Theo đó, phạm vi nghiên cứu gồm toàn bộ hệ thống tiêu thoát nước thuộc địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội với tổng diện tích 3.344,47 km² và phần mở rộng ngoài địa giới hành chính Hà Nội thuộc các tỉnh Hòa Bình, Hà Nam, Bắc Ninh, Hưng Yên có cùng lưu vực sông. Theo Quy hoạch, thành phố Hà Nội có 3 vùng tiêu thoát nước chính là vùng tiêu Tả Đáy, Hữu Đáy và Bắc Hà Nội. Với mục tiêu góp phần cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường của thành phố, nâng cao mức độ dịch vụ đô thị, đáp ứng nhu cầu cải thiện môi trường sống ngày càng cao của nhân dân.
Trong giai đoạn năm 2021-2025, với tốc độ đô thị hóa nhanh, mật độ dân cư cao, việc phát triển hệ thống thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn thành phố Hà Nội là cần thiết.
Hà Nội hoàn thiện giải pháp xây dựng hệ thống nước thải trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2025 (Trong ảnh: Trạm bơm Yên Sở. Ảnh: Internet).
Theo đó, giải pháp lựa chọn mô hình, công nghệ xử lý nước thải được thành phố đưa ra là tập trung triển khai các dự án thoát nước, xử lý nước thải theo quy hoạch thuộc khu vực đô thị trung tâm (vùng Tả Đáy) như: lưu vực Tả Nhuệ, Hữu Nhuệ, Hà Đông, Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh. Tập trung vào khu vực phát triển đô thị, các khu công nghiệp, huyện trong đề án lên quận, khu vực có tốc độ đô thị hóa cao như: Hoàn thiện hệ thống thoát nước, xử lý nước thải lưu vực Tô Lịch; Lưu vực Tả Nhuệ có diện tích khoảng 58km (gồm tiểu lưu vực Cổ Nhuế, Đồng Bông 1, Đồng Bông 2, Nam Thăng Long và Ba Xã); Lưu vực Hữu Nhuệ; Lưu vực Hà Đông; Lưu vực Long Biên và Gia Lâm; Lưu vực Đông Anh; Lưu vực Sơn Tây. Thành phố cũng đặt mục tiêu hoàn thành tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đến năm 2025 đạt 50-55%.
Cụ thể, Theo Quy hoạch thoát nước thải và xử lý nước thải, khu vực đô thị trung tâm phía Nam sông Hồng (thuộc lưu vực Tô Lịch và một phần lưu vực Tả Nhuệ) được chia thành 5 lưu vực chính thu gom và xử lý nước thải. Tại khu vực này, phát triển hệ thống thoát nước hỗn hợp trên cơ sở mạng lưới thoát nước chung đã có và xây dựng mới mạng lưới thu gom nước thải để đưa nước thải về nhà máy xử lý tập trung của từng lưu vực.
Khu vực đô thị trung tâm phía Nam sông Hồng (thuộc khu vực từ Hữu Nhuệ đến sông Đáy và một phần lưu vực Tả Nhuệ còn lại) được chia thành 11 lưu vực; Khu vực đô thị phía Bắc sông Hồng được chia thành 13 lưu vực; các đô thị vệ tinh, đô thị Quốc Oai được chia thành 10 lưu vực thu gom và xử lý nước thải.
Mạng lưới thu gom nước thải bao gồm các trạm bơm chuyển bậc, các tuyến cống bao và giếng tách nước thải, cống thu gom nước thải riêng đã được quy hoạch về hướng tuyến, quy mô và sẽ được tính toán cụ thể trong giai đoạn lập dự án đầu tư xây dựng đáp ứng yêu cầu thu gom toàn bộ nước thải về các nhà máy xử lý nước thải.
Dự kiến sẽ xây dựng 39 nhà máy xử lý nước thải tập trung chính cho các đô thị với công suất của các nhà máy xử lý nước thải đến 2030 là 1.808.300 m³/ngày, đến 2050 là 2.482.300 m³/ngày.
Để thực hiện, Hà Nội dự kiến dành gần 53.318 tỷ đồng triển khai các dự án đầu tư xây dựng phát triển hệ thống thoát nước, xử lý nước thải đô thị và các dự án đầu tư xây dựng thủy lợi, góp phần tiêu thoát nước đô thị thành phố Hà Nội.
Trong đó, dành hơn 41.067 tỷ đồng (gồm 19.958 tỷ đồng vốn ngân sách, 13.709 tỷ đồng vốn ODA, 7.400 tỷ đồng vốn xã hội hóa) triển khai 20 dự án đầu tư xây dựng phát triển hệ thống thoát nước, xử lý nước thải đô thị.
Thành phố cũng dành hơn 12.250 tỷ đồng triển khai 7 dự án đầu tư xây dựng thủy lợi góp phần tiêu thoát nước đô thị như: Xây dựng trạm bơm Văn Khê và hệ thống tiêu ra sông Hồng; xây dựng cụm công trình đầu mối Liên Mạc; cải tạo, nâng cấp trạm bơm tiêu Đông Mỹ…