Quy hoạch phát triển KCN thông minh gắn với đề án thành phố thông minh

Trong bài viết, nhóm tác giả đưa ra nhận định các điểm nghẽn phát triển và phân tích nguyên nhân, đề xuất các quan điểm, chiến lược và giải pháp quy hoạch phát triển KCN thông minh cho tỉnh Bình Dương trong tương lai gắn với Đề án thành phố thông minh.
Quy hoạch phát triển KCN thông minh gắn với đề án thành phố thông minh
Ảnh minh họa

1. Đặt vấn đề

Bình Dương  nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, được tái lập từ ngày 01/01/1997. Hơn 25 năm qua, tỉnh Bình Dương luôn quán triệt, cụ thể hóa, triển khai thực hiện sáng tạo, hiệu quả các nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Từ một tỉnh nghèo với kinh tế nông nghiệp là chủ yếu, đến nay Bình Dương đã trở thành tỉnh công nghiệp với tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa nhanh; một trong những tỉnh, thành phố phát triển năng động nhất của khu vực phía Nam và cả nước.

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH tỉnh Bình Dương đến năm 2020, có bổ sung quy hoạch đến năm 2025 (theo Quyết định số 893/QĐ-TTg ngày 11/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ).

Tỉnh đạt được những kết quả quan trọng: kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng. Công nghiệp tiếp tục là ngành chủ lực của kinh tế tỉnh; dịch vụ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong phát triển kinh tế; nông nghiệp chuyển dịch theo hướng phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp áp dụng kỹ thuật cao; đô thị phát triển nhanh gắn với Đề án thành phố thông minh.  

Hình 1. Sơ đồ vị trí và mối liên hệ vùng của tỉnh Bình Dương.

Nguồn: Sở Xây dựng Bình Dương

Tuy nhiên, tỉnh còn những hạn chế, khó khăn nhất định trên con đường phát triển, cụ thể: chất lượng tăng trưởng chưa thật sự bền vững; các loại hình dịch vụ chất lượng cao, có giá trị gia tăng lớn, các dịch vụ hỗ trợ phát triển công nghiệp và đô thị vẫn chưa tương xứng; việc chuyển đổi các KCN hiện hữu sang KCN sinh thái, KCN đô thị - dịch vụ, KCN công nghệ cao còn chậm; công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển tương xứng với tốc độ phát triển công nghiệp, sự liên kết giữa các thành phần kinh tế còn khó khăn; năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp còn thấp, chịu sức cạnh tranh lớn từ doanh nghiệp nước ngoài; xuất khẩu vẫn dựa nhiều vào khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (trên 80% xuất khẩu).[9]

2. Thực trạng phát triển đô thị và phát triển các KCN trên địa bàn tỉnh Bình Dương  

2.1. Đô thị hóa mạnh mẽ và gia tăng dân số cơ học

Bình Dương là địa phương có mức độ đô thị hóa khá mạnh mẽ. Căn cứ vào số liệu thống kê được ta có thể thấy trong thập niên 1990, mức độ đô thị hóa Bình Dương vào khoảng 20%, đến thập niên đầu của thế kỷ XXI đã tăng lên khoảng 39%  và kể từ năm 2011 trở về sau, mức độ đô thị hóa đạt khoảng từ 64% đến 77% (xem Bảng 1)

Có được mức độ đô thị hóa như vậy một phần bởi Bình Dương là tỉnh có sự tập trung rất cao các khu, cụm công nghiệp, nguồn cung lao động, nhu cầu lao động nhập cư tại Bình Dương là rất lớn.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, vào năm 2022 tỷ lệ người nhập cư vào Bình Dương lớn hơn tỷ lệ di cư hơn 2 lần. Bình Dương đứng thứ 6/63 tỉnh thành có nhiều người muốn di cư đến.

Số liệu tháng 8/2021 cho biết, dân số tỉnh Bình Dương đạt trên 2,6 triệu người, trong đó hơn một nửa là người nhập cư. Chính sách thu hút đầu tư, phát triển kinh tế và xây dựng các khu công nghiệp của tỉnh “đã thu hút hàng trăm ngàn lao động từ các tỉnh khác đến Bình Dương làm ăn sinh sống”.

Lực lượng lao động dồi dào, dân số ở độ tuổi lao động chiếm đa số trong cơ cấu tổng dân số của tỉnh, trong bối cảnh quá trình “thị dân hóa dân số” diễn ra mạnh mẽ, đã tạo động lực thúc đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, đặc biệt đáp ứng tốt nhu cầu nguồn nhân lực cho các KCN của địa phương. Có thể nói dân số cơ học tăng nhanh là tác nhân quan trọng nhất, quyết định đến sự tăng trưởng đô thị. 

