Quản lý đô thị ứng phó hạn mặn tại thành phố Bến Tre Quản lý đô thị ứng phó hạn mặn tại thành phố Bến Tre

Quản lý đô thị ứng phó hạn mặn tại thành phố Bến Tre

Diễn biến cực đoan của thời tiết trong những năm qua đang là thách thức đối với quyết tâm bảo đảm đời sống người dân của TP Bến Tre.  Qua theo dõi diễn biến ranh mặn, xâm nhập mặn năm nay ở mức cao hơn trung bình nhiều năm và năm 2023. Xâm nhập sâu nhất xuất hiện vào đợt từ ngày 8 - 13/3 với ranh mặn 4o/oo vào sâu 40 - 66km, có nơi sâu hơn, ranh mặn 1o/oo tại tỉnh Bến Tre vào sâu 70 - 76km tùy theo sông. Đặc biệt tại khu vực TP Bến Tre, xâm nhập mặn tương đương năm 2016. [1]

Mặc dù TP Bến Tre có sự chủ động trong ứng phó nhưng hạn mặn kéo dài đã vượt qua các kịch bản ứng phó định trước. Ngoài ra, công tác quản lý mặn luôn nhận được sự quan tâm của rất nhiều tổ chức, cá nhân ở nhiều góc độ, khía cạnh khác nhau. Nhưng các nghiên cứu xâm nhập mặn thường được kết hợp trong các báo cáo đánh giá nước mặt và nước ngầm, chủ yếu là điều tra khảo sát hiện trạng phân bố mặn nhạt, ranh giới mặn nhạt theo diện và chiều sâu tại một số vùng nhỏ, được lồng ghép vào các chương trình tìm kiếm nguồn nước từ nhiều năm trước.

Tuy nhiên, hiện nay hiện trạng nhiễm mặn nguồn nước tại khu vực nghiên cứu đã có thay đổi. Vì vậy, vấn đề đặt ra hiện nay là làm thế nào có giải pháp căn cơ giúp người dân sống chung với hạn mặn trong thời gian tới. Đồng thời nghiên cứu giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý hạn mặn khu vực TP Bến Tre đóng vai trò hết sức quan trọng nhằm góp phần nâng cao tính hiệu quả trong khai thác sử dụng tài nguyên phục vụ phát triển kinh tế và xã hội của khu vực TP Bến Tre. 

Để đánh giá về mức độ và nguyên nhân xâm nhập mặn cần phải nghiên cứu và tổng hợp rất nhiều yếu tố. Nguyên nhân trước hết là phần lớn TP Bến Tre có địa hình chủ yếu nằm dưới mực nước biển trung bình. Các con sông chủ yếu chịu tác động của chế độ thủy triều biển Đông. Nhiều sông và kênh rạch có độ rộng khá lớn, một số cửa sông rộng từ 2 đến 3 km, do đó nước sông bị nhiễm mặn nghiêm trọng và trong mùa khô, mặn xâm nhập gần như hầu khắp diện tích gây nên tình trạng thiếu nước ngọt gay gắt. Độ mặn lớn nhất thường xuất hiện vào tháng 4, tháng có lượng nước ngọt ít nhất. Đây là điểm yếu dễ bị tổn thương nhất do lũ lụt và xâm nhập mặn. [2]

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre, một số nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng xâm nhập mặn ảnh hưởng trong các tháng mùa khô. Thời điểm mùa khô lượng nước đổ về từ thượng nguồn ít, không mưa. Mực nước thấp, yếu tố gió chướng với triều cường làm mặn xâm nhập sâu và nồng độ cao; thời tiết nắng nóng lượng bốc hơi cao, nước ngọt hao phí tự nhiên lớn.

