Ngày 14/6, Bộ Xây dựng đã tổ chức Hội nghị thẩm định Nhiệm vụ Quy hoạch chung xây dựng Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ đến năm 2045, tỷ lệ 1/5.000. Khu vực quy hoạch tại địa bàn tỉnh Nghệ An.
Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch tại Quyết định số 536/QĐ-TTg ngày 17/04/2020, trong đó dự kiến xây dựng 3 khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao và tiếp thị lâm sản tại 3 miền Bắc, Trung, Nam.
Trong khi đó, Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ tại tỉnh Nghệ An đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 509/QĐ-TTg ngày 31/3/2021, nằm trên địa bàn hai huyện Nghi Lộc và Đô Lương. Đây là dự án thí điểm đầu tiên của cả nước, bao gồm nhiều lĩnh vực: nông lâm nghiệp, công nghiệp, thương mại và khoa học công nghệ.
Theo nội dung Nhiệm vụ Quy hoạch được đơn vị tư vấn trình bày tại Hội nghị, phạm vi ranh giới lập Quy hoạch Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ được xây dựng tại các xã Nghi Lâm, Nghi Văn, Nghi Kiều, Khánh Hợp, Nghi Xá, huyện Nghi Lộc và xã Đại Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An; với 3 phân khu chức năng chính có tổng diện tích nghiên cứu lập quy hoạch là 613,57 ha.
Trong đó Phân khu 1 là Trung tâm sản xuất giống cây lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Nghi Lâm, huyện Nghi Lộc, với diện tích 48,57 ha.
Phân khu 2 là Khu sản xuất, chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ ứng dụng công nghệ cao tại xã Nghi Văn, Nghi Kiều, huyện Nghi Lộc và xã Đại Sơn, huyện Đô Lương, với diện tích 530 ha.
Phân khu 3 là Sàn giao dịch kết hợp triển lãm giới thiệu gỗ nguyên liệu và các sản phẩm chế biến từ gỗ và lâm sản ngoài gỗ tại các xã Nghi Xá, Khánh Hợp, huyện Nghi Lộc, với diện tích 35ha.
Về tầm nhìn, Quy hoạch Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ định hướng trở thành một trong ba khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên cả nước với các dự án về nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi khép kín, từ chọn tạo giống đến chế biến, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ.
Dự kiến nhu cầu về lao động khoảng 25.000-30.000 người; dự kiến nhu cầu nhà ở công nhân khoảng 15.000-18.000 người.
Nhiệm vụ Quy hoạch cũng nêu đề xuất quy hoạch sử dụng đất cho từng khu chức năng theo cơ cấu được xác định, đảm bảo phù hợp với định hướng phát triển tổng thể của khu vực; xác định phạm vi, quy mô dân số, đất đai, các chỉ tiêu sử dụng đất của từng khu vực trong khu chức năng; quy định tầng cao xây dựng tối đa, tối thiểu đối với khu chức năng không gian chính.
Tại Hội nghị, ý kiến các thành viên Hội đồng thẩm định tập trung vào một số nội dung: làm rõ nội hàm, đặc biệt là cơ sở pháp lý liên quan đến lĩnh vực lâm nghiệp; rà soát để đảm bảo phù hợp các quy hoạch cấp trên và quy hoạch nghành liên quan; đánh giá vấn đề ở quy mô cấp vùng.
Một số ý kiến cũng lưu ý vấn đề hạ tầng điện, căn cứ cấp đất cho các dự án, bố trí nguồn vốn để thực hiện Nhiệm vụ Quy hoạch; đồng thời đề nghị làm rõ địa giới hành chính liên quan đến địa bàn một số xã đã sáp nhập; đánh giá thực trạng và làm rõ hơn vị trí của 3 phân khu trong thực tiễn, mối liên hệ giữa 3 phân khu.
Bà Phạm Thị Nhung, PGĐ Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An, đơn vị chủ trì Nhiệm vụ Quy hoạch đánh giá cao các ý kiến góp ý của các thành viên Hội đồng tại Hội nghị, những ý kiến này sẽ giúp tạo thuận lợi cho bước tiếp theo để thực hiện Đồ án Quy hoạch.
Bà Phạm Thị Nhung cũng giải trình, làm rõ thêm một số nội dung liên quan đến vị trí, diện tích và kế hoạch sử dụng đất của tỉnh, và một số vấn đề khác của Nhiệm vụ Quy hoạch.
Kết luận Hội nghị, bà Trần Thu Hằng, Vụ trưởng Vụ Quy hoạch Kiến trúc, chủ trì Hội nghị, lưu ý một số vấn đề về cơ sở chính trị và căn cứ pháp lý của Nhiệm vụ Quy hoạch; xác định rõ phạm vi, ranh giới lập quy hoạch; quy mô tuân thủ đúng theo các văn bản pháp lý liên quan.
Đồng thời đánh giá rõ hơn hiện trạng, làm rõ chức năng của từng phân khu; dự kiến các chỉ tiêu một cách cơ bản; đánh giá mối tương tác trong phạm vi vùng; bổ sung kinh nghiệm quốc tế; chú ý tính kết nối cho 3 phân khu hiện đang tách rời, vấn đề môi trường, tận dụng cảnh quan thiên nhiên, phát triển kinh tế du lịch; nguồn lực thực hiện.
Bà Trần Thu Hằng cũng lưu ý địa phương và đơn vị tư vấn cần tiếp thu đầy đủ ý kiến các thành viên Hội đồng thẩm định, hoàn thiện Nhiệm vụ Quy hoạch trước khi trình duyệt.