Quy hoạch - Kiến trúc trong tuần: Tổ chức không gian phát triển của Thủ đô với 5 trục động lực

12:23 25/02/2024
Ngày 23/02, Bộ KH&ĐT đã tổ chức phiên họp thẩm định Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bên cạnh đó là một số tin tức đáng chú ý khác trong lĩnh vực quy hoạch - kiến trúc.

Sông Hồng sẽ là trục động lực chính của Thủ đô

Dự thảo Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2 đưa ra 6 nhiệm vụ trọng tâm, nổi bật là giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm các dòng sông; giải quyết dứt điểm tình trạng kẹt xe, ngập úng tại các khu vực đô thị...

Quy hoạch cũng xác định 5 trụ cột phát triển bao gồm: Văn hóa và di sản; Phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn; Hạ tầng đồng bộ, giao thông văn minh, hiện đại; Xã hội số, đô thị thông minh, kinh tế số; Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo; và 4 khâu đột phá chiến lược bao gồm: Tạo lập thể chế quản trị vượt trội; Phát triển hệ thống hạ tầng kết nối, đồng bộ, đặc biệt là đường sắt đô thị; Phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao và khai thác tài nguyên nhân văn; Phát triển đô thị, cải tạo môi trường và cảnh quan.

Quy hoạch xác định không gian phát triển với 5 trục động lực, trong đó trục sông Hồng là trục động lực chính, điểm nhấn của vùng đô thị trung tâm kết nối đô thị phía Nam và phía Bắc sông Hồng, với định hướng hình thành không gian văn hóa, lễ hội, phát triển du lịch, dịch vụ kinh tế ban đêm...

Với 31/31 phiếu tán thành, Hội đồng thẩm định đã thông qua Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, và đề nghị tiếp tục hoàn thiện một số nội dung trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Bảo đảm tính đồng bộ, hệ thống, bền vững cho các quy hoạch đô thị và nông thôn

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, các quy hoạch đô thị cần có tầm nhìn dài hạn, ổn định, tránh tình trạng phải điều chỉnh cục bộ nhiều lần - Ảnh: VGP/MK

Ngày 22/02, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp nghe báo cáo về dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.  

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, dự thảo Luật phải giải quyết được những bất cập, tồn tại, vướng mắc về tư duy, tổ chức thực hiện Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị thời gian qua.

Theo đó, Bộ Xây dựng cần làm rõ, bổ sung thêm nội hàm của khái niệm quy hoạch đô thị và nông thôn; xác định vị trí, giải quyết mối quan hệ quy hoạch đô thị và nông thôn với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch địa phương, các luật chuyên ngành liên quan.

Dự thảo Luật cũng cần đưa ra tiêu chí xếp loại đô thị làm cơ sở để xác định mức độ phân cấp cho địa phương trong lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch đô thị, điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị.

Đối với các quy định về quy hoạch nông thôn, Phó Thủ tướng lưu ý Bộ Xây dựng nắm vững tinh thần, quan điểm quy hoạch nông thôn là bước chuẩn bị cho phát triển đô thị.

Bộ Xây dựng hướng dẫn công nhận Tiêu chí 1 - Quy hoạch xã nông thôn mới nâng cao

Ngày 26/01, Bộ Xây dựng đã có công văn 428/BXD-QHKT gửi Sở Xây dựng Trà Vinh về đề nghị hướng dẫn xem xét, đánh giá công nhận Tiêu chí 1 - Quy hoạch xã nông thôn mới nâng cao đối với các xã thuộc quy hoạch chung đô thị.

Bộ Xây dựng cho rằng, đối với các xã thuộc quy hoạch chung đô thị và quy hoạch phân khu đô thị đã được phê duyệt thì quy hoạch chi tiết trung tâm xã sẽ là các trung tâm theo cấp hành chính đô thị.

Đối với các xã đã và đang tổ chức lập quy hoạch phân khu đô thị, sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt, là cơ sở đánh giá đảm bảo tiêu chí quy hoạch để xem xét, đánh giá, công nhận xã nông thôn mới nâng cao.

Đối với các xã thuộc đô thị đã có quy chế quản lý kiến trúc đô thị theo quy định thì không cần lập quy chế quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn.

TP.HCM công bố dự thảo quy hoạch lập 3 thành phố vệ tinh

TP.HCM sẽ có 3 thành phố vệ tinh mới, bên cạnh đô thị trung tâm và TP Thủ Đức hiện tại. 

Theo dự thảo Quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, TP.HCM sẽ có ba thành phố vệ tinh mới, bên cạnh đô thị trung tâm và TP Thủ Đức hiện tại.

Theo đó, TP.HCM có 5 đô thị bao gồm 1 đô thị trung tâm loại đặc biệt; TP Thủ Đức loại I; 3 thành phố vệ tinh là thành phố phía Bắc gồm huyện Hóc Môn - huyện Củ Chi (loại III), thành phố phía Tây gồm huyện Bình Chánh (loại III) và thành phố phía Nam gồm quận 7 - huyện Nhà Bè - huyện Cần Giờ (loại III).

Ranh giới chính thức của các thành phố trực thuộc TP.HCM được xác định tại đề án thành lập các thành phố này.

Bên cạnh đó, về phương án sắp xếp lại đơn vị hành chính, 22 đơn vị hành chính cấp huyện của TP.HCM cơ bản vẫn giữ nguyên; 80/312 đơn vị hành chính cấp xã trong diện cần sắp xếp lại.

Dân số đô thị (chính thức) là hơn 10,5 triệu người; tỷ lệ đô thị hóa khoảng 95%; tổng quy mô đất đô thị là 153.441 ha; bình quân 146,1 m2/người.

Quy hoạch chùa Tây Phương trở thành điểm đến hấp dẫn của Hà Nội

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 190/QĐ-TTg ngày 22/02/2024 phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội.

Đối tượng nghiên cứu lập quy hoạch gồm: Các giá trị di sản văn hóa, tài sản, hiện vật gắn với di tích; các giá trị cảnh quan, sinh học, thủy văn... trong khu vực di tích; các yếu tố kinh tế - xã hội, dân cư, môi trường khu vực; hiện trạng hạ tầng kỹ thuật, thực trạng đầu tư xây dựng, tổng thể hệ thống di tích và khu vực xung quanh di tích...

Theo quy hoạch, khu di tích có tính chất là di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia đặc biệt, nơi lưu giữ các bảo vật quốc gia; nằm trong khu vực tập trung nhiều di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, làng nghề truyền thống, các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia...  

Đây cũng là trung tâm sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng; điểm du lịch hấp dẫn của TP Hà Nội, vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.

Bắc Giang: Hơn 1.800 tỷ đồng đầu tư kết cấu hạ tầng KCN Phúc Sơn

Ảnh minh hoạ. Nguồn internet

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 193/QĐ-TTg ngày 23/02/2024 phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp (KCN) Phúc Sơn, tỉnh Bắc Giang.

Theo chủ trương, Công ty CP Le Delta là nhà đầu tư Dự án.

Dự án được thực hiện tại xã Phúc Sơn và xã Lam Cốt, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang với quy mô 123,94 ha đất; tổng vốn đầu tư là 1.836 tỷ đồng.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ KH&ĐT chịu trách nhiệm về những nội dung được giao thẩm định chủ trương đầu tư Dự án và thực hiện quản lý nhà nước về KCN.

Các Bộ, ngành có liên quan chịu trách nhiệm về nội dung thẩm định chủ trương đầu tư Dự án thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định.

UBND tỉnh Bắc Giang chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin, số liệu báo cáo, các nội dung thẩm định theo quy định của pháp luật.

Bình luận