Quyết liệt hơn với vi phạm trong xây dựng và phòng cháy, chữa cháy

11:19 23/11/2024
HĐND TP Hà Nội vừa thông qua Quy định áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước trên địa bàn TP Hà Nội. Văn bản nhằm cụ thể hóa Điều 33 Luật Thủ đô năm 2024. Theo đó, từ ngày 1/1/2025, những công trình xây dựng trên đất lấn chiếm, xây sai quy hoạch, vi phạm quy định phòng cháy, chữa cháy (PCCC) sẽ bị áp dụng biện pháp cắt điện nước.

Những trường hợp vi phạm phải áp dụng các biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện nước gồm: Công trình xây dựng sai quy hoạch, xây không có giấy phép xây dựng với trường hợp phải có giấy phép; xây sai với nội dung trong giấy phép xây dựng, sai với thiết kế xây dựng được phê duyệt đối với trường hợp được miễn giấy phép; công trình xây dựng trên đất bị lấn chiếm.

Công trình xây dựng thuộc diện phải thẩm duyệt về thiết kế PCCC nhưng được tổ chức thi công khi chưa có giấy chứng nhận hoặc văn bản thẩm duyệt thiết kế về PCCC của cơ quan có thẩm quyền; công trình thi công không đúng theo thiết kế về PCCC đã được thẩm duyệt; công trình xây dựng, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ chưa được nghiệm thu, chấp thuận kết quả nghiệm thu về PCCC mà đã hoạt động, đã bị đình chỉ hoạt động, nhưng tổ chức, cá nhân vi phạm không chấp hành cũng sẽ bị cơ quan chức năng xử lý.

Đáng nói là cơ sở kinh doanh dịch vụ vũ trường, karaoke không bảo đảm điều kiện an toàn về PCCC đã bị đình chỉ hoạt động, nhưng tổ chức, cá nhân vi phạm không chấp hành; công trình thuộc trường hợp phải phá dỡ và đã có quyết định di dời khẩn cấp của cơ quan có thẩm quyền mà tổ chức, cá nhân đã được vận động, thuyết phục nhưng không di dời cũng sẽ nằm trong diện bị cắt điện nước nhằm kiên quyết yêu cầu chủ đầu tư phải tuân theo và hoàn chỉnh công trình cho phù hợp với yêu cầu từ cơ quan chức năng.

Tại Hà Nội, vi phạm quy định về PCCC đã gây ra nhiều vụ hỏa hoạn nghiêm trọng, gây ảnh hưởng tới tính mạng, sức khỏe và tài sản của nhiều người. Tuy nhiên, cho tới nay những vấn đề này chưa thể được giải quyết một cách dứt điểm. Công an TP Hà Nội cho biết, hiện toàn thành phố có 1.707 công trình vi phạm, chưa nghiệm thu về PCCC đã đưa vào hoạt động từ sau khi Luật PCCC năm 2001 có hiệu lực.

Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện 1.538 cơ sở kinh doanh karaoke không bảo đảm các điều kiện về PCCC. Đến nay, việc khắc phục vi phạm về PCCC của các cơ sở trên còn chậm, cụ thể đến tháng 9 ghi nhận mới có 53 cơ sở đã bảo đảm PCCC có thể đi vào hoạt động trở lại.

Hy vọng tình hình trật tự xây dựng và PCCC ở Thủ đô sẽ được cải thiện thông qua những biện pháp xử lý quyết liệt hơn với các công trình vi phạm, để tránh được tình trạng cơ quan chức năng vẫn lập biên bản còn cơ sở vi phạm thì vẫn hoạt động “chui”.

Nguồn: Báo Nhân dân

Bình luận