Tuy nhiên trên thực tế vẫn còn không ít tồn tại, bất cập cần sớm có định hướng cụ thể trong các quy hoạch lớn của Thủ đô đang thực hiện.
Chậm xây dựng đồng bộ theo quy hoạch
Sau khi mở rộng địa giới hành chính và Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được phê duyệt, đến nay Hà Nội đã phát triển rất nhanh, hình thành một số khu vực lớn với nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật, giao thông, công viên cây xanh, công trình công cộng, hạ tầng xã hội được xây dựng… tạo những dấu ấn rất tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập do hạ tầng kỹ thuật thiếu chưa được đầu tư xây dựng đầy đủ theo quy hoạch, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống dân sinh của người dân Thủ đô.
Điển hình rõ nhất là việc xây dựng, mở rộng các khu xử lý chất thải rắn theo quy hoạch còn rất chậm do gặp nhiều khó khăn trong quá trình giải phóng mặt bằng, chậm thực hiện các chính sách phục vụ công tác di dời dẫn đến người dân nhiều lần chặn xe vào hai khu xử lý rác hiện có đã quá tải là Nam Sơn và Xuân Sơn. Tình trạng này đã liên tục gây ùn ứ, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ở nhiều khu dân cư trên địa bàn TP. Được biết, đến nay TP còn 5 trạm trung chuyển và 15/17 khu xử lý chất thải theo quy hoạch chưa được triển khai hoặc đã có xây dựng nhưng chưa hoạt động, thậm chí dừng hoạt động do lựa chọn công nghệ không phù hợp.
Hay như sự phát triển hạ tầng giao thông không đáp ứng được so với việc phát triển đô thị, diện tích đất dành cho giao thông mới chỉ đạt 10,07% đất xây dựng đô thị, thấp hơn rất nhiều so với quy định (phải đạt từ 16 - 26%). Tốc độ đô thị hóa nhanh với sự gia tăng dân số kéo theo các phương tiện giao thông cá nhân đã tạo áp lực rất lớn lên hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông. Tăng trưởng các phương tiện giao thông cá nhân bình quân 11%/năm, trong khi đó tăng trưởng về chiều dài đường chỉ đạt 3,9%/năm, diện tích mặt đường 0,25%/năm, đặc biệt khu vực trung tâm TP gần như không tăng. Chính điều này dẫn đến áp lực ùn tắc trên nhiều tuyến phố ngày càng căng thẳng.
Về hệ thống thoát nước và xử lý nước thải chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ theo quy hoạch, việc thu gom và vận chuyển nước thải về nhà máy hoặc trạm xử lý nước thải còn nhiều hạn chế và chủ yếu sử dụng hệ thống thoát nước chung cả nước mưa và nước thải. Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, hiện TP mới chỉ đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống thoát nước khu vực nội thành thuộc khu vực sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và sông Kim Ngưu với diện tích 77,5km2 (gồm các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Tây Hồ và một phần các quận Cầu Giấy, Thanh Xuân). Còn lại những khu vực khác chưa được đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước mưa như khu vực tả, hữu Nhuệ, khu vực Long Biên, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm và các khu đô thị mới vẫn còn tình trạng ngập úng cục bộ khi có mưa lớn. Một số trạm bơm tiêu chính và nhiều công trình đầu mối kèm theo như kênh dẫn, kênh xả, hồ điều hòa trạm bơm Liên Mạc (90m3/s), trạm bơm Gia Thượng, Cự Khối (65m3/s)… chưa được đầu tư xây dựng. Sông Nhuệ và hệ thống kênh xả, kênh dẫn về các trạm bơm chưa được cải tạo, nạo vét là những nguyên nhân chính chưa đảm bảo được công tác thoát nước cho TP.
Giải pháp từ xu hướng thông minh hóa đô thị
Theo các chuyên gia, để nâng cao hiệu quả của hệ thống hạ tầng, giải quyết những bất cập, một mặt cần tiếp tục đầu tư xây dựng thêm, mặt khác cần nâng cấp, thông minh hóa hệ thống hạ tầng hiện có, trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường xây dựng cơ sở dữ liệu điều phối tổ chức vận hành liên thông một cách hiệu quả nhất.
Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, KTS Lê Chính Trực cho rằng, việc thiết kế hệ thống hạ tầng kỹ thuật
Sau khi Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được phê duyệt và triển khai thực hiện từ năm 2011, Thủ đô Hà Nội đã có nhiều thay đổi, ngày càng sáng, xanh, sạch đẹp, khang trang, văn minh, hiện đại hơn. Tại khu vực đô thị trung tâm, bộ mặt đô thị đã chuyển biến tích cực với nhiều khu vực phát triển đô thị mới, cảnh quan đô thị được nâng cao, cây xanh đô thị được quan tâm đầu tư phát triển, đời sống người dân được nâng cao… Tuy nhiên, qua khảo sát, thực trạng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị còn rất nhiều vấn đề cần được cải thiện theo xu hướng thông minh hóa hệ thống trong các quy hoạch, đề án, dự án về thành phố thông minh, các khu đô thị thông minh. Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, KTS Lê Chính Trực |
thông minh không những giảm được chi phí đầu tư xây dựng mà còn tăng hiệu quả sử dụng, vận hành. Với từng hệ thống, ngoài việc thiết kế thông minh, hiệu quả, việc áp dụng công nghệ thông tin thu thập dữ liệu, tự động hóa điều phối vận hành để nâng cấp sẽ tăng cao hiệu quả mà không nhất thiết cần đầu tư xây dựng thêm. Sự kết hợp liên thông hỗ trợ và điều phối giữa các hệ thống hạ tầng với nhau cũng sẽ làm tăng đáng kể hiệu quả hoạt động. Chẳng hạn kết hợp giữa hệ thống thoát nước với giao thông ngầm, kết hợp giữa thoát nước xử lý nước thải với thoát nước mặt, tái chế các chất thải rắn, lỏng… làm phân bón hoặc tạo năng lượng.
Muốn thực hiện được điều này, TP cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung là hệ thống tích hợp dữ liệu không gian đô thị và hệ thống thông tin về hạ tầng đô thị. Hệ thống này là một hệ thống cơ sở dữ liệu có chứa thông tin địa lý (GIS 2D, 3D) thuộc lĩnh vực quy hoạch - kiến trúc - xây dựng - phát triển đô thị và các dữ liệu chuyên ngành như giao thông, năng lượng, cấp nước, thoát nước, chất thải, y tế, giáo dục…
Hệ thống này sẽ làm cơ sở để phát triển các ứng dụng quản lý, hỗ trợ ra quyết định, giúp lãnh đạo các cấp giám sát điều hành, quản lý một cách tổng thể, cho phép chia sẻ dữ liệu cho phát triển đô thị thông minh, giúp DN tạo ra dịch vụ mới…
Thủ đô Hà Nội đang bước vào kỳ quy hoạch mới với việc xây dựng hai bản quy hoạch lớn, quan trọng sẽ định hình chân dung, con đường phát triển của Thủ đô trong những năm tới đó là Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, KTS Trần Ngọc Chính cho rằng, để có được một Hà Nội “văn hiến - văn minh - hiện đại”, vấn đề có tính mấu chốt là TP phải quan tâm giải quyết tường tận về hạ tầng đô thị như giao thông, rác thải, nước thải, nghĩa trang... ngay trong các quy hoạch quan trọng lần này.
Đồng tình với quan điểm này, KTS Lê Chính Trực nhấn mạnh thêm, quy mô, định hướng các quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật như giao thông, cấp nước thoát nước, rác thải, nghĩa trang cần phải thống nhất với quy mô, định hướng của Quy hoạch xây dựng chung toàn TP Hà Nội, tránh tình trạng “phải điều chỉnh quy hoạch thu hẹp quy mô, điều chỉnh hoặc hủy bỏ”… Việc quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới cần hòa hợp với những khu vực xung quanh, tránh tình trạng khu đô thị mới là các ốc đảo, thiếu sự liên kết hạ tầng về giao thông, thoát nước…
Nguồn: kinhtedothi.vn