Quốc hội thông qua Nghị quyết về thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung

10:11 29/11/2023
93,52 % đại biểu Quốc hội thống nhất ban hành Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu nhằm chủ động hội nhập quốc tế, nội luật hóa các quy định của OECD để giữ được quyền đánh thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam.

Nhiều quy định khác quy định hiện hành

Sáng 29/11, chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội biểu quyết thông qua 02 Nghị quyết và họp phiên bế mạc: Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu và Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề “việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các CTMTQG về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”.

Trong đó, về Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, có 462 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 93,52 %).

Chủ nhiệm UBTNSQH Lê Quang Mạnh. Ảnh: quochoi.vn.

Trước đó, Chủ nhiệm UBTNSQH Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết cho biết, Quốc hội đã thảo luận tại Tổ và tại Hội trường về dự thảo Nghị quyết. Đã có 36 lượt ý kiến phát biểu tại Tổ và 9 lượt ý kiến phát biểu tại Hội trường về nội dung này, các ĐBQH thống nhất cần thiết ban hành Nghị quyết để chủ động hội nhập quốc tế, nội luật hóa các quy định của Tổ chức hợp tác phát triển kinh tế (OECD) để giữ được quyền đánh thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam.

Theo Chủ nhiệm UBTNSQH Lê Quang Mạnh, dự thảo Nghị quyết quy định về việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu (TTTC) là những nội dung hoàn toàn mới, có nhiều quy định là khác, trái với các quy định hiện hành của Luật Thuế TNDN và một số luật liên quan khác. Vì vậy, theo quy định của Luật Ban hành VBQPPL, đây là một Nghị quyết thí điểm.

Để bảo đảm sự chắc chắn cho văn bản đạt chuẩn khi OECD hoặc các nước có quyền lợi liên quan thực hiện rà soát đồng cấp, UBTVQH đề nghị tên gọi của Nghị quyết không có chữ “thí điểm” nhưng được áp dụng như một Nghị quyết thí điểm để có cơ sở pháp lý cho việc áp dụng những quy định về chính sách mới, khác với các quy định của các Luật, Nghị quyết hiện hành. Việc giữ tên gọi của Nghị quyết như dự thảo để thể hiện đúng tinh thần quy định của OECD và phù hợp thông lệ chung của các nước.

Giải trình về phạm vi điều chỉnh, UBTVQH cho rằng, cần nghiên cứu đưa quy định nội dung này vào Luật Thuế TNDN khi sửa đổi. Theo đó, giao Chính phủ khẩn trương xây dựng hồ sơ dự án Luật Thuế TNDN (sửa đổi), bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 để có thể áp dụng từ năm tài chính 2025, đảm bảo giữ được quyền đánh thuế đối với các khoản thanh toán chịu thuế dưới mức tối thiểu của Việt Nam theo quy định về thuế TTTC.

Đối với quy định về tổ chức thực hiện, để tránh khả năng Nghị quyết bị xem là “không đạt chuẩn” theo quy định của OECD, đồng thời để tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện các quy định của dự thảo Nghị quyết, UBTVQH điều chỉnh lại nội dung quy định này, thể hiện tại khoản 2, Điều 8 dự thảo Nghị quyết theo hướng: Trường hợp có quy định khác nhau về cùng một vấn đề giữa Nghị quyết này với Luật, Nghị quyết khác của Quốc hội thì áp dụng quy định của Nghị quyết này.

Như vậy, các nhà đầu tư thuộc diện điều chỉnh sẽ bắt buộc phải nộp thuế TTTC tại Việt Nam và cũng có khả năng họ sẽ khiếu kiện trong trường hợp muốn nộp khoản thuế này về nước mẹ. Vì vậy, đồng thời với việc ban hành Nghị quyết này, UBTVQH đề nghị Chính phủ chủ động chuẩn bị và có các giải pháp, phương án xử lý hiệu quả, phù hợp trong trường hợp có thể xảy ra tranh chấp, khiếu kiện để bảo đảm môi trường đầu tư.

Bên cạnh đó, UBTVQH bổ sung vào Điều 7 nội dung yêu cầu chuẩn bị các điều kiện cần thiết để bảo đảm triển khai thực hiện Nghị quyết; bổ sung vào Điều 8 nội dung yêu cầu sửa đổi đồng bộ Luật Thuế TNDN, gắn kết với vấn đề về thời hạn hiệu lực; bổ sung vào Điều 6 nội dung về quản lý thuế và giao Chính phủ căn cứ các quy định về thuế TTTC và Luật Quản lý thuế, quy định chi tiết về quản lý thuế đối với thuế TNDN bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.

Không ban hành Nghị quyết riêng về chính sách hỗ trợ đầu tư

Về vấn đề môi trường đầu tư, UBTVQH đề nghị Chính phủ triển khai đánh giá một cách tổng thể hệ thống chính sách ưu đãi thuế hiện nay và khẩn trương xây dựng dự án sửa đổi, bổ sung Luật Thuế TNDN cùng với phương án điều chỉnh hệ thống thuế suất và ưu đãi thuế một cách phù hợp.

Đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua dự thảo Nghị quyết. Ảnh: quochoi.vn.

Chủ nhiệm UBTNSQH Lê Quang Mạnh cũng cho biết, ý kiến của các ĐBQH là rất xác đáng khi cho rằng, đồng thời với việc thực hiện thuế TTTC, cần thiết phải có những chính sách hỗ trợ đầu tư mới, thay thế cho các ưu đãi thuế sẽ không còn hiệu quả trên thực tế để các nhà đầu tư có thể yên tâm về môi trường đầu tư tại Việt Nam và thu hút được các nhà đầu tư lớn, chiến lược, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước.

Điều này cũng phù hợp với tinh thần của Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 và Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới của Ban Chấp hành Trung ương.

Để có thể xử lý một cách phù hợp đối với vấn đề duy trì môi trường đầu tư khi thực hiện thuế TTTC, trong thời gian giữa hai đợt họp vừa qua, UBTVQH đã khẩn trương phối hợp với Chính phủ và các cơ quan liên quan để tìm kiếm và xác định phương án xử lý phù hợp.

Ngày 15/11/2023, Chính phủ đã có Báo cáo số 45/BC-CP báo cáo về tình hình xây dựng dự thảo Nghị quyết thí điểm về chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, trong đó có kiến nghị việc thành lập một quỹ để thực hiện các biện pháp hỗ trợ đầu tư…

Theo đó, UBTVQH không ban hành một Nghị quyết riêng về chính sách hỗ trợ đầu tư mà đưa vào Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 6 theo hướng đồng ý chủ trương, giao Chính phủ trong năm 2024 xây dựng dự thảo Nghị định về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu thuế tối thiểu toàn cầu và các nguồn hợp pháp khác để ổn định môi trường đầu tư, khuyến khích thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước đối với một số lĩnh vực cần khuyến khích đầu tư.

Đồng thời, rà soát tổng thể để hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách, pháp luật về khuyến khích đầu tư đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới.

Bình luận