

Quy hoạch không gian ngầm đô thị: Cơ hội, thách thức và kiến nghị
Quy hoạch không gian ngầm đô thị (KGN) là một phương pháp tiếp cận sáng tạo trong phát triển đô thị, tập trung vào việc sử dụng các không gian dưới lòng đất để giải quyết các thách thức ngày càng tăng của các thành phố hiện đại. Bằng cách quy hoạch, thiết kế và quản lý hạ tầng ngầm một cách chiến lược, như hệ thống giao thông, hạ tầng kỹ thuật ngầm và các không gian thương mại, các nhà quy hoạch có thể phần nào giải bài toán ùn tắc trên mặt đất, nâng cao hiệu quả sử dụng đất và tạo ra các thành phố bền vững, linh hoạt. Phương pháp này không chỉ tối ưu hóa việc sử dụng không gian đô thị hạn chế mà còn giúp giảm thiểu tác động môi trường và cải thiện chất lượng cuộc sống đô thị. Quy hoạch KGN là một thành phần quan trọng trong việc chuẩn bị cho tương lai của thành phố và đảm bảo sự phát triển và thịnh vượng liên tục của các đô thị.
Bài báo này tập trung vào việc tìm hiểu các đóng góp và hạn chế của việc phát triển KGN trong đô thị nhằm hướng tới phát triển bền vững, sau đó tìm hiểu về công tác quy hoạch KGN ở Việt Nam để đưa các kiến nghị nhằm nâng cải tiến công tác quy hoạch KGN.
2.1. Đóng góp của KGN nhằm đạt mục tiêu phát triển bền vững
Được giới thiệu và chấp thuận bởi tất cả các thành viên Liên hợp quốc - UN năm 2015, 17 Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) nhằm giải quyết những thách thức toàn cầu cấp bách nhất vào năm 2030, tập trung vào việc xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy sức khỏe tốt và hạnh phúc, đảm bảo giáo dục chất lượng, đạt được bình đẳng giới, cung cấp nước sạch và vệ sinh, cũng như đảm bảo năng lượng sạch và giá cả hợp lý.
Ngoài ra, SDGs còn kêu gọi tăng trưởng kinh tế bền vững và công việc tốt cho tất cả mọi người, cơ sở hạ tầng kiên cố, giảm bất bình đẳng, xây dựng các thành phố bền vững, tiêu dùng và sản xuất có trách nhiệm, chống BĐKH, bảo tồn hệ sinh thái biển và đất liền, thúc đẩy hòa bình và công lý, và tăng cường hợp tác toàn cầu vì phát triển bền vững. Những mục tiêu này đưa ra một kế hoạch toàn diện cho một tương lai tốt đẹp và bền vững hơn cho tất cả mọi người.
Feng-le Peng và đồng tác giả đã tổng hợp rất chi tiết các đóng góp của KGN trong việc hướng tới SDGs. Nhóm tác giả đã chỉ ra đóng góp của KGN cho 11 trên tổng số 17 mục tiêu SDGs.
SDGs 3 - sức khỏe tốt và hạnh phúc: Giao thông ngầm, như giao thông sử dụng đường sắt và đường hầm, cải thiện an toàn và giảm tai nạn, đồng thời giảm ô nhiễm không khí và nước, từ đó cải thiện sức khỏe con người và giảm nguy cơ bệnh tật và tử vong.
SDGs 6 - nước sạch và vệ sinh: Nước ngầm là nguồn nước uống thiết yếu, chiếm 97% lượng nước ngọt. Việc quản lý khoa học và bảo vệ nước ngầm khỏi ô nhiễm là điều kiện tiên quyết để có nước uống an toàn. Hệ thống cấp nước và hồ chứa nước ngầm cùng hệ thống thoát nước và nhà máy xử lý nước thải cải thiện chất lượng nước.
SDGs 7 - năng lượng sạch giá cả phải chăng: Năng lượng địa nhiệt có thể được sử dụng để phát điện, cung cấp nhiệt và sưởi ấm hiệu quả. Dự kiến đến năm 2050, sản xuất điện địa nhiệt sẽ chiếm 3.5% sản lượng điện toàn cầu. Ngoài ra các hệ thống lưu trữ năng lượng nhiệt cung cấp năng lượng hiện đại quan trọng.
