Cục Quản lý hoạt động xây dựng

Quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về lĩnh vực hoạt động xây dựng

22:19 25/10/2023
Cục Quản lý hoạt động xây dựng là tổ chức thuộc Bộ Xây dựng, thực hiện chức năng giúp Bộ trưởng Bộ Xây dựng quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về lĩnh vực hoạt động xây dựng.

Tăng cường tổ chức thực hiện pháp luật ĐTXD

Ngày 09/10/2013, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định số 1001/QĐ-BXD về việc thành lập Cục Quản lý hoạt động xây dựng trên cơ sở tổ chức lại Vụ Quản lý hoạt động xây dựng và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Cục Quản lý hoạt động xây dựng.

Việc thành lập Cục Quản lý hoạt động xây dựng nhằm tăng cường việc tổ chức thực hiện pháp luật ĐTXD, nâng cao tính chủ động và thực hiện vai trò cơ quan chuyên môn về xây dựng cho Vụ Quản lý hoạt động xây dựng

Theo đó, Cục Quản lý hoạt động xây dựng là tổ chức thuộc Bộ Xây dựng, thực hiện chức năng giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về lĩnh vực HĐXD gồm: Lập, thẩm định, phê duyệt dự án ĐTXD và công tác quản lý thực hiện dự án ĐTXD; Lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở; Cấp giấy phép xây dựng; Cấp giấy phép HĐXD cho nhà thầu nước ngoài HĐXD tại Việt Nam; Quản lý năng lực HĐXD của tổ chức, cá nhân.

Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn trao Quyết định bổ nhiệm cho tân Cục trưởng Cục Quản lý hoạt động xây dựng Hoàng Anh Tuấn.

Đến nay, cơ cấu tổ chức của Cục gồm: Văn phòng, Phòng Quản lý dự án, Phòng Quản lý thiết kế, Phòng Quản lý kỹ thuật, Phòng Quản lý Xây dựng phía Nam, Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn xây dựng, Trung tâm Tư vấn xây dựng và phát triển đô thị phía Nam.

Sau 65 năm hình thành và phát triển, từ khi trực thuộc Bộ Kiến trúc được thành lập theo Nghị quyết được ban hành ngày 29/4/1958 tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa I, tiền thân của Bộ Xây dựng ngày nay, dù trải qua nhiều quá trình sáp nhập, chia tách hay thay đổi tên gọi, nhưng Cục Quản lý hoạt động xây dựng luôn tổ chức triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ được Bộ Xây dựng giao, có những đóng góp quan trọng trong công tác tham mưu hoạch định chính sách trong quản lý hoạt động ĐTXD;

Kiến tạo môi trường pháp lý để ngành Xây dựng hội nhập khoa học, công nghệ xây dựng; quản lý xây dựng dự án, công trình; Tư vấn và thi công xây dựng bắt kịp với trình độ phát triển ngành Xây dựng của các nước tiên tiến trên thế giới.

Trong bối cảnh đất nước đang đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, Cục luôn quan tâm thực hiện tốt cải cách thủ tục hành chính đi đôi với tăng cường công tác quản lý nhà nước trong tất cả các giai đoạn của HĐXD.

Nghiên cứu tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các Bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh giải ngân đầu tư công; các nhà thầu, nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ, sản lượng sớm đưa công trình vào hoạt động phục vụ phát triển kinh tế đất nước và sinh hoạt người dân.

Đồng thời, tăng cường tính hiệu lực, hiệu quả, công tác quản lý dự án ĐTXD đảm bảo việc đầu tư đúng chiến lược, quy hoạch, chương trình, hiệu quả và đặc biệt là trật tự xây dựng đã dần đi vào nề nếp, thời gian thủ tục hành chính đã được rút ngắn, đề cao trách nhiệm của chủ đầu tư, đơn vị nghề nghiệp.

Tham mưu cho những quyết sách lớn

Theo đó, trong lĩnh vực xây dựng chính sách pháp luật, thời kỳ trước khi Luật Xây dựng được ban hành, Cục đã tham mưu, nghiên cứu và tham gia soạn thảo để Bộ Xây dựng ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp thẩm quyền ban hành nhiều VBQPPL liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước về HĐXD.

Trong đó, có các Nghị định quan trọng như: Nghị định 385 ngày 07/11/1990 của Hội đồng Bộ trưởng về sửa đổi, bổ sung Nghị định 232 của Chính phủ ngày 6/6/1981 ban hành “Điều lệ Quản lý xây dựng cơ bản”; Nghị định 177 của Chính phủ ngày 20/10/1994 ban hành “Điều lệ Quản lý Đầu tư và Xây dựng”; Nghị định 52 của Chính phủ năm 1999 ban hành “Quy chế Quản lý đầu tư và xây dựng”; Nghị định 12 của Chính phủ năm 2000 hay Nghị định 07 của Chính phủ năm 2003…

Các Thông tư hướng dẫn về việc quản lý ĐTXD; cấp phép xây dựng; cấp chứng chỉ hành nghề cho tổ chức, cá nhân thiết kế, thi công xây lắp; quản lý HĐXD của nhà thầu nước ngoài…

Đại hội Đảng bộ Cục Quản lý hoạt động xây dựng năm 2022.

