn cầu vào năm 2025 trong bối cảnh hoạt động kinh doanh duy trì như bình thường4.

Một mắt xích quan trọng khác giữa CTR và kinh tế đó là CTR đóng vai trò quan trọng trong bất kỳ bối cảnh kinh tế tuần hoàn nào. Trên thực tế, nó là nền tảng để xây dựng nên tính tuần hoàn của kinh tế. Kinh tế tuần hoàn không chỉ giải quyết phần cuối cùng của chuỗi - tái chế và phục hồi CTR, mà nó tham gia vào cả chu kỳ, bao gồm thiết kế, sản xuất, sử dụng và giai đoạn chất thải thành phẩm.

Kinh tế tuần hoàn cũng liên quan đến tiết giảm tiêu dùng không cần thiết. Nhưng, nếu không có một hệ thống quản lý CTR tốt, thì không thể tạo ra được nền kinh tế tuần hoàn. Thêm vào đó, sẽ không thể đạt được các mục tiêu khí hậu nếu không có sự chuyển giao tuần hoàn. Một nền kinh tế tuần hoàn hơn có thể cắt giảm khí thải trong mọi lĩnh vực.

Các quốc gia Tây Âu đã áp dụng kinh tế tuần hoàn trong cuộc cải cách chính sách của họ, và quản lý chất thải rắn là một phần trong các giải pháp tuần hoàn. 

CTR cũng góp phần phát thải khí nhà kính (green house gas - GHG) và sau đó sẽ gây tác động lên tình trạng biển đổi khí hậu. Thiếu sót trong việc hoạch định hay quy hoạch quản lý chất thải yếu kém cũng có thể làm gia tăng lượng khí thải vốn đã cao trong chuỗi xử lý chất thải. Ví dụ, các tuyến thu gom chất thải thiếu hiệu quả hay sử dụng phương tiện giao thông cũ để vận chuyển chất thải đều có thể làm gia tăng lượng khí thải ra môi trường.

Tại Việt Nam, việc xử lý CTR trên đất liền đóng góp xấp xỉ 54,28% vào lượng khí thải nhà kính trên cả nước. Do thiếu hụt dữ liệu, nên dữ liệu chính xác về lượng khí thải tính theo tấn hay các đơn vị khác không được đề cập cụ thể trong các nguồn dữ liệu có sẵn.

Tuy nhiên, cần phải chú ý rằng, phần lớn lượng khí thải này là metan, một loại khí nhà kính độc hại được thải ra khi chất thải hữu cơ phân hủy trong các bãi chôn lấp rác và khoảng 85% lượng rác thải của quốc gia được đưa thẳng đến bãi rác mà không được xử lý qua.

Quản lý CTR không hợp lý gây ra nhiều hệ lụy đến đời sống con người. Việc xử lý chất thải và thu gom chất thải không hợp lý có thể dẫn đến ô nhiễm nước mặt, nước ngầm, đất và không khí.

Ví dụ, khi vứt chất thải không đúng quy định dọc lề đường, trong rừng, trong những bãi rác không đúng quy định, đất ngập nước, hồ và suối, hay đốt chất thải không đúng cách. Chất thải độc hại rò rỉ ra đất có thể tác động trực tiếp lên sức khỏe. Điều này kéo theo sự suy giảm chất lượng cuộc sống và thậm chí là kinh tế. 

Trong những năm gần đây, các thành phố đang phải đối mặt với những thách thức trong việc quản lý chất thải khi mà lượng chất thải ngày một gia tăng. Các bãi chôn lấp rác đang đầy dần và gây ô nhiễm, gia tăng nhu cầu cần thêm đất để mở rộng hoặc tạo các địa điểm đổ rác mới.

Đây là một thách thức lớn, yêu cầu cần có giải pháp nhằm giải quyết vấn đề quản lý CTR sao cho bền vững và thân thiện với môi trường. Việc áp dụng tái chế và tiết giảm chất thải cũng cần thiết bên cạnh việc tìm kiếm các giải pháp giảm thiểu ảnh hưởng lâu dài gây hại. 

