Chiều 27/02, tại trụ sở Bộ Xây dựng, Hội đồng thẩm định liên ngành đã tổ chức Hội nghị thẩm định Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng, tỉnh Lai Châu đến năm 2045.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn - Chủ tịch Hội đồng thẩm định, chủ trì Hội nghị. Dự Hội nghị có ông Giàng A Tình - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu; đại diện các Bộ, ngành, hiệp hội là thành viên Hội đồng.

Trung tâm giao thương của Việt Nam và khu vực ASEAN với vùng Tây Nam - Trung Quốc
Theo dự thảo, phạm vi lập quy hoạch theo ranh giới thành lập Khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng, tỉnh Lai Châu bao gồm 03 xã: Ma Li Pho, Huổi Luông, Mường So và thị trấn Phong Thổ, thuộc huyện Phong Thổ.
Quy mô lập quy hoạch khoảng 266,69 km2.
Khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng có tính chất là một trong những trung tâm giao thương của Việt Nam và khu vực ASEAN với vùng Tây Nam - Trung Quốc; là khu kinh tế cửa khẩu đa ngành, đa lĩnh vực, điểm đột phá về kinh tế của tỉnh Lai Châu và các tỉnh miền núi phía Tây Bắc.
Đồng thời là một trong những trung tâm về thương mại, dịch vụ, du lịch và công nghiệp của khu vực các tỉnh miền núi phía Tây Bắc và có khả năng gắn kết được với các địa phương khác để tạo thành tuyến dịch vụ thương mại - du lịch động lực của toàn vùng Trung du và miền núi phía Bắc.
Đây cũng là khu vực có vị trí quan trọng về an ninh, quốc phòng của quốc gia.
Quy hoạch dự báo đến năm 2030, dân số khu vực quy hoạch khoảng 35.000 người; dân số đô thị khoảng 20.000 người; dân số nông thôn khoảng 15.000 người. Nhu cầu sử dụng đất xây dựng các khu chức năng khoảng 1.420,83 ha.
Ðến năm 2045, dân số khu vực quy hoạch có khoảng 55.000 người; dân số đô thị khoảng 35.000 người; dân số nông thôn khoảng 20.000 người.

Quy hoạch sử dụng đất: Giai đoạn đến 2030, tổng diện tích đất xây dựng các khu chức năng khoảng 1.420,83 ha; giai đoạn đến 2045, tổng diện tích đất xây dựng các khu chức năng khoảng 1.992,73 ha.
Định hướng phát triển không gian: Khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng được phát triển căn cứ theo đồ án Quy hoạch tỉnh Lai Châu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên cơ sở đánh giá các điều kiện tự nhiên, phát triển kinh tế - xã hội, các mối liên kết phát triển, điều kiện phát triển của khu vực cửa khẩu, các vùng cảnh quan, hệ thống đô thị và dân cư nông thôn...; xây dựng cấu trúc phát triển không gian Khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng phân theo các khu chức năng, vị trí đặc trưng riêng của từng khu vực.
Theo đó, Khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng được phân thành 5 khu chức năng chính, bao gồm: Khu vực trung tâm kinh tế biên mậu, dịch vụ và đô thị cửa khẩu; khu đô thị thị trấn Phong Thổ; khu công nghiệp; các khu, vùng du lịch; khu vực dân cư nông thôn và vùng phát triển nông, lâm nghiệp.
Đồ án xác định các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư gồm: Các dự án công trình hạ tầng kỹ thuật khung và công trình đầu mối của Khu kinh tế, đóng vai trò là động lực phát triển kinh tế xã hội của toàn Khu kinh tế (cao tốc Bảo Hà - Lai Châu, nâng cấp mở rộng QL12, QL4D...).
Các quy hoạch, dự án đầu tư xây dựng hạ tầng tại các khu cửa khẩu đã được xác định ưu tiên phát triển xây dựng trong giai đoạn đầu (Cửa khẩu Quốc tế Ma Lù Thàng; Cửa khẩu Quốc gia Pô Tô; Khu dân cư, dịch vụ thương mại phụ trợ Huổi Luông; Khu chế xuất,...) và các dự án tái định cư tại các cửa khẩu, lối mở có dự án đầu tư.
Các dự án thực hiện mục tiêu nâng loại đô thị, xây dựng mới đô thị chức năng theo lộ trình quy hoạch của tỉnh (nâng loại đô thị Phong Thổ đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV, xây dựng mới đô thị Ma Lù Thàng đạt tiêu chuẩn đô thị loại V); Các dự án thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với du lịch cộng đồng.
Quy hoạch Khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng theo tiêu chí đô thị loại IV

