“Quản lý nghiêm thực hiện quy hoạch để không làm méo mó hình hài đô thị” “Quản lý nghiêm thực hiện quy hoạch để không làm méo mó hình hài đô thị”

“Quản lý nghiêm thực hiện quy hoạch để không làm méo mó hình hài đô thị”

 Thưa ông, cả đời gắn bó với ngành Xây dựng, từ công tác chuyên môn đến quản lý, cho đến hôm nay, ông có thể nói một cách khái quát về công tác quy hoạch đô thị và thực hiện quy hoạch ở Việt Nam thời gian qua?

- Thật khó! Câu chuyện này không phải và không thể nói gọn một vài câu được. Từ bản vẽ đến thực tế là một quãng đường dài và xa, có khi rất xa. Trước hết, phải khẳng định rằng, sau hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, cùng với những thành tựu chung về kinh tế - xã hội, hệ thống đô thị Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ, vượt bậc cả về số lượng và chất lượng. Đó là thực tế vui mừng mà ai cũng nhìn thấy.

Nhưng bảo rằng chúng ta đã hài lòng chưa, thì thực sự là chưa. Đã qua rồi giai đoạn chúng ta đếm số lượng, mà bây giờ phải nhìn đến chất lượng. Làm sao phát triển đô thị, nhưng phải là phát triển bền vững(?). Đó thực sự là những yêu cầu cấp thiết đặt ra, không chỉ với những người làm công tác quy hoạch, mà còn cả ở tầm vĩ mô, cấp độ quốc gia, ở việc hoàn thiện các chính sách pháp luật phù hợp với hệ thống pháp luật chung của đất nước cũng như các yêu cầu về hội nhập quốc tế…

Vậy đấy, quy hoạch là để quản lý, nhưng hiện nay, công tác quy hoạch thiếu quy chế quản lý phát triển đô thị. Làm quy hoạch đã khó, nhưng quản lý được quy hoạch đó còn khó hơn.

 ♦ Đó quả là một thách thức trong tương lai với những người làm quy hoạch. Nhưng, như ông vừa nhắc đến, công tác phát triển đô thị ở Việt Nam cũng có những dấu ấn rõ nét đấy chứ? 

- Tôi nói đến những thách thức là để thấy mình cần vươn lên hơn nữa, ở tầng nấc cao hơn, hoàn thiện hơn. Còn nhìn ở chặng đường đã qua, thì rõ ràng, những bước phát triển của hệ thống đô thị Việt Nam những năm qua là rất ấn tượng. Phải khẳng định, rất rõ nét, đáng mừng và là một bước phát triển vượt bậc. Tính đến nay, toàn quốc có hơn 900 đô thị. Tỷ lệ đô thị hóa cả nước tăng từ 30,5% năm 2010 lên trên 43% như hiện nay. Không gian đô thị được mở rộng, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư theo hướng ngày càng đồng bộ và hiện đại, chất lượng sống của cư dân đô thị từng bước được cải thiện. Hệ thống cơ chế chính sách về quy hoạch và phát triển đô thị, phát triển nhà ở và thị trường bất động sản đã được ban hành khá đầy đủ và đồng bộ.

Kinh tế khu vực đô thị liên tục tăng trưởng ở mức cao, trung bình từ 12 - 15%, gấp 1,5 - 2 lần so với bình quân chung, hằng năm đóng góp khoảng 75% GDP cả nước. Một số đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM đã hình thành nhiều khu đô thị văn minh, hiện đại, nhất là những trung tâm về khoa học, công nghệ, giáo dục và đào tạo. Đô thị cũng đã khẳng định vai trò là động lực phát triển kinh tế, là hạt nhân thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở mỗi địa phương, mỗi vùng và cả nước.

Những kết quả đó chúng ta đều nhìn thấy, hệ thống đô thị của chúng ta, Thủ đô Hà Nội, TP.HCM, Huế, Đà Nẵng, Hải Phòng, Đà Lạt, miền núi, miền biển, đồng bằng… đô thị rất phát triển. Điều này không phải là mình tự khen, tự nhận, mà ngay cả bà con Việt kiều cùng khách nước ngoài người ta đều cảm nhận và đánh giá như thế. Rõ ràng là, bộ mặt đô thị Việt Nam phát triển rất nhanh. Thậm chí là, có những cái, tôi trong nghề cũng không nghĩ phát triển nhanh như thế. 

