Quy hoạch Thủ đô Hà Nội: Cần tích hợp xử lý chất thải rắn

TP Hà Nội đang triển khai công tác xử lý chất thải rắn theo Quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2014 tại Quyết định số 609/QĐ-TTg (gọi tắt là Quy hoạch 609).

Theo Luật Quy hoạch 2017, lĩnh vực xử lý chất thải rắn sẽ được tích hợp trong Quy hoạch Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.

Còn nhiều tồn tại trong thu gom và xử lý rác

Sau 8 năm triển khai Quy hoạch 609, công tác xử lý chất thải rắn trên địa bàn TP đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Có thể kể đến như: 100% chất thải công nghiệp, y tế được thu gom, xử lý đạt quy chuẩn; xấp xỉ 100% chất thải rắn sinh hoạt đô thị và khoảng 90% chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom, xử lý.

TP đã đầu tư cải tạo, nâng cấp 2 khu xử lý chất thải rắn quy mô lớn (khu liên hợp Nam Sơn và khu xử lý Xuân Sơn); hoàn thành về cơ bản giai đoạn 1 của nhà máy đốt rác phát điện công suất 4.000 tấn/ngày đêm tại Nam Sơn, huyện Sóc Sơn. Hiện TP đang triển khai xây dựng nhà máy đốt rác phát điện công suất 2.000 tấn/ngày đêm tại Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây…

Tuy nhiên, theo rà soát còn nhiều nội dung trong Quy hoạch 609 chưa được triển khai, công tác xử lý chất thải rắn còn nhiều khó khăn, bất cập. Một là, chưa thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Cho đến nay, Hà Nội mới chỉ làm tốt công tác phân loại chất thải rắn tại nguồn đối với chất thải công nghiệp và y tế.

Mặc dù đã được nêu rõ trong Quy hoạch 609, đồng thời cũng được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản pháp lý liên quan nhưng cho đến nay TP chưa có sự chuẩn bị về hạ tầng và chưa triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt. Điều này đi ngược với xu hướng của thế giới, gây gánh nặng cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý.

Nhà máy điện rác Nam Sơn, huyện Sóc Sơn.

Hai là, hệ thống thu gom chất thải rắn vẫn còn lạc hậu, công tác vận chuyển còn nhiều bất cập. Ngay tại khu vực nội đô, hoạt động thu gom vẫn được thực hiện bằng các phương tiện cơ giới thô sơ, được gia cố thêm các thanh tre, gỗ phía trên thùng xe để chứa rác, gây cảm giác nhếch nhác, mất vệ sinh. Hầu như toàn bộ hệ thống xe thu gom rác (từ xe đẩy tay trong ngõ xóm đến xe vận tải khối lượng) đều không được rửa thường xuyên, việc vận chuyển gây rò rỉ rác và nước rác, làm mất vệ sinh môi trường, ảnh hưởng tiêu cực đến mỹ quan TP.

Ba là, xây dựng hạ tầng cho thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn rất chậm và bất cập. Tại khu vực nội thành, việc tìm quỹ đất để xây dựng các điểm tập kết chất thải rắn sau khi thu gom từ các ngõ xóm rất khó khăn, hầu hết mang tính tạm thời. Hình ảnh khu phố đẹp, văn minh nhưng lại xuất hiện một khu để các xe thu gom chất đầy rác, không được che đậy, gây mất vệ sinh và mất mỹ quan đô thị rất quen thuộc trong các quận nội đô Hà Nội.

Đến nay, TP chưa xây dựng được trạm trung chuyển chất thải rắn nào, chỉ có 2 khu xử lý chất thải rắn là Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) và Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây) đang tiếp nhận, xử lý chất thải rắn cho toàn TP, dự báo không còn khả năng chôn lấp trong 1 - 2 năm tới. Còn 5 trạm trung chuyển và 15/17 khu xử lý chất thải theo quy hoạch chưa được triển khai hoặc đã có xây dựng nhưng chưa hoạt động, thậm chí dừng hoạt động do lựa chọn công nghệ không phù hợp.

Bốn là, phương pháp xử lý chất thải rắn sinh hoạt của TP không đạt yêu cầu của Thủ đô văn minh, hiện đại, tăng trưởng xanh. Chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn Hà Nội được xử lý chủ yếu bằng phương pháp chôn lấp (chiếm khoảng 98% tổng lượng chất thải rắn thu gom được), số lượng còn lại là đốt không phát điện (khoảng 2%).

Hoạt động tái chế mới ở mức tự phát, chưa có số liệu chính thức. Công nghệ tái chế, xử lý rác thải theo công nghệ mới, tiên tiến triển khai còn chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế xử lý rác thải của TP.