Đánh giá về đồ án, Vụ Quy hoạch - Kiến trúc (Bộ Xây dựng), Cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định cho rằng, đồ án đã khái quát được về điều kiện tự nhiên, dân số, hạ tầng kỹ thuật; đánh giá sơ bộ được Khu kinh tế trong mối quan hệ ở khu vực biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc nói chung, tỉnh Lai Châu nói riêng với các điểm đặc thù; làm rõ được cấu trúc, mô hình phát triển, tầm nhìn và các chỉ tiêu phát triển, định hình từng khu chức năng…
Để hoàn thiện đồ án, Vụ Quy hoạch - Kiến trúc đề nghị UBND tỉnh Lai Châu chỉ đạo rà soát, bổ sung các văn bản pháp lý còn hiệu lực; rà soát phạm vi ranh giới để đảm bảo tuân thủ nội dung các hiệp định liên quan giữa Việt Nam và Trung Quốc và ranh giới Khu kinh tế đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, phù hợp thực tiễn chia tách địa giới hành chính.
Đồng thời bổ sung đánh giá hiện trạng sử dụng đất, làm rõ thêm quy mô sử dụng các loại đất; xác định các vùng bảo vệ, hạn chế xây dựng; vùng bảo vệ cảnh quan, vùng có nguy cơ sạt lở, bảo vệ nguồn nước và vùng phát triển các khu vực chức năng…

Ngoài ra, cần phân tích, làm rõ hơn các kết nối và tình hình đầu tư phát triển của cửa khẩu phía nước bạn; xem xét cơ sở tính toán gia tăng dân số; làm rõ các chỉ tiêu áp dụng và các chỉ tiêu đạt được của đồ án; quan tâm các khu vực kiểm soát, khu dân cư trên cơ sở đảm bảo an ninh, quốc phòng và bảo vệ môi trường.
Cùng với đó, bổ sung định hướng giao thông kết nối liên vùng, nội vùng; các nguyên tắc làm cơ sở kiểm soát quy hoạch, kiến trúc; các yếu tố đặc trưng của Khu kinh tế; bổ sung các dự án, chương trình ưu tiên đầu tư; rà soát dự thảo Quyết định và các nội dung thuyết minh sau khi tiếp thu ý kiến góp ý của các thành viên Hội đồng thẩm định.

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn chia sẻ những khó khăn tác động đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đồng thời đề nghị địa phương rà soát các căn cứ pháp lý, phạm vi ranh giới để đảm bảo chính xác, đúng với quy định và phù hợp với thực tiễn.
Thứ trưởng lưu ý cơ quan lập quy hoạch làm rõ hơn thực trạng phát triển của phía bạn, để có hướng đầu tư phù hợp; đánh giá thực trạng hạ tầng, đặc biệt là về giao thông kết nối; làm rõ những quỹ đất có thể sử dụng cho phát triển, cũng như dự báo về các loại đất; rà soát các dự án đã triển khai trong 20 năm qua, chỉ ra được các khó khăn, bất cập tác động.
Định hướng phát triển sắp tới, Thứ trưởng đề nghị địa phương xác định những lĩnh vực trọng tâm, trên cơ sở so sánh động lực chính thời gian vừa qua; nội dung về giao thương trong đồ án còn hạn chế, đặc biệt là logistics, do đó cần làm rõ hơn; nghiên cứu xây dựng mô hình cửa khẩu thông minh.
Cũng theo Thứ trưởng, đồ án cần thực hiện rà soát dự báo gia tăng dân số phù hợp hơn, lưu ý các yếu tố để đảm bảo về an ninh, quốc phòng và môi trường; xây dựng quy chế quản lý kiến trúc, trong đó lưu ý giữ gìn, phát huy yếu tố bản sắc địa phương.
Cuối cùng, Thứ trưởng đề nghị địa phương thực hiện rà soát các dự án, phân kỳ ưu tiên; nhấn mạnh việc ưu tiên nguồn vốn ngân sách; rà soát hồ sơ, bản vẽ, thuyết minh và quyết định để thống nhất các nội dung.
Kết quả, Hội đồng thẩm định thống nhất trình Thủ tướng Chính phủ đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng, sau khi hoàn thiện theo góp ý của Hội đồng thẩm định…