Với 432/432 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 90,19% tổng số đại biểu Quốc hội, 100% đại biểu tham gia biểu quyết, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về phân bổ NSTW năm 2025 vào chiều 13/11, Kỳ họp thứ 8.
Nghị quyết quyết nghị, số thu NSNN hơn 1,96 triệu tỷ đồng; Sử dụng 60 nghìn tỷ đồng nguồn tích lũy cho cải cách tiền lương của NSTW và hơn 50 nghìn tỷ đồng nguồn cải cách tiền lương của NSĐP đến hết năm 2024 còn dư chuyển sang bố trí dự toán năm 2025 của các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương để thực hiện mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng.
Tổng số chi NSNN hơn 2,5 triệu tỷ đồng; mức bội chi NSNN hơn 471 nghìn tỷ đồng, tương đương 3,8% GDP.
Về dự toán, kế hoạch vốn NSTW năm 2025 từ nguồn tăng thu NSTW năm 2022, Nghị quyết cho phép chuyển nguồn hơn 56,1 triệu tỷ đồng nguồn tăng thu NSTW năm 2022 còn lại chưa phân bổ để bố trí dự toán, kế hoạch đầu tư công vốn NSTW năm 2025 cho các nhiệm vụ, dự án được Quốc hội cho phép sử dụng dự phòng chung của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 tại Nghị quyết số 112/2024/QH15 ngày 18/01/2024 của Quốc hội.
Cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân tối đa hơn 579 tỷ đồng kế hoạch vốn từ nguồn tăng thu NSTW năm 2022 chưa giải ngân hết để giải quyết đền bù GPMB (bao gồm cả phần chậm trả) của các dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Nghệ An thuộc nhiệm vụ NSTW phát sinh sau khi các dự án này đã quyết toán sang năm 2025…
Nghị quyết giao Chính phủ tập trung điều hành chính sách tài khóa chủ động, hợp lý, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, nhịp nhàng với chính sách tiền tệ và các chính sách khác; kịp thời ứng phó với biến động phức tạp của tình hình trong nước và ngoài nước; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế...
Trước đó, trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình về đánh giá tình hình thực hiện NSNN năm 2024, dự toán NSNN năm 2025, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ khẩn trương chỉ đạo các cơ quan chuyên môn sớm xây dựng phương án sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước, cụ thể hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/9/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, có cơ chế điều tiết hợp lý nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất giữa Trung ương và địa phương; khẩn trương nghiên cứu, xây dựng phương án sửa đổi tổng thể Luật NSNN.
Một số ý kiến đề nghị Chính phủ cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, nhất là những công trình trọng điểm quốc gia, cũng như những công trình trọng điểm ở địa phương; chuyển kinh phí tại các công trình triển khai chậm sang thực hiện các công trình, dự án có khả năng thực hiện, giải ngân cao.
Trong những tháng cuối năm, Chính phủ cần chỉ đạo sát sao, quyết liệt, chủ động có giải pháp khắc phục, nâng cao trách nhiệm, tính chủ động của các Bộ, ngành, địa phương nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, nhất là những công trình trọng điểm quốc gia cũng như những công trình trọng điểm ở địa phương để bảo đảm hoàn thành mục tiêu đề ra.
Ngày 25/10, Bộ Tài chính công bố Báo cáo công khai dự toán NSNN năm 2025 Chính phủ trình Quốc hội trong đó Bộ Tài chính dự toán năm 2025 thu NSNN 1.966.800 tỷ đồng, tăng 15,6% so với dự toán năm 2024, chi NSNN 2.548.900 tỷ đồng, bội chi dự kiến khoảng 3,8% GDP.
Để đạt được mục tiêu đề ra, Bộ Tài chính kiến nghị tập trung vào các giải pháp chủ yếu như: giữ vững nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, phát triển bền vững các lĩnh vực kinh tế - xã hội; tập trung thực hiện các giải pháp tăng cường quản lý thu NSNN, đảm bảo thu đúng, đủ, kịp thời; tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, nâng cao hiệu quả quản lý, phân bổ, sử dụng NSNN gắn với các mục tiêu về tái cơ cấu nền kinh tế, phát triển bền vững; chú trọng đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế nhằm nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, đổi mới cơ chế tài chính đơn vị sự nghiệp công lập; tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, xây dựng cơ cấu sở hữu hợp lý, tập trung vào những ngành, lĩnh vực then chốt, nòng cốt cho kinh tế nhà nước; đảm bảo sự vận hành ổn định, an toàn của thị trường tài chính và dịch vụ tài chính, thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; tiếp tục cải thiện thực chất môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia tạo bứt phá phát triển kinh tế - xã hội...