SDGs 8 - việc làm bền vững và tăng trưởng kinh tế: KGN là một hệ thống phức tạp và yêu cầu công nghệ cao, cần các kỹ thuật và thiết bị khai thác tiên tiến để giảm tác động tiêu cực và tăng cường hiệu quả tài nguyên. Sự phát triển của KGN thúc đẩy kinh tế địa phương, như hệ thống đường sắt đô thị ở Trung Quốc đã thu hút đầu tư lớn và tăng trưởng các doanh nghiệp trong chuỗi công nghiệp. Các cơ sở giao thông ngầm cải thiện hiệu suất giao thông, giảm thời gian đi lại và tăng năng suất hoạt động.
SDGs 9 - công nghiệp, sáng tạo và hạ tầng: phát triển KGN thúc đẩy phát triển công nghiệp, ví dụ như công nghiệp chính xác. KGN là một phần quan trọng của hạ tầng đô thị, mang lại cơ sở hạ tầng chất lượng, bền vững và kiên cố. Việc phát triển KGN còn đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cấp hạ tầng của các dự án tái tạo đô thị như mở rộng sân bay ở Thượng Hải đường vận chuyển hàng hóa ở Singapore, etc.
SDGs 11 - thành phố và cộng đồng bền vững:
- 11.1: Nhà ở có thể bị ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp bởi việc sử dụng KGN. Trực tiếp, KGN có thể được dùng làm nơi ở, mặc dù điều này ngày càng ít phổ biến do môi trường sống dưới lòng đất không phù hợp cho con người. Ngày nay, việc sống dưới lòng đất chỉ xảy ra trong điều kiện khắc nghiệt như khí hậu cực đoan hoặc giá nhà không thể chi trả được. Tuy nhiên, giá trị gián tiếp của việc sử dụng KGN là giải phóng đất để cung cấp nhà ở phù hợp.
- 11.2: KGN tối ưu hóa giao thông đô thị bằng cách hoàn thiện mạng lưới đường cao tốc, xây dựng cơ sở giao thông đường sắt, tăng sức chứa bãi đỗ xe và tách biệt người đi bộ với phương tiện cơ giới. Hệ thống giao thông đường sắt ngầm cung cấp lợi ích về an toàn, đúng giờ, tin cậy và giảm phát thải.
- 11.3: KGN đặc biệt là phát triển hạ tầng ngầm có thể góp phần tăng cường đô thị hóa bao trùm khi tất cả các đối tượng liên quan được xét đến và được tôn trọng. Việc thiếu đất đai có thể gây ra hiện tượng loại trừ xã hội ở các khu vực lịch sử chưa phát triển hoặc những nơi gần cơ sở gây ô nhiễm (ví dụ nhà máy xử lý rác). Để giải quyết các vấn đề này, Pamplona, Tây Ban Nha, sử dụng đường hầm hạ tầng đô thị, Hong Kong di dời nhà máy xử lý nước thải Sha Tin vào đồi gần đó, và Jerusalem xây dựng nghĩa trang ngầm để tôn trọng người đã khuất.
- 11.4: Di sản văn hóa ngầm cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Khi phát hiện trong quá trình khai quật, di sản ngầm có thể được sử dụng không gian dưới lòng đất để bảo tồn và trưng bày, như trường hợp Bảo ở Lạc Dương, Trung Quốc. Ngoài ra, việc ngầm hóa dây điện giúp giảm ô nhiễm thị giác và bảo tồn cảnh quan truyền thống của di sản lịch sử.
- 11.5: khả năng chống chịu của đô thị là mối quan tâm chính trong quá trình đô thị hóa. KGN có khả năng tăng cường nhiều khía cạnh của khả năng chống chịu của đô thị bao gồm việc bảo vệ khỏi các thảm họa như không kích, bão, lũ lụt, hỏa hoạn bên ngoài và bức xạ bên ngoài, đồng thời giảm đáng kể chấn động từ động đất và vụ nổ. KGN cũng có thể đóng vai trò là kênh thoát nước bổ sung cho lũ lụt, như đã thấy ở Kuala Lumpur, Malaysia và Tokyo, Nhật Bản.
