
Bộ Xây dựng đang dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn 2024, vừa được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 26/11/2024, tại Kỳ họp thứ 8, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025.
Thời gian lập quy hoạch chung không quá 15 tháng
Đáng chú ý, dự thảo Nghị định quy định chi tiết các nội dung về: Thời gian lập quy hoạch đô thị và nông thôn, các trường hợp lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết hay quy hoạch tổng mặt bằng theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn 2024…
Trong đó, về thời gian lập quy hoạch chung, đối với thành phố trực thuộc Trung ương và đô thị mới có có phạm vi quy hoạch liên quan đến địa giới hành chính của từ 02 tỉnh trở lên, thời gian lập nhiệm vụ quy hoạch không quá 03 tháng và thời gian lập quy hoạch không quá 15 tháng;
Đối với thành phố thuộc tỉnh, thị xã, đô thị mới không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này và khu kinh tế, khu du lịch quốc gia, thời gian lập nhiệm vụ quy hoạch không quá 02 tháng và thời gian lập quy hoạch không quá 12 tháng;
Đối với thị trấn và xã, thời gian lập nhiệm vụ quy hoạch không quá 01 tháng và thời gian lập quy hoạch không quá 09 tháng.
Đối với quy hoạch phân khu, thời gian lập nhiệm vụ quy hoạch không quá 01 tháng và thời gian lập quy hoạch không quá 09 tháng.
Đối với quy hoạch chi tiết, thời gian lập nhiệm vụ quy hoạch không quá 01 tháng và thời gian lập quy hoạch không quá 06 tháng.
Đối với quy hoạch không gian ngầm và quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật, thời lập nhiệm vụ quy hoạch không quá 01 tháng và thời gian lập quy hoạch không quá 09 tháng.
Cụ thể các trường hợp lập quy hoạch
Dự thảo Nghị định đồng thời quy định cụ thể các trường hợp lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết quy hoạch tổng mặt bằng.
Các trường hợp lập quy hoạch phân khu là: (1) Khu vực chức năng trong đô thị loại đặc biệt, loại I, loại II, đô thị mới có quy mô dân số dự báo tương đương đô thị loại II trở lên, được dự kiến hình thành 02 dự án đầu tư xây dựng đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trở lên hoặc có quy mô diện tích trên 200 ha;
(2) Khu chức năng trong đô thị có quy mô diện tích trên 200 ha theo quy hoạch chung, chưa được xác định rõ tính chất, cơ cấu chức năng và tổ chức không gian tại quy hoạch phân khu đô thị;
(3) Khu chức năng có quy mô diện tích trên 200 ha, được xác định theo quy hoạch vùng hoặc quy hoạch tỉnh hoặc quy hoạch chung thành phố hoặc quy hoạch chung thị xã hoặc quy hoạch chung huyện;
(4) Khu vực chức năng có phạm vi quy hoạch liên quan đến phạm vi 02 ch chung liền kề trở lên;
(5) Khu vực chức năng cần lập quy hoạch phân khu theo quy định tại Điều 24 Nghị định;
(6) Khu vực xây dựng trong thành phố, thị xã, huyện có chức năng, mục tiêu phát triển đặc thù được định hướng hình thành theo quyết định của cấp có thẩm quyền bảo đảm không phá vỡ định hướng, cấu trúc không gian phát triển của quy hoạch chung.
Các trường hợp lập quy hoạch chi tiết là: (1) Khu vực chức năng trong đô thị loại đặc biệt, loại I, loại II và đô thị mới có quy mô dân số dự báo tương đương đô thị loại II trở lên; (2) Khu vực chức năng trong đô thị hoặc các khu chức năng có quy mô diện tích dưới 200 ha; (3) Khu vực chức năng hoặc khu chức năng đã được xác định rõ tính chất, chức năng và quy mô diện tích trong quy hoạch chung đô thị, đủ điều kiện để xác định, hình thành dự án đầu tư xây dựng; (4) Khu chức năng đã được xác định rõ tính chất, chức năng và quy mô diện tích trong quy hoạch phân khu đô thị, đủ điều kiện để xác định, hình thành dự án đầu tư xây dựng; (5) Khu vực theo yêu cầu đầu tư xây dựng, đã được xác định rõ tính chất, chức năng, quy mô diện tích theo quy hoạch ngành hoặc quy hoạch chung đô thị hoặc quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành khác; (6) Các dự án quốc phòng, an ninh cần bảo đảm bí mật nhà nước.
Trường hợp lập quy hoạch tổng mặt bằng là đối với các lô đất có quy mô diện tích nhỏ, hoặc các lô đất dự án quốc phòng, an ninh cần bảo đảm bí mật nhà nước thì không lập nhiệm vụ quy hoạch, mà thực hiện lập quy hoạch tổng mặt bằng trong giai đoạn chuẩn bị dự án (lập quy hoạch chi tiết theo quy trình rút gọn).
Các lô đất có quy mô nhỏ phải đáp ứng các điều kiện như: Do một chủ đầu tư thực hiện đầu tư xây dựng hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức lập; Có quy mô sử dụng đất nhỏ hơn 02 ha đối với dự án đầu tư xây dựng nhà chung cư, khu chung cư; hoặc có quy mô sử dụng đất nhỏ hơn 10 ha đối với dự án đầu tư xây dựng nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp… hoặc có quy mô sử dụng đất nhỏ hơn 05 ha đối với các trường hợp còn lại; Trong khu vực đã có quy hoạch phân khu được phê duyệt hoặc đã có quy hoạch chung được phê duyệt đối với trường hợp không quy định lập quy hoạch phân khu.
Quy hoạch tổng mặt bằng được phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chi tiết hoặc cơ quan được phân cấp, ủy quyền có ý kiến thống nhất bằng văn bản trên cơ sở các quy định về các chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch và các yêu cầu về tổ chức không gian, kiến trúc cảnh quan của khu vực…
Trước đó, tại phiên thảo luận ngày 25/10/2024, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, giải trình các ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, mối quan hệ giữa các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn đã được chỉnh lý theo hướng, quy định rõ quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, có tính chất cụ thể hóa; đồng thời quy định rõ các nội dung tại quy hoạch chung được cụ thể hóa tại quy hoạch phân khu, các nội dung tại quy hoạch phân khu được cụ thể hóa tại quy hoạch chung.
Nội dung yêu cầu và nguyên tắc cụ thể hóa cũng được xác định, quy định rõ trong quy hoạch, bảo đảm rõ ràng, thuận lợi cho quá trình tổ chức thực hiện, làm rõ nội dung quy hoạch chung đối với đô thị lồng ghép, nội dung quy hoạch phân khu đối với đô thị loại 3, 4, 5.