Quy hoạch - kiến trúc

Quy hoạch tỉnh Điện Biên: Hạ tầng giao thông đi trước, liên kết phát triển

Quy hoạch tỉnh Điện Biên: Hạ tầng giao thông đi trước, liên kết phát triển

Tuấn Đông Tuấn Đông - 07:40, 30/10/2023

Tạp chí Xây dựng - Bộ xây dựngTheo dự thảo Quy hoạch, Điện Biên sẽ phát triển nhanh, vững chắc với bản sắc và giá trị lịch sử; chiến lược phát triển tổng quát là hạ tầng giao thông đi trước, liên kết phát triển, kiến tạo giá trị mới và đặc sắc.

Ngày 27/10, Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh đã tiến thẩm định và thông qua Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với điều kiện có chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện.

Điện Biên là tỉnh có tiềm năng để phát triển thủy điện, lâm nghiệp, nông nghiệp, văn hóa kết hợp du lịch. Bên cạnh đó, Điện Biên có vai trò là “phên dậu” của quốc gia trong việc bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ, phát triển rừng và an ninh nguồn nước; là nơi có những cảnh quan tươi đẹp và có di tích lịch sử Điện Biên Phủ được cả thế giới biết đến.

Tuy nhiên, Điện Biên gặp nhiều khó khăn để phát triển kinh tế như vị trí địa lý nằm cách xa trung tâm; điều kiện địa hình phức tạp, chia cắt mạnh; tài nguyên khoáng sản tuy đa dạng về chủng loại nhưng trữ lượng thấp và nằm rải rác trong tỉnh trình độ dân trí và nguồn nhân lực thấp.

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: MPI

Theo dự thảo Quy hoạch, Điện Biên đưa ra tư tưởng phát triển là phát triển nhanh, vững chắc với bản sắc và giá trị lịch sử; chiến lược phát triển tổng quát là hạ tầng giao thông đi trước, liên kết phát triển, kiến tạo giá trị mới và đặc sắc.

Mục tiêu tổng quát là đến năm 2030, Điện Biên trở thành tỉnh có điều kiện kinh tế phát triển khá trong khu vực Trung du và Miền núi phía Bắc; là trung tâm du lịch, dịch vụ của vùng Trung du và Miền núi Bắc Bộ.

Phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, có năng suất và chất lượng cao kết hợp với công nghiệp chế biến, du lịch; kinh tế số đóng vai trò quan trọng trong phát triển tỉnh; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại.

Ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững chủ quyền biên giới.

Tại Hội nghị, thành viên Hội đồng đã cho ý kiến vào các nội dung cụ thể của dự thảo Quy hoạch như xem xét các căn cứ pháp lý; tập trung đánh giá các yếu tố điều kiện đặc thù, thực trạng phát triển.

Các ý kiến cũng nêu việc xác định các tồn tại, hạn chế cần giải quyết, nhất là liên quan đến sự thay đổi khó lường và tác động ngày càng gia tăng của biến đổi khí hậu, thiên tai; sự đảm bảo của hạ tầng giao thông kết nối với khu công nghiệp, khu du lịch, các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung…; về nguồn nhân lực và hiện tượng xuất dân.

Đồng thời xem xét sự phù hợp và tính khả thi của việc lựa chọn phương án phát triển, nhất là trong bối cảnh mới, xu thế mới, mô hình kinh tế đang chuyển dịch (tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, cam kết của Việt Nam với các tổ chức quốc tế về phát thải,...); sự phù hợp của các quan điểm, mục tiêu với quan điểm, định hướng phát triển trong Quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch ngành quốc gia cũng như thể hiện được khát vọng phát triển của tỉnh.

Trên cơ sở các ý kiến góp ý của thành viên Hội đồng, chuyên gia, nhà khoa học, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương đề nghị tỉnh Điện Biên khẩn trương lập Báo cáo tiếp thu, giải trình toàn bộ ý kiến của các Bộ, ngành, chuyên gia, ý kiến của cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định và kết luận của Hội đồng thẩm định; trong đó, cần xác định rõ vai trò, vị trí của tỉnh trong phát triển; xác định, đánh giá điểm nghẽn trong phát triển; bổ sung luận chứng trong chọn nguồn lực phát triển; lựa chọn phương án tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội, các dự án ưu tiên; làm rõ luận chứng về nhu cầu sử dung đất trong thời kỳ quy hoạch...

Đồng thời chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung, số liệu trong Báo cáo Quy hoạch tỉnh và hệ thống bản đồ, cơ sở dữ liệu trong hồ sơ quy hoạch.

Ý kiến của bạn