- 11.6: KGN đóng góp cho việc quản lý chất thải. KGN được sử dụng rộng rãi để xây dựng các nhà máy xử lý nước thải và hệ thống thu gom chất thải rắn. Các hệ thống thu gom chất thải rắn bằng hệ thống hút chân không cũng đã được sử dụng rộng rải. Một đóng góp khác của KGN là việc sử dụng vật liệu (địa chất) khai thác tái chế và tái sử dụng có thể giảm đáng kể khí thải CO2 và chi phí xử lý vật liệu.
- 11.7: Thiếu không gian công cộng ở các khu vực lịch sử có thể được giải quyết bằng hệ thống KGN. KGN có thể tạo ra không gian công cộng như bể bơi, nhà thể thao, trung tâm nghệ thuật, nhà hát, bảo tàng và trung tâm mua sắm. Ngoài ra, ngầm hóa các cơ sở hạ tầng cũng giúp giải phóng đất cho không gian công cộng mở.
SDGs 12 - Tiêu dùng và sản xuất có trách nhiệm. Việc tiêu dùng và quản lý bền vững các tài sản dưới lòng đất là một phần bắt buộc của mục tiêu này. Việc quản lý chất thải nên chú trọng đến tái chế và tái sử dụng vật liệu khai thác, cũng như các cơ sở hạ tầng ngầm bỏ hoang. Các cơ sở này có thể được chuyển đổi thành bãi đỗ xe, kho lưu trữ, và công viên công cộng đáp ứng nhu cầu hiện tại và tương lai.
SDGs 13 - Hành động vì khí hậu: KGN cung cấp kênh thoát nước cho lũ lụt đột ngột và nơi trú ẩn để tránh thời tiết khắc nghiệt do BĐKH. Việc sử dụng KGN có thể giảm phát thải carbon thông qua giao thông, sử dụng đất, tiêu thụ năng lượng tòa nhà và năng lượng địa nhiệt.
SDGs 15 - Cuộc sống trên đất liền: KGN là môi trường sống tự nhiên của nhiều loài động, thực vật và vi sinh vật, đóng vai trò quan trọng trong đa dạng sinh học. Việc bảo tồn các KGN cho các sinh vật giúp ngăn chặn sự suy thoái của các môi trường sống tự nhiên.
2.2. Các rủi ro và trở ngại của KGN
(1) Các ảnh hưởng đến tài sản KGN
Các tác động đến tài sản KGN, công trình được tổng hợp ngắn gọn như sau:
- Bản thân công trình ngầm: các công trình ngầm có thể bị hư hỏng, biến dạng do các tác động như rò rỉ nước ngầm cục bộ
- Năng lượng địa nhiệt: Tính chất nhiệt của đất, đá và môi trường năng lượng địa nhiệt sẽ thay đổi do việc bố trí và khai thác KGN, khai thác nước ngầm
- Nước ngầm: mực nước ngầm và chất lượng nước ngầm sẽ bị ảnh hưởng bởi kết cấu, vật liệu và việc khai thác KGN.
- Vật liệu địa chất: vật liệu địa chất do quá trình xây dựng các KGN quy mô lớn làm phát sinh ra lượng vật liệu dư thừa lớn, do đó cần bố trí không gian chứa các vật liệu này để phục vụ việc tái sử dụng. Việc này cũng có thể ảnh hưởng đến sự an toàn của các tòa nhà lân cận.
- Di sản lịch sử: các di sản lịch sử dưới lòng đất có thể bị phá hủy trực tiếp bởi việc xây dựng KGN hoặc gián tiếp làm hư hỏng do sự xáo trộn của không gian bán đàn hồi hoặc sự rung động do hoạt động xây dựng. Ngoài ra, môi trường di sản cũng thay đổi do hoạt động của KGN và việc sử dụng năng lượng địa nhiệt và nước ngầm.
