Quản lý hoạt động xây dựng chủ động thích ứng linh hoạt trước tình hình mới

06:44 28/12/2024
Cục Quản lý hoạt động xây dựng xác định rõ, năm 2025 là năm đầu tiên vận hành, tổ chức bộ máy mới khi hợp nhất Bộ Xây dựng và Giao thông, đòi hỏi từng cán bộ, công chức, viên chức không ngừng đổi mới tư duy, phương pháp, cách làm để chủ động thích ứng linh hoạt…

Sáng 27/12, Cục Quản lý hoạt động xây dựng tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và phương hướng nhiệm vụ năm 2025. Thứ trưởng Bùi Xuân Dũng tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Thứ trưởng Bùi Xuân Dũng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Nhiều nhiệm vụ được triển khai nhiệm có trọng tâm, trọng điểm

Báo cáo tại Hội nghị, Phó Cục trưởng Bùi Văn Dưỡng cho biết, ngay từ đầu năm, Cục đã cụ thể hóa và ban hành các Chương trình hành động của Bộ Xây dựng về thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2024 của Chính phủ; ban hành Kế hoạch công tác năm 2024; phối hợp với Vụ Pháp chế xây dựng, trình Lãnh đạo Bộ ban hành Chương trình xây dựng VBQPPL và các Đề án năm 2024 của Bộ Xây dựng, làm cơ sở cho việc tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Cục một cách toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm.

Trong công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực hoạt động xây dựng được phân công, Cục đã tham mưu Bộ Xây dựng có các chỉ đạo, điều hành kịp thời, bám sát thực tiễn; Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế được xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong Kế hoạch công tác năm, Cục tập trung nguồn lực, tích cực triển khai các nhiệm vụ theo Chương trình xây dựng VBQPPL và các Đề án năm 2024 của Bộ Xây dựng.

Đáng chú ý, Cục đã tham mưu Bộ Xây dựng trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng theo đúng tiến độ, để thực hiện phân cấp mạnh mẽ các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Bộ Quản lý công trình xây dựng chuyên ngành và của Bộ Xây dựng về cho địa phương thực hiện. Dự kiến, sau khi Nghị định mới có hiệu lực, số thủ tục hành chính từ cơ quan trung ương phân cấp thêm cho địa phương thực hiện là khoảng 95% về thẩm định, kiểm tra công tác nghiệm thu; 100% về cấp chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng; giảm khoảng 10% số hồ sơ dự án, công trình yêu cầu thực hiện thủ tục thẩm định tại cơ quan nhà nước.

Cục cũng chủ trì soạn thảo và tham mưu Bộ Xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định số 111/2024/NĐ-CP ngày 06/9/2024 quy định về hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng. Nghị định được ban hành là nền tảng cho việc xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng, tạo ra nguồn dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống” phục vụ cho hoạt động quản lý nhà nước theo hướng mới của ngành Xây dựng, để tạo điều kiện để người dân nắm bắt thông tin và thuận lợi hơn khi thực hiện thủ tục hành chính.

Trong năm 2024, Cục đã cử cán bộ tham gia Ban soạn thảo, Tổ biên tập; tham gia góp ý kiến sửa đổi, bổ sung nhiều VBQPPL có liên quan trực tiếp đến lĩnh vực quản lý nhà nước của Cục: Luật Thủ đô, Luật PCCC&CNCH, Luật Đường bộ, Luật Điện lực, Luật Dầu khí, Luật Đường sắt, Luật Cấp thoát nước, Luật Quản lý đô thị, các Nghị định sửa đổi/hướng dẫn Luật PCCC, Luật Lâm nghiệp, Luật Đất đai…

Tổ chức thực hiện và hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện dự án đầu tư, khảo sát, thiết kế xây dựng, ban quản lý dự án và các nội dung hoạt động xây dựng khác. Tham gia, tham mưu giúp Lãnh đạo Bộ công tác chuyên môn tại các dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, công trình trọng điểm.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý hoạt động xây dựng Bùi Văn Dưỡng.