Bảng 1 :  Mức độ đô thị hóa của Bình Dương so với cả nước, TP.HCM và Cần Thơ (đơn vị: %)    

Nguồn: Nguyễn Quang Giải, 2016; Niên giám thống kê Việt Nam 2015, 2016; Niên giám thống kê Bình Dương 2016.

Tốc độ đô thị hóa của Bình Dương diễn ra ngày càng nhanh, góp phần quan trọng nâng cao đời sống kinh tế - xã hội của tỉnh, song cũng đặt ra hàng loạt vấn đề như dân số cơ học tăng mạnh và phân bổ không đồng đều; hạ tầng kỹ thuật và xã hội đô thị chưa đáp ứng; bắt đầu xuất hiện các căn bệnh đô thị như ách tắc giao thông; ô nhiễm môi trường, quá tải về y tế, giáo dục.

Các căn bệnh trầm kha của đô thị đã, đang và sẽ là bài toán khó đặt ra cho tỉnh Bình Dương. Để đô thị của Bình Dương có thể phát triển bền vững, thì trong chiến lược xây dựng và phát triển đô thị, tỉnh Bình Dương cần quan tâm đến mô hình đô thị phù hợp với đặc điểm riêng của tỉnh.

2.2. Mô hình công nghiệp - đô thị - dịch vụ, dấu ấn của thời kỳ đổi mới

“Mô hình công nghiệp - đô thị và dịch vụ đã trở thành phương tiện giúp tỉnh Bình Dương thu hút nguồn lực về củng cố hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, nâng cấp đồng bộ đô thị, giao thông, văn hóa, xã hội. Với cầu nối là Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Singapore, các KCN Việt Nam-Singapore (VSIP) đã hình thành, phát triển vượt bậc, minh họa đậm nét cho mô hình phát triển công nghiệp-đô thị-dịch vụ của tỉnh Bình Dương, trở thành biểu tượng vững chắc của tình hữu nghị và quan hệ hợp tác kinh tế thành công giữa hai quốc gia.” - Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng công ty Becamex IDC, đồng Chủ tịch VSIP Group [1].

Mô hình này khởi nguồn từ một dự án ban đầu với quy mô 500 ha được khởi công vào năm 1996 đến nay đã hình thành nên một Bình Dương với thế mạnh về phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo và phát triển đô thị. Hiện sản xuất công nghiệp chiếm gần 65% cơ cấu kinh tế của tỉnh, với 29 KCN (diện tích gần 13 ngàn ha), 12 cụm công nghiệp (gần 800 ha).  

Thực trạng của sự phát triển các KCN tại Bình Dương được cụ thể hơn thông qua số liệu tại báo cáo số 66/BC-BQL ngày 27/10/2023 của Ban Quản lý các KCN tỉnh Bình Dương báo cáo ước thực hiện năm 2023 và phương hướng năm 2024 dưới đây: 

Đối với công tác quy hoạch các KCN. Đến nay, tổng số KCN được quy hoạch trên địa bàn tỉnh là 33 KCN với tổng diện tích quy hoạch là 14.790 ha. Trong đó, Ban Quản lý các KCN tỉnh Bình Dương tiếp tục được giao quản lý 29 KCN, với tổng diện tích quy hoạch 12.662,81 ha; trong đó có 28 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích 11.962,81 ha.

Riêng KCN Cây Trường đã được UNBD tỉnh phê duyệt quy hoạch chung xây dựng (tỷ lệ 1/5.000) với diện tích 700 ha, đang triển khai các bước tiếp theo để đưa KCN đi vào hoạt động.

Đối với công tác thẩm định và phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chi tiết của các dự án thứ cấp trong khu công nghiệp: Thực hiện nhiệm vụ do UBND tỉnh phân cấp tại Quyết định số 13/2022/QĐ-UBND ngày 26/4/2022 về việc phân cấp thực hiện thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch phân khu xây dựng, quy hoạch chi tiết xây dựng khu chức năng trong KCN trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Trong năm 2023, Ban Quản lý đã thẩm định và phê duyệt 20 đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng (tỷ lệ 1/500) các dự án trong KCN với tổng diện tích đất 436,53 ha. Lũy kế từ khi nhận nhiệm vụ đến nay đã thẩm định và phê duyệt 25 đồ án với tổng diện tích đất 554,64 ha.

