Quy định tiêu chí khoanh định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản

08:23 30/11/2024
Chính phủ sẽ quy định tiêu chí khoanh định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản, đồng thời, mỗi tổ chức cá nhân được cấp tối đa 5 giấy phép thăm dò đối với một loại khoáng sản, không kể giấy phép thăm dò khoáng sản đã hết hiệu lực.

Đây là một trong những điểm mới của Luật Địa chất và Khoáng sản vừa được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2024 và sẽ có hiệu lực từ 01/7/2025.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Liên quan tới đấu giá quyền khai thác khoáng sản, Luật vừa được thông qua quy định khu vực không thực hiện đấu giá là khu vực khoáng sản được khoanh định để bảo đảm an ninh năng lượng; bảo đảm quốc phòng, an ninh, sử dụng hiệu quả khoáng sản chiến lược, quan trọng; bảo đảm nguyên liệu, vật liệu cho các dự án quan trọng quốc gia, dự án đầu tư công khẩn cấp, công trình, hạng mục công trình thuộc chương trình mục tiêu quốc gia.

Luật cũng quy định, không thực hiện đấu giá với việc khai thác khoáng sản bảo đảm nguyên liệu, vật liệu cho các dự án quan trọng quốc gia, dự án đầu tư công khẩn cấp, công trình, hạng mục công trình thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia.

Bộ TN&MT khoanh định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, điều chỉnh khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp giấy phép của Bộ TN&MT.

Ở cấp địa phương, UBND cấp tỉnh sẽ tổ chức thực hiện việc khoanh định, phê duyệt, điều chỉnh khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp giấy phép của UBND cấp tỉnh.

Chính phủ sẽ quy định tiêu chí khoanh định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Luật mới được Quốc hội thông qua cũng bổ sung quy định giá khởi điểm trong đấu giá quyền khai thác khoáng sản được xác định bằng tỷ lệ thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản của khoáng sản cùng loại ở khu vực không đấu giá. Bước giá được xác định tối thiểu là 1% và tối đa là 10% giá khởi điểm.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khoáng sản là tài sản công, việc thực hiện dự án đầu tư khai thác khoáng sản phải có cách tiếp cận khác so với dự án đầu tư thông thường khác. Việc quy định thời hạn của giấy phép khai thác khoáng sản, bảo đảm thuận lợi cho tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản nhưng cần tính toán giảm thiểu các tác động không tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội.

Trước đó, giải trình ý kiến đại biểu về quyền lợi, trách nhiệm của địa phương, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân nơi có tài nguyên địa chất, khoáng sản được khai thác (Điều 8), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, dự thảo Luật đã bổ sung điểm đ khoản 1 Điều 8 theo hướng quy định: Căn cứ tình hình hoạt động khoáng sản trên địa bàn, HĐND cấp tỉnh quyết định việc ban hành quy định về trách nhiệm đóng góp kinh phí của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản để đầu tư nâng cấp, duy tu, xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình bảo vệ môi trường trên địa bàn.

Đồng thời, bổ sung khoản 3 Điều 8 giao Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung như: nguyên tắc xác định mức thu, trình tự, thủ tục thu, nộp NSNN, quản lý và sử dụng nguồn thu để bảo đảm thực hiện thống nhất trong toàn quốc.

Về quy hoạch khoáng sản nhóm I, quy hoạch khoáng sản nhóm II, phương án quản lý về địa chất, khoáng sản (Điều 12), dự thảo Luật đã sửa đổi tên quy hoạch khoáng sản tại khoản 1 Điều 12 là quy hoạch khoáng sản nhóm I và quy hoạch khoáng sản nhóm II để bảo đảm ngắn gọn, bao hàm các nội dung liên quan.  

Bình luận