Điểm tin Quy hoạch - Kiến trúc

Quy hoạch Thủ đô với tầm nhìn chiến lược

07:14 17/06/2024
Ngày 11/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô. Bên cạnh đó là một số tin tức nổi bật khác trong lĩnh vực quy hoạch - kiến trúc diễn ra trong tuần.

Rà soát, đảm bảo quy hoạch khớp với Luật Thủ đô và các quy hoạch đã phê duyệt

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải kết luận nội dung thảo luận về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô. (Ảnh: Quốc hội)

Ủy ban Kinh tế cho rằng, qua rà soát, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 có nhiều nội dung trùng lặp, chưa thống nhất về phạm vi, mức độ chi tiết, do đó có thể dẫn đến chồng chéo, mâu thuẫn và gây khó khăn trong việc lập, quản lý và thực hiện quy hoạch.

Vì vậy, cần rà soát để 2 quy hoạch khớp với nhau, khớp với Luật Thủ đô và khớp với các quy hoạch khác đã được phê duyệt; đồng thời quy hoạch phải "động và mở", tránh việc quá chi tiết, cụ thể, phải thường xuyên điều chỉnh.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị các cơ quan tiếp tục rà soát, hoàn thiện, bảo đảm tránh trùng lắp, thống nhất về phạm vi, mức độ chi tiết của 2 quy hoạch, theo đúng thứ bậc quy hoạch và pháp luật về quy hoạch.

Đồng thời rà soát, bảo đảm 2 quy hoạch này phù hợp, tương thích với dự thảo Luật Thủ đô đang sửa đổi. 

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, cần đánh giá kỹ hơn điểm nghẽn, tồn tại, hạn chế của các quy hoạch thời kỳ trước để hoàn thiện Quy hoạch Thủ đô. Đối với Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung, cần bổ sung một số nội dung dự báo, dự kiến như dự báo về dân số cho phù hợp với thời kỳ, tầm nhìn mới của quy hoạch…

Quy hoạch TP.HCM trở thành đô thị toàn cầu hấp dẫn và bền vững

Sáng 12/6, tại Bộ KH&ĐT đã diễn ra Hội nghị thẩm định Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Dự thảo Báo cáo Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tập trung thể hiện rõ các định hướng phát triển của Thành phố trên 5 nội dung: Kinh tế xanh; Đô thị sáng tạo; Hạ tầng thông minh; Xã hội văn minh; Môi trường bền vững.

Tầm nhìn đến năm 2050, TP.HCM là đô thị toàn cầu hấp dẫn và bền vững; trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á; kinh tế, văn hóa phát triển đặc sắc; người dân có chất lượng cuộc sống cao; là hạt nhân của vùng TP.HCM và vùng Đông Nam Bộ, cực tăng trưởng của cả nước.

Tầm nhìn này được hiện thực hóa bằng 5 chiến lược, 10 giải pháp, với 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 khâu đột phá.

Dự kiến trong giai đoạn 2021 - 2025, Thành phố sẽ cần khoảng 2,23 triệu tỷ đồng vốn đầu tư; giai đoạn 2026 - 2030 với sự phát triển mạnh mẽ sẽ cần hơn 4,2 triệu tỷ đồng.

Thành phố sẽ ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước để đẩy mạnh thực hiện các công trình, dự án hiện đang chậm tiến độ. Đồng thời, thực hiện các cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút các nguồn vốn đầu tư trong nước và quốc tế; tăng cường áp dụng các hình thức PPP trong đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng.

Thẩm quyền lập, phê duyệt quy hoạch chung đô thị mới để thực hiện công nhận đô thị loại IV

Ảnh minh hoạ. Nguồn internet

Liên quan đến việc cho chủ trương tổ chức lập, phê duyệt quy hoạch chung đô thị mới để thực hiện công nhận đô thị loại IV, nhưng có quy mô dân số dự báo tương đương đô thị loại III tại tỉnh Hậu Giang, Bộ Xây dựng cho biết, huyện Châu Thành và huyện Châu Thành A được định hướng đến năm 2030 sẽ trở thành thị xã với quy mô dân số dự báo của huyện Châu Thành là 145.000 người, huyện Châu Thành A là 110.000 người, tương đương quy mô dân số của đô thị loại III.

Theo đó, Quyết định số 1588/QĐ-TTg đã định hướng huyện Châu Thành và huyện Châu Thành A trở thành đô thị mới, có quy mô dân số tương đương đô thị loại III.