Tình trạng xây dựng thủy điện và các hoạt động khai thác tài nguyên nước thượng nguồn sông Mekong gây thiếu hụt nguồn nước về hạ lưu, kết hợp với yếu tố nước biển dâng đẩy mặn sâu vào nội đồng. Trữ lượng nước ngầm của TP Bến Tre lớn nhưng đa số bị nhiễm mặn. Trong khi đó, hệ thống công trình thủy lợi được quan tâm đầu tư, nhưng đến nay chưa hoàn chỉnh, chưa được khép kín… [4]

Ngoài những yếu tố tự nhiên thì yếu tố con người cũng góp phần không nhỏ gây ra xâm nhập mặn như khai thác và sử dụng nước ngầm quá mức (Do vị trí địa lí, địa chất, việc khai thác nước ngầm không được khuyến khích) để đáp ứng nhu cầu phát triển, sản xuất và đời sống ở địa phương. sử dụng chưa hiệu quả nguồn nước lãng phí. Thay đổi mục đích sử dụng đất cũng có ảnh hưởng nhất định đến tình hình xâm nhập mặn.

Công tác quản lý nhà nước trong một số lĩnh vực, phân cấp giữa địa phương và trung ương còn chồng chéo, thiếu sự phối hợp chặt chẽ; các cơ chế điều phối giữa các ban, ngành chưa phát huy tác dụng. Năng lực và trình độ khoa học kỹ thuật của đội ngũ cán bộ, làm công tác quản lý đô thị chưa được nâng cao phù hợp với công việc.

Tính khả thi của bản quy hoạch, kế hoạch, kịch bản diễn biến xâm nhập mặn và thiên tai chưa cao, chưa bám sát với thực tế. Áp lực đô thị hóa ngày càng tăng chủ yếu theo mô hình vết dầu loang gây xấu đến hạ tầng đô thị, tăng trưởng kinh tế chưa bền vững.

Việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 06/NQ-CP của Chính phủ: Ban hành Chương trình hành động tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường theo Kết luận số 56-KL/TW ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị còn chậm và cũng “hoàn toàn bị động” trong phòng chống hạn mặn. 

Những định hướng nâng cao hiệu quả quản lý ngập mặn tại TP Bến Tre

Về quan điểm và nguyên tắc: Trong bối cảnh tác động từ biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt, ĐBSCL là một trong những vùng châu thổ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu thể hiện tầm nhìn chiến lược với chủ trương phát triển “thuận thiên”. [4] Thuận tự nhiên không có nghĩa là phó mặc trời đất. Quan trọng là cần hiểu quy luật tự nhiên, cái nào can thiệp được, cái nào không để tránh can thiệp thô bạo và phải trả giá khi thiên nhiên lên tiếng. Thay vì cứ loay hoay hết tìm giải pháp chống hạn mặn, mệt nhoài cả năm, chúng ta nên hiểu và thích ứng để đỡ tốn sức và tận dụng được cơ hội. 

Về đổi mới sáng tạo: Ở đây còn có nghĩa là đổi mới cách nghĩ, cách làm, áp dụng kỹ thuật tiên tiến của thế giới vào trong nước. Bằng các cơ sở dữ liệu sáng chế được công bố công khai, chi tiết, tiếp cận dễ dàng và có hướng dẫn đầy đủ, người có trình độ trung bình trong lĩnh vực kỹ thuật tương ứng có thể tiếp thu công nghệ tiên tiến của nước ngoài và áp dụng một cách phù hợp tại TP Bến Tre. 

Về tổ chức quản lý đô thị: Tổ chức, phát triển hệ thống đô thị và điểm dân cư nông thôn phù hợp với đặc điểm của hệ sinh thái tự nhiên, điều kiện cụ thể của vùng và từng tiểu vùng sinh thái; rà soát, hoàn thiện quy hoạch sử dụng đất, bố trí lại dân cư trong đó kiểm soát và hạn chế việc xây dựng các điểm dân cư tập trung tại các vùng sát bờ sông, kênh, rạch có nguy cơ sạt lở cao và bị nhiễm mặn nhằm tránh rủi ro; dành không gian phát triển các dự án phòng chống thiên tai kết hợp đối phó hạn mặn như các cống ngăn mặn, âu thuyền, đê bao... để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân.

Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý hạn mặn tại TP Bến Tre

Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý về quản lý hạn mặn tại TP Bến Tre

Xây dựng hệ thống luật pháp đầy đủ, rõ ràng cũng như một khung pháp lý thực hiện là một mục tiêu quan trọng để ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam nói chung và hạn mặn nói riêng. Trong quá trình thực hiện, các hoạt động ứng phó với hạn mặn được đẩy mạnh tại tỉnh Bến Tre nói chung và TP Bến Tre nói riêng trong khoảng vài năm gần đây chúng ta nhận thấy phải đối mặt với những thách thức về pháp lý liên quan và cần những cải cách về chính sách trong thích ứng với biến đổi khí hậu, tận dụng các cơ hội phát triển nền kinh tế theo hướng cácbon thấp và tham gia cùng cộng đồng quốc tế trong nỗ lực giảm nhẹ biến đổi khí hậu. Một hành lang pháp lý đầy đủ, cập nhật và rõ ràng là điều kiện tiên quyết để các hoạt động ứng phó với Biến đổi khí hậu đi theo một hệ thống. [5]

Đổi mới mô hình quản lý liên quan đến hạn mặn tại TP Bến Tre

Thứ nhất, phải đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho người dân vùng hạn mặn nên các cấp quản lý và người dân chủ động hỗ trợ bằng nhiều biện pháp:

- Tổ chức quan trắc, giám sát tình hình xâm nhập mặn từ xa để có các thông số về độ mặn và khả năng xâm nhập sâu và thời gian xâm nhập mặn để tính toán thời gian đóng mở cửa các cống ngăn mặn ngăn triều. Đo độ mặn ở các độ sâu khác nhau trên sông để chủ động trong công tác dự báo và tận dụng được nguồn nước ngọt vô cung quý báu vào thời gian hạn mặn đang xảy ra. Kết hợp các trạm bơm cao áp tranh thủ con nước ngọt (chỉ xảy ra khi nước kém) để bổ sung nguồn nước ngọt hao hụt hoặc pha loãng nguồn nước bị nhiễm mặn.

Kịp thời thông tin hướng dẫn người dân lấy nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Trang bị thiết bị lọc nước nhiễm mặn, mở rộng mạng lưới đường ống cấp nước sinh hoạt và nước thô phục vụ sản xuất, xây dựng các hồ chứa nước nâng công suất nhà máy cấp nước, lắp đặt vòi nước công cộng, chuyên chở nước ngọt đến các xã, hộ gia đình… 

- Rà soát, cân đối nguồn nước phục vụ sinh hoạt tới từng hộ gia đình, khu phố, phường nhất là ở các vùng thường xuyên thiếu nước sinh hoạt để có giải pháp bảo đảm nguồn nước phù hợp; tăng cường sử dụng trang thiết bị phục vụ cấp và trữ nước hộ gia đình ở những khu vực bị hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, như: bể, bồn, lu, túi đựng nước và các hình thức khác. Sau đó tính toán nhu cầu về nước tại TP Bến Tre được tính toán dựa trên các thông tin quy hoạch mơi nhất và tình hình thực tế địa phương.

Cần xác định từng vùng, từng khu vực có khả năng bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn để triển khai giải pháp cụ thể, bảo đảm giảm thiểu ảnh hưởng đến sản xuất và dân sinh. Trường hợp xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn nghiêm trọng cần ưu tiên nguồn nước để cấp nước sinh hoạt cho người dân, quán triệt phương châm không để hộ dân nào thiếu nước sinh hoạt.

