Ngày 31/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương.
Theo Tờ trình của Chính phủ, Đề án thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương được thực hiện theo các nguyên tắc bảo tồn, phát huy hiệu quả giá trị di sản Cố đô, bản sắc văn hóa Huế để thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương với đặc trưng: Văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan thân thiện môi trường và thông minh; khai thác và phát huy toàn diện, hiệu quả tiềm năng, lợi thế của thành phố di sản, đưa Huế phát triển nhanh, bền vững và tạo động lực lan tỏa vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.
Đồng thời giải quyết tốt các mối quan hệ giữa kế thừa và phát triển; giữa phát triển kinh tế - văn hóa và môi trường; giữa bảo tồn gìn giữ truyền thống và phát huy các giá trị di sản, trong đó bảo tồn là cốt lõi; giữa phát triển đô thị di sản và phát triển thành phố trực thuộc Trung ương và đặt trong tổng thể toàn đô thị Huế; bảo đảm điều kiện thuận lợi hơn, tốt hơn cho bảo tồn và phát triển đô thị di sản.
Chính phủ đề xuất phương án thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của tỉnh Thừa Thiên Huế, với kết quả TP Huế trực thuộc Trung ương có 4.947,11 km2 và 1.236.393 người; có 9 đơn vị hành chính cấp huyện (2 quận, 3 thị xã, 4 huyện); có 133 đơn vị hành chính cấp xã (78 xã, 48 phường, 7 thị trấn); tỷ lệ đô thị hóa 63,02% (779.207 người/1.236.393 người).
Qua thảo luận, đa số đại biểu cơ bản tán thành việc trình Quốc hội xem xét, quyết định thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của tỉnh Thừa Thiên Huế với các lý do cũng như cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn nêu trong Tờ trình và Đề án của Chính phủ.
Các đại biểu cho rằng, việc thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế trong bối cảnh hiện nay có ý nghĩa hết sức quan trọng, thể hiện sự đổi mới đột phá trong tư duy về phát triển đô thị, góp phần thực hiện chủ trương phát triển đô thị bền vững theo hướng đô thị xanh, văn minh, giàu bản sắc, phù hợp cho từng vùng, miền và đầu tư phát triển các đô thị có giá trị về di sản, du lịch.
Bên cạnh đó, việc thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương còn tạo lập không gian kinh tế, động lực phát triển mới cho địa phương, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, kiến tạo hình ảnh đô thị khang trang, xanh, sạch, đẹp, bảo đảm thực hiện tốt hơn nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế để thực sự trở thành trung tâm của vùng và cả nước về văn hóa - du lịch, y tế chuyên sâu, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ.
Nêu ý kiến tại phiên họp, đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh) nhấn mạnh, Thừa Thiên Huế có vị trí chiến lược tại miền Trung, kết nối thuận lợi với các tỉnh lân cận và có tiềm năng phát triển thành trung tâm kinh tế - văn hóa - du lịch của vùng.
Đặc biệt, Thừa Thiên Huế đã đạt được nhiều tiêu chí của đô thị loại I, là tiền đề để chuyển thành đô thị trực thuộc Trung ương. Do vậy, việc thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương là cần thiết và có ý nghĩa chính trị, kinh tế - xã hội rất quan trọng.
Tuy nhiên, theo đại biểu Thạch Phước Bình, việc trở thành thành phố trực thuộc Trung ương đòi hỏi Huế phải có quy hoạch đô thị phù hợp để đảm bảo sự phát triển đồng bộ và bền vững. Do vậy, thành phố cần quan tâm đến việc mở rộng không gian đô thị, phân khu chức năng hợp lý, tránh tình trạng quy hoạch chồng chéo hoặc sử dụng đất không hiệu quả. Hạ tầng giao thông, điện nước, viễn thông và các dịch vụ công phải được nâng cấp tương xứng với vị thế mới của thành phố.
Thành phố cũng cần xây dựng các chính sách nhằm tối ưu hóa nguồn thu ngân sách, quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ các khoản chi ngân sách cho đầu tư công, đảm bảo hiệu quả và tránh thất thoát lãng phí, phù hợp với nhu cầu phát triển thực tế.
Ngày 30/8/2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 924/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ công nhận khu vực tỉnh Thừa Thiên Huế dự kiến thành lập thành phố trực thuộc Trung ương đạt tiêu chí đô thị loại I.
Phạm vi đánh giá phân loại đô thị là toàn bộ địa giới hành chính hiện hữu của tỉnh Thừa Thiên Huế với diện tích tự nhiên là 4.947,11 km2.
Khu vực nội thành là khu vực dự kiến thành lập 02 quận trực thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, gồm toàn bộ địa giới hành chính hiện hữu của TP Huế, với tổng diện tích tự nhiên là 266,46 km2.