Hướng đến tiết giảm chất thải, tăng cường tái chế

Thủ đô Hà Nội bước vào kỳ quy hoạch mới trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ. Cả thế giới và toàn quốc, trong đó có Hà Nội đang đẩy mạnh phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, hướng đến xây dựng xã hội văn minh, thông minh, xanh, phát triển bền vững. Trước bối cảnh này, công tác xử lý chất thải rắn của Hà Nội càng cần được quan tâm, định hướng triển khai theo hướng hiện đại, thông minh nhằm tiết giảm chất thải, tăng cường tái chế, tái sử dụng.

Để thực hiện được điều này, khi nghiên cứu, rà soát, xây dựng các nội dung quy hoạch chất thải rắn để tích hợp trong Quy hoạch Thủ đô, cần lưu ý một số vấn đề sau.

Thứ nhất, cần rà soát, đánh giá toàn bộ kết quả thực hiện quy hoạch xử lý chất thải rắn theo Quyết định 609/QĐ-TTg, xác định những việc đã làm được, chưa thực hiện được, nguyên nhân khách quan và chủ quan để rút kinh nghiệm trong quy hoạch sắp tới.

Theo nghiên cứu cho thấy, những hạn chế trong công tác xử lý chất thải rắn thời gian qua tại Hà Nội là do công tác dự báo chưa chính xác; áp lực dân số tăng quá nhanh; năng lực quản lý Nhà nước còn yếu; công nghệ chậm đổi mới…

Thứ hai, cần nghiên cứu xu hướng xử lý chất thải rắn trên thế giới để lựa chọn công nghệ hợp lý, vừa đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa xử lý chất thải rắn, vừa phù hợp với điều kiện phát triển của Thủ đô. Nghiên cứu cho thấy, dự báo đến năm 2030, thành phần chất thải rắn của Hà Nội có tỷ lệ chất hữu cơ vẫn sẽ chiếm khoảng hơn 50% tỷ trọng, độ ẩm cao, nhiệt trị thấp. Đồng thời, với đặc điểm kinh tế, văn hóa - xã hội của Hà Nội, khuyến nghị phương án phân loại chất thải rắn tại nguồn nên quyết liệt triển khai.

Trong giai đoạn đến năm 2030, ngân sách Nhà nước nên ưu tiên cho sản xuất phân compost (phân hữu cơ) từ chất thải thực phẩm. Đồng thời hoàn thành, vận hành 2 nhà máy đốt rác phát điện tại Sóc Sơn và Sơn Tây; khuyến khích đầu tư tư nhân cho các hoạt động tái chế khác.

Thứ ba, cần nghiên cứu phương án xây dựng hạ tầng đồng bộ cho công tác thu gom, xử lý chất thải rắn theo hướng hiện đại, văn minh, phục vụ phát triển kinh tế tuần hoàn. Ví dụ, hệ thống thu gom, tập kết chất thải rắn trong từng chung cư, từng khu ở, nhà máy, bệnh viện, công sở phải đảm bảo thực hiện được công tác phân loại; bố trí quỹ đất để xây dựng các trạm sản xuất phân compost từ chất thải sinh hoạt, đồng ruộng cho các xã ngoại thành. Bên cạnh đó, quy hoạch các khu công nghiệp, cụm công nghiệp theo mô hình kinh tế tuần hoàn…

Thứ tư, việc nghiên cứu, bố trí, phân vùng không gian cho các trạm trung chuyển, khu xử lý chất thải rắn cần đảm bảo tính khả thi về kinh tế, hợp lý về đặc điểm địa chất, vị trí địa lý, đảm bảo an toàn cho người dân. Đồng thời, cần tính đến mối quan hệ với các tỉnh, TP trong Vùng Thủ đô, Vùng đồng bằng sông Hồng.

Với đặc điểm dân di cư từ các tỉnh về rất lớn, Hà Nội có thể đề nghị các tỉnh chia sẻ gánh nặng về xử lý chất thải rắn với Thủ đô. Bên cạnh đó, Hà Nội có thể tính đến phương án phối hợp để triển khai các chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp tái chế tại các làng nghề của các tỉnh lân cận theo hướng xanh, sạch (đây là nơi tiêu thụ khối lượng lớn phế liệu của Hà Nội).

Để làm được điều này, TP cần khẩn trương có các buổi làm việc với các tỉnh, TP; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong xây dựng quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, quy hoạch Vùng đồng bằng sông Hồng…

Nguồn: Kinh tế & Đô thị

Bình luận