Quy hoạch - kiến trúc

Quy hoạch Bạc Liêu trở thành địa phương mạnh về kinh tế biển

Quy hoạch Bạc Liêu trở thành địa phương mạnh về kinh tế biển

Tuấn Đông Tuấn Đông - 07:00, 29/07/2023

Theo Dự thảo Quy hoạch, đến năm 2030, Bạc Liêu trở thành địa phương mạnh về kinh tế biển, trên cơ sở phát triển trung tâm sản xuất năng lượng sạch, trung tâm sản xuất tôm giống, xuất khẩu tôm thương phẩm của ĐBSCL và cả nước.

Sáng 28/7, Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh đã tiến hành phiên họp thẩm định Quy hoạch tỉnh Bạc Liêu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương chủ trì Hội nghị.

Hội nghị thẩm định Quy hoạch tỉnh Bạc Liêu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Ảnh: K.T)

Đến năm 2030, Bạc Liêu gia nhập nhóm tỉnh phát triển khá của cả nước

Theo dự thảo Quy hoạch, tỉnh Bạc Liêu đặt mục tiêu đến năm 2030 phát triển thành tỉnh mạnh về kinh tế biển, năng động, hiệu quả, từng bước hiện đại của vùng ĐBSCL và cả nước, trên cơ sở phát triển trung tâm sản xuất năng lượng sạch, trung tâm sản xuất tôm giống, sản xuất, chế biến, xuất khẩu tôm thương phẩm của ĐBSCL và cả nước.

Bạc Liêu sẽ phát triển cụm ngành nông nghiệp, các đô thị động lực tập trung dịch vụ và công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản, công nghiệp hỗ trợ cho nông nghiệp, thủy sản, ứng dụng công nghệ cao; phát triển mạnh ngành dịch vụ, du lịch; xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, từng bước hiện đại; khoa học - công nghệ gắn với đổi mới, sáng tạo dần trở thành động lực chủ yếu của phát triển.

Nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phòng chống thiên tai; môi trường và cảnh quan thiên nhiên, tài nguyên đa dạng sinh học được bảo vệ, khôi phục, phát triển, góp phần tích cực thực hiện mục tiêu giảm khí phát thải về “net zero” vào năm 2050.

Định hướng đến năm 2050, Bạc Liêu trở thành tỉnh có trình độ phát triển khá toàn diện, mạnh về kinh tế biển trong vùng ĐBSCL; phát triển bền vững 3 trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường; phát triển nhanh kinh tế xanh, ngày càng dựa trên công nghệ tiên tiến, có năng suất và hiệu quả cao gắn đổi mới, sáng tạo không ngừng.

Để hiện thực hóa các mục tiêu, định hướng nêu trên, Bạc Liêu sẽ tập trung vào 3 khâu đột phá phát triển, gồm: Khai thác hiệu quả lợi thế sẵn có về phát triển kinh tế biển, sớm đưa Bạc Liêu trở thành tỉnh mạnh về kinh tế biển;  Phát triển nguồn nhân lực và cải cách thể chế quản trị;  Phát triển kết cấu hạ tầng và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Về quy hoạch không gian, tỉnh Bạc Liêu dự kiến phân định thành 2 tiểu vùng kinh tế là Nam Quốc lộ 1 và Bắc Quốc lộ 1.

Tiểu vùng kinh tế trọng điểm Nam Quốc lộ 1 gồm TP Bạc Liêu, huyện Hòa Bình, huyện Đông Hải, huyện Vĩnh Lợi, và cả vùng biển Bạc Liêu, có diện tích tự nhiên khu vực nội địa 1.472,2 km2, chiếm khoảng 55,18% diện tích tự nhiên toàn tỉnh, toàn bộ bờ biển thuộc địa bàn tỉnh Bạc Liêu 56km và ngư trường hơn 40.000 km2.

Tiểu vùng kinh tế Bắc Quốc lộ 1 gồm các huyện và thị xã còn lại là huyện Hồng Dân, huyện Phước Long và thị xã Giá Rai, có diện tích nội địa 1.195,7 km2, chiếm 44,8% diện tích tự nhiên toàn tỉnh.

Định hướng đến năm 2030, toàn tỉnh có 16 đô thị, gồm 1 đô thị loại I (TP Bạc Liêu), 1 đô thị loại III (thị xã Giá Rai), 5 đô thị loại IV (thị trấn Hòa Bình, Châu Hưng, Ngan Dừa, Phước Long, Gành Hào), và 9 đô thị loại V (đô thị Phó Sinh, Chủ Chí, Vĩnh Hưng, Ninh Quới A, Cái Cùng, Vĩnh Mỹ B, Hưng Thành, Ba Đình, Điền Hải). Sau năm 2030, toàn tỉnh có 19 đô thị.

Hội đồng thẩm định thông qua dự thảo Quy hoạch với điều kiện chỉnh sửa, bổ sung

Tại Hội nghị, các thành viên Hội đồng thẩm định cho rằng, nội dung quy hoạch đã thể hiện cơ bản rõ nét về khát vọng phát triển của tỉnh; thể hiện được sự liên kết và đồng bộ trong định hướng phát triển kết cấu hạ tầng; việc sắp xếp, phân bổ không gian các hoạt động kinh tế - xã hội; về cơ bản, nội dung quy hoạch tỉnh đã đáp ứng yêu cầu quy định tại Điều 27 Luật Quy hoạch và Điều 28 Nghị định số 37/2019/NĐ-CP, ngày 07/5/2019 của Chính phủ.

Góp ý kiến hoàn thiện dự thảo Quy hoạch, một số ý kiến đề xuất, tỉnh Bạc Liêu cần rà soát, bổ sung để làm rõ hơn tính liên kết giữa các ngành, lĩnh vực; phương án tổ chức không gian phát triển một số ngành, lĩnh vực chưa đảm bảo được sự thống nhất, đồng bộ, do vậy cần phân tích làm rõ hơn nội dung tính liên kết trong định hướng và bố trí không gian phát triển của các ngành, lĩnh vực.

Đồng thời, cần làm rõ cơ sở của 3 kịch bản phát triển, và làm rõ vì sao lựa chọn kịch bản 2 mà không chọn kịch bản 1 và 3.

Cũng có ý kiến cho rằng, cơ cấu ngành kinh tế của tỉnh trong dự thảo Quy hoạch hơi lạc hậu so với cơ cấu ngành của vùng ĐBSCL, nông nghiệp quá cao trong khi dịch vụ quá thấp. Bên cạnh đó, Quy hoạch đưa ra 3 khâu đột phá, nhưng vẫn còn có đột phá mang tính chung chung.

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Trần Quốc Phương thông báo kết quả bỏ phiếu của Hội đồng. Theo đó, 100% thành viên Hội đồng thẩm định nhất trí thông qua Quy hoạch và Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược của Quy hoạch tỉnh Bạc Liêu với điều kiện phải chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện.

Để sớm hoàn thiện nội dung Quy hoạch theo quy định của pháp luật về quy hoạch, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thứ trưởng yêu cầu UBND tỉnh Bạc Liêu chỉ đạo cơ quan lập quy hoạch nghiêm túc tiếp thu, giải trình và hoàn thiện Hồ sơ quy hoạch theo ý kiến tham gia thẩm định của các Bộ, ngành, các chuyên gia phản biện và kết luận của Hội đồng thẩm định; chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung, số liệu trong Báo cáo Quy hoạch và hệ thống bản đồ, cơ sở dữ liệu trong Hồ sơ Quy hoạch tỉnh.

Ý kiến của bạn