- Theo dõi chặt chẽ diễn biến, thông tin dự báo khí tượng thủy văn, tình hình xâm nhập mặn, chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn cho các mùa khô với các kịch bản khả năng ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, bao gồm cả các kịch bản ứng phó với xâm nhập mặn cực đoan như đã xảy ra các năm 2016, 2020, 2024…

- Chủ động thực hiện sớm việc nạo vét kênh, rạch, đào ao, giếng, đắp đập tạm để trữ nước ngọt và ngăn mặn...; Ngoài ra, cần từng bước đầu tư nâng cấp, hoàn thiện việc xây dựng, vận hành, tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt, nhất là các công trình giữ ngọt, kiểm soát mặn, hệ thống kênh mương, đường ống dẫn nước ở các vùng có nguy cơ cao xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Thực hiện hoàn thành Tiểu dự án TP Bến Tre thuộc dự án Mở rộng nâng cấp đô thị Việt Nam thích ứng biến đổi khí hậu, nước biển dâng; nâng cấp và hoàn thiện các tuyến đê biển, đê sông xung yếu; kiểm soát xâm nhập mặn. [6]

Thứ 2, tập trung lập quy hoạch tỉnh theo quy định của Luật Quy hoạch, xây dựng kế hoạch thực hiện các dự án trong giai đoạn tới, trong đó cần ưu tiên đầu tư các dự án tích trữ nước, kiểm soát mặn, giữ ngọt, cấp nước đô thị và nông thôn, đặc biệt các công trình có tính chất liên vùng, không hối tiếc, có tác động lan tỏa theo Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ. 

Thứ 3, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý dữ liệu, nâng cao năng lực cơ sở hạ tầng, tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử. Ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin vào việc xử lý số liệu các trạm đo và việc đóng mở cửa van cống, đập ngăn mặn một cách tự động. Đảm bảo tiến độ, chất lượng và hiệu quả các nhiệm vụ được giao, bảo đảm sử dụng dữ liệu, thông tin trong cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường để phân tích, xử lý dữ liệu phục vụ công tác quản lý, chuyên môn nghiệp vụ thường xuyên. Bám sát các nội dung về hoàn thiện cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường kết nối liên thông với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương, chuyển đổi số ngành tài nguyên và môi trường để có những phương án sát sao, phù hợp hơn trong quy định pháp lý, quy định kinh tế - kỹ thuật trong thu nhận, tạo lập, quản lý, vận hành, kết nối, liên thông, phân tích, xử lý, chia sẻ, khai thác sử dụng dữ liệu, thông tin, tài nguyên số của lĩnh vực quản lý. Hệ thống cơ sở dữ liệu phải được thiết lập và cài đặt trên các hệ thống máy chủ đảm bảo về an toàn, an ninh thông tin về dữ liệu tài nguyên và môi trường khi chia sẻ trên môi trường mạng. Bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan, đơn vị trong triển khai thực hiện Kế hoạch. Tăng cường tính chủ động, kịp thời đôn đốc, hướng dẫn và tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện để bảo đảm tiến độ của các hoạt động và triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch đã đề ra.

Thứ tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho công tác quản lý đô thị và dự báo hạn mặn. Nội dung đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cần chú trọng trang bị một số kỹ năng cơ bản trong phân tích vấn đề được dự báo cũng như nâng cao kỹ năng thực hành công tác công tác quản lý đô thị và dự báo hạn mặn. Nội dung đào tạo, bồi dưỡng công tác quản lý đô thị và dự báo hạn mặn phục vụ điều hành cần cập nhật liên tục các phương pháp và kinh nghiệm mới nhất. Đặc biệt, cần nhấn mạnh và có phương án triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng tại chỗ để đội ngũ cán bộ làm công tác thông tin, phân tích, dự báo nhanh chóng tiếp cận được với hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu và các phương pháp, công cụ công tác quản lý đô thị và dự báo hạn mặn.

Thứ năm, tăng cường và mở rộng hợp tác quốc tế về công tác dự báo thu thập thông tin về nguồn nước và hạn mặn. Tạo điều kiện để các cơ quan, đơn vị làm công tác dự báo hạn mặn hợp tác, nhận hỗ trợ kỹ thuật về công tác dự báo, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác dự báo từ các cá nhân, tổ chức quốc tế theo quy định của pháp luật. 