- Không gian liên tục: sự liên tục của không gian dưới mặt đất bị xáo trộn bởi sự phát triển của KGN và khai thác địa chất dẫn đến sụt lún đất và chuyển động mặt đất.
- Sinh vật (sống dưới mặt đất): Môi trường sống của các sinh vật dưới lòng đất có thể bị phá hủy bởi việc xây dựng, khai thác và sử dụng KGN.
(2) Các ảnh hưởng đến chức năng của đô thị
- An ninh và an toàn: mặc dù KGN giúp giảm thiểu thảm họa bên ngoài, các KGN như Metro và trung tâm thương mại lại dễ bị tổn thương bởi các thảm họa như cháy nổ, ngập lụt. Nếu các hệ thống này được kết nối liên thông với nhau, rủi ro thảm họa có thể tăng lên. Cũng vì vậy nên Nhật Bản đã giới hạn việc mở rộng các mạng lưới đi bộ ngầm từ những năm 1980. Ngoài ra, các đường hầm đi bộ ngầm dài có thể thu hút tội phạm, và cần lắp đặt camera an ninh tại các khu vực thương mại và công cộng ngầm để giảm thiểu nguy cơ.
- Sức khỏe và môi trường: KGN gây khó khăn cho việc lưu thông không khí, dẫn đến các vấn đề ô nhiễm không khí như bụi, khí thải CO, PM10 và VOC. Thiếu ánh sáng tự nhiên ảnh hưởng xấu đến tuần hoàn máu, chức năng gan, và sức khỏe xương. Ngoài ra, độ ẩm, cảm giác mất phương hướng và lo sợ bị mắc kẹt cũng làm giảm thu hút của KGN.
- Khả năng mở rộng: Các hạ tầng ngầm thường cần các không gian vùng đệm để bố trí kết cấu. Do đó các KGN thường cần không gian lớn hơn các công trình trên mặt đất. Các KGN ở tầng nông thường thiếu không gian do bị chiếm chỗ bởi nhiều đường dây đường ống hạ tầng kỹ thuật. Ngoài ra các hệ thống công trình ngầm hiện hữu cũng khó có thể được mở rộng hoặc dỡ bỏ. Điều này gây khó khăn cho việc mở rộng hoặc tái phát triển đô thị trong tương lai.
- Sức sống của không gian công cộng: Hệ thống giao thông và đi bộ ngầm thu hút người dân ở các khu vực đô thị nhờ tính hiệu quả và tiện lợi. Tuy nhiên, việc chuyển người đi bộ từ mặt đất xuống dưới lòng đất có thể làm giảm sức sống đường phố và ảnh hưởng đến kinh tế địa phương.
3.1. Hệ thống pháp lý về quy hoạch KGN
Việc quy hoạch KGN ở Việt Nam đang được quy định bởi Nghị định số 39/2010/NĐ-CP về “quản lý không gian xây dựng ngầm đô thị” và các quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị. Nghị định số 39/2010/NĐ-CP yêu cầu cụ thể nội dung quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết không gian xây dựng ngầm đô thị. Thông tư số 04/2022/TT-BXD quy định đối với các đồ án quy hoạch chung đô thị (đô thị loại III trở lên) cần xác định các khu vực dự kiến xây dựng công trình ngầm, đối với nội dung đồ án quy hoạch phân khu đô thị và quy hoạch chi tiết đô thị, cần có bản vẽ xác định các khu vực xây dựng công trình ngầm gồm “các công trình công cộng ngầm” và “các công trình cao tầng có xây dựng tầng hầm” theo tỷ lệ “thích hợp”.
Các yêu cầu này vẫn thiếu tính chi tiết để hướng dẫn thực hiện hiệu quả, do đó dù quy hoạch chung của nhiều thành phố đã đề cập đến KGN, nhưng việc triển khai còn hạn chế và thiếu thống nhất quá trình thực hiện giữa các đơn vị và địa phương. Nhóm tác giả kiến nghị nhà nước ban hành các quy định và hướng dẫn cụ thể việc quy hoạch KGN trong các đồ án quy hoạch đô thị như là một thành phần của các đồ án này. Khi việc quy hoạch KGN đã được thực hiện ở tất cả các cấp quy hoạch đô thị thì việc bổ sung các đồ án quy hoạch riêng biệt cho KGN là không cần thiết.
