Hội thảo nhận được nhiều kiến nghị từ thực tiễn là cơ sở để đề xuất các giải pháp phát triển lĩnh vực này, gắn với phát triển kinh tế và bảo vệ các di sản văn hóa, đa dạng hóa sinh học cũng như khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên này.

Tại Hội thảo, ông Đào Công Vũ - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Mỏ và Luyện kim (Bộ Công Thương) báo cáo tóm tắt thuyết minh Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2020 -2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quá trình thực hiện quy hoạch đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như: vị trí, tọa độ, diện tích, địa danh, tiềm năng về khoáng sản làm VLXD chưa đầy đủ và chính xác, chồng chéo giữa quy hoạch khoáng sản làm VLXD với các loại quy hoạch khác như đô thị, du lịch, bảo tồn sinh học. Công tác điều tra địa chất vẫn còn hạn chế, công tác cấp phép không kịp thời so với việc sử dụng nguyên liệu thực tế tại các đơn vị.

TS Quách Đức Tín - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ TN&MT) đánh giá: Khai thác VLXD nhiều nhất lại là khai thác đá vôi liên quan đến di sản văn hóa du lịch. Đề xuất không nên khai thác dọc các trục đường lớn, các khu vực đã khoanh vào di sản thiên nhiên thì tuyệt đối không được khai thác như cao nguyên đá Đồng Văn, Tam Chúc - Bích Động… khai thác khoáng sản không giống như khai thác kim loại, vì lấy đi khối lượng lớn ảnh hưởng lớn đến đa dạng hóa sinh học. Quyền lợi của nhân dân nơi các địa phương được sử dụng làm mỏ khai thác nên đưa vào quy định cụ thể.
Ông Nguyễn Như Quỳnh - Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động Khoáng sản miền Nam cho biết, xuất phát từ sự chênh lệc đáng kể về chất lượng và trữ lượng khoáng sản đạt tiêu chuẩn làm VLXD giữa quy hoạch và thực tế hoạt động thăm dò, khai thác đã làm phát sinh khối lượng không đạt tiêu chuẩn nhưng vẫn được sử dụng làm VLXD thông thường (tạm gọi là khoáng sản đi kèm). Tuy nhiên, chưa có quy định rõ về vấn đề này, ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động thăm dò, khai thác, nhất là các trường hợp tỷ lệ khoáng sản đi kèm lớn. Bộ TN&MT đang xây dựng thông tư hướng dẫn và cân nhắc, có thể phải nâng lên thành nghị định mới giải quyết được bất cập này.
Tại Hội thảo, các doanh nghiệp đã có nhiều tham luận về khai thác đối với sản xuất, kinh doanh của đơn vị. Tổng giám đốc Vicem Hà Tiên Lưu Đình Cường cho biết, Vicem Hà Tiên sở hữu 5 nhà máy và trạm nghiền khắp miền Nam với tổng công suất 7,5 triệu tấn xi măng/năm. Trong giai đoạn từ 2010 -2020 để đáp ứng nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất vào khoảng 40,6 triệu tấn clinker, khoảng 57,8 triệu tấn xi măng, àng năm, Vicem Hà Tiên khai thác trung bình 6 triệu tấn đá vôi, 670 ngàn tấn đá sét, 5,8 ngàn tấn laterite tại các mỏ nguyên liệu thuộc tỉnh Bình Phước và Kiên Giang.
Tài liệu phân tích từ thực tế cho thấy, chất lượng đá vôi không như các tài liệu đã được phê duyệt trước đó. Vicem Hà Tiên phối hợp với các chuyên gia đưa ra bài toán phối trộn, sử dụng khoáng sản hiệu quả, tỷ lệ tổn thất khoáng sản trong khai thác tại các mỏ nguyên liệu gần như bằng "0".