Thứ 6, cải thiện mô hình quản lý hạn mặn. Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự bị động, chạy theo sau trong công tác phòng chống hạn mặn là lãng phí thời gian, phân chia công việc không rõ ràng, giao nhiệm vụ không cần thiết và dành nhiều thời gian cho các cuộc hội họp. Để cải thiện quy trình làm việc trước tiên phải quản lý thời gian hiệu quả. Trước khi tiến hành bất cứ cải tiến hay đổi mới cần đánh giá các ưu điểm cũng như hạn chế mà quy trình làm việc hiện tại mang đến, từ đó phát huy các điểm tốt và cải tiến, điều chỉnh các lỗ hổng trong quản lý. Sắp xếp công việc dựa trên tầm quan trọng là bước cải tiến quy trình làm việc đơn giản. Ưu tiên xử lý các nhiệm vụ, dự án có quy mô lớn, mang đến lợi ích lớn cho người dân đang chịu hạn mặn và địa phương. Đối với các dự án quan trọng cần ưu tiên nguồn nhân lực, thời gian và ngân sách để hoàn thành sớm nhất. Đối với các dự án nhỏ hơn có thể phân bổ nhân lực hợp lý. Cán bộ quản lý đô thị cần tổ chức và vận hành các dự án theo lịch trình đã được đề ra từ trước, nhân sự trong doanh nghiệp cần tuân thủ theo quy trình được đề ra từ trước. Tiếp theo cần cắt giảm những hoạt động không cần thiết gây gián đoạn hoặc lãng phí thời gian. Cụ thể có thể cắt giảm các cuộc họp hành không cần thiết. Tối ưu hóa thông tin liên lạc sẽ giúp cắt giảm thời gian cho các cuộc họp, trao đổi. Việc truyền tải thông tin thông qua các phần mềm và công nghệ mang lại tính chính xác cao, tốc độ lan truyền nhanh chóng và rộng rãi. Ngoài ra, TP Bến Tre cần phân bổ nguồn ngân sách một cách hợp lý, chú ý đến nguồn ngân sách tại chỗ của địa phương. Cải tiến quy trình làm việc cần một quá trình dài hạn và bài bản, tuy nhiên hiệu quả mà nó mang đến lại vô cùng khả quan góp phần sử dụng hiệu quả sử dụng ngân sách.

Phát huy vai trò tham gia của cộng đồng

Thực tế cho thấy vai trò rất quan trọng của cộng đồng, vì họ trực tiếp liên quan hoặc bị ảnh hưởng bởi vấn đề hạn mặn nên họ sẽ tham gia với tinh thần trách nhiệm cao. Trong cộng đồng, các nhà đầu tư với vai trò vô cùng quan trọng. Một khi cộng đồng đầu tư vào các công tác quản lý hạn mặn có thể “triển khai” được một mô hình đầu tư thỏa đáng (vừa thu được lợi ích mong muốn, vừa đạt yêu cầu lợi ích) thì sẽ tạo cảm hứng cho rất nhiều nhà đầu tư cộng hưởng khác.

Thú vị là, đối với kiểu đầu tư cộng hưởng, Nhà nước và cộng đồng nói chung sẽ được hưởng lợi thụ động thay vì phải chuẩn bị “cơ chế” để hỗ trợ giống như khi họ hỗ trợ cho các nhà đầu tư khởi xướng ban đầu. Ngược lại, chính nhà đầu tư cộng hưởng lại góp phần tạo nên phong trào và đóng góp nguồn lực một cách chủ động và hiệu quả. [8]

Truyền thông nâng cao nhận thức người dân

Huy động cả hệ thống chính trị cơ sở vào cuộc, tập trung làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn để từng hộ gia đình, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn hiểu, chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; trong đó, mỗi gia đình, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, xóm, ấp, làng, xã, huyện, tỉnh cần chủ động có giải pháp phù hợp để dự trữ nước ngọt ngay từ cuối mùa mưa nhằm bảo đảm nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất trong các tháng mùa khô, không để bị động, bất ngờ.