Luật Đất đai 2024 đã có những quy định rõ ràng về quyền sử dụng KGN. Chủ đầu tư có quyền xây dựng, khai thác, chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác trong việc phát triển KGN. Tuy nhiên, cần phân định ranh giới của các công trình thuộc KGN và các công trình bên trên nó. Một số quốc gia hoặc đô thị quy định giới hạn độ sâu cố định đối với quyền sở hữu KGN để đảm bảo tính khả dụng của KGN dưới phần đất thuộc sở hữu cá nhân.
Ba khu vực đô thị của Nhật Bản gồm: Vùng Tokyo, Kinki và Chubu quy định từ độ sâu 40 m hoặc 10 m dưới lớp chịu lực của cọc móng có thể được sử dụng cho mục đích công cộng. Tương tự ở Singapore, độ sâu này được xác định là 30 m. Một số nơi ở Bắc Âu quy định phạm vi thuộc quyền sở hữu của tư nhân là đến 6 m dưới mặt đất.
Nhóm tác giả kiến nghị áp dụng việc phân tầng theo độ sâu để xác định quyền sở hữuquyền sử dụng. Việc này cũng tương đồng với Luật Thủ Đô, mặc dù Luật này chưa đề cập đến quyền sở hữu nhưng cũng đã nêu “KGN phải được phân vùng chức năng để quản lý, khai thác, sử dụng”.
Tương tự, nhóm tác giả Dung và đồng nghiệp cũng đã kiến nghị phân vùng để quản lý KGN cho trường hợp điển hình tại Quận 1, TP.HCM.
Với điều kiện tự nhiên về cao độ, địa chất cũng như nhu cầu rất khác nhau từ các đô thị của Việt Nam, không nên quy định các giá trị độ sâu cụ thể đối với các tầng sâu áp dụng chung cho cả nước mà nên xét theo đặc điểm đặc thù riêng của từng đô thị. Các đô thị trong vùng đô thị có tiềm năng kết nối liên thông các KGN thì xem xét sử dụng chiều sâu của phân vùng tương tự nhau để thuận tiện trong việc khớp nối.
“Trách nhiệm”: Trách nhiệm trong bài viết này là thuật ngữ nói về việc trách nhiệm của các bên liên quan trong trường hợp có hư hỏng xảy ra do việc xây dựng KGN hoặc việc xây dựng các công trình trên và dưới mặt đất ảnh hưởng đến các công trình ngầm khác.
Việc quy định sở hữu quyền sử dụng KGN theo vùng chiều sâu hợp lý có thể giúp giảm bớt một số rủi ro liên quan đến ảnh hưởng của việc xây dựng và khai thác KGN đến các công trình bên trên hoặc ngược lại từ các công trình bên trên đến các công trình thuộc KGN.
Tuy nhiên, quy định này không thể loại bỏ hoàn toàn nguy cơ ảnh hưởng nêu trên. Luật Đất đai 2024 đã đề cập đến nghĩa vụ “bồi thường” trong trường hợp “gây thiệt hại đến việc sử dụng đất của người sử dụng đất trên bề mặt của công trình ngầm”, và cũng đã có quy định về việc “bảo vệ các công trình công cộng trong lòng đất” đối với người sử đụng đất và “không làm tổn hại đến tài sản và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất có liên quan” nhưng chưa đề cập đến bồi thường của người sử dụng đất bên trên đến KGN.
Do đó, cần có quy định cụ thể hoặc các hợp đồng pháp lý chặt chẽ giữa các bên liên quan để làm cơ sở để giải quyết các tranh chấp xảy ra nếu có. Đề xuất tương tự cũng đã được F. Zaini và đồng tác giả kiến nghị để sử dụng ở Malaysia.
3.2. Cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý
Các cơ quan quản lý quy hoạch và xây dựng tại các tỉnh, thành phố chưa có cơ sở dữ liệu số hóa toàn diện về KGN, bao gồm bản đồ địa chất và hiện trạng công trình ngầm. Điều này gây khó khăn cho công tác quy hoạch, thi công và bảo trì.
