TÓM TẮT: Đô thị Việt Nam đang có tốc độ phát triển rất nhanh cả về quy mô, số lượng và chất lượng (tính đến tháng 12/2021 Việt Nam có 870 đô thị). Sự phát triển này gây áp lực lên cơ sở hạ tầng đô thị. Tại nhiều thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà nẵng… quỹ đất xây dựng đô thị gần như cạn kiệt, không gian công cộng, không gian xanh ngày càng bị thu hẹp. Đứng trước vấn đề này, xu hướng mới ở Việt Nam và không mới đối với thế giới là phải tận dụng, khai thác và quản lý phát triển không gian ngầm có hiệu quả mới góp phần quản lý và phát triển đô thị hiện đại và bền vững.
1. Thế nào là không gian ngầm?
Không gian ngầm là phần không gian dưới mặt đất được khai thác sử dụng để phục vụ xây dựng và phát triển đô thị. Kinh nghiệm nhiều đô thị lớn trên thế giới như Moskva, Berlin, Paris, Tokyo, London, Seoul… đã xây dựng, khai thác và quản lý có hiệu quả nhiều dự án xây dựng ngầm đô thị.
Thực tế việc khai thác sử dụng không gian ngầm qua nhiều thế kỷ đã góp phần giải quyết cơ bản nhiều vấn đề của đô thị như: Tiết kiệm quỹ đất - khai thác có hiệu quả quỹ đất đô thị; hoàn thiện hệ thống giao thông đô thị; xây dựng các trung tâm công cộng, thương mại dịch vụ, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng…
Không gian ngầm là một tài nguyên quý báu cần được nghiên cứu quy hoạch, quản lý và khai thác sử dụng có hiệu quả đặc biệt các đô thị lớn của Việt Nam hiện nay.
2. Xây dựng công trình ngầm ở Việt Nam thời gian qua
Trong những năm gần đây Việt Nam đang bùng nổ về xây dựng công trình ngầm và sử dụng không gian ngầm để xây dựng công trình ngầm, trước hết phải kể đến các công trình giao thông ngầm: Các tuyến tàu điện ngầm, ga tàu điện ngầm tại Hà Nội và TP.HCM đang được xây dựng; Hầm đường bộ (Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng); Hầm vượt sông (TP.HCM); Hầm cho người đi bộ (Hà Nội); Bãi đỗ xe ngầm.
Các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm như hạ ngầm các đường dây, cáp trong các cống cáp, hào, tuy nen kỹ thuật. Xây dựng đường cống thoát nước có đường kính trên 3.000 mm dưới đường phố hay vượt qua các sông lớn như ở TP.HCM; Ở một số khu vực của Hà Nội như ở các khu chung cư, khu nhà ở cao cấp như Royal City, Time City… đã sử dụng không gian dưới mặt đất để xây dựng các trung tâm thương mại, dịch vụ tổng hợp đa chức năng tương đối đồng bộ và đã đưa vào sử dụng. Song nhìn tổng thể hầu hết các công trình ngầm… đều mang tính cục bộ, chỉ khai thác cho một mục đích riêng chứ chưa có sự liên kết tổng thể cho cả khu vực hay một đô thị.
3. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan
Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý đầu tư, xây dựng, đất đai… có liên quan đến quy hoạch, quản lý, xây dựng công trình ngầm đã được ban hành và triển khai thực hiện: (1) Luật Xây dựng 2014, 2020 liên quan đến hoạt động đầu tư xây dựng nói chung và các công trình xây dựng ngầm nói riêng; (2) Luật Quy hoạch đô thị 2009: Trong đó có các quy định về quy hoạch, quản lý xây dựng hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật và quản lý không gian ngầm đô thị… (3) Luật Đất Đai 2013:
Quy định về sử dụng đất để xây dựng công trình ngầm; (4) Luật Đường sắt 2017: Ga đường sắt phải đáp ứng các yêu cầu; phạm vi bảo vệ công trình đường sắt và hành lang an toàn giao thông đường sắt; các yêu cầu chung đối với đường sắt đô thị… Ngoài ra, các Nghị định, Thông tư và các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cũng đã, đang dần hoàn thiện.
Trong các văn bản hiện hành đều có các quy định khá cụ thể như: Không gian xây dựng ngầm đô thị phải được quy hoạch, xây dựng, quản lý và sử dụng. Quy hoạch, phát triển không gian đô thị trên mặt đất phải kết hợp chặt chẽ với việc sử dụng an toàn và hiệu quả không gian ngầm. Việc sử dụng không gian ngầm để xây dựng công trình ngầm phải bảo đảm sử dụng tiết kiệm đất, bảo vệ môi trường và các yêu cầu về an ninh, quốc phòng.
Chủ đầu tư các khu đô thị mới, khu nhà ở mới và các tuyến đường phố mới xây dựng hoặc cải tạo, mở rộng có trách nhiệm đầu tư xây dựng các công trình cống, bể kỹ thuật hoặc hào, tuy nen kỹ thuật để bố trí, lắp đặt các đường dây và đường ống kỹ thuật theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đối với các đô thị cũ, đô thị cải tạo UBND cấp tỉnh phải có kế hoạch đầu tư xây dựng cống, bể kỹ thuật hoặc hào, tuy nen kỹ thuật để từng bước hạ ngầm đường dây, cáp nổi.