Ông Lưu Đình Cường kiến nghị: “Vicem Hà Tiên đã tiến hành nghiên cứu hàm lượng CaO tại mỏ Thanh Lương, nếu kết hợp với mỏ Tà Thiết sẽ đảm bảo được nguyên liệu trong sản xuất cliker, tận dụng được nguồn nguyên liệu và kéo dài tuổi thọ mỏ. Vicem Hà Tiên cũng đề xuất đưa 3 mỏ đá vôi Thanh Lương có trữ lượng 170 triệu tấn và An Phú 116 triệu tấn, Núi Nai 19 triệu tấn; 3 mỏ sét An Phú khoảng 13 triệu tấn, An Phú 1 là 16 triệu tấn và Lộc Thịnh 9,7 triệu tấn vào quy hoạch”.
Đại diện CTCP Phú Tài - đơn vị có 7.000 lao động với 14 công ty con, 14 chi nhánh địa bàn hoạt động khắp cả nước, sản phẩm có mặt tại Việt Nam và trên thế giới, đề xuất đưa 2 mỏ đá Thạch Anh tại tỉnh Bình Định vào quy hoạch. Đó là mỏ tại xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Thạnh, diện tích 25,6 ha, trữ lượng dự kiến 1 triệu tấn và mỏ tại xã Phước Mỹ, TP Quy Nhơn diện tích 6,78ha, trữ lượng dự kiến 100 ngàn tấn.
Hội thảo cũng nhận được nhiều kiến nghị từ các địa phương. Đại diện tỉnh Khánh Hòa chia sẻ, quá trình thăm dò kéo dài nên rất khó kiểm soát khoáng sản trong giai đoạn này. Đặc biệt, chính quyền cấp xã không có đủ nguồn lực để bảo vệ nguồn tài nguyên. Quy hoạch chồng chéo giữa các ngành như lâm nghiệp, quốc phòng an ninh, năng lượng… sẽ rất khó đối với các địa phương khi thực hiện. Vì vậy, nên rà soát lại trước khi trình Chính phủ phê duyệt.
Đại diện tỉnh Ninh Thuận cho biết, tỉnh đã thuê tư vấn nước ngoài lập quy hoạch cho thấy có sự chồng lấn rất nhiều khi đại đa số bờ biển Ninh Thuận phục vụ cho phát triển du lịch và phát triển điện gió ngoài khơi. Vì thế, Ninh Thuận sẽ có văn bản xác định tọa độ chính xác để đưa các khu vực vào cũng như ra khỏi quy hoạch.
Bình Định có 2 loại khoáng sản chính là đá grannit và mỏ đá đỏ đã và đang được khai thác, còn cát trắng thì trữ lượng không nhiều, vỉa không dày, nếu khai thác nhiều thì cốt âm, nếu phải hoàn trả lại mặt bằng thì chi phí và lợi ích mang lại khi khai thác không nhiều.
Đại diện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông Vũ Văn Tiến - Trưởng ban Tuyên giáo đánh giá cao chất lượng nội dung các chuyên đề mà Bộ Xây dựng đã đưa ra tại Hội thảo. Ông Tiến đề nghị các cơ quan liên quan đánh giá kỹ các tác động liên quan đến đời sống người dân nơi có vùng nguyên liệu khai thác; nên vận dụng các tiến bộ của khoa học kỹ thuật, công nghệ để hạn chế tai nạn lao động. Về vùng nguyên liệu cho sản xuất cũng nên xem xét lại. Ví dụ như vùng nguyên liệu cấp cho tư nhân trong hoạt động sản xuất xi măng thì chưa sử dụng đến, còn các nhà máy của Nhà nước thì thiếu và phải đi mua lại.
Phát biểu tổng kết Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh ghi nhận 7 nhóm vấn đề được các đại biểu nêu lên. Theo đó, vấn đề chồng lấn các quy hoạch được các địa phương và các chuyên gia đề cập sẽ đề xuất đưa ra khỏi quy hoạch để tránh chồng lấn với các quy hoạch về an ninh, quốc phòng, du lịch, đô thị. Việc xác định các điểm mỏ, các loại khoáng sản chưa làm tốt, chưa xác định các vùng cấm một cách rõ ràng dẫn đến chồng chéo trong quy hoạch cũng như các vấn đề về môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học…
Do đó, lần lập quy hoạch này sẽ bổ sung thêm những yêu cầu cần thiết, đồng thời xác định đầy đủ thông tin, dữ liệu, nhu cầu của các doanh nghiệp và địa phương để cập nhật, rà soạt, bổ sung, chỉnh sửa trước khi trình Chính phủ.