Quy hoạch Bắc Ninh trở thành một cực phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng

06:00 26/03/2023
Tỉnh Bắc Ninh phát triển bền vững, trở thành một trong những cực phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng, một trong những nền kinh tế đứng đầu cả nước, sớm trở thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương.

Ngày 24/3, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Phó Chủ tịch Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh chủ trì Hội nghị thẩm định dự thảo Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hình mẫu về thành phố thông minh

Theo dự thảo Quy hoạch, tỉnh Bắc Ninh định hướng 5 quan điểm phát triển như sau: (1) Phát triển bền vững, trở thành một trong những cực phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng, một trong những nền kinh tế đứng đầu cả nước, sớm trở thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương và là hình mẫu về thành phố thông minh, đổi mới sáng tạo, sinh thái, giữ gìn và phát huy các bản sắc văn hóa và có chất lượng cuộc sống cao. (2) Phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp và dịch vụ công nghệ cao, trung tâm sản xuất thông minh của Việt Nam và vùng Đông Nam Á, trung tâm logistics của vùng. (3) Hệ thống kết cấu hạ tầng của tỉnh phát triển đồng bộ, hiện đại, kết nối nội tỉnh và liên tỉnh thông suốt. (4) Bản sắc văn hóa và con người Bắc Ninh - Kinh Bắc được phát huy và trở thành động lực phát triển. (5) Ưu tiên sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên và nâng cao chất lượng môi trường, đảm bảo ứng phó biến đổi khí hậu.

Dây chuyền sản suất của Samsung tại Bắc Ninh. Ảnh: Internet

Theo đó, tỉnh Bắc Ninh xác định 5 khâu đột phá phát triển và 7 nhóm ngành ưu tiên.

Cụ thể, 5 khâu đột phá phát triển được xác định gồm: Tổ chức không gian kinh tế và đô thị trên phạm vi toàn tỉnh theo quy hoạch, gia tăng hiệu quả tụ hội đô thị, phát huy lợi thế so sánh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Huy động tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tạo bước đột phá về hệ thống kết cấu hạ tầng, trong đó tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông hiện đại, liên kết vùng. Đẩy nhanh quá trình phát triển và hoàn thiện hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu logistics, khu du lịch, đô thị và hạ tầng số phát triển đồng bộ.

Phát huy bản sắc văn hoá truyền thống tốt đẹp, nâng cao đạo đức xã hội, ý thức pháp luật, xây dựng văn hóa và con người Bắc Ninh phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, có khát vọng vươn lên.

Nâng cao chất lượng quản trị, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, say mê công việc.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Bắc Ninh.

Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số, thực hiện các mục tiêu xây dựng và phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số theo Chiến lược chuyển đổi số quốc gia.

Về 7 nhóm ngành được ưu tiên thu hút đầu tư, thông qua phân tích đánh giá trên cơ sở phù hợp với lợi thế phát triển sẵn có và tiềm năng, cũng như xu hướng phát triển trong tương lai, tỉnh tập trung nguồn lực vào các nhóm ngành: Sản xuất thiết bị điện tử, sản xuất công nghệ cao, du lịch, logistics, thương mại, dịch vụ công nghệ thông tin và sản xuất dược phẩm.

Tháo gỡ điểm nghẽn để khai thác đối đa tiềm năng

Với vị trí cửa ngõ phía Bắc và hội tụ các tuyến giao thông chính lan tỏa từ Thủ đô Hà Nội liên kết khu vực Bắc - Đông Bắc, Bắc Ninh có vị trí địa lý thuận lợi về mặt tự nhiên, kinh tế, văn hóa và xã hội, từ đó, tạo lợi thế cho tỉnh trong sự phát triển kinh tế - xã hội, trong việc mở rộng hợp tác, giao lưu kinh tế với các địa phương trong cả nước cũng như quốc tế.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Phó Chủ tịch Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh đánh giá, Bắc Ninh hiện cũng không ít “điểm nghẽn” và khó khăn, thách thức như: Quỹ đất sử dụng nhỏ; sông Đuống và các tuyến đường cao tốc, các tuyến điện cao thế và nhiều khu dân cư đan xen đã tạo sự chia cắt về không gian phát triển; hệ thống các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề phát triển đan xen với các khu vực dân cư, tạo ra nhiều nguy cơ về ô nhiễm môi trường; tỷ lệ nhập cư cao và xu hướng đô thị hóa mạnh, tạo áp lực lên cơ sở hạ tầng, các dịch vụ xã hội; việc huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội khó khăn. 

Hội nghị thẩm định Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. (Ảnh: Đức Trung)

Góp ý cho bản quy hoạch, các thành viên Hội đồng cho rằng, dự thảo quy hoạch đã đưa ra các quan điểm phát triển khá tốt, tuy nhiên, cần bổ sung quan điểm về tổ chức, sắp xếp, bố trí không gian phát triển trong thời kỳ quy hoạch tới, nhất là việc bố trí không gian phát triển giữa kinh tế và văn hóa. 

Đối với 7 ngành, lĩnh vực ưu tiên phát triển, các chuyên gia cho rằng, đây là những lĩnh vực tương đối phù hợp, song cần phân tính, tính toán đến năm 2030, các ngành kinh tế này sẽ đóng góp bao nhiêu % vào tăng trưởng kinh tế.

Tại Hội nghị, các chuyên gia, đại diện các Bộ, ngành đã thống nhất thông qua Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với điều kiện có chỉnh sửa, bổ sung.

Bình luận