Tuyên truyền, giáo dục là yếu tố tiên quyết, nhưng không thể nói suông về việc kế thừa tinh thần cộng đồng của cha ông. Trong bối cảnh hiện nay, phải chuyển hóa từ sự “ứng phó” thành trách nhiệm công dân với cộng đồng, với xã hội thông qua giáo dục tổng thể trong nhà trường, trong gia đình và ngoài xã hội. Học sinh ngay từ nhỏ cần được giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật, được tham gia các hoạt động tương thân, tương ái, trợ giúp mọi người; các hoạt động có tính cộng đồng. Xây dựng tinh thần cộng đồng cần dựa vào giáo dục theo kiểu “mưa dầm, thấm lâu”.

Tăng cường sự đồng thuận và tham gia của cộng đồng địa phương được xem là một trong những hướng đi quan trọng để phát triển bền vững. Người dân cần được tạo cơ hội để tham gia chủ động và được phân chia lợi ích nhiều hơn, công bằng hơn từ sự tham gia đó ngay tại địa phương; từ đó, thái độ của người dân đối với sự phát triển đô thị và nguồn tài nguyên được cải thiện, thậm chí làm tăng giới hạn chấp nhận của họ đối với phòng chống hạn mặn.

Thứ nhất là giá trị lịch sử, văn hóa. Sông nước miền Tây, chiều sâu truyền thống văn hóa đô thị ra đời trong bối cảnh đô thị phụ thuộc phần lớn vào điều kiện tự nhiên, TP Bến Tre là một vùng có khí hậu ôn hòa và đất đai nông nghiệp trù phú. Với vị trí địa lý thuận lợi là nơi dễ dàng liên lạc với các vùng lân cận và các tuyến đường giao thông thủy bộ. Đặc biệt hơn cả, TP Bến Tre là giao điểm của nhiều hệ thống sông rạch chằng chịt nhưng hiền hòa, tạo nên một mạng lưới đường thủy thuận lợi cho việc thiết lập các bến bãi và giao thương hàng hóa làm tiền đề cho việc hình thành một đô thị đặc trưng sông nước sau này.  Kể từ khi hội nhập TP Bến Tre đã chú trọng phát triển giao thông bộ, kênh rạch bị lấp dần, hình ảnh đô thị sông nước bắt đầu thay đổi để chuyển sang một hình thái mới. Tuy nhiên sông rạch vẫn đóng một vai trò quan trọng. Trong buổi đầu giai đoạn công nghiệp hóa nhiều kho xưởng được xây dựng trên bờ thủy lộ này đan xen với các công trình cổ mà cho đến nay dấu vết vẫn còn in đậm nét.

Thứ hai là giá trị nghệ thuật, kỹ thuật. Góp phần hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật đô thị TP Bến Tre, các công trình cống đập, âu thuyền ngăn mặn nếu khai thác tốt có thể tạo thành điểm nhấn của đô thị bản sắc đô thị miền Tây sông nước và du lịch tại TP Bến Tre. Phù hợp với đề án xây dựng đô thị TP Bến Tre đạt các tiêu chí đô thị loại I xứng đáng là trung tâm, kinh tế văn hóa xã hội của tỉnh Bến Tre và tiểu vùng Nam sông Tiền .

Thứ ba giá trị khoa học và kinh tế. Cải thiện đời sống người dân, nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo nguồn nước tưới tiêu, sinh hoạt. Trình độ đội ngủ quản lý đô thị và hạn mặn được nâng cao chủ động trong mọi tình huống mà hạn mặn biến đổi không ngừng. Các công trình nghiên cứu ứng phó với hạn mặn sẽ góp phần hoàn thiện cơ sở khoa học để xây dựng nên các tình huống, kịch bản biến đổi khí hậu mà tỉnh Bến Tre nói chung và TP Bến Tre nói riêng mà Bến Tre là một trong những nơi dễ tổn thương nhất. Sau này sẽ là cơ sở tham khảo cho tỉnh Bến Tre cũng như vùng ĐBSCL về Biến đổi khí hậu và hạn mặn nói chung.