Việc quy hoạch và quản lý KGN liên quan đến nhiều cơ quan như Bộ Xây dựng, Bộ GTVT, Bộ TN&MT, cùng UBND các tỉnh/thành phố, nhưng chưa có cơ quan đầu mối thống nhất. Các công trình ngầm thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau (hạ tầng kỹ thuật, giao thông, thương mại…), nhưng vẫn thiếu cơ sở dữ liệu chung và cơ chế phối hợp đồng bộ. Điều này dẫn đến tình trạng chồng chéo trong quản lý, gây cản trở quá trình quy hoạch và triển khai dự án.
Do đó, kiến nghị xem xét thành lập một đơn vị chuyên trách về KGN trực thuộc UBND tỉnh/Thành phố hoặc Bộ Xây dựng, chịu trách nhiệm quy hoạch, giám sát và điều phối các dự án ngầm. Cơ quan này đóng vai trò trung gian, giúp kết nối các đơn vị quản lý hạ tầng (điện, nước, viễn thông, giao thông, thoát nước...) để tránh xung đột và chồng chéo trong triển khai dự án.
Bằng cách ứng dụng công nghệ GIS, các cơ quan chức năng có thể lập bản đồ số hóa chi tiết về hệ thống hạ tầng ngầm, giúp tránh trùng lặp và xung đột khi triển khai các dự án. Bản đồ này cần được cập nhật thường xuyên và chia sẻ giữa các đơn vị liên quan để đảm bảo tính đồng bộ.
Bên cạnh đó, việc phát triển một hệ thống quản lý tập trung thông qua nền tảng dữ liệu liên thông (Data Sharing Platform) sẽ giúp nâng cao hiệu quả quản lý KGN. Công nghệ BIM có thể được sử dụng để tích hợp dữ liệu của tất cả các công trình ngầm, hỗ trợ dự báo và tối ưu hóa quy hoạch, từ đó tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của hạ tầng đô thị.
Sở Xây dựng các địa phương cần đưa ra các quy định về thu thập dữ liệu khảo sát địa chất của các dự án đầu tư xây dựng từ đó tạo nền tảng để triển khai xây dựng bản đồ số 3D về địa chất cho từng khu vực, hệ thống cơ sở dữ liệu này cần được cập nhật thường xuyên dựa trên nguồn thông tin từ các dự án xây dựng trong phạm vi quản lý
3.3. Tài chính và công nghệ
Chi phí đầu tư xây dựng KGN rất lớn, trong khi nguồn vốn nhà nước còn hạn chế. Việc phát triển hạ tầng ngầm như Metro, hầm giao thông, bãi đỗ xe ngầm đòi hỏi kỹ thuật cao, công nghệ phức tạp và phải đối mặt với rủi ro địa chất, khiến chi phí cao hơn nhiều so với xây dựng trên mặt đất. Điển hình là dự án Metro TP.HCM, nơi chi phí đã đội lên đáng kể so với kế hoạch ban đầu do những khó khăn trong thi công ngầm.
Công nghệ thi công, khảo sát địa chất và xử lý nền đất yếu chưa phát triển đồng bộ. Việc thiếu cơ sở dữ liệu số hóa chính xác về địa chất và hạ tầng ngầm dẫn đến rủi ro va chạm với hệ thống hạ tầng hiện hữu (điện, nước, viễn thông), gây chậm tiến độ và làm phát sinh chi phí. Các công nghệ tiên tiến như quét laser 3D hay radar xuyên đất (GPR - Ground Penetrating Radar) vẫn chưa được ứng dụng rộng rãi.
Công nghệ số chưa được áp dụng đầy đủ trong quản lý và quy hoạch KGN. Các đô thị tại Việt Nam chưa triển khai phổ biến các công cụ như Hệ thống thông tin công trình (BIM - Building Information Modeling) và Hệ thống thông tin địa lý (GIS - Geographic Information System), vốn đã được sử dụng rộng rãi tại nhiều đô thị lớn trên thế giới. Việc theo dõi, vận hành và bảo trì KGN vẫn phụ thuộc chủ yếu vào phương pháp thủ công, làm tăng chi phí và giảm hiệu quả quản lý.
