Rà soát, đánh giá các chương trình, đề án phát triển VLXD để điều chỉnh phù hợp thực tiễn

07:08 28/08/2024
Bộ Xây dựng được giao nhiệm vụ rà soát, đánh giá tình hình thực hiện các chiến lược, chương trình phát triển VLXD và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến VLXD để điều chỉnh cho phù hợp thực tiễn.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký ban hành Chỉ thị 28/CT-TTg ngày 26/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và VLXD.

Chỉ thị nêu: Vật liệu xây dựng (VLXD) bao gồm xi măng, thép xây dựng, gạch ốp lát, sứ vệ sinh, kính xây dựng, vật liệu xây và các loại VLXD khác có vai trò rất quan trọng, phục vụ xây dựng cơ sở hạ tầng, đô thị, nhà ở trong thiết kế và phát triển đất nước. Các hoạt động sản xuất, tiêu thụ VLXD tác động đến việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, ngành VLXD nước ta gặp rất nhiều khó khăn, sản lượng sản xuất, tiêu thụ và doanh thu đều giảm sút, dẫn đến nguy cơ tác động đến nền kinh tế và ảnh hưởng đến tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước.

Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng. Ảnh: internet

Một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm

Để khắc phục các khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và VLXD trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các cơ quan có liên quan tập trung thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp sau:

Rà soát các cơ chế, chính sách, thể chế để khuyến khích đầu tư phát triển ngành VLXD nhanh và bền vững.

Đồng thời nghiên cứu điều chỉnh chính sách thuế về xuất khẩu sản phẩm clanhke xi măng. Tăng cường các biