Quảng Nam: Tổng vốn đăng ký đầu tư kết cấu hạ tầng đạt 8.925 tỷ đồng

09:02 24/04/2023
Tính đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Nam có 14 khu công nghiệp đã được thành lập với tổng diện tích 3.676 ha, tổng vốn đăng ký đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng là 8.925 tỷ đồng.

Tỉnh Quảng Nam cho biết, sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, địa phương đã hoàn thiện và khai thác hiệu quả nhiều khu, cụm công nghiệp.

Về hạ tầng khu công nghiệp (KCN), từ năm 2018 đến nay, tỉnh Quảng Nam đã thành lập mới thêm 3 KCN với tổng diện tích 1.134 ha, tổng vốn đăng ký đầu tư 4.403 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đang tập trung giải phóng mặt bằng các KCN Tam Thăng mở rộng, KCN Thaco Chu Lai, KCN An An Hòa.

Lượng hàng hóa xuất, nhập qua các cảng biển Khu kinh tế mở Chu Lai tăng nhanh trong những năm qua. Ảnh: P.L

Tính đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Nam có 14 KCN đã được thành lập với tổng diện tích 3.676 ha, tổng vốn đăng ký đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng là 8.925 tỷ đồng, tổng vốn thực hiện khoảng 4.217 tỷ đồng, đạt 47% tổng vốn đăng ký đầu tư. Đã có 10/14 KCN đã đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy đạt 53%.

Về hạ tầng giao thông đường biển, Cảng biển Quảng Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch là cảng biển loại 1, đang xúc tiến triển khai các dự án về đầu tư vào các bến cảng, luồng tàu 5 vạn tấn, lập đề xuất quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Quảng Nam tích hợp vào các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành.

Trong khi đo, Sân bay Chu Lai được tổ chức quy hoạch lại theo tiêu chuẩn cấp 4F, hạ tầng trong và ngoài sân bay đã được đầu tư nâng cấp và đã đưa vào khai thác các tuyến nội địa, với quy mô 1,7 triệu lượt hành khách/năm.

Giai đoạn 2018 - 2022, nhiều công trình giao thông đường bộ trọng điểm trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã hoàn thiện đưa vào sử dụng như: Đường trục chính từ KCN Tam Thăng đi Sân bay Chu Lai, đường trục chính KCN Tam Thăng giai đoạn 1, đường nối cảng Tam Hiệp và cao tốc Quảng Ngãi - Đà Nẵng, đường trục chính nối KCN ô tô Trường Hải với KCN Tam Anh (giai đoạn 1), đường trục chính KCN Tam Quang, nút giao vòng xuyến hai tầng do Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của các địa phương trên địa bàn.

Liên quan đến nhà ở công nhân, tỉnh Quảng Nam đã cấp phép 2 dự án nhà ở công nhân là khu nhà ở công nhân Panko và khu nhà ở công nhân Tam Hiệp, tổng diện tích 6,4 ha, tổng vốn đăng ký đầu tư 425 tỷ đồng. Trong đó khu nhà ở công nhân Panko đã đưa vào sử dụng với công suất thiết kế 3.000 người, hiện có 500 công nhân đang ở.

Quảng Nam nằm giữa hai trung tâm kinh tế lớn của Việt Nam là Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, giáp thành phố Đà Nẵng và Khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi.  

Mục tiêu tổng quát của tỉnh Quảng Nam đến năm 2030 (theo dự thảo Quy hoạch tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050) phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước; có mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ theo hướng hiện đại.

Xây dựng Quảng Nam trở thành cực tăng trưởng quan trọng của khu vực miền Trung - Tây Nguyên, trung tâm phát triển năng động, toàn diện của vùng động lực kinh tế miền Trung.

Hình thành trung tâm hàng không, cảng biển, dịch vụ logistics, du lịch, dịch vụ quốc tế; trung tâm công nghiệp cơ khí ô tô, cơ khí chế tạo, điện khí mang tầm khu vực.

Cùng với đó, quy hoạch cũng đề ra 05 mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu trên các lĩnh vực về kinh tế; văn hóa - xã hội; môi trường; kết cấu hạ tầng và quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Bình luận