Điều đấy để nói là, chỉ có phát triển đô thị thì chúng ta mới có bộ mặt đất nước thay đổi. Mà bộ mặt đất nước thay đổi, đô thị phát triển thì cuộc sống của người dân cũng tốt lên. Hay nói cách khác, cuộc sống của người dân được cải thiện, văn minh, nông thôn theo đó cũng có hướng phát triển, nhiều vùng nông thôn cũng đang dần đô thị hóa. Đó là một đặc trưng của quá trình đô thị hóa mà quốc gia nào cũng trải qua.

 ♦ Diện mạo đô thị Việt Nam thật sự đã có những thay đổi rất lớn. Nhưng dường như công cuộc đô thị hóa và phát triển đô thị của đất nước vẫn đứng trước nhiều thách thức, thưa ông?

- Về mặt tổng thể, thẳng thắn mà nói, chúng ta phát triển đô thị còn dàn trải, gây lãng phí về đất đai. Hạ tầng đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển dân số và kinh tế khu vực đô thị. Các mô hình đô thị phát triển bền vững, văn minh, hiện đại còn chưa nhiều.

Tiếp nữa, là quản lý phát triển đô thị còn lộn xộn, chưa tương xứng với mong muốn của người dân. Đô thị hóa nhanh kéo theo các hoạt động xây dựng bùng nổ, trong khi đó quản lý ở cơ sở kém khiến kéo dài tình trạng cứ mưa là úng ngập, cao điểm thì kẹt xe, ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí nghiêm trọng.

Phát triển đô thị và tư duy khai thác đô thị mới chỉ đáp ứng nhu cầu trước mắt, thiếu tầm nhìn về đầu tư dài hạn. Sự chênh lệch khoảng cách giàu nghèo trong cư dân đô thị ngày càng gia tăng dẫn đến sự bất bình đẳng trong tiếp cận và hưởng thụ phúc lợi xã hội. Mâu thuẫn giữa phát triển với việc giữ gìn bảo tồn di sản văn hóa lịch sử đô thị cần phải khắc phục.

Việc sử dụng đất đai, dân số, lao động nhằm tăng cường chất lượng, tính hiệu quả, khả thi và bền vững của đô thị trong các đồ án quy hoạch còn có nhiều bất cập. Công tác quy hoạch, quản lý sử dụng không gian ngầm và hệ thống công trình ngầm đô thị chưa được chú trọng. Bên cạnh đó, phương pháp luận về lập quy hoạch, quy chuẩn, tiêu chuẩn chậm được đổi mới, chưa đáp ứng được yêu cầu đầu tư phát triển rất nhanh của đô thị hóa. Mô hình kinh tế đô thị, mô hình quản lý đô thị Việt Nam đến nay không còn phù hợp, đã bộc lộ các hạn chế làm cản trở quá trình phát triển kinh tế; vai trò đầu tàu, tác động đến sự phát triển của các vùng và trong liên kết vùng chưa thật rõ rệt…

Hệ thống pháp luật về quy hoạch, phát triển đô thị, đầu tư, đầu tư công, đất đai, xây dựng, nhà ở... còn chưa thống nhất, không đồng bộ, chậm được sửa đổi, bổ sung. Công tác kiểm tra, giám sát quy hoạch, xây dựng, phát triển đô thị chưa được thực hiện thường xuyên và phát huy hiệu quả. Các công cụ quản lý phát triển đô thị, hệ thống thông tin, dữ liệu, số liệu cần thiết để phục vụ công tác lập quy hoạch còn thiếu và yếu.

 ♦ Những điều này vừa là thách thức, vừa là vấn đề quản lý, thực hiện quy hoạch của chúng ta. Chúng ta phải tự đặt câu hỏi và trả lời. Tại sao như thế(?). Do năng lực hay do thiếu các quy định pháp luật?

- Những hạn chế nêu trên có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu: Nhận thức về đô thị hoá và phát triển đô thị xanh, bền vững chưa đầy đủ và chưa được quan tâm đúng mức.

 

 

  Thực tế cho thấy, nhiều địa phương ban đầu đã có quy hoạch đô thị và quy hoạch rất bài bản. Nhưng chỉ một thời gian sau khi công bố đã bị điều chỉnh?

- Từ ngày đổi mới đến nay, công tác quy hoạch, theo tôi, là gần như đã phủ kín cho tất cả các đô thị, cho 63 tỉnh thành. Những đô thị ở tỉnh thành thường là các trung tâm chính trị - kinh tế của tỉnh hoặc là thị xã trực thuộc, các thị trấn.

