Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 72/QĐ-TTg ngày 17/01/2024 phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, Quảng Nam sẽ phát triển các đô thị xanh, sinh thái, gắn với cảnh quan, môi trường tự nhiên có hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ, hiện đại và thông minh; quy hoạch và đầu tư xây dựng các thiết chế công cộng quan trọng như quảng trường, công viên cây xanh, công viên chuyên đề; các khu vui chơi, giải trí, thể dục thể thao cho các lứa tuổi.
Gắn kết hài hòa phát triển giữa đô thị với thúc đẩy liên kết phát triển vùng. Nâng cao chất lượng đô thị hóa gắn với gia tăng hiệu quả kinh tế đô thị; nâng cấp đồng bộ về hạ tầng kinh tế, kỹ thuật, xã hội, công trình kiến trúc, nhà ở, chất lượng sống của người dân; chú trọng các công trình, dự án xây dựng thân thiện với môi trường.
Phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, thông minh, giàu bản sắc, trở thành động lực và không gian phát triển mới. Đầu tư mở rộng đô thị tại các trung tâm hành chính cấp huyện, gắn kết với mạng lưới giao thông liên vùng, chú trọng chất lượng dịch vụ đô thị.
Nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch chung Khu kinh tế mở Chu Lai phù hợp với nhu cầu phát triển thực tế, nâng cao hiệu quả kinh tế, cảnh quan đô thị.
Đến năm 2025, nâng cấp 02 đô thị Nam Phước và Hà Lam lên đô thị loại IV, hình thành 04 đô thị mới là Duy Nghĩa - Duy Hải, Bình Minh, Đại Hiệp, Tam Dân; tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 37%.
Đến năm 2030, nâng cấp Hội An lên đô thị loại II, Điện Bàn lên đô thị loại III, Ái Nghĩa lên đô thị loại IV, hình thành 02 đô thị mới là Việt An và Kiểm Lâm; tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 40%.
Dự kiến sáp nhập thành phố Tam Kỳ - huyện Núi Thành giai đoạn 2026 - 2030, định hướng phát triển lên đô thị loại I.
Đến năm 2030, nâng cấp thị xã Điện Bàn lên thành cấp hành chính là thành phố; đô thị Nam Phước mở rộng (huyện Duy Xuyên) kết nối với đô thị Duy Nghĩa - Duy Hải, đô thị Kiểm Lâm và các xã lân cận nâng cấp lên thành cấp hành chính là thị xã Duy Xuyên; đô thị Hà Lam mở rộng (huyện Thăng Bình) kết nối với đô thị Bình Minh và các xã lân cận, nâng cấp lên thành cấp hành chính là thị xã Thăng Bình.
Bên cạnh đó, các đô thị Tắc Pỏ, thị trấn Tơ Viêng hình thành cấp hành chính là thị trấn giai đoạn 2021 - 2025; đô thị Tam Dân, Đại Hiệp hình thành cấp hành chính là thị trấn giai đoạn 2026 - 2030.
Quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2030, Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt trên 8%/năm.
Đẩy mạnh phát triển công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, sản phẩm cơ khí, điện, điện tử. Hình thành trung tâm cơ khí đa dụng và ô tô quốc gia, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ gắn với dịch vụ hậu cần, logistics cảng biển, sân bay, đường sắt.
Đầu tư Cảng hàng không Chu Lai đạt tiêu chuẩn cảng hàng không quốc tế.
Đầu tư, phát triển theo mô hình cấu trúc không gian "hai vùng, hai cụm động lực, ba hành lang phát triển".
Vùng Đông gồm các địa phương ven biển là vùng động lực với các ngành kinh tế chủ đạo là kinh tế biển, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp. Tam Kỳ là đô thị trung tâm hành chính, kinh tế, giáo dục, đào tạo, Hội An là đô thị sinh thái - văn hóa - du lịch, Điện Bàn là đô thị phát triển công nghiệp, khoa học.
Hai cụm động lực gồm cụm Điện Bàn - Hội An - Đại Lộc là cực tăng trưởng phía Bắc, kết nối với các không gian kinh tế của Đà Nẵng, hình thành chuỗi đô thị ven sông, ven biển thông qua các tuyến đường bộ và hệ thống sông.
Cụm Tam Kỳ - Núi Thành - Phú Ninh kết nối các không gian kinh tế của 3 đơn vị hành chính này thành khu vực phát triển kinh tế công nghiệp, dịch vụ logistics cảng biển, hàng không, thương mại, du lịch biển.
Tầm nhìn đến năm 2050, Quảng Nam trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.