Tiết giảm CTR sẽ không chỉ bảo vệ môi trường, mà còn tiết kiệm chi phí hay giảm thiểu chi phí xử lý rác thải. Cũng như vậy, tái chế và/hoặc tái sử dụng CTR sẽ giúp môi trường bằng cách giảm thiểu nhu cầu khai thác các nguồn lực và giảm khả năng gây ô nhiễm. 

Chúng ta cần phải hiểu đâu là các vấn đề tiềm ẩn trong quản lý chất thải để có thể quản lý hiệu quả và để giải quyết các vấn đề cấp thiết cũng như ưu tiên đầu tư. Một số vấn đề then chốt trong quản lý chất thải phổ biến ở các quốc gia có thu nhập trung bình và đang phát triển sẽ được làm nổi bật trong bài viết này.

♦ Thiếu quy trình phân loại và quy trình tái chế 

Thiếu phân loại CTR tại nguồn gây ra những rào cản lớn trong quy trình quản lý chất thải hiệu quả. Việc không phân loại rác hợp lý trước khi xử lý CTR làm hao hụt tiềm năng tái chế và tái sử dụng vật liệu quý. Do vậy, quy trình xử lý chất thải sau đó sẽ trở nên phức tạp hơn và gia tăng áp lực đối với hạ tầng quản lý CTR hiện có. Nếu không có quy định bắt buộc và quy trình phân loại tại nguồn (tại các hộ gia đình, văn phòng, cơ quan và nhà máy công nghiệp), thì lượng chất thải sẽ tiếp tục gia tăng, và làm giảm tiềm năng tái chế.

♦ Mô hình xử lý CTR yếu kém và thiếu cơ sở hạ tầng

Mặc dù lượng CTR phát sinh không đều, nhưng quy trình xử lý CTR ở Việt Nam nhìn chung chưa hiệu quả. Theo Bộ TN&MT, phần lớn CTR trên cả nước (73,5%) bị đem vứt ở các bãi rác mở. Hơn 23 triệu tấn rác thải sinh hoạt và 7 triệu tấn CTR công nghiệp bị thải ra môi trường mỗi ngày ở Việt Nam. Có khoảng 458 bãi rác và 337 trong số đó không đạt chuẩn vệ sinh5.

Hiện nay, phần lớn chất thải rắn được đưa đến các bãi chôn lấp, nhưng chỉ 20% trong số đó đạt tiêu chuẩn vệ sinh theo Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2021 của Bộ TN&MT6. Tuy chôn lấp rác là một phương pháp đơn giản và dễ hiểu, nhưng phương pháp này đã lỗi thời và tốn kém. Thêm nữa, nếu không được quản lý chặt chẽ, thì quá trình phân hủy rác ở các bãi chôn lấp có thể dẫn đến tình trạng ô nhiễm đất, không khí và nguồn nước ngầm, khiến cho các vấn đề môi trường trở nên trầm trọng hơn.

Các công nghệ đang được sử dụng bao gồm sử dụng lò đốt, kết hợp đốt với ủ phân bón, và phổ biến nhất là công nghệ kết hợp chôn lấp với ủ phân bón. Hiện các nhà sản xuất trong nước chỉ sản xuất đồ chứa chất thải, trong khi đó, xe tải và vật dụng phân loại được nhập khẩu từ nước ngoài.

♦  Lượng phát sinh chất thải nhựa / không thể phân hủy cao

Tình trạng quản lý chất thải ở Việt Nam cho thấy những thách thức lớn do số lượng chất thải nhựa phát sinh hằng ngày. Một nghiên cứu của Ngân hàng thế giới cho thấy, chất thải nhựa là loại chất thải được tìm thấy nhiều nhất ở các khu vực sông và vịnh, chiếm 94% tổng số rác và 71% tổng trọng lượng7. Trong tổng số chất thải nhựa, chỉ riêng tốp 10 vật dụng nhựa phổ biến nhất đã chiếm hơn 80%. 

♦ Thiếu quản lý tổng hợp CTR

Quá trình thực hiện hệ thống thu gom tổng hợp chất thải ở Việt Nam tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức. Quản lý tổng hợp CTR là một hệ thống được sử dụng để tiết giảm, thu gom, tái chế và xử lý chất thải thành phẩm phát sinh từ các hoạt động sử dụng đất dân cư, cơ quan, thương mại và công nghiệp.

Không hiếm để chúng ta có thể bắt gặp được hình ảnh những túi rác to nhỏ rải rác khắp đường phố Việt Nam, trong đó chứa rác chưa được phân loại, trước khi chúng được chất lên các xe tải chở rác và vận chuyển đến các điểm thu gom rác.

Quy trình quản lý chất thải rắn thiếu đi hệ thống tổng hợp sẽ thiếu hiệu quả, như việc phân loại rác tại nguồn sẽ không có ích hoặc có tác động tích cực nếu tất cả những loại CTR này rốt cuộc vẫn bị đổ chung vào cùng một bãi chôn lấp rác. Do vậy, cần phải có hệ thống tổng hợp để đóng lại lỗ hổng và hưởng lợi từ việc đầu tư vào bất kỳ quá trình quản lý CTR cụ thể nào. 

♦ Nhận thức của người dân thấp

Theo kết quả khảo sát, các vấn đề môi trường nhận được sự quan tâm lớn từ người dân Việt Nam, với 73% số người tham gia, đặc biệt là ở những khu vực đô thị trung tâm như TP.HCM và Hà Nội. Mặc dù nhiều người ý thức được những thách thức môi trường hiện nay, nhưng 40% số người trong độ tuổi từ 15 đến 24 thú nhận rằng, họ không thực sự ý thức được mức độ ảnh hưởng của suy thoái môi trường lên khu vực địa phương của họ.

Sự thiếu nhận thức này khiến cho tỷ lệ tham gia hoạt động môi trường, như là hoạt động phân loại rác, trở nên thấp hơn. Khảo sát này cũng cho thấy rằng, chỉ 30% số người ở độ tuổi Gen Z là đã tham gia các hoạt động hoặc các buổi sinh hoạt bảo vệ môi trường địa phương8

Xử lý chất thải một cách bền vững đem lại vô vàn lợi ích và phương pháp quản lý CTR hiện nay đã phát triển hơn trước. Cùng với đó, việc giảm thiểu CTR tại nguồn đã được chú trọng hơn. Dưới đây là tóm tắt những mô hình quốc tế tốt nhất trong việc quản lý CTR xanh.

Các thành phố có thể hưởng lợi ích không chỉ là chi phí đầu tư hạ tầng thấp, mà còn tiết giảm tổng lượng phát thải khí GHG từ việc quản lý CTR bền vững. Điều này rất quan trọng bởi các quốc gia hiện đang phải đấu tranh để tiết giảm khí thải và giữ mức nhiệt độ biến đổi khí hậu mục tiêu đến năm 2030 ở mức 1,5° (theo Thỏa thuận Pari 2015).

Thỏa thuận Pari 2015 là dấu mốc trong công cuộc giải quyết biến đổi khí hậu do ở đó các quốc gia thành viên đã đồng thuận giới hạn nóng lên toàn cầu ở mức 1,5°C, khí nhà kính cần đạt đỉnh muộn nhất trước năm 2025 và giảm 43% vào năm 2030. Những mô hình quốc tế tốt nhất trong bài viết này đều giúp quốc gia thực hiện chúng giảm tổng lượng khí thải và một số phát hiện cho thấy kết quả tích cực. 

Osaki (Nhật Bản): Những nỗ lực tái chế cho thấy tác động tốt lên quá trình giảm phát thải khí nhà kính và theo khảo sát của Viện Nghiên cứu Môi trường Quốc gia Nhật Bản, lượng phát thải khí của thị trấn Osaki đã giảm 38% so với các thành phố áp dụng phương pháp đốt chất thải rắn. 

Thụy Điển: Bằng cách biến CTR thành điện, Thụy Điển đã giảm 2,2 triệu tấn lượng phát thải khí CO2 mỗi năm. Trong giai đoạn 1990 và 2006, lượng khí thải CO2 giảm 34% và lượng phát thải khí nhà kính giảm thêm 76% vào năm 2020 so với các mức đo được vào năm 1990.

Hà Lan: Vào năm 2018 có 7,5 triệu tấn CTR trong các thành phố được đem đi đốt, gây ra 7,8 triệu tấn CO2 thải ra môi trường, 63% lượng khí này có gốc sinh học, trong khi đó 37% còn lại là khí CO2 hóa thạch. Các bãi chôn lấp chủ yếu thải ra loại khí GHG dưới dạng khí metan, chiếm 2,3 triệu tấn khí thải tương tự CO2 vào năm 2020. Các loại khí thải này đang tự giảm và dự kiến sẽ giảm xuống còn 0,9 triệu tấn vào năm 2040. 

