Ngày 6/10, tại TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế tổ chức trưng bày, niêm yết lấy ý kiến cộng đồng và cá nhân liên quan về hồ sơ Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2050.
Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết, công tác quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ lập quy hoạch tại Quyết định số 42/QĐ-TTg ngày 11/1/2022 với thời gian thực hiện hoàn thành Quy hoạch trong quý I/2024.
Theo đồ án Quy hoạch có tầm nhìn đến năm 2050, Thừa Thiên Huế là thành phố Festival, trung tâm văn hóa, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu đặc sắc của châu Á, trong đó Quần thể di tích Cố đô Huế làm hạt nhân cốt lõi.
Phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch: Không gian hình thành và phát triển cố đô lịch sử, không gian cảnh quan, các địa danh, địa điểm, địa giới tự nhiên có quan hệ mật thiết trong quá trình hình thành Quần thể di tích Cố đô Huế, bao gồm: Khu vực Kinh thành Huế, Kim Long, Bao Vinh, Gia Hội, núi Kim Phụng, núi Ngự Bình, núi Duệ, đồi Vọng Cảnh, cồn Hến, cồn Dã Viễn, cửa biển Thuận An, đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, lưu vực sông Hương và các chi lưu thuộc địa giới hành chính thành phố Huế, thị xã Hương Trà, thị xã Hương Thuỷ, huyện Quảng Điền và huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Tổng diện tích khoảng 134.000 ha.
Thời gian tổ chức lấy ý kiến cộng đồng và cá nhân liên quan về hồ sơ Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 từ ngày 6/10 đến hết ngày 31/10/2023.
Ngày 11/12/1993, Quần thể di tích Cố đô Huế chính thức được ghi vào Danh mục Di sản Thế giới của UNESCO, đây là di sản thế giới đầu tiên của Việt Nam được vinh danh.
Trong vòng 30 năm, khu di sản thế giới này đã chuyển mình với những kết quả vô cùng tích cực sau nhiều dự án đầu tư và tái đầu tư cho công cuộc bảo tồn. Quần thể di tích Cố đô Huế trở thành một trong những khu di tích được bảo tồn hiệu quả nhất cả về mặt cấu trúc cũng như các hạng mục di sản phi vật thể khác.
Đến nay, Thừa Thiên Huế là tỉnh duy nhất ở Việt Nam cũng như ở khu vực Đông Nam Á có 7 di sản được UNESCO ghi danh, trong đó có 5 di sản của riêng Huế (Quần thể di tích Cố đô Huế - 1993 - Di sản vật thể, Nhã nhạc - Âm nhạc cung đình Việt Nam - 2003 - Di sản phi vật thể, Mộc bản triều Nguyễn - 2009 - Di sản tư liệu, Châu bản triều Nguyễn - 2014 - Di sản tư liệu, Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế - 2016 - Di sản tư liệu) và 2 di sản chung với các địa phương khác (Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam và Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt).