Quy hoạch phù hợp thực tế địa phương
Sau khi Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn thi hành được ban hành, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nhằm cụ thể hóa các nội dung đã được quy định trên cơ sở phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, làm căn cứ cho các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh, bảo đảm kịp thời, đầy đủ, thống nhất, tuân thủ theo quy định.
Quy hoạch xây dựng đô thị, nông thôn trên địa bàn tỉnh đã được lập, thẩm định, phê duyệt đảm bảo theo quy định; Kịp thời điều chỉnh, cập nhật các loại quy hoạch, hạn chế tối đa việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch.
Nâng cao chất lượng lập quy hoạch tập trung cho các khu đất có giá trị thương mại, thuận lợi giao thông, đô thị, có tiềm năng phát triển du lịch, thương mại, dịch vụ, các đồ án quy hoạch phát triển đô thị đã hoàn thành được nhiều nhà đầu tư chiến lược quan tâm.
Tiến độ lập, thẩm định, điều chỉnh quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn trên địa bàn tỉnh được thực hiện nhanh chóng kịp thời, đảm bảo yêu cầu phục vụ công tác quản lý nhà nước và kêu gọi đầu tư; rà soát công tác lập quy hoạch để tiến hành điều chỉnh, lập mới các khu vực để phù hợp tình hình thực tế của địa phương.
Hiện nay, toàn bộ 19/19 đô thị trên địa bàn tỉnh được phê duyệt Quy hoạch chung đô thị, triển khai lập phê duyệt được 11 hồ sơ Chương trình phát triển đô thị, hồ sơ khu vực phát triển đô thị, cơ bản đủ công cụ pháp lý để quản lý nhà nước, kêu gọi đầu tư, thu hút đầu tư trên địa bàn toàn tỉnh và trên địa bàn các đô thị.
Đến hết năm 2013, có 194/203 xã trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành công tác lập, thẩm định và phê duyệt hồ sơ quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới, đáp ứng tiêu chí quy hoạch theo Bộ tiêu chí xã hoàn thành tiêu chí số 1 (Quy hoạch và thực hiện quy hoạch); 9/203 xã không lập quy hoạch nông thôn mới do định hướng phát triển lên đô thị.
Hiện nay, UBND cấp huyện đang triển khai rà soát, điều chỉnh hồ sơ quy hoạch nông thôn mới phù hợp với định hướng Quy hoạch xây dựng vùng huyện được phê duyệt, nhằm đáp ứng yêu cầu chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn mới.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Quảng Nam và các cơ quan, đơn vị cơ bản kịp thời, ban hành các văn bản chỉ đạo điều hành một cách đầy đủ, đồng bộ và có tính thống nhất, nhằm tháo gỡ kịp thời các khó khăn vướng mắc trong công tác lập thẩm định phê duyệt quy hoạch xây dựng.
Công tác phê duyệt đồ án quy hoạch xây dựng đáp ứng nhu cầu đất ở cho nhân dân; công tác lập đồ án quy hoạch xây dựng đô thị mới từng bước phát triển, làm cơ sở pháp lý cho việc đầu tư xây dựng nhà, phát triển khu dân cư, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đến nay, quy hoạch xây dựng vùng liên huyện phía Đông tỉnh Quảng Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã tổ chức rà soát và lập nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch, đã được HĐND tỉnh khóa X tại kỳ họp thứ 3 thông qua tại Nghị quyết số 64/NQ-HĐND ngày 29/9/2021.
Đã có 14/15 huyện trên địa bàn tỉnh đã tổ chức triển khai thực hiện lập quy hoạch xây dựng vùng huyện, trừ huyện Núi Thành đã có quy hoạch chung đô thị Núi Thành được duyệt và đã trình Bộ Xây dựng xem xét công nhận đô thị loại IV.
UBND tỉnh đã phê duyệt 03 đồ án quy hoạch vùng huyện (Bắc Trà My, Đông Giang, Phú Ninh) và phê duyệt điều chỉnh 01 quy hoạch vùng huyện (Duy Xuyên); các địa phương còn lại đang triển khai và hoàn chỉnh đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện theo quy định.
Những khó khăn, hạn chế
Tuy nhiên, theo UBND tỉnh Quảng Nam, vẫn tồn tại một số khó khăn, hạn chế trong công tác quy hoạch như việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư về các đồ án quy hoạch đô thị, điều chỉnh quy hoạch gặp nhiều khó khăn trong quá trình tổ chức vận động người dân tham gia, cũng như chất lượng các ý kiến góp ý, do người dân không nắm bắt nội dung chuyên môn và chỉ quan tâm đến vấn đề giải tỏa đền bù thực hiện quy hoạch.
Nguồn vốn lập quy hoạch chủ yếu được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước, chưa khai thác được nguồn vốn xã hội hóa theo quy định tại Khoản 3 Điều 10 Luật Quy hoạch “Nhà nước ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài hỗ trợ nguồn lực cho hoạt động quy hoạch bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch”. Trung ương cũng chưa có văn bản hướng dẫn trình tự tiếp nhận và sử dụng nguồn vốn xã hội hóa…
Để hoàn thiện, thực hiện tốt hơn nữa chính sách pháp luật về công tác quy hoạch, UBND tỉnh Quảng Nam kiến nghị Thủ tướng Chính phủ thống nhất ủy quyền cho cấp tỉnh điều chỉnh một số nội dung quy hoạch mang tính chất đơn giản, cục bộ, không làm ảnh hưởng đến mục tiêu, định hướng quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; các Bộ, ngành sớm ban hành quy định việc tiếp nhận tài trợ “sản phẩm quy hoạch tài trợ”.
Đối với việc lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư có liên quan về nhiệm vụ và đồ án quy hoạch, theo quy định Điều 20, Luật Quy hoạch đô thị 2009 và Điều 16, Luật Xây dựng 2014 quy định cơ quan tổ chức lập quy hoạch đô thị, chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng có trách nhiệm lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư có liên quan về nhiệm vụ và đồ án quy hoạch. Tuy nhiên, Luật không nêu rõ đối tượng cụ thể. Vì vậy, các Bộ, ngành trung ương bổ sung hướng dẫn cụ thể về các đối tượng lấy ý kiến quy hoạch trong các văn bản pháp luật về quy hoạch.