Tổ chức thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng/Thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở cho hơn 200 dự án, trong đó số lượng hoàn thành giải quyết là 138 hồ sơ, số hồ sơ xin rút là 29 hồ sơ, số hồ sơ từ chối tiếp nhận là 05 hồ sơ, số hồ sơ chờ hoàn thiện bổ sung là 28 hồ sơ.

Triển khai công tác xét cấp chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng, Cục đã cấp 362 chứng chỉ năng lực cho tổ chức hạng I; lập phiếu đánh giá, trình Hội đồng xét cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng đối với 15.264 hồ sơ, tổ chức 18 đợt sát hạch tại các khu vực TP Hà Nội, TP.HCM, TP Đà Nẵng, trong đó cấp 7.230 chứng chỉ hành nghề hạng I cho cá nhân.

Thực hiện vai trò cơ quan thường trực của Ủy ban điều phối dịch vụ ASEAN, trong đó cán bộ của Cục đã tham gia 03 kỳ họp của Ủy ban tại TP Hà Nội, Campuchia và Indonesia; phổ biến chương trình hoạt động thực hiện thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về dịch vụ tư vấn kỹ thuật trong ASEAN; tổ chức đăng bạ cho tổng cộng là 362 kỹ sư. Thông qua hoạt động của Ủy ban, các kỹ sư xây dựng Việt Nam có thêm cơ hội nâng cao năng lực, tham gia thị trường xây dựng của các nước trong khu vực…

Sẽ có thêm các chức năng, nhiệm vụ của ngành Giao thông

Có thể nói, vượt qua rất nhiều khó khăn, năm 2024 tiếp tục là năm ghi dấu nhiều thành công của Cục với bức tranh về kết quả hoạt động năm 2024 của Cục rất toàn diện, nhiều điểm sáng. Hội nghị kiểm điểm công tác năm 2024 của Bộ Xây dựng đã chỉ ra 38 nhiệm vụ trọng tâm của Cục đều được hoàn thành xuất sắc, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức được nâng lên, các đơn vị trong Cục có sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ, đội ngũ cán bộ bản lĩnh hơn, trách nhiệm hơn trong xử lý, giải quyết các việc khó, phức tạp…

Cục trưởng Cục Quản lý hoạt động xây dựng Hoàng Anh Tuấn.

Cục trưởng Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh rằng, trước hết là vai trò lãnh đạo của Ban cán sự đảng, các cấp ủy đảng của Bộ Xây dựng; sự quan tâm, tạo điều kiện và chỉ đạo quyết liệt của đồng chí Bộ trưởng, Thứ trưởng phụ trách Bùi Xuân Dũng; sự phối hợp chặt chẽ của các đồng chí lãnh đạo cơ quan liên quan; sự ủng hộ, chung sức, đồng lòng của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Cục.

Thứ trưởng Bùi Xuân Dũng đánh giá cao công tác hoàn thiện thể chế, công tác chuyên môn của Cục, nổi bật là việc hoàn thành tốt dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 15/2021/NĐ-CP trình Chính phủ; tham mưu Bộ Xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định số 111/2024/NĐ-CP; tham gia, tham mưu cho lãnh dạo Bộ tại các dự án, công trình trọng điểm quốc gia như: đường dây 500 kV, đường cao cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành…

Thứ trưởng Bùi Xuân Dũng lưu ý, năm 2025 là năm có nhiều thay đổi đối với hoạt động quản lý nhà nước của Cục, đề nghị Lãnh đạo Cục quán triệt cán bộ nhân viên, người lao động, đảng viên thực hiện tốt nhiệm vụ trong năm 2025 khi thực hiện hợp nhất Bộ Xây dựng và Bộ GTVT. Theo đó, bên cạnh chức năng, nhiệm vụ của Cục Quản lý hoạt động xây dựng hiện nay đang thực hiện, sẽ có thêm các chức năng, nhiệm vụ của ngành Giao thông, theo hướng Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực tập trung vào một đầu mối, sẽ phải làm rất nhiều việc, xử lý nhiều việc.