Theo quy định, các đồ án quy hoạch này thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ; trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch chung được thực hiện theo Thông tư số 12/2023/TT-BXD ngày 20/11/2023 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định về phân cấp tổ chức lập quy hoạch chung đô thị mới có quy mô dân số dự báo tương đương đô thị loại III trở lên.

Do đó, Sở Xây dựng căn cứ Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để tham mưu UBND tỉnh tổ chức lập các quy hoạch trên theo quy định.  

Bố trí NƠXH và các công trình hạ tầng trong KCN Hòa Tâm theo quy định

Bộ Xây dựng vừa có ý kiến liên quan đến đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 KCN Hòa Tâm thuộc KKT Nam Phú Yên.

Để hoàn thiện đồ án, Bộ Xây dựng đề nghị tỉnh Phú Yên lưu ý việc quy hoạch, đầu tư, xây dựng đối với phần diện tích KCN tiềm năng phải đảm bảo các yêu cầu, điều kiện nêu tại Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 30/12/2023 của Thủ tướng.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng lưu ý việc di dời, bố trí tái định cư, chuyển đổi nghề nghiệp các hộ dân trong phạm vi quy hoạch phải đảm bảo các vấn đề về an sinh xã hội, sinh kế của người dân.

Ngoài ra, Bộ Xây dựng lưu ý UBND tỉnh Phú Yên cần rà soát việc giảm đất rừng sản xuất, đất trồng lúa đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật, phù hợp với quy hoạch cấp trên; rà soát nội dung quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật đảm bảo kết nối đồng bộ hệ thống hạ tầng chung, trong và ngoài khu công nghiệp…

Đặc biệt, KCN Hòa Tâm dự kiến có khoảng 40.000 lao động làm việc. Do đó UBND tỉnh Phú Yên cần lưu ý chỉ đạo thực hiện đồng bộ các quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng có liên quan và triển khai đầu tư xây dựng đảm bảo việc bố trí NƠXH, các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phục vụ người lao động theo quy định.

Đề xuất quy hoạch Sân bay Cát Bi đạt công suất 13 triệu khách vào năm 2030

Sân bay Cát Bi. Ảnh internet

Cục Hàng không Việt Nam vừa có tờ trình đề nghị Bộ GTVT xem xét phê duyệt Quy hoạch Cảng hàng không Quốc tế Cát Bi (TP Hải Phòng) thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Cụ thể, trong thời kỳ 2021-2030, Cảng hàng không Quốc tế Cát Bi có cấp sân bay 4E và sân bay quân sự cấp 1; công suất 13 triệu hành khách/năm và 250.000 tấn hàng hóa/năm; tổng số vị trí đỗ máy bay là 30 vị trí; loại máy bay khai thác là code C như A320/A321, code E như B747/B777/B787/A350 và tương đương.

Trong thời kỳ này, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất giữ nguyên Nhà ga hành khách T1 hiện hữu; xây dựng Nhà ga hành khách mới (T2) với 2 cao trình tại khu vực phía Đông nhà ga hành khách hiện hữu. Tổng công suất Nhà ga hành khách T1 và Nhà ga hành khách T2 đạt 13 triệu hành khách/năm.

Tầm nhìn đến năm 2050, Cảng hàng không Quốc tế Cát Bi có cấp sân bay 4E và sân bay quân sự cấp 1; công suất 18 triệu hành khách/năm và 500.000 tấn hàng hóa/năm; tổng số vị trí đỗ máy bay 50 vị trí; loại máy bay khai thác là code C như A320/A321, code E như B747/B777/B787/A350 và tương đương.

Đồng Nai: Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu tái định cư thị trấn Dầu Giây

UBND tỉnh Đồng Nai vừa phê duyệt Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu tái định cư thị trấn Dầu Giây.

Theo đó, dự án khu tái định cư Dầu Giây có vị trí trung tâm thị trấn Dầu Giây, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai. Quy mô dân số khoảng 7.200 người.

Dự án có tổng diện tích gần 52 ha, trong đó đất ở hơn 22,5 ha với 2.000 lô, được phân bố đều trên toàn khu với 38 dãy nhà liên kế. Khu đất thương mại dịch vụ 5.893 m2.

Các công trình hạ tầng xã hội gồm: trường mầm non, trường tiểu học, trường trung học cơ sở; nhà văn hóa thể thao…

Đặc biệt, dự án được cung cấp đầy đủ hệ thống hạ tầng kỹ thuật như: Đường giao thông, hệ thống điện chiếu sáng, hệ thống thông tin liên lạc... hệ thống cấp thoát nước có công suất tối thiểu 1.335 m3/ngày và được bố trí riêng biệt hoàn toàn với hệ thống thoát nước mưa.

Bình luận