Quy hoạch sân bay Liên Khương thành cảng hàng không quốc tế

14:50 20/05/2024
Vị trí, chức năng của Cảng hàng không Liên Khương trong mạng cảng hàng không, sân bay toàn quốc sẽ là cảng hàng không quốc tế; với tính chất sử dụng là sân bay dùng chung dân dụng và quân sự.

Bộ GTVT vừa phê duyệt Quy hoạch Cảng hàng không Liên Khương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, giai đoạn 2021-2030, sân bay Liên Khương, tỉnh Lâm Đồng được quy hoạch là cảng hàng không quốc tế, với công suất 5 triệu hành khách/năm, tăng gấp 2,5 lần so với hiện nay và 20.000 tấn hàng hóa/năm.

Đến năm 2050, công suất được nâng lên 7 triệu hành khách/năm và 30.000 tấn hàng hóa/năm.

Quy hoạch cũng nêu rõ, vị trí, chức năng của Cảng hàng không Liên Khương trong mạng cảng hàng không, sân bay toàn quốc là cảng hàng không quốc tế; với tính chất sử dụng là sân bay dùng chung dân dụng và quân sự.

Thời kỳ 2021-2030, Cảng hàng không Liên Khương là sân bay cấp 4E (theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế - ICAO) và sân bay quân sự cấp 2.

Tầm nhìn đến năm 2050, Cảng hàng không Liên Khương được quy hoạch là sân bay cấp 4E và sân bay quân sự cấp II.

Cũng theo quy hoạch, thời kỳ 2021-2030, Cảng hàng không Liên Khương giữ nguyên nhà ga hành khách T1 công suất 2 triệu hành khách/năm, quy hoạch mới nhà ga hành khách T2 công suất khoảng 3 triệu hành khách/năm.

Tầm nhìn đến năm 2050, mở rộng nhà ga hành khách T2 để nâng tổng công suất toàn cảng đạt khoảng 7 triệu hành khách/năm; dự trữ đất phát triển khi có nhu cầu.

Trong khi đó, đối với nhà ga hàng hóa, thời kỳ 2021-2030, Cảng hàng không Liên Khương được quy hoạch nhà ga hàng hóa và sân đỗ trên khu đất phía Đông khu hàng không dân dụng, diện tích khoảng 23.300 m2, đáp ứng công suất khoảng 20.000 tấn hàng hóa/năm.

Tầm nhìn đến năm 2050, cải tạo, mở rộng tại vị trí hiện hữu khi có nhu cầu để đáp ứng công suất khoảng 30.000 tấn hàng hóa/năm.

Bộ GTVT giao Cục Hàng không Việt Nam nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ quy hoạch theo quy định; chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Lâm Đồng và các cơ quan liên quan tổ chức công bố, quản lý và thực hiện quy hoạch.

UBND tỉnh Lâm Đồng cập nhật nội dung quy hoạch vào các quy hoạch của địa phương; bố trí và bảo vệ quỹ đất phù hợp theo quy hoạch được duyệt.

Theo Quyết định số 648 ngày 07/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Liên Khương là cảng hàng không quốc tế, công suất 5 triệu khách/năm.  

Quy hoạch hệ thống cảng hàng không toàn quốc theo mô hình trục nan với 2 đầu mối chính tại khu vực thủ đô Hà Nội và khu vực TP.HCM, hình thành 30 cảng hàng không, trong đó 14 cảng hàng không quốc tế gồm: Vân Đồn, Cát Bi, Nội Bài, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Liên Khương, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ và Phú Quốc.

Như vậy, Liên Khương sẽ là cảng hàng không quốc tế đầu tiên tại khu vực Tây Nguyên.

Trước đó từ năm 2010, sân bay Liên Khương đã được nâng cấp và đưa vào khai thác với tiêu chuẩn sân bay dân dụng cấp 4D theo phân cấp của ICAO. Sân bay này có công suất thiết kế 2 triệu hành khách/năm, đảm bảo phục vụ hơn 830 hành khách/giờ cao điểm.

Bình luận