Kết luận

Quản lý đô thị Bến Tre phòng chống giảm thiểu tác hại của việc hạn mặn là hết sức cần thiết nhằm xây dựng bản sắc, đặc thù đô thị TP Bến Tre. Việc quản lý hạn mặn tại đô thị Bến Tre phải vận dụng sáng tạo, linh hoạt các giải pháp phòng chống thiên tai, hạn mặn phù hợp với quy hoạch phát triển TP Bến Tre trong giai đoan mới.

Những kết quả của các công trình nghiên cứu của quốc tế và Việt Nam là bài học kinh nghiệm cho người quản lý trong quản lý hạn mặn và chiến lược phát triển TP Bến Tre.

Dựa trên cơ sở pháp lý quản lý nhà nước, những lý luận khoa học, đề xuất các giải pháp cụ thể cho việc quản lý hạn mặn tại TP Bến Tre: 

- Giải pháp về cơ chế chính sách quản lý theo quy hoạch phát triển, khai thác sử dụng đất, nguồn nước, đầu tư xây dựng phát huy giá trị vốn có của TP Bến Tre.

- Hoàn thiện công tác quản lý nhà nước đối với các công trình phòng chống hạn mặn

- Giải pháp nâng cao bộ máy quản lý: phân công làm rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước với vấn đề hạn mặn tại Bến Tre.

- Giải pháp truyền thông phát huy giá trị sực mạnh của cộng đồng trong phòng chống thiên tai nói chung và hạn mặn nói riêng.

Kiến nghị

Mở các lớp tập huấn ứng phó với sự xâm nhập mặn cho người dân hiểu và hỗ trợ họ các biện pháp ứng phó phù hợp.

Cần thiết lập mạng lưới thông tin về tình hình xâm nhập mặn ở các địa phương. Xây dựng trung tâm dữ liệu về thủy văn đặc biệt là diễn biến mặn để đưa ra các kịch bản ứng phó kịp thời và hiệu quả. Đồng thời hoàn thiện hệ thống quan trắc và cảnh báo tình hình xâm nhập mặn.

Cần chú trọng và phải có định hướng cho quy hoạch thủy lợi trên sông Bến Tre các rạch, các cống đập chứa nước ngăn mặn, lập kế hoạch xây dựng từng thời kỳ, quản lý một cách chặt chẽ việc xây dựng trên sông ngòi, tránh xây dựng các công trình thủy lợi chồng chéo gây ảnh hưởng đến đời sông người dân và phát triển đô thị tại TP Bến Tre. Lâu dài cần có chiến lược cấp nước ngọt cho các vùng xa nguồn ngọt, trong đó đặc biệt chú ý nâng cấp các kênh chuyển nước ngọt và các trạm bơm hỗ trợ cho các hệ thống ngọt hóa.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO 
[1] Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Theo dõi chặt chẽ diễn biến hạn mặn tại ĐBSCL.
[2] Trang thông tin tỉnh Bến Tre https://bentre.gov.vn/, Điều kiện tự nhiên tỉnh Bến Tre.
[3] Nguồn dữ liệu Google map.
[4] Trang thông tin tỉnh Bến Tre https://bentre.gov.vn/,Tài nguyên nước.
[5]  Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết 120 đưa Đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững.
[6] Quyết định số: 1004/QĐ-UBND ngày 06/5/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre về  Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu tỉnh Bến Tre giai đoạn năm 2021 - 2030.
[7] Hệ thống thông tin thủy lợi Bến Tre http://thuyloibentre.com/.
[8] Đỗ Hậu (2012), Xã hội học đô thị, NXB Xây dựng, Hà Nội. Chương 4. Sự tham gia của cộng đồng trong quá trình quy hoạch, xây dựng và cộng đồng đô thị.
World Bank (07/6/2019). Vietnam: Toward a Safe, Clean, and Resilient Water System.