Kể từ năm 2003 đến nay, Cục Quản lý HĐXD đã tổ chức soạn thảo trình Bộ Xây dựng ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành nhiều VBQPPL liên quan đến chức năng, nhiệm vụ được giao, cụ thể: 3 Luật quan trọng: Luật Xây dựng năm 2003; Luật sửa đổi, bổ sung một số luật liên quan đến ĐTXD cơ bản năm 2009; Luật Xây dựng năm 2014; Luật số 62 năm 2020 sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng 2014.

Các Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng và các văn bản của Bộ Xây dựng về lập, thẩm định, phê duyệt dự án ĐTXD công trình; cấp giấy phép xây dựng; cấp chứng chỉ hành nghề HĐXD; quản lý nhà thầu nước ngoài; quản lý an toàn trong thi công xây dựng…

Đối với công tác quản lý các công trình trọng điểm quốc gia, Cục đã cử lãnh đạo và chuyên viên cùng với chuyên gia của các đơn vị khác thực hiện nhiệm vụ của Tổ công tác về xây dựng giúp Ban chỉ đạo Nhà nước chỉ đạo, điều hành thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia.

Với tư cách là thành viên thường trực của Tổ công tác đối với các dự án trọng điểm quốc gia và các dự án do Bộ Xây dựng làm chủ đầu tư như: Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Trung tâm hội nghị Quốc gia, Thủy điện Sơn La, Thủy điện Lai Châu, Hội trường Ba Đình mới, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Đại học Quốc gia và gần đây là đường cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, 2; sân bay Long Thành; các dự án trọng điểm ngành Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…

Tổ công tác đã nghiên cứu đề xuất các cơ chế đặc thù áp dụng cho các công trình trọng điểm quốc gia; Theo dõi, nắm bắt tình hình thi công, phản án, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, nâng cao hiệu quả đầu tư.

Về thẩm định Dự án ĐTXD, thiết kế công trình, quản lý cấp phép xây dựng, Cục đã thực hiện tốt các công việc thẩm định nhiều dự án, công trình xây dựng; Tham gia ý kiến Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án và công trình theo yêu cầu của Hội đồng thẩm định Nhà nước và các Bộ, ngành đảm bảo chất lượng và thời gian, góp phần quản lý việc ĐTXD đảm bảo quy hoạch được duyệt, an toàn công trình, an toàn phòng cháy, môi trường và tiện nghi cho người dân và thúc đẩy tiến độ thực hiện các dự án đảm bảo tuân thủ các quy định.

Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, chấn chỉnh những vi phạm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong HĐXD; qua đó tổng hợp, đánh giá các quy định pháp luật ngày càng phù hợp với thực tế và thông lệ quốc tế.

Bên cạnh đó, Cục đã nghiên cứu, soạn thảo trình ban hành các văn bản quy định về điều kiện năng lực HĐXD của tổ chức, năng lực hành nghề của cá nhân lập dự án, quản lý dự án, khảo sát, thiết kế, giám sát thi công xây dựng, trong đó có quy định về điều kiện năng lực đối với tổ chức, cá nhân thực hiện các loại công trình;

Quy định về cấp giấy phép thầu và quản lý hoạt động của nhà thầu nước ngoài; điều kiện của các tổ chức được cấp chứng chỉ năng lực HĐXD.

Công tác cấp chứng chỉ năng lực cho tổ chức, hành nghề cho các cá nhân và cấp giấy phép thầu cho nhà thầu nước ngoài đã phát huy rất hiệu quả mục tiêu quản lý năng lực HĐXD của các doanh nghiệp, cá nhân phải đáp ứng được yêu cầu về trình độ năng lực chuyên môn, kinh nghiệm và hiểu biết pháp luật khi tham gia HĐXD.

Qua đó, tạo được phân khúc thị trường đối với doanh nghiệp và phân hạng đối với cá nhân gắn yêu cầu phức tạp của công trình.

Tổng kết trong 10 năm gần đây, các tai nạn nghề nghiệp liên quan đến năng lực giảm rõ rệt; Chất lượng, trình độ tư vấn, nhà thầu ngày càng chuyên nghiệp hơn.

65 năm trưởng thành cùng ngành Xây dựng là 65 năm ghi dấu những bước phát triển mạnh mẽ, những thành tựu nổi bật của Cục Quản lý hoạt động xây dựng, góp phần to lớn cho mục tiêu xây dựng “Đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng mong ước.

Bình luận