Để phát triển KGN hiệu quả, cần huy động nguồn vốn bền vững bằng cách tăng cường cơ chế PPP với chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư tư nhân, đa dạng hóa nguồn vốn thông qua quỹ đầu tư và trái phiếu đô thị. Đồng thời, việc ứng dụng công nghệ tiên tiến như GPR, BIM, GIS trong khảo sát và quản lý KGN là cần thiết, kết hợp với học hỏi mô hình quản lý từ các nước tiên tiến và hợp tác quốc tế để tiếp cận công nghệ thi công, vật liệu mới.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu về quy hoạch và quản lý KGN, đồng thời kết nối với các trường đại học, viện nghiên cứu trong và ngoài nước để nâng cao năng lực kỹ thuật.
4. Kết luận
Bài báo nghiên cứu về quy hoạch KGN là một phần của đồ án quy hoạch đô thị. Thông qua các tài liệu tham khảo quốc tế về KGN, có thể khẳng định rằng KGN đóng góp tới 11/17 mục tiêu phát triển bền vững được Liên Hiệp Quốc phát hành năm 2015. Tuy Nhiên KGN cũng có một số hạn chế nhất định như các ảnh hưởng lên bản thân nó và các ảnh hưởng đến chức năng của đô thị.
Công tác quy hoạch KGN ở Việt Nam hiện tại đang gặp phải mốt số rào cản: Hệ thống pháp lý quy hoạch KGN chưa đồng bộ, thiếu sự phối hợp chẽ giữa các cơ quan quản lý, và các ảnh hưởng bởi việc thiếu nguồn vốn và chưa bắt kịp được sự phát triển của công nghệ.
Nhóm tác giả đã đề xuất một số kiến nghị nhằm hướng tới phát triển đô thị bền vững trong bối cảnh hiện đại:
(1) Quy định và hướng dẫn cụ thể nội dung quy hoạch KGN trong các đồ án quy hoạch đô thị thay vì lập một đồ án quy hoạch KGN riêng.
(2) Phân tầng sở hữusử dụng KGN với chiều sâu các tầng phù hợp với từng đô thị.
(3) Quy định cụ thể trách nhiệm của các bên liên quan đến công trình ngầm bằng pháp lý hoặc hợp đồng để làm cơ sở để giải quyết các tranh chấp xảy ra.
(4) Đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư và ứng dụng khoa học kỹ thuật trong công tác quy hoạch và quản lý KGN.
Tài liệu tham khảo
1. “THE 17 GOALS | Sustainable Development.” Accessed: Mar. 13, 2025. [Online]. Available: https://sdgs.un.org/goals.
2. F.-L. Peng, Y.-K. Qiao, S. Sabri, B. Atazadeh, and A. Rajabifard, “A collaborative approach for urban underground space development toward sustainable development goals: Critical dimensions and future directions,” Front. Struct. Civ. Eng., vol. 15, no. 1, pp. 20-45, Feb. 2021, doi: 10.1007/s11709-021-0716-x.
3. Y. Chen, D. Guo, Z. Chen, Y. Fan, and X. Li, “Using a multi-objective programming model to validate feasibility of an underground freight transportation system for the Yangshan port in Shanghai,” Tunn. Undergr. Space Technol., vol. 81, pp. 463–471, Nov. 2018, doi: 10.1016/j.tust.2018.07.012.
4. Y. Chen and A. Whalley, “Green Infrastructure: The Effects of Urban Rail Transit on Air Quality,” Am. Econ. J. Econ. Policy, vol. 4, no. 1, pp. 58–97, Feb. 2012, doi: 10.1257/pol.4.1.58.
5. V. Jovičić, B. Volk, and J. Logar, “Conditions for the Sustainable Development of Underground Transport in the Ljubljana Basin,” Sustainability, vol. 10, no. 9, Art. no. 9, Sep. 2018, doi: 10.3390/su10092971…