Theo quyết định phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia hồ Thác Bà (tỉnh Yên Bái) đến năm 2040 vừa được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký ban hành, phạm vi quy hoạch bao gồm toàn bộ diện tích mặt nước hồ Thác Bà và vùng phụ cận thuộc địa giới hành chính huyện Yên Bình và huyện Lục Yên, với quy mô diện tích khoảng 53.000 ha.
Quy hoạch xác định đây là Khu du lịch quốc gia trọng tâm của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ với sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với giá trị văn hóa dân tộc và hệ sinh thái hồ Thác Bà; là một trong những khu du lịch quốc gia có thương hiệu, gắn với các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, hội nghị, hội thảo, lịch sử, văn hóa, tham quan, nghiên cứu.
Đây còn là vùng bảo tồn, phát huy giá trị sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học và văn hóa đặc thù của quốc gia; là vùng có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh quốc gia; vùng bảo đảm an ninh năng lượng, cấp nước, thủy lợi cho vùng Đồng bằng sông Hồng.
Quy hoạch đặt ra yêu cầu về việc kết hợp hài hòa giữa phát triển du lịch và phát triển đô thị, nông thôn bền vững trên cơ sở bảo tồn, phát huy các giá trị tự nhiên, văn hóa truyền thống; đảm bảo quốc phòng - an ninh, an toàn hồ đập thủy điện, ứng phó với biến đổi khí hậu; phòng chống thiên tai và bảo vệ tài nguyên, môi trường, không gian cảnh quan đặc thù và nâng cao điều kiện sống của người dân trong vùng hồ Thác Bà.
Đồng thời phát triển phải dựa trên nguyên tắc kế thừa hợp lý, tiếp tục triển khai thực hiện các quy hoạch đã được phê duyệt. Rà soát, điều chỉnh bổ sung phù hợp với các điều kiện và định hướng phát triển mới. Tôn trọng phát huy giá trị của địa hình và cảnh quan tự nhiên.
Cùng với đó, có biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị mặt nước hồ Thác Bà, hệ thống các đảo trong lòng hồ, các điểm cao có tầm nhìn đẹp (như: núi Chàng Rể, núi Cao Biền...), các hang động tự nhiên, cảnh quan ruộng bậc thang đặc trưng (huyện Lục Yên, huyện Yên Bình), làng, bản dân tộc truyền thống và điểm danh thắng hấp dẫn trong Khu du lịch Quốc gia hồ Thác Bà.
Cũng theo Quy hoạch, quá trình xây dựng cần khai thác tối ưu tiềm năng và lợi thế của hồ Thác Bà như: Giá trị cảnh quan mặt nước, cảnh quan rừng núi, môi trường sinh thái, bản sắc văn hóa dân tộc, giá trị phi vật thể và văn hóa tín ngưỡng, giao thông thủy bộ kết nối; nghiên cứu tác động của tuyến đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai, Quốc lộ 70, Quốc lộ 37, Quốc lộ 2D, sân bay…
Thực hiện cải tạo, chỉnh trang các khu dân cư hiện trạng, định hướng các không gian phát triển du lịch cộng đồng, hệ thống các công trình hạ tầng xã hội khu dân cư, làng nghề, khu vực sản xuất, khu vực cung cấp sản phẩm hàng hóa, lưu niệm đặc thù... phục vụ dân cư và phát triển du lịch.
Ngoài ra, xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật kết nối với các điểm du lịch khác trong tỉnh Yên Bái, vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, gồm: Khu du lịch Quốc gia Tân Trào, Khu du lịch Quốc gia Tam Đảo, Khu du lịch Quốc gia Đền Hùng, Khu du lịch Quốc gia Sa Pa, Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, danh thắng quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải...
Năm 1996, hồ Thác Bà đã được công nhận là Di tích lịch sử danh thắng Quốc gia - nơi được ví như "Hạ Long trên núi", một trong 3 hồ nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam.
Hồ nằm trên địa bàn hai huyện Yên Bình và Lục Yên, rộng gần 20.000ha, trong đó có hơn 1.300 hòn đảo xanh lớn nhỏ cùng hệ thống hang động tuyệt đẹp ẩn sâu trong lòng núi đá vôi.
Quy hoạch định hướng phát triển không gian Khu du lịch Quốc gia hồ Thác Bà theo 2 cửa ngõ, gồm khu vực xã Tân Nguyên nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai qua nút IC14, liên kết các khu trung tâm du lịch Liễu Đô - Vĩnh Lạc và Phúc Ninh - Mỹ Gia.
Cửa ngõ thứ 2 là khu vực thị trấn Yên Bình nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai qua nút IC12, liên kết các khu trung tâm du lịch Tân Hương - Đại Đồng, Linh Sơn - Cao Biền và thị trấn Thác Bà.
Quy hoạch cũng chia thành 4 vùng phát triển gồm: Vùng 1 gắn với khu văn hoá sinh thái Lục Yên; vùng 2 là khu trung tâm phía Tây kết nối với nút giao IC14 cao tốc Nội Bài - Lào Cai; vùng 3 là khu trung tâm cửa ngõ phía Nam; vùng 4 là khu du lịch sinh thái đảo và quần đảo phía Đông.
Quy hoạch cũng chia ra 8 trọng điểm phát triển, gồm 4 trọng điểm phát triển đô thị, gắn với sự phát triển các đô thị, trong đó có 2 đô thị hiện hữu là thị trấn Thác Bà, thị trấn Yên Bình và 2 đô thị mới là đô thị Cảm Ân và đô thị Cảm Nhân…