Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Mai Thị Liên Hương - Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) cho biết, quá trình đô thị hóa đã và đang diễn ra nhanh chóng ở Việt Nam, tính đến tháng 10/2022, cả nước có 888 đô thị (trong đó có 2 đô thị loại đặc biệt, 22 đô thị loại I, 33 đô thị loại II, 47 đô thị loại III, 94 đô thị loại IV và các đô thị loại V), tỷ lệ đô thị hóa ước khoảng 41%. Ðô thị đã và đang khẳng định vai trò là động lực phát triển kinh tế, là hạt nhân thúc đẩy chuyển dịch kinh tế, cơ cấu lao động ở mỗi địa phương, mỗi vùng và cả nước.
Tuy nhiên, thách thức của đô thị hóa và biến đổi khí hậu đang tác động mạnh đến môi trường, chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển bền vững của đô thị. Trước thực trạng đó, việc quản lý, xây dựng và phát triển hạ tầng đô thị xanh, an toàn và bền vững cần được các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương quan tâm. Đây là xu hướng phát triển bền vững đô thị của Việt Nam và thế giới.
Theo PGS.TS Mai Thị Liên Hương, khái niệm “hạ tầng xanh” còn tương đối mới trong quản lý đô thị, cả ở Việt Nam và nhiều nước đang phát triển trên thế giới. Đó là mạng lưới các thành tố xanh được bảo tồn, tăng cường, hoặc được thiết lập nhằm giải quyết các vấn đề của đô thị hóa dựa trên cách tiếp cận “xây dựng hạ tầng thân thiện với môi trường, hài hòa cùng thiên nhiên”...
Tại Hội thảo lần này, các chủ đề chính được đưa ra tham luận là: quản lý nước mưa và nước thải thích ứng biến đổi khí hậu, nước biển dâng; cải thiện chất lượng không khí, nước sạch, giao thông thông minh, cùng các chức năng hạ tầng xã hội như tăng chất lượng sống thông qua cung cấp không gian xanh cho hoạt động giải trí, nghỉ ngơi, cung cấp bóng mát và tạo đặc trưng cảnh quan đô thị…
Dưới góc độ quản lý, Chính phủ Việt Nam đã từng bước tiếp cận, quan tâm đến các vấn đề phát triển hạ tầng đô thị xanh, bền vững thông qua việc lồng ghép vào các văn bản quy phạm pháp luật như Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đa dạng sinh học…
Với chức năng quản lý về lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, bao gồm: cấp nước, thoát nước, giao thông đô thị, công viên - cây xanh, công trình ngầm,… Bộ Xây dựng đã và đang tổ chức tốt các công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực được giao.
Tuy nhiên, đối với phát triển hạ tầng đô thị xanh, chỉ mới tiếp cận trong những năm gần đây nên rất cần có thêm những nghiên cứu, kinh nghiệm và kiến thức của các quốc gia, chính quyền đô thị, các cơ quan, tổ chức trên thế giới để có thể triển khai, áp dụng tại Việt Nam, cả dưới góc độ chính sách, quy hoạch, kinh nghiệm quản lý đến khoa học công nghệ, tài chính, con người…
Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật Mai Thị Liên Hương cho biết thêm, Hội thảo lần này là cơ hội để Bộ Xây dựng lắng nghe, trao đổi và tiếp thu ý kiến của các đại biểu, các chuyên gia, là cơ sở để nghiên cứu, tham mưu cấp có thẩm quyền hoàn thiện thể chế chính sách và đưa ra định hướng phát triển hạ tầng đô thị xanh ở Việt Nam.