Thứ trưởng Bùi Xuân Dũng chỉ đạo Cục triển khai một số phương hướng, nhiệm vụ cụ thể, trước mắt như: Thứ nhất, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 15/2021/NĐ-CP có hiệu lực, Cục cần có kế hoạch hướng dẫn các địa phương thực hiện tốt Nghị định mới này.

Thứ hai, lên kế hoạch từ đầu năm cho kiểm tra công tác quản lý nhà nước ở địa phương, đặc biệt là kiểm tra báo cáo nghiên cứu khả thi, kiểm tra đột xuất các công trình, dự án trọng điểm.

Thứ ba, bám sát và góp ý cho các Nghị định hướng dẫn Luật PCCC&CNCH vừa được Quốc hội thông qua. Cục là đầu mối phối hợp với Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Vụ KHCN&MT, Cục Hạ tầng kỹ thuật, Vụ Quy hoạch kiến trúc góp ý cho các Nghị định hướng dẫn Luật này, vì Luật PCCC&CNCH phân cho cơ quan chuyên môn về xây dựng từ trung ương đến địa phương thực hiện thẩm định 5 nội dung. Đồng thời đề nghị Cục tập trung nghiên cứu và có hướng dẫn cho địa phương 5 nội dung này thời gian tới, để không có khoảng trống trong công tác thẩm định.

Thứ tư, nghiên cứu tham mưu cho Lãnh đạo Bộ dự thảo Nghị định hướng dẫn triển khai thiết kế tổng thể FEED, đã được quy định tại Nghị quyết số 172/2024/QH15, ngày 30/11/2024 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Do đó, Chính phủ và các Bộ, ngành chuyên môn phải hướng dẫn bằng một Nghị định. Đề nghị Cục chủ động làm việc với Bộ GTVT và thống nhất với Cục Kinh tế xây dựng để dự thảo một Nghị định hướng dẫn triển khai thiết kế này, Chính phủ yêu cầu phải hoàn thành trong quý 1/2025, để phục vụ cho việc triển khai các tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, và một số tuyến đướng sắt từ Trung Quốc sang Việt Nam như: Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Móng Cái - Hải Phòng, Lạng Sơn - Đồng Đăng - Hà Nội…

Thứ năm, hoàn thiện các Thông tư hướng dẫn Nghị định số 111/2024/NĐ-CP để triển khai thực hiện trong quý 1, đầu quý 2 năm 2025.

Thứ sáu, phối hợp với Viện Kinh tế xây dựng, Cục Kinh tế xây dựng hướng dẫn các địa phương về áp dụng BIM cho công tác thẩm định. Đề nghị Cục sau khi NĐ thay thế NĐ15 có hiệu lực, nằm trong chương trình phổ biến pháp luật, phối hợp với Viện Kinh tế xây dựng, Cục Kinh tế xây dựng làm sao trong công tác thẩm định cho dự án áp dụng BIM cho phù hợp với điều kiện nằm trong phạm vi Nghị định thay thế Nghị định số 15/2021/NĐ-CP, việc hướng dẫn này sẽ được triển khai cả đối với ngành Giao thông vận tải.

Thứ trưởng Bùi Xuân Dũng trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp xây dựng cho cán bộ, công chức 16 của Cục Quản lý hoạt động xây dựng.

Phát biểu kết thúc hội nghị, Cục trưởng Hoàng Anh Tuấn xác định, năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, quyết định việc hoàn thành mục tiêu của nhiệm kỳ 2021-2026, đồng thời sẽ là năm đầu tiên vận hành, tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ mới khi hợp nhất Bộ Xây dựng và Giao thông, đây vừa là cơ hội cũng là thách thức lớn đòi hỏi từng cán bộ, Đảng viên, công chức, viên chức phải không ngừng đổi mới tư duy, phương pháp, cách làm để chủ động thích ứng linh hoạt, vượt qua thách thức, để quyết tâm thực hiện thắng lợi toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2025.

Trước mắt, Cục Quản lý hoạt động xây dựng chủ động tập trung lên kế hoạch, triển khai cho những nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi như ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Bùi Xuân Dũng.

Bình luận