 

Trong bối cảnh Việt Nam, ba khuyến nghị dưới đây có thể thúc đẩy thay đổi trong môi trường, nền kinh tế và tiết giảm khí thải thông qua quản lý CTR xanh và bền vững. 

♦ Cải cách chính sách và thực thi pháp luật

Việc áp dụng cải cách chính sách và thực thi pháp luật là cần thiết để có thể có sự thay đổi thực sự trong quy trình quản lý CTR. Điều này cũng sẽ giúp xây dựng nền quản trị tốt và gia tăng nhận thức cộng đồng như trường hợp về phân loại CTR ở Hàn Quốc hay lệnh cấm nhựa ở Hoa Kỳ.

Phương pháp này cho thấy tỷ lệ thành công cao và các chính sách cũng như quy định tương tự là cần thiết để thúc đấy những thay đổi dù là trong thực hiện tái chế tại nguồn, cấm cốc, đồ đựng bằng nhựa hay thực hiện phân loại rác thực phẩm. Có một quy tắc rõ ràng cho các thể chế khác nhau như khu dân cư, lĩnh vực thương mại và công nghiệp, cũng như thực thi nghĩa vụ của họ trong việc xử lý CTR sẽ tạo cơ hội nghề nghiệp, tiết giảm CTR và giảm khí thải từ CTR.

♦ Thu hút khu vực tư nhân và khu vực phi chính thức

Việc thu hút khu vực tư nhân là rất quan trọng để có thể sử dụng kiến thức chuyên môn của họ và cung cấp hỗ trợ kỹ thuật như máy móc mới và lò đốt mới, hay thiết bị theo dõi CTR… và cùng kết hợp làm đối tác đầu tư cho tương lai, tạo nên mối quan hệ đôi bên cùng có lợi.

Ở Việt Nam, việc quản lý CTR không thể thiếu vắng khu vực phi chính thức bởi họ là mấu chốt của chuỗi tái chế. Do vậy, thu hút họ tham gia ngay từ đầu rất quan trọng, để hiểu quan điểm và nhận nhận xét từ họ về những hoạt động có thể thực hiện để lấp đầy những điểm còn thiếu sót và vượt qua thách thức để cho phép họ tiếp tục là một phần của hệ sinh thái này (kết nối và liên kết). Và có vẻ, hợp tác chính là chìa khóa để cho ra những kết quả tích cực.

♦ Nâng cao nhận thức

Một thành tố quan trọng trong bất kỳ chương trình hay chính sách quản lý CTR nào bên cạnh chính sách hợp lý, hỗ trợ chuyên môn vững chắc và hỗ trợ tài chính đầy đủ chính là nhận thức cộng đồng và sự tham gia của cộng đồng. Nhận thức là mức độ hiểu biết của các cá nhân và lượng kiến thức các cá nhân có về các mô hình và phương pháp sử dụng trong quản lý CTR. Nó bao gồm việc ý thức được tầm quan trọng của việc tiết giảm, phân loại, tái chế và phương pháp xử lý CTR phù hợp.

Việc tập trung vào tìm kiếm cơ chế đúng để tác động đến thay đổi hành vi thực sự và mang tính biến đổi là rất quan trọng bởi thay đổi có thể chỉ duy trì trong khoảng thời gian ngắn khi mà sự thay đổi ấy có tính tiện lợi và tính khuyến khích. Thêm vào đó, việc sử dụng phương tiện truyền thông, người có tầm ảnh hưởng và phương tiện giáo dục thông qua các chương trình học để chạm tới càng nhiều người càng tốt cũng là một cách.

 

Một vấn đề phổ biến mà mọi thành phố áp dụng mô hình tiên tiến được kể đến ở đây, đó là sự thiếu hụt địa điểm chôn lấp rác và điều đó khiến họ phải suy nghĩ lại hoặc tìm giải pháp quản lý CTR xanh và bền vững. Cơ hội dành cho Việt Nam đó là đầu tư sớm vào quản lý CTR xanh trên phạm vi hàng trăm thành phố vừa và nhỏ trên cả nước và không chờ đến lúc việc thiếu hụt bãi chôn lấp rác trở thành vấn đề không thể vượt qua được.