Đối với KCN Đất Cuốc: Đang tiến hành tổ chức lập nhiệm vụ và đồ án Quy hoạch chung xây dựng (tỷ lệ 1/5.000) theo nhiệm vụ do UBND tỉnh Bình Dương giao tại Công văn số 5026/UBND-KT ngày 29/9/2023 của UBND tỉnh Bình Dương về chủ trương lập Nhiệm vụ và Đồ án Quy hoạch chung xây dựng (tỷ lệ 1/5.000) Khu công nghiệp Đất Cuốc [2].

3. Nhận định, xác định các điểm nghẽn phát triển

Mặc dù đạt được nhiều thành tựu phát triển trong 25 năm tái lập tỉnh đã được Trung ương và cả nước công nhận, tuy nhiên với  nguyên tắc khách quan ta cần đánh giá và nhìn nhận một số điểm nghẽn thách thức sau:

3.1. Kết nối vùng bị tắc nghẽn

Là trung tâm công nghiệp của Việt Nam nhưng trong địa giới hành chính tỉnh Bỉnh Dương không có cơ sở hạ tầng quan trọng để giao thương hàng hóa, thúc đẩy phát triển công nghiệp, như sân bay, cảng biển.

Vì vậy, tỉnh Bình Dương đã phải sử dụng sân bay Tân Sơn Nhất của TP.HCM, cảng sông của Đồng Nai, cảng biển của Bà Rịa - Vũng Tàu. Tuy nhiên, hạ tầng kết nối của các địa phương này lại càng ngày càng tắc nghẽn, chậm được cải thiện; đồng thời, hạ tầng giao thông kết nối vùng ở phía Nam của Bình Dương cũng đã bị quá tải, dẫn đến chi phí logictics của tỉnh Bình Dương càng tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp đến việc giữ chân các nhà đầu tư hiện hữu và thu hút các nhà đầu tư mới, làm mất lợi thế cạnh tranh của Bình Dương [3].

3.2. Mô hình tăng trưởng kinh tế đối mặt với nhiều thách thức

Trước hết là thu nhập trung bình; cơ cấu kinh tế dịch vụ chiếm tỷ trọng thấp; thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao và qua đào tạo nghề; thâm hụt lao động và quá phụ thuộc vào nguồn lao động ngoại tỉnh, chất lượng các ngành sản xuất công nghiệp chưa cao, chưa xây dựng được ngành công nghiệp trọng điểm và sản phẩm chủ lực.

Mô hình phát triển kinh tế chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu, yêu cầu cao hơn về chất lượng nguồn nhân lực, chuyển từ xây dựng mới sang cải tạo, đổi mới và tái phát triển hệ sinh thái công nghiệp - đô thị đòi hỏi nguồn lực, trình độ phát triển cao hơn so với mô hình hiện hữu [4].

3.3. Giá trị tài nguyên văn hóa, sinh thái đang bị lãng quên và dịch vụ hạn chế

Vốn là vùng “đất bụng" của phủ Gia Định, nổi tiếng với các làng nghề truyền thống như tranh sơn mài, chạm khắc, đồ mộc ở Thủ Dầu Một (Chánh Nghĩa, Phú Cường, Tương Bình Hiệp, Tân An, Định Hòa), có lịch sử hình thành từ thế kỷ XVIII và sản phẩm đi ra nhiều nước trên thế giới.

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển công nghiệp và đô thị hóa, các giá trị văn hóa truyền thống này của tỉnh Bình Dương đang dần bị mai một và không có chỗ đứng trong nền kinh tế địa phương.

Đồng thời, các làng nghề gốm sứ như Tân Phước Khánh, Lái Thiêu và Chánh Nghĩa xuất hiện vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX cũng đang gặp những khó khăn lớn trong việc bảo tồn và phát huy giá trị kinh tế. Các không gian sinh thái không có nhiều nổi trội hấp dẫn so với các vùng, miền và địa phương khác [5].

3.4. Mô hình tổ chức không gian lãnh thổ và phát triển hạ tầng thiếu tầm nhìn dài hạn

Thành công của mô hình đô thị kết hợp với công nghiệp và hệ thống hạ tầng khung hiện đại được xây dựng đã tạo thuận lợi cho Bình Dương thu hút đầu tư trong giai đoạn vừa qua.