Điều chỉnh quy hoạch có 3 mức, được quy định trong Luật rồi chứ không phải cứ muốn là điều chỉnh. Quy hoạch vùng cũng có thể phải điều chỉnh. Ví dụ Quy hoạch Vùng Thủ đô cũng phải điều chỉnh từ 6 tỉnh khi Hà Nội chưa mở rộng lên đến 9 tỉnh khi Hà Nội mở rộng. Điều chỉnh quy hoạch cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi là Quy hoạch chung). Tiếp đến là phân khu và điều chỉnh quy hoạch chi tiết.

Như vậy thì cấp vùng, cấp thành phố và cấp phân khu, quy hoạch chi tiết đều có thể điều chỉnh. Quy hoạch vùng thuộc về Luật Xây dựng. Quy hoạch phân khu có thể 10 năm mới điều chỉnh, thậm chí có thể 5 năm (tùy theo nội dung điều chỉnh được cấp có thẩm quyền phê duyệt). Nhưng quy hoạch chi tiết thì có thể 3 năm điều chỉnh, quy hoạch chi tiết duyệt rồi mà 3 năm không thực hiện là phải bỏ, làm lại.

 ♦ Điều này có là bình thường, thưa ông?

- Rõ ràng, phải hiểu việc điều chỉnh là một nhiệm vụ rất quan trọng trong công tác quy hoạch. Nó được quy định trong luật, và việc điều chỉnh phải có lý do hợp lý, chứ không phải cứ điều chỉnh theo ý muốn. Trình tự điều chỉnh cũng đã có trong quy định của Luật. 

Do đó, người đứng ra phê duyệt điều chỉnh quy hoạch là phải có cái nhìn thấu đáo, xem việc điều chỉnh đó có phù hợp với quy hoạch chung, phù hợp với quy chuẩn, quy phạm hay không, có làm tăng mật độ lên không, có làm mất đi một vài chức năng hay không. Điều chỉnh phục vụ cho sự phát triển thì tốt, nhưng nếu điều chỉnh vì lợi ích của một nhóm, một số người thì phải tuyệt đối tránh.

Quy hoạch đô thị được hình dung là mở rộng lãnh thổ tại những thành phố đã lấy thêm đất khu vực nông thôn cận kề. Theo ông, làm sao để kiểm soát được nguồn cung cấp đất cho nhu cầu phát triển các đô thị?

- Để phát triển đô thị, quy hoạch phải luôn đi trước một bước. Nó là nội dung quan trọng để “dẫn đường” phát triển hệ thống đô thị. Vì thế, trước hết là phải thống nhất với nhau rằng, trong quy hoạch và thực hiện quy hoạch thì việc lấy đất để xây dựng là là đương nhiên. Không thể không lấy đất được, nhưng lấy như thế nào mới là vấn đề cần xem xét thấu đáo.

Rõ ràng là đô thị hoá “nuốt” toàn bộ đất nông nghiệp hay đất nông thôn vào trong lòng đô thị. Việc này các nhà quy hoạch đã tính toán trong phát triển không gian đô thị. Lấy đất của khu vực nào, và các lãng xã cần phải được chỉnh trang, tạo sự phát triển phù hợp với quá trình đô thị hóa.

Nhưng ở Việt Nam, đất là vàng khi đất ruộng ấy lại trở thành đất đô thị. Quá trình phát triển đô thị ảnh hưởng rất nhiều đến làng, chẳng hạn như là hệ thống giao thông, hạ tầng thoát nước. Quy trình phát triển đô thị chính là quy trình đô thị hóa làng. Làng ấy trong quá trình từ nông thôn lên thành thị, làng chuyển thành phường. Đường sá phải mở rộng, thương mại dịch vụ, nhưng các thiết chế làng xã vẫn cần phải giữ lại. Đó cũng là một đặc trưng của đô thị. Nhưng quá trình phát triển đô thị phải có tính toán, nhất là vấn đề đất đai, không thể để người dân tuỳ tiện mua bán, tách nhỏ. Phải có phương án gom tất cả đất ấy trở thành đô thị, và phải quản lý đất ấy để quy hoạch phát triển đô thị, đền bù cho người dân phù hợp. 

