Trong khuôn khổ Hội thảo khoa học “Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hoá xây dựng Thủ đô Văn hiến – Văn minh - Hiện đại” do TP Hà Nội tổ chức chiều 21/3, các chuyên gia đã đề cập đến nội dung sông Hồng trong quy hoạch phát triển Thủ đô.
Kết nối những giá trị văn hóa lịch sử với đời sống đương đại
Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, qua các thời kỳ phát triển, việc xóa nhòa sự ngăn cách về không gian, tận dụng và phát huy tiềm năng quỹ đất hai bên bờ sông Hồng, đưa dòng sông trở thành nhân tố phát triển của Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” luôn được đề cao, tập trung nghiên cứu trong các chương trình, đề án, dự án hợp tác, các đồ án quy hoạch liên quan, có thể kể đến qua các mốc thời gian.
Năm 2022, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 1045/QĐ-UBND ngày 25/3/2022 phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở) với quan điểm quy hoạch không gian thoát lũ sông Hồng đoạn qua khu vực đô thị trung tâm được xác định tại Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; là trục không gian đặc trưng hành lang xanh.
Phát triển hệ thống giao thông và đầu mối hạ tầng kỹ thuật để cải thiện điều kiện sống theo hướng hiện đại, an toàn và khuyến khích các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao ngoài trời.
Xác định khung kết cấu hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đảm bảo phát triển bền vững trên cơ sở phù hợp với Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô…
Theo Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh: Với các định hướng đó, đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được phê duyệt sẽ là cơ sở pháp lý để lập quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị phục vụ kiểm soát phát triển, quản lý xây dựng theo quy hoạch trên địa bàn.
Hình thành trục không gian trung tâm, với các chức năng chính là công trình công cộng, công viên cây xanh, văn hóa dịch vụ du lịch, giải trí biểu tượng của Thủ đô, đảm bảo không gian thoát lũ, tạo đột phá trong việc khai thác tiềm năng khu vực hai bên sông, kết nối những giá trị văn hóa lịch sử với đời sống đương đại.
Nền móng phát triển Thủ đô theo hướng nhìn sông, tựa núi
Quy hoạch cũng tạo nên những giá trị mới cho TP nghìn năm văn hiến, thúc đẩy nền kinh tế, góp phần cải thiện điều kiện sống của người dân theo hướng văn minh, hiện đại và phát triển bền vững.
Thay vì "quay lưng” vào dòng sông, Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đã đặt nền móng phát triển TP theo hướng “nhìn sông, tựa núi”. Đồng thời tiếp nối những giá trị khoa học, nghệ thuật trong lịch sử hình thành và phát triển đô thị Việt Nam là gắn môi trường sống của con người với cảnh quan thiên nhiên.
Với thành quả ban đầu là đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được duyệt đã khơi dậy niềm cảm hứng sáng tạo của các nhà nghiên cứu, các kiến trúc sư, những người yêu Hà Nội. Một TP hiện đại, văn minh đang rõ hình hài cùng việc hoàn thiện và hiện thực hoá đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng.
Để hiện thực hóa Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, quá trình triển khai lập các đồ án quy hoạch chi tiết, dự án đầu tư rất cần được xem xét kỹ, lựa chọn các nhà đầu tư có năng lực thực sự triển khai các dự án.
Trong đó ưu tiên các dự án lĩnh vực văn hoá, du lịch, các không gian sáng tạo đem lại sự sôi động, náo nhiệt, hình ảnh của một Thủ đô hiện đại, năng động; xứng tầm thương hiệu “Thành phố sáng tạo”.
Cũng thảo luận liên quan đến vấn đề này trước đó, GS.TS Đỗ Thị Minh Đức - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Hà Nội biến đổi theo thời gian, theo những quy hoạch đô thị từng thời kỳ. Trong đó, sông Hồng đang ngày càng thể hiện là một tài nguyên quý giá trong quy hoạch và phát triển đô thị Hà Nội.
Sông Hồng luôn giữ vai trò trung tâm quyết định toàn bộ quá trình lịch sử - văn hóa của các kinh đô - kinh thành từ Cổ Loa cho đến Vạn Xuân, Tống Bình, Đại La, Thăng Long, Đông Đô, Đông Kinh và cho đến cả thời kỳ đầu khi Hà Nội không còn là kinh đô của cả nước.
Sông Hồng chỉ trở thành xa lạ và không còn gắn bó máu thịt với đời sống cư dân Thủ đô kể từ khi người Pháp đặt ách đô hộ trên đất nước Việt Nam và tổ chức thành phố nhượng địa thủ phủ của Liên bang Đông Dương theo một mô hình khác trước.
Từ sau năm 1954, Hà Nội trải qua nhiều biến đổi nhưng trên cơ bản theo hướng lấy khu đô thị cổ truyền làm trung tâm và tỏa rộng ra cả hai bên tả ngạn và hữu ngạn sông Hồng, theo đủ các hướng Đông, Tây, Nam, Bắc.
Sự phát triển của đô thị như thế, xét về mặt hình thức là bình thường, tự nhiên nhưng đi vào thực chất của từng kế hoạch, từng thời đoạn thì lại bộc lộ rất nhiều mâu thuẫn, lúng túng. Trong đó có vấn đề xử lý vai trò, vị trí của sông Hồng trong quy hoạch phát triển Thủ đô là hết sức phức tạp và nan giải.
GS.TS Nguyễn Quang Ngọc – Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam
Nguồn: Kinh tế & Đô thị