Do vậy, trong đợt lập điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô tới đây, các phương án quy hoạch đô thị gắn kết chặt chẽ, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế đô thị rất cần được tính đến.
“Đôi bạn” chưa cùng tiến
Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy cho biết, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg (viết tắt là Quy hoạch chung 1259) đã xem xét toàn diện đến mọi yếu tố để tập trung định hướng phát triển Thủ đô, tạo điều kiện phát triển các lĩnh vực, trong đó có kinh tế đô thị. Ngoài đô thị trung tâm, TP được quy hoạch để hình thành 5 đô thị vệ tinh với chức năng riêng biệt, trong đó ưu tiên phát triển công nghiệp, công nghệ cao, y tế, giáo dục là những ngành quan trọng để phát triển kinh tế đô thị. Cùng đó, quy hoạch cũng định hướng phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế đồng bộ và hiện đại.
Trên thực tế, đến nay hệ thống hạ tầng của TP liên tục được đầu tư, hoàn thiện theo quy hoạch, với các trung tâm đô thị mới, đồng bộ và hiện đại như Vinhomes Ocean Park (Long Biên), Vinhomes Smart City (Tây Mỗ - Đại Mỗ), Tây Hồ Tây, trục Nhật Tân - Nội Bài, các khu công nghiệp tập trung như Thăng Long (Đông Anh), Quang Minh (Mê Linh), Khu công nghệ cao tại Hòa Lạc… thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như các nguồn lực đầu tư.
Bên cạnh đó, Quy hoạch chung 1259 cũng đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực bảo tồn các di sản văn hóa của Hà Nội, yếu tố tạo nên nét đặc trưng đặc biệt của Thủ đô, góp phần phát triển và quảng bá hoạt động du lịch cho Thủ đô, đóng góp vào phát triển kinh tế đô thị. Cụ thể, lưu giữ những giá trị văn hóa phi vật thể như lối sống, phong tục tập quán, nghề thủ công truyền thống, văn hóa Kinh kỳ, văn hóa xứ Đoài,… Những di sản văn hóa vật thể đồ sộ tại khu vực nội đô đó là các khu phố cổ, khu phố Pháp, làng cổ ven đô, thành cổ, những công trình kiến trúc văn hóa, tín ngưỡng, kiến trúc thuộc địa Pháp, kiến trúc tiêu biểu thời kỳ hòa bình lập lại… và cả hệ sinh thái cảnh quan đặc trưng là đô thị với nhiều sông, hồ, cây xanh gắn với vùng sinh thái nông nghiệp.
“Có thể nói, Quy hoạch chung 1259 đã bám sát các yếu tố tạo lập và phát triển kinh tế đô thị để hoạch định chiến lược lâu dài phát triển hài hòa giữa tài nguyên đất đai, con người với hoạt động đô thị để hình thành một đô thị phát triển bền vững theo hướng Xanh – Văn hiến – Văn minh – Hiện đại” - ông Lưu Quang Huy nêu.
Tuy nhiên, lãnh đạo Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội cũng nhìn nhận, sau 10 năm thực hiện Quy hoạch chung 1259, những định hướng lớn của quy hoạch chưa thực hiện được. Các đô thị vệ tinh chưa có nền tảng để hình thành, khu vực mới trong đô thị trung tâm như khu vực Bắc sông Hồng và Đông Vành đai 4 phát triển còn chậm. Trong khi đó, khu vực nội đô và nội đô mở rộng đang phát triển ngoài dự báo của quy hoạch khiến cho cơ cấu phân bố dân số trở nên mất cân đối, không đạt được các mục tiêu của quy hoạch đã đề ra.
“Từ những hạn chế được nhìn nhận, trong đợt điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội lần này, ngoài việc xem xét các yếu tố mới, phát sinh trong quá trình thực hiện quy hoạch, việc nghiên cứu quy hoạch có tính khả thi, phù hợp với xu thế phát triển chung, gắn kết chặt chẽ với phát triển kinh tế đô thị cũng cần được các cấp, ngành xây dựng cơ chế, hoàn thiện quy trình, tránh vướng mắc ngay từ khâu lập quy hoạch” - ông Lưu Quang Huy khuyến nghị.
Giải pháp cho giai đoạn tới
Theo TS Lê Văn Hoạt - nguyên Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội, một trong những giải pháp lớn để phát triển kinh tế đô thị TP Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025 là rà soát lại quy hoạch, nhất là việc phân bố và tổ chức không gian phát triển công nghiệp và dịch vụ. Rà soát lại các khu công nghiệp hiện có và khu công nghiệp dự kiến sẽ thành lập mới trong kế hoạch phát triển khu công nghiệp theo hướng hình thành các tổ hợp khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ. Cùng với đó, sắp xếp lại hệ thống bệnh viện, trường học theo hướng phân bố hợp lý, không tập trung quá vào khu vực đô thị. Quản lý chặt chẽ quá trình chuyển đổi nông thôn thành đô thị theo quy hoạch kế hoạch.
Về các giải pháp cụ thể, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư, PGS.TS Trần Kim Chung đưa ra khuyến nghị, Hà Nội cần xem xét, chuyển dịch tất cả cơ quan, công sở đến khu vực tập trung. Đồng thời dịch chuyển các DN trong nội đô ra ngoại thành. Phần đất của các tổ chức di dời cần được đưa vào đấu giá, xây dựng theo quy hoạch, tạo vốn phát triển phần đô thị của Hà Nội.
Đặc biệt, vị chuyên gia này cho rằng cần sớm có quy hoạch chỉnh trị hai bên bờ sông Hồng, coi phát triển đô thị hai bên bờ sông Hồng như một giải pháp tạo lập nguồn lực để phát triển chung phần đô thị của Hà Nội. Huy động nguồn tài chính từ nguồn lực đất đai hai bên bờ sông Hồng nằm trong quy hoạch phát triển. Đấu giá phần đất này để xây dựng theo quy hoạch. Lấy phần vốn đó, đầu tư trở lại hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị cho Hà Nội. Bài học này lấy từ việc quy hoạch chỉnh trị sông Hàn của Seoul Hàn Quốc.
Về quy hoạch lại mặt tiền Thủ đô, PGS.TS Trần Kim Chung nhấn mạnh, cần áp dụng cơ chế thu hồi đất hành lang công trình hạ tầng để đưa vào đấu thầu, các chủ thể nhận đất sẽ xây dựng nhà ở theo quy hoạch được phê duyệt. Nguồn tài chính thu được sẽ được đưa vào đầu tư cơ sở hạ tầng tiếp theo. Đây là bài học phát triển đô thị của Bắc Kinh. Với nguồn lực từ phương thức này, Bắc Kinh đã cải tạo, chỉnh trang toàn bộ mặt tiền TP Bắc Kinh trong giai đoạn 1994 - 2008.
Để thực hiện yêu cầu phát triển kinh tế đô thị trong giai đoạn tới, cần xác định tồn tại, bài học kinh nghiệm trong thời gian qua (cụ thể từ 2010 - 2020). Từ đó phát hiện các đột phá đổi mới của mô hình kinh tế đô thị (kinh tế đêm, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn…) để kiến nghị cho giai đoạn tới, bổ sung các mô hình không gian của kinh tế đô thị (các tuyến phố đi bộ, công trình đa chức năng…) trong điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng tới đây.
Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Đào Ngọc Nghiêm
Nguồn: Kinh tế& Đô thị