Nếu không tính toán trước sẽ khiến công tác chỉnh trang đô thị rất vất vả. Bởi khi có nhu cầu mở rộng đường sá, người dân ở kín rồi, việc giải toả sẽ rất tốn kém. Chẳng hạn như ở Hà Nội, đường Vành đai 2 từ Times City đến chợ Mơ rất tốn kém…

Tôi nói qua một số biểu hiện như thế để thấy rằng, việc tạo quỹ đất để phát triển đô thị là rất quan trọng. Nó liên quan đến chất lượng công tác quy hoạch. Trong đó công tác dự báo là rất quan trọng. Dự báo kém có nghĩa là quy hoạch ấy không đạt yêu cầu. Cũng có nghĩa là liên quan đến chất lượng tư vấn. Do đó, khâu chọn tư vấn phải có chọn lọc, rõ ràng, minh bạch.

 

Ông đánh giá thế nào về hiệu quả của công tác quy hoạch trong việc sử dụng quỹ đất sau hơn 15 năm mở rộng Thủ đô?

- Hà Nội mở rộng là đất đai tăng 3,6 lần, quỹ đất rộng lớn, trở thành một không gian phát triển phía Tây rất đắc địa, cơ hội lớn cho phát triển đô thị, nên việc lấy đất đai phát triển đô thị theo quy hoạch là nội dung quan trọng được xã hội quan tâm (thông qua HĐND).

Công tác quy hoạch đã tính toán cơ sở quỹ đất rất rõ, quỹ đất đi với mật độ dân cư, có tính toán, quy định rõ ràng. Nhưng quá trình ấy cũng nảy sinh nhiều vấn đề, nhà đầu tư vào lại thực hiện điều chỉnh để tăng hiệu quả kinh tế. 

Đến Vành đai 4, một vành đai rất quan trọng, kết nối các thành phố với nhau, không chỉ trong Hà Nội. Tôi nghĩ rằng không nên “ôm” các đô thị đi theo vành đai. Vành đai là để kết nối giao thông, không có nước nào đưa đô thị ra “ôm” vành đai. Nên phát triển hệ thống đường gom để kết nối.

 ♦ Theo ông, làm sao để kiểm soát được quá trình cung cấp đất cho nhu cầu phát triển các đô thị?

- Dự trữ quỹ đất là một hạng mục trong công tác quy hoạch. Hay nói cách khác là dự trữ đất cho phát triển đô thị. Thực tế trong phát triển đô thị Việt Nam hiện nay, nhất là ở các đô thị lớn, cho thấy tình trạng quỹ đất trong phát triển đô thị chưa tạo được sức bật của nó, thậm chí là quỹ đất ở nhiều dự án khoanh lại, để không, rất lãng phí quỹ đất. Có những nơi, đất trong đô thị để hoang hóa hàng chục năm, đấy là thiếu sót, là lãng phí tài nguyên đô thị ghê gớm, làm xấu đi hình ảnh đô thị.

Lấy ví dụ như với quy hoạch Hà Nội, bây giờ đường Vành đai 3 đã trở thành đường đô thị mất rồi. Vì thành phố quá phát triển, trong Vành đai 3 là đô thị trung tâm, ngoài Vành đai 3 là đô thị phát triển. Vì thế cho nên Vành đai 3 hai bên gần như là kín, không còn quỹ đất. Đến Vành đai 4 mới thực sự là vành đai bên ngoài của Hà Nội. Nên trở thành vành đai giao thông, kết nối Bắc - Nam, Đông - Tây, tốc độ cao, hạn chế lưu lượng xe vào thành phố. Tạo quỹ đất cảnh quan, phát triển các loại hình công nghiệp, thương mại, dịch vụ phù hợp với điều kiện giao thông để khai thác quỹ đất hơn.

Tiếp đến là Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn 2065. Với tầm nhìn đó, phục vụ 12 - 14 triệu dân, do vậy phải có đất dự trữ phát triển của giai đoạn 2045 - 2065 dành cho nhu cầu ở, giao thông, cây xanh, kho tàng bến bãi.

Trong xu thế sắp tới, cần đặc biệt quan tâm quỹ đất đất không gian ngầm, nghĩa là không nhất thiết phải lấy đất nữa mà một nửa là đất, nửa còn lại phát triển không gian ngầm. Do đó, cấp thiết cần phải đồng bộ lập quy hoạch không gian ngầm.

 ♦ Có ý kiến cho rằng, ở thời điểm này, việc giá bất động sản đang tăng cao một phần do tác động từ những quy hoạch mà các địa phương đang triển khai thực hiện. Điều này theo ông nên mừng hay lo? Có thể kiểm soát tăng giá đất trong quy hoạch?