Tuy nhiên, mô hình hệ sinh thái công nghiệp - đô thị chưa được định hình rõ nét với tầm nhìn dài hạn, sự phát triển tự phát theo xu thế thị trường đầu cơ bất động sản đã tiềm ẩn nguy cơ phá vỡ mô hình đô thị sinh thái hiện đại mà Bình Dương đang hướng đến, các luồng dịch chuyển lớn làm quá tải hệ thống giao thông, kết cấu hạ tầng xã hội, dịch vụ chưa phát triển tương xứng với sự phát triển của công nghiệp đã làm giảm giá trị gia tăng trong phát triển.

Các kế hoạch phát triển có xu hướng còn sử dụng quá nhiều đất đai, không có kế hoạch giữ gìn và chưa phát huy đầy đủ giá trị kinh tế của các dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên, đặc biệt là các dịch vụ hệ sinh thái của hai sông Đồng Nai, sông Sài Gòn và hồ Dầu Tiếng [6].

3.5. Môi trường xã hội tiềm ẩn nhiều rủi ro

Với tốc độ phát triển công nghiệp và đô thị hóa cao trong thời gian qua, dẫn tới 2/3 là dân nhập cư đến từ nhiều vùng, miền trong cả nước với nhiều dân tộc khác nhau; cùng với lực lượng chuyên gia nước ngoài đến làm việc và sinh sống trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Phần lớn dân cư, lao động nhập cư chưa có cuộc sống ổn định, ở nhà thuê trong các khu dân cư có mức thu nhập trung bình, thay đổi công việc theo thị trường lao động giữa Bình Dương - TP.HCM - Đồng Nai. Mặc dù đã nỗ lực phát triển hệ thống dịch vụ an sinh xã hội, tạo môi trường tiện nghi cho phát triển đô thị công nghiệp.

Tuy nhiên, các mô hình chính quyền đô thị hiện nay chưa hoàn toàn phù hợp với đặc điểm của đô thị công nghiệp, chưa có mô hình thích hợp để quản lý hiệu quả các khu vực dân nhập cư.

Bên cạnh đó, ranh giới phát triển của Bình Dương với TP.HCM và Đồng Nai bị trộn lẫn, không rõ ràng. Do đó, công tác quản lý xã hội đã không hoàn toàn được chủ động.

Biến động kinh tế chính trị thế giới và nguy cơ khủng hoảng nền kinh tế luôn thường trực, làm ảnh hưởng tới các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương

3.6. Cạnh tranh nội vùng và trong nước ngày một gay gắt, biến động quốc tế khó lường

Đông Nam Bộ vẫn là khu vực thu hút được nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào công nghiệp, thương mại dịch vụ, bất động sản, du lịch.

Tuy nhiên, trong quá trình kêu gọi đầu tư giữa các địa phương trong vùng có sự cạnh tranh gay gắt. Tuy nhiên, hiện các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đều chú trọng vào phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ và có chính sách hấp dẫn thu hút doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội.

Từ đó, tạo ra sự cạnh tranh gay gắt trong thu hút đầu tư, ngay đối với các tỉnh, thành phố trong vùng Đông Nam Bộ. Nếu Bình Dương không chuẩn bị tốt các điều kiện, đáp ứng được yêu cầu ngày một cao của các nhà đầu tư, rất khó để thu hút được dòng vốn lớn.

Các luồng dịch chuyển sản xuất cũng có tính thời điểm, không phải liên tục và lâu dài, trong khi Bình Dương đang thiếu chiến lược phát triển ổn định và bền vững

3.7. Sức chứa lãnh thổ, sức chịu tải môi trường đang dần vượt ngưỡng ngày một cao cùng với rào cản kỹ thuật về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính

Kết quả tính toán sức chứa lãnh thổ thông qua dấu chân sinh thái  và dấu chân carbon  cho thấy, sức chứa lãnh thổ của tỉnh Bình Dương đang dần quá tải, với mức quá tải dân số ở mức -177,78%.

Mức độ phát thải khí nhà kính và dấu chân carbon của toàn tỉnh Bình Dương năm 2020 cao hơn trung bình của toàn quốc và thế giới. Với định hướng phát triển công nghiệp và mở rộng diện tích các KCN, dấu chân sinh thái và dấu chân carbon của tỉnh Bình Dương sẽ tiếp tục quá tải.

Đồng thời, sức chịu tải môi trường đối với môi trường nước mặt đang có dấu hiệu quả tải bởi tình trạng ô nhiễm các chất hữu cơ do nước thải từ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ.

Đồng thời, với cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam tại COP26, Việt Nam đang xây dựng chính sách giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-zôn (tại Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 7/01/2022), trong đó có thực hiện phân bổ hạn ngạch phát thải và thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, hình thành thị trường trao đổi tín chỉ carbon vào năm 2027.