Quy hoạch không gian xây dựng ngầm phải bảo đảm sử dụng đất hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả; kết nối tương thích và đồng bộ các công trình ngầm và giữa công trình ngầm với các công trình trên mặt đất; bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường và nguồn nước ngầm, an toàn các công trình ngầm và phần ngầm của các công trình trên mặt đất.
Như vậy về cơ sở pháp lý cũng đã và đang bổ sung, sửa đổi, cập nhật để dần hoàn thiện tuy nhiên thực tế triển khai còn khá nhiều vướng mắc và bất cập đó là:
Về quy hoạch không gian ngầm: (1) Thiếu kinh nghiệm trong việc lập quy hoạch không gian ngầm; (2) Thiếu hướng dẫn về phương pháp lập quy hoạch, nội dung quy hoạch không gian ngầm còn chung chung, hàn lâm; (3) Chưa lập được bản đồ hiện trạng xây dựng công trình ngầm đô thị; (4) Thiếu các số liệu điều tra tổng thể về điạ hình, điều kiện địa chất công trình, địa chất thủy văn của đô thị;(5) Thiếu hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ cho quy hoạch và xây dựng công trình ngầm; (6) Thiếu các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan; (7) Nguồn lực cho việc điều tra khảo sát, lập bản đồ hiện trạng xây dựng công trình ngầm và lập quy hoạch… còn nhiều hạn chế.
Về quản lý sử dụng đất, tài sản: Sử dụng đất đến độ sâu bao nhiêu và sâu vào lòng đất tối đa là bao nhiêu? Quan hệ giữa người sử dụng đất trên mặt đất và dưới mặt đất được quy định như thế nào? Các loại giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất không có quy định về sử dụng không gian dưới đất. Sở hữu công trình ngầm, sở hữu không gian ngầm…
Về các yêu cầu kỹ thuật có liên quan đến phạm vi bảo vệ và hành lang an toàn của công trình ngầm đặc biệt các tuyến tàu điện ngầm… còn thiếu các quy định cụ thể.
Về định mức kinh tế, kỹ thuật và các tiêu chuẩn, quy chuẩn: Thiếu các định mức kinh tế, kỹ thuật, đơn giá, quy trình kỹ thuật… cho các công trình ngầm sử dụng vốn nhà nước và thiếu nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành.
Về cơ chế, chính sách: Chính sách có liên quan đến giải phóng mặt bằng, đến bù đối với chủ sở hữu công trình trên mặt đất do ảnh hưởng bởi xây dựng các công trình ngầm? Hoặc nghĩa vụ bảo vệ an toàn cho các công trình liền kề được quy định như thế nào? Cơ chế, chính sách huy động khu vực tư nhân tham gia vào đầu tư xây dựng công trình ngầm? (PPP?)
Sự quyết tâm chính trị của các nhà quản lý cũng như chưa có một cơ quan đầu mối quản lý không gian ngầm.
4. Xu hướng quy hoạch đô thị và tổ chức không gian ngầm trong các đô thị Việt Nam hiện nay
(1) Quy hoạch tổng thể không gian 3 chiều - một hướng tiếp cận mới trong quy hoạch đô thị:
Với sự phát triển của đô thị cùng với tiến bộ của khoa học công nghệ, không gian dưới lòng đất có thể sử dụng với nhiều chức năng và mục đích khác nhau (như thương mại, dịch vụ, công cộng, hạ tầng kỹ thuật…), và các công trình này được liên kết chặt chẽ với nhau và với công trình, cơ sở vật chất bên trên bề mặt đất.
Vì vậy, không gian ngầm, không gian trên mặt đất cần được phát triển hài hòa trong tổng thể không gian đô thị ba chiều nhằm tạo ra một không gian đô thị thống nhất, đồng bộ, hiện đại, tiện nghi… Theo các giai đoạn phát triển khác nhau của đô thị, quy hoạch tổng thể không gian đô thị ba chiều có thể thực hiện theo các bước sau:
a). Tích hợp phát triển và sử dụng không gian bề mặt và không gian ngầm nông.
Không gian ngầm nông (từ 0 ~ -10m) gần với mặt đất nên khả năng liên kết với không gian bên trên bề mặt là thuận lợi và dễ dàng, và tạo cảm giác thoải mái cho con người cả về tâm lý lẫn tinh thần. Vì vậy, không gian ngầm nông phải được coi là khu vực tiềm năng nhất để sử dụng cho các hoạt động của con người, tương tự như không gian trên mặt đất.
Tích hợp không gian trên mặt đất và không gian ngầm thông qua kết hợp các chức năng sử dụng đất ở Bảng 1 nhằm đáp ứng nhu cầu của cuộc sống đô thị, góp phần bảo vệ môi trường.
b) Tích hợp không gian ngầm sâu trong phát triển và sử dụng không gian đô thị ba chiều.
Trên cơ sở của sự tích hợp phát triển và sử dụng không gian bề mặt và không gian ngầm nông, không gian ngầm sâu dưới lòng đất cũng nên được đưa vào hệ thống tích hợp phát triển không gian ba chiều. Đây là khu vực đặc trưng bởi không tồn tại hoạt động của con người.
Các chức năng sử dụng đất ở khu vực này chủ yếu được tự động hóa, đảm bảo an toàn đô thị. Không gian này có thể cung cấp diện tích lớn để xây dựng các công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật đô thị.
Hơn nữa, việc xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vận tải trong không gian này sẽ làm giảm áp lực vận tải trên mặt đất từ đó giảm thiểu đáng kể khả năng gây ô nhiễm môi trường đô thị.
(2) Không gian ngầm tại các trung tâm công cộng, thương mại: Hiện nay các trung tâm thương mại lớn tại Hà Nội và TP.HCM đã đưa vào khai thác sử dụng trong đó không gian ngầm ngoài các tầng hầm để xe còn có các tầng hầm sử dụng cho các mục đích thương mại, văn phòng, khu vui chơi, giải trí. Tuy nhiên hiện nay phần lớn các không gian ngầm tại các trung tâm thương mại đang tồn tại một cách độc lập chưa có kết nối với các công trình xung quanh đặc biệt với hệ thống giao thông.
(3) Không gian ngầm tại các khu chung cư, khu ở cao cấp: Không gian ngầm lúc này đóng vai trò là các tổ hợp công trình ngầm đa năng. Cũng tương tự như xu hướng trên các khu vực này cũng chỉ kết nối trong phạm vi ranh giới dự án chưa có quy hoạch kết nối với các khu vực lân cận.
(4) Tiếp cận theo hướng TOD: Không gian ngầm tại khu vực phát đô thị liên thông với công trình giao thông ngầm hoặc đầu mối giao thông ngầm: Hiện nay đường tầu điện ngầm đang được xây dựng, tại các nhà ga tàu điện ngầm là nơi đông đúc người qua lại việc kết hợp xây dựng nhà ga tàu điện ngầm và bổ sung thêm các chức năng thương mại và là nơi cung cấp các dịch vụ công cộng là cần thiết đặc biệt càng hữu ích hơn khi chúng kết nối với các siêu thị, khách sạn lớn xung quanh và trên mặt đất bằng các đường hầm kết nối.
5. Một số đề xuất về quản lý không gian ngầm trong thời gian tới
Để quản lý không gian xây dựng ngầm hiệu quả góp phần phát triển đô thị hiện đại và bền vững một số đề xuất trong thời gian tới như sau:
1. Hoàn thiện các văn bản pháp lý về quản lý không gian ngầm: (i) Xây dựng Luật về Quản lý không gian ngầm và Chiến lược tổng thể quản lý, khai thác không gian ngầm đô thị; (ii) Bổ sung nội dung Quy hoạch không gian ngầm trong Luật Quy hoạch đô thị và các hướng dẫn Luật; ( iii) Sửa đổi, bổ sung làm rõ hơn quản lý sử dụng đất đất dưới lòng đất... trong Luật Đất đai; (iv) Luật dân sự liên quan đến sở hữu tài sản… (v) Luật Đường sắt liên quan đến phạm vị bảo vệ và hành lang an toàn (k thể nói chung chung và phải cụ thể là phạm vi bảo vệ/hành lang là bao nhiêu? (vi) Sửa đổi một số Nghị định và Thông tư hướng dẫn có liên quan
2. Hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật, quy trình kỹ thuật… có liên quan đến quy hoạch, thi công xây dựng, bảo trì công trình ngầm.
3. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu công trình ngầm, cơ sở dữ liệu cấu trúc nền địa chất đô thị phục vụ xây dụng công trình ngầm.
4. Xây dựng hoặc hoàn thiện các cơ chế, chính sách tài chính huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển không gian ngầm.
5. Khuyến khích ứng dụng công nghệ số và quản lý đô thị thông minh trong quản lý, vận hành, khai thác các công trình ngầm. Tiếp cận và ứng dụng công nghệ mới trong thi công xây dựng công trình ngầm… Ưu tiên công nghệ không đào.
6. Xây dựng chương trình đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực về quản lý nhà nước, quy hoạch không gian ngầm và xây dựng công trình ngầm.
7. Tổ chức bộ máy thống nhất quản lý không gian ngầm đô thị
Kết luận:
Không gian ngầm là tài nguyên quý báu cần được nghiên cứu và khai thác có hiệu quả. Không gian ngầm đã và sẽ là một phần của đời sống đô thị hiện đại. Việc quy hoạch, quản lý và khai thác không gian ngầm nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất đô thị, năng lực cơ sở hạ tầng, góp phần giữ gìn cảnh quan lịch sử văn hóa, tăng diện tích xanh, cải thiện sinh thái đô thị… góp phần phát triển đô thị hiện đại và bền vững.