- Cái đó đúng. Tự nhiên có một miếng đất mình nhìn vào thấy là vàng là bạc nhưng cũng miếng đất ấy nếu nó cách xa đường cả cây số, chẳng biết để làm gì, thì chẳng ai quan tâm. Nhưng khu đất ấy, nếu có quy hoạch đường sá, kết nối vào đường trong đô thị và khu vực đấy là một trong khu vực sẽ được xây dựng một khu đô thị mới chẳng hạn, thì là từ giá đất nông nghiệp sẽ được đẩy thành giá đất đô thị.

Còn với việc kiểm soát giá đất, tôi nghĩ, Bộ Xây dựng cần có những nghiên cứu sâu xa về nội dung này. Những vấn đề về quá trình quản lý sau quy hoạch. Muốn thế cần có quy chế, có cơ chế quản lý sau quy hoạch và phải làm rõ trong hệ thống kinh doanh bất động sản. Bởi vì có quản lý được thì nó mới ra một đô thị có hình hài và chất lượng. Quy hoạch ra để đó, để xã hội tự quản lý thì sẽ rất dễ méo mó. Chẳng hạn như tình trạng lợi dụng quy hoạch để thổi giá, lợi dụng quy hoạch để điều chỉnh… làm méo mó đi hình hài đô thị và để giới kinh doanh bất động sản lợi dụng công tác quy hoạch để trục lợi.

Như tôi đã nói, cái khó nhất hiện nay là vấn đề quản lý phát triển đô thị. Hy vọng rằng, Luật Quản lý phát triển đô thị đang được soạn thảo trình Quốc hội sẽ đưa những nội dung này vào. Luật khi được thông qua sẽ là cơ sở để thực hiện các mục tiêu trên đây, rà soát lại tất cả các hiện tượng như vừa qua, xem cái được, cái chưa được là gì, từ đó nêu những vấn đề cần quản lý.

 ♦ Nghị quyết 06/NQ-TW của Bộ Chính trị (tháng 02/2022) về xây dựng và phát triển bền vững hệ thống đô thị đến năm 2030 và tầm nhìn năm 2050 đặt mục tiêu 75% cả nước là khu vực đô thị. Với những gì đang diễn ra thời gian qua, theo ông, chúng ta cần phải làm gì để thực hiện được tốt mục tiêu đề ra?

- Nghị quyết 06/NQ-TW là một nghị quyết rất quan trọng của Bộ Chính trị, lần đầu tiên có. Nghị quyết 06/NQ-TW là một câu chuyện rất khác. Nghị quyết đánh giá câu chuyện phát triển đô thị là hết sức quan trọng, bởi vì nó đóng góp 75% GDP của cả nước, bộ mặt phát triển đô thị của đất nước cũng như câu chuyện về chất lượng cuộc sống của người dân.

Những người làm công tác quy hoạch quán triệt sâu sắc, toàn diện chủ trương, quan điểm và nội dung của Nghị quyết 06/NQ-TW của Bộ Chính trị về việc Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam; nhận thức sâu sắc, đầy đủ hơn về vai trò, vị trí quan trọng công tác quy hoạch đô thị trong sự nghiệp phát triển đô thị Việt Nam theo hướng xanh, thông minh và bền vững.

Đô thị hóa đúng hướng là một nhiệm vụ quan trọng để đô thị phát triển bền vững hơn. Quy hoạch đô thị chính là nền tảng để định hướng thúc đẩy quá trình đô thị hóa phát triển bền vững, hài hòa lợi ích kinh tế và môi trường sinh thái… Vì thế, mục tiêu đô thị hoá đạt 75% đến năm 2050, tôi nghĩ là đạt được và hợp lý vì hiện đã 43% rồi. Các nước phát triển cũng chỉ dừng lại ở phát triển đô thị 90%, còn lại là nông thôn.

Muốn đạt được trước hết phải có nền kinh tế mạnh, trên cơ sở quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đặc biệt có nền tảng công nghệ cao. Sau đó là phải có hạ tầng phát triển, kết nối tốt phục vụ cho đô thị hoá. Tiếp đó là có chương trình mục tiêu phù hợp, phân định rõ nguồn lực phục vụ cho phát triển. Quan trọng hơn cả là phải có luật, chính sách, hay nói cách khác là cơ sở pháp lý hoàn chỉnh, đồng bộ, giải quyết tất cả các vấn đề của đô thị.

Cuối cùng là, phải có hệ thống quản lý đô thị có chất lượng, nhân lực có tri thức, kinh nghiệm quản lý phát triển đô thị.

 ♦ Trân trọng cảm ơn ông!