Đây là một thách thức lớn đối với lĩnh vực công nghiệp của Bình Dương, bắt buộc phải đầu tư đổi mới công nghệ để giảm phát thải khí nhà kính, hoặc mua tín chỉ carbon thay vì phải cắt giảm phát thải.

3.8. Hệ thống chính sách và hành động Bình Dương đối mặt với nhiều thách thức

Bình Dương là địa phương có điểm số PCI ở mức cao và thường xuyên nằm trong nhóm top 10 về xếp hạng chỉ số PCI, nhưng khả năng Bình Dương đạt và duy trì vị trí 1 là một thách thức lớn.

Các chỉ số thành phần PCI cho thấy, các chính sách hỗ trợ, chi phí không chính thức chưa đạt điểm số cao. Hơn nữa, xếp hạng chỉ số PAPI của Bình Dương chưa tương xứng với nỗ lực, tiềm năng và thế mạnh vốn có của địa phương; chưa tương thích với kết quả cải cách hành chính nhà nước tiếp cận từ các chỉ số khác như PCI, SIPAS hay PAR Index [8].

Hệ thống cơ sở pháp luật của Việt Nam được xây dựng và ban hành ngày càng nhiều, ngoài những tác động tích cực, còn tồn tại các vấn đề về chồng chéo pháp lý, mâu thuẫn với thực tiễn càng phức tạp, khó dự báo, làm cho các cơ chế, chính sách năng động và sáng tạo như Bình Dương trong thời gian qua sẽ tiếp tục gặp nhiều rào cản, khó tạo được tính mới và sự cạnh tranh như trong thời gian vừa qua.

4. Phân tích nguyên nhân và vấn đề cần giải quyết

Bình Dương trải qua một thời kỳ kinh tế phát triển nhanh và rộng, trong đó công nghiệp hoá thể hiện vai trò dẫn dắt. Quá trình phát triển nhanh đó chưa đảm bảo bền vững do các lĩnh vực văn hoá, xã hội, môi trường, đô thị và quản trị chưa theo kịp để tạo lập thế cân mới.

Từ nguyên nhân chính là sự phát triển nội tại vượt quá kích cỡ của “chiếc áo” lãnh thổ, khiến Bình Dương vấp phải một loạt điểm nghẽn trên cả 6 lĩnh vực: (1) quản trị gặp sự bất cập trước tình huống mới; (2) vị thế gặp sự chênh vênh giữa lạc hậu và tiến bộ; (3) phát triển đô thị và hạ tầng gặp sự úng tắc phía nan giải phía Nam, kém hấp dẫn phía Bắc; (4) kinh tế gặp bẫy thu nhập trung bình; (5) xã hội gặp gánh nặng hạ tầng mới, bất bình đẳng gia tăng; (6) môi trường đối mặt sự cạn kiệt tài nguyên. 

Bình Dương bước vào giai đoạn tiếp theo, đặc trưng bởi nhu cầu kiến tạo thế cân bằng mới, trong khi vẫn phải nỗ lực duy trì tốc độ tăng trưởng cao.

Đó là một bài toán đầy thách thức và đặc thù, không giống với tỉnh nào trong cả nước, cũng không giống các thành phố đã phát triển trên thế giới; không cho phép dừng lại, nhưng cũng không được khinh tiến sâu hơn vào thế “việt vị”.

Khác với thời kỳ đã qua, khi sự phát triển đơn tuyến của công nghiệp có thể tạo ra tăng trưởng sắc nét, thời kỳ mới đòi hỏi tư duy đa chiều, toàn diện, bao trùm, đồng bộ trên mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội - môi trường, trong đó có sự phân biệt các ưu tiên.

Sự đổi mới tư duy biểu hiện ở những vấn đề cần giải quyết như sau:

(i) Tư duy phát triển kinh tế mới: Sự phối hợp đa phương giữa các chức năng kinh tế khác nhau để hình thành một hệ sinh thái phát triển mới mẻ, ví như một khu rừng nhiệt đới có rất nhiều loài cây cùng sinh trưởng, rất khác với một khu rừng ôn đới chỉ một vài loài;

(ii) Hệ sinh thái phát triển mới cần đạt được sự hài hoà cộng sinh, thay vì cản trở lẫn nhau. Nó cần được hoạch định thận trọng và điều hành tổng thể, xuyên suốt để có khả năng tránh sai lầm và kịp thời điều tiết khi mất cân bằng. Trước đây, có thể dùng động lực của một vài khu công nghiệp mà tạo ra tăng trưởng. Giờ đây phải dùng lực của toàn tỉnh cộng với khéo léo kết hợp các yếu tố ngoại tại mới có thể duy trì động lực;

(iii) Động lực đa chiều với công nghiệp, dịch vụ công nghiệp, dịch vụ thương mại, tích tụ đô thị, hội tụ tri thức sáng tạo… cùng làm việc với nhau trên một nền đô thị được thiết kế hợp lý, môi trường tự nhiên được gìn giữ giá trị cốt lõi, môi trường văn hoá xã hội được hài hoà, trong một thể chế đề cao tính sáng tạo đột phá, biết loại trừ các cản trở con đường phát triển.