Chìa khóa thực sự dẫn đến quản lý CTR xanh và bền vững nằm ở việc tiết giảm CTR tại nguồn thông qua quy tắc 3R - tái chế, tái sử dụng và tiết giảm. Lượng công việc trong quản lý quy trình thu gom và chôn lấp sẽ giảm đáng kể nếu như lượng chất thải cần quản lý giảm đi. Bất kỳ chính quyền thành phố nào cũng có thể thực hiện chính sách này khi người ra quyết định đặt tầm quan trọng của việc quản lý chất thải lên hàng đầu.

Nguyễn Thạc Cường

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. UN-Habitat - “Báo cáo tình hình đô thị thế giới: Hình dung tương lai của các đô thị”, 2022 
2. Yap Kioe Sheng - “Xu hướng lớn trên toàn cầu: Hệ quả đối với Cộng đồng Kinh tế ASEAN”, Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á, 2017
3. Ngân hàng Thế giới - “Thay đổi nhận thức trong quản lý chất thải rắn - Bản tóm tắt một số trường hợp”, 2023
4. UN-Habitat - “Biến đổi khí hậu, kinh tế tuần hoàn, quản lý chất thải rắn”, 2021 (https://unhabitat.org/news/22-mar-2021/climate-change-circular-economy-waste-management) 
5. ITA - “Công nghệ môi trường”, Việt Nam - Hướng dẫn thương mại quốc gia, 2024 (https://www.trade.gov/country-commercial-guides/vietnam-environmental-technology#:~:text=Solid%20Waste%2FMunicipal%20Waste&text=Most%20solid%20waste%20is%20still,environment%20each%20day%20in%20Vietnam)
6. Nhi Nguyễn - “Biến thách thức thành cơ hội: Đầu tư vào quản lý hệ thống xử lý chất thải rắn tại Việt Nam”, Tạp chí Vietnam Briefing, ngày 9 tháng 10, 2023 (https://www.vietnam-briefing.com/news/turning-challenges-into-opportunities-investing-in-waste-disposal-management-in-vietnam.html/)
7. Ngân hàng Thế giới - “Lộ trình giảm thiểu ô nhiễm nhựa dùng một lần ở Việt Nam”, Thông cáo bảo chí ngày 25 tháng 7, 2022 (https://www.worldbank.org/en/news/press-release/2022/07/25/a-roadmap-to-stop-single-use-plastic-pollution-in-vietnam)
8. TGM Research và PRO Vietnam - “Phân loại rác tại nguồn ở Việt Nam”, 2024 (https://tgmresearch.com/press-tgm-pro-vietnam-waste-segregation-vietnam.html)
9. Liên Hợp Quốc - “Hệ thống tái chế của thành phố Osaki, Nhật Bản”, SDGAction42842. (https://sdgs.un.org/partnerships/osaki-recycling-system-japan-separation-collection-processing-achieved-834-recycling#description)
10. Sweden Sverige - “Thụy Điển đang hướng đến không rác thải. Đây là cam kết để thay đổi cuộc sống hằng ngày của chúng ta”, 2024 (https://sweden.se/climate/sustainability/swedish-recycling-and-beyond)
11. Chính phủ Singapore - “Kế hoạch không rác thải tổng thể” (https://www.mse.gov.sg/resources/zero-waste-masterplan.pdf)
12. https://documents1.worldbank.org/curated/en/099091423124016666/pdf/P1773441302811082184c8156db86923f14.pdf
13. Freek van Eijk, và cộng sự - “Quản lý chất thải rắn như một chất xúc tác cho nền kinh tế tuần hoàn”, Bộ Môi trường Hà Lan, tháng 11, 2022 
14. Quỹ giáo dục Florida và Tập đoàn Frontier - “Áp phích tuyên truyền Cấm sử dụng nhựa dùng một lần - Bảo vệ biển cả và sức khỏe của chúng ta” (https://publicinterestnetwork.org/wp-content/uploads/2020/02/FL-Single-Use-Plastics-Coastal.pdf )