5. Đề xuất các chiến lược quy hoạch phát triển KCN thông minh cho tỉnh Bình Dương trong tương lai gắn với đề án thành phố thông minh  

5.1. Quan điểm phát triển

Với tầm nhìn tới năm 2050, ngành Công nghiệp của tỉnh Bình Dương sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng chính, chú trọng vào hiện đại hóa các ngành hiện hữu, nội địa hóa các ngành công nghiệp hỗ trợ và phát triển các ngành công nghiệp tương lai (S-curve). 

Hình 2. Khung chiến lược phát triển ngành Công nghiệp tỉnh Bình Dương. Nguồn: UBND tỉnh Bình Dương.

- Phát triển công nghiệp chuyên sâu và có bản sắc: Bình Dương đã thành công trong việc thu hút các doanh nghiệp lớn và hình thành nên một nền công nghiệp đa dạng với hơn 8.500 doanh nghiệp trong mọi ngành nghề.

Thời kỳ tới chính là thời kỳ quan trọng để Bình Dương phát triển chuyên sâu ở một số ngành công nghiệp có thế mạnh, toàn diện hóa hệ sinh thái và tạo ra các sản phẩm mang bản sắc của Bình Dương với giá trị cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế.

- Phát triển công nghiệp hiện đại và tiên phong: sản xuất công nghiệp theo hướng áp dụng sâu rộng các thành tựu khoa học trong và ngoài nước, phải là tỉnh tiên phong đi đầu trong ứng dụng công nghệ mới và cách làm mới để hiện đại hóa các ngành hiện hữu làm bài học thành công cho cả nước.

- Phát triển công nghiệp bền vững: công nghiệp Bình Dương đối mặt với một trong những thách thức lớn mà bất kể các thành phố phát triển kinh tế nhanh chóng đều gặp phải là làm sao để duy trì sự bền vững của đà phát triển, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế.

Bình Dương thống nhất quan điểm phát triển kinh tế hài hoà và bảo vệ môi trường, mạnh dạn triển khai bước đầu các mô hình phát triển bền vững như mô hình kinh tế tuần hoàn, công nghiệp không phát thải và công nghiệp sinh thái gắn liền với đô thị, tăng cường hợp tác trong công nghiệp bao trùm với các tổ chức quốc tế, hướng đến thực hiện các cam kết về khí hậu của Việt Nam tại Hội nghị COP26 trong thời kỳ tới [7].

- Phát triển công nghiệp đồng hành với tiến trình đổi mới và hội nhập. Đổi mới ngành công nghiệp, tạo đòn bẩy và nền tảng tăng trưởng mới trong tương lai với tầm nhìn đến năm 2050.

Lấy tri thức thay lao động dồi dào làm tài nguyên, ngày tạo lập môi trường nơi mà doanh nghiệp có nhiều sự canh tranh và động lực hơn để đổi mới cách sản xuất và vận hành. 

- Kết hợp hài hòa, bổ trợ cho nhau giữa công nghiệp trong nước và công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, giữa phát triển các doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp quy mô vừa, nhỏ, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, khởi nghiệp.

Khuyến khích thu hút, phát triển các doanh nghiệp, dự án công nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao; phát triển các tổ hợp nhà máy công nghiệp hiện đại tạo hạt nhân thúc đẩy, lan tỏa phát triển công nghiệp và tăng cường khả năng tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất, chuỗi cung ứng sản phẩm toàn cầu. 

- Tiếp tục duy trì năng lực sản xuất công nghiệp ở mức cao với nhiều dự án đầu tư lớn và địa điểm lý tưởng thu hút các tập đoàn lớn, hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất ở các ngành có thế mạnh, có một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực được công nhận là sản phẩm “Make-in-Bình Dương”.

5.2. Các chiến lược phát triển KCN thông minh cho tỉnh Bình Dương trong tương lai gắn với đề án thành phố thông minh   

Chiến lược 1: Hợp tác phát triển vùng

Hợp tác phát triển vùng có mục tiêu tạo điều kiện phát triển tỉnh Bình Dương bứt phá cạnh tranh, bằng cách tìm ra vị thế mới của mình trong trường không gian rộng lớn hơn, hệ thống liên kết mạnh mẽ hơn, quy mô ảnh hưởng lớn hơn, tầm nhìn xa hơn.

Thông qua sự phát triển đột phá của các liên kết vùng, kết hợp với thế mạnh vốn có, tỉnh Bình Dương giữ vững vị thế vốn có, mở rộng tầm ảnh hưởng, trở thành cực tăng trưởng phía Bắc của vùng ĐNB, vùng TP.HCM, vươn ra khai thác hậu phương rộng lớn của vùng Tây Nguyên, Lào, Campuchia; trở thành điểm đến ưa chuộng của doanh nghiệp toàn cầu trong lĩnh vực công nghiệp, công nghệ cao, dịch vụ công nghiệp; trở thành thành viên tiên phong, tích cực trong phát triển bền vững kinh tế - xã hội - môi trường vùng và quốc gia. Cụ thể:

(i) Phát triển giao thông liên kết vùng quốc tế, quốc gia và vùng

(ii) Phát triển Vành đai đô thị công nghiệp dịch vụ theo các trục giao thông

(iii) Liên kết phát triển KH&CN, nguồn nhân lực và đổi mới sáng tạo

Chiến lược 2: Đổi mới hệ sinh thái phát triển

Chuyển đổi thành công mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu của nền kinh tế tỉnh Bình Dương dựa vào khoa học và công nghệ hiện đại và chuyển đổi số trong sản xuất và điều hành, nâng cao chất lượng và hiệu quả của tăng trưởng.

Nền kinh tế Bình Dương sẽ hướng vào các ngành, lĩnh vực có giá trị gia tăng cao, giảm chi phí sản xuất, chủ động sản xuất và xuất khẩu hàng hóa có hàm lượng khoa học cao, trên cơ sở khai thác triệt để các tiềm năng, lợi thế.

Bình Dương cần hệ thống giải pháp đồng bộ và toàn diện, tập trung vào một số giải pháp chủ yếu, bao gồm: tháo gỡ khó khăn về thể chế, tạo lập môi trường thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân; đẩy mạnh nghiên cứu phát triển, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với kinh tế tri thức; thúc đẩy tăng trưởng xanh.

Chuyển đổi từ mô hình “KCN - đô thị - dịch vụ” quy mô cục bộ sang mô hình “đô thị - dịch vụ - công nghiệp” trên quy mô tổng thể toàn tỉnh. Trong đó, các KCN được kết nối với hạ tầng lớn, liên kết chặt chẽ với các đô thị, song song với hình thành các trung tâm đổi mới sáng tạo có vị trí và kết cấu hạ tầng, thượng tầng phù hợp với lực lượng lao động chất lượng cao của vùng.

Sơ đồ 1: Hệ thống giao thông đường bộ trục Bắc - Nam: Tạo kết nối các KCN nội tỉnh, kết nối Bình Dương với các tỉnh trong vùng, kết nối về phía cảng biển, sân bay quốc tế. Nguồn: Tác giả

Tạo điều kiện đẩy mạnh các mối liên kết chuỗi giữa các doanh nghiệp lớn với doanh nghiệp vừa và nhỏ nhằm xây dựng hệ sinh thái phát triển cộng sinh đa tầng, từng bước tiếp thu và nắm bắt công nghệ, nội địa hóa các sản phẩm chủ lực của nền sản xuất.

Tạo các thương hiệu tiên phong như Trung tâm đổi mới sáng tạo, các HUB đô thị thông minh, đô thị đại học, công viên khoa học công nghệ… nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao của vùng, trở thành cực động lực thâu tóm các chuỗi ngành đổi mới sáng tạo, thúc đấy hội nhập quốc tế trong lĩnh vực kinh tế tri thức. 

   
Sơ đồ 2: Phân tích mạng lưới công nghiệp và dịch vụ trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Nguồn: tác giả

 

Chiến lược 3: Phát triển khu công nghiệp xanh, khu công nghiệp thông minh

Phát triển xanh tập trung vào các cơ chế chính sách xanh hóa nền kinh tế (sản xuất xanh, tiêu dùng xanh, giao thông xanh, hạ tầng xanh, đô thị xanh, nông thôn xanh, môi trường...) nhờ sự dẫn dắt của khoa học và công nghệ, từ đó tạo dựng một nền kinh tế hài hòa giữa con người với tự nhiên và xã hội.

Thực hiện chiến lược phát triển xanh còn nhằm tăng sức chứa lãnh thổ và mở rộng ngưỡng sinh thái, trung hòa carbon và đóng góp vào hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.

Dựa trên các nghiên cứu khoa học nhằm xác định các định hướng, tiêu chí, tiêu chuẩn về nền kinh tế tăng trưởng xanh của tỉnh Bình Dương thời kỳ mới, áp dụng trên từng các lĩnh vực chính sách, từng cấp bậc lãnh thổ.

Tiếp theo cần thể chế hóa trong các quy hoạch, quyết định, quy định  và phổ biến sâu rộng, đến bộ máy quản lý, tổ chức, doanh nghiệp và người dân để biết và làm đúng theo quy định, đồng thời tự nguyện đóng góp sáng kiến mới, áp dụng vào thực tiễn.

Cần được cụ thể hóa thành kế hoạch hành động của từng ngành, lĩnh vực, không chỉ trong quy hoạch này, mà trở thành tinh thần chủ đạo trong các bước chính sách tiếp theo, ở các cấp, các ngành tiếp theo.

Ngoài ra, cần được liên tục điều chỉnh, đổi mới để phù hợp với thực tế sinh động và đa dạng trên từng địa bàn, từng lĩnh vực.

Nội hàm của nền kinh tế xanh tỉnh Bình Dương là sự cộng hưởng của các lĩnh vực kinh tế xanh (sản xuất xanh, tiêu dùng xanh, giao thông xanh, hạ tầng xanh, đô thị xanh, nông thôn xanh, môi trường xanh...);

Khoa học và công nghệ phải trở thành nền tảng dẫn dắt quá trình đổi mới hệ sinh thái công nghiệp và dẫn dắt nền kinh tế với những giải pháp tối ưu hóa cho sự phát triển tỉnh Bình Dương trong giai đoạn mới;

Nền kinh tế xanh hiện đại tỉnh Bình Dương là một nền kinh tế hài hòa giữa con người với tự nhiên và xã hội, dựa trên nguyên lý của nền kinh tế tự nhiên, được hiện đại hóa trên cơ sở trí tuệ phát triển cao của con người, kinh tế tri thức, bảo đảm sự phát triển bền vững;

Tăng sức chứa lãnh thổ và mở rộng ngưỡng sinh thái;

Thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; Xây dựng nền tảng cho nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.

6. Kết luận

Đứng trước những yêu cầu, thách thức mới ngày càng một khắt khe của thị trường. Tỉnh Bình Dương đặt quan điểm cần đổi mới ngành công nghiệp, chuyển đổi mô hình phát triển công nghiệp theo một bước tiến mới sáng tạo hơn, thông minh hơn, tạo đòn bẩy và nền tảng tăng trưởng mới trong tương lai với tầm nhìn đến năm 2050, lấy tri thức thay lao động dồi dào làm tài nguyên, tạo lập môi trường nơi mà doanh nghiệp có nhiều sự canh tranh và động lực hơn để đổi mới cách sản xuất và vận hành.

Xây dựng thương hiệu kinh tế Bình Dương: “điểm đến Việt Nam cho doanh nghiệp toàn cầu về công nghệ thông tin, công nghệ chế biến sâu”.

Nền kinh tế công nghiệp chuyển sang công nghiệp hàm lượng trí tuệ cao hoạt động trong một hệ sinh thái đa tầng có hỗ trợ bởi dịch vụ và đô thị, trở nên toàn diện hơn và có nhiều cơ hội phát triển cụm ngành theo chiều sâu, từng bước hiện thực đề án thành phố thông minh trong tương lại.

* Tít bài do Tòa soạn đặt - Xem file PDF tại đây

TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Trịnh Bình, “Mô hình khu công nghiệp-đô thị và dịch vụ” xem tại: https://nhandan.vn/mo-hinh-khu-cong-nghiep-do-thi-va-dich-vu-post763079.html. (truy cập ngày 20/07/2023).
[2]. Báo cáo số 66/BC-BQL ngày 27/10/2023 của Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương báo cáo ước thực hiện năm 2023 và phương hướng năm 2024.
[3]. Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
[4].  Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
[5]. Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vê tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
[6].  Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28/05/2022 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế.
[7]. Thông tư số 01/2018/TT-BXD ngày 05/01/2018 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định về chỉ tiêu xây dựng đô thị tăng trưởng xanh.
 [8.] Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 01/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
[9]. Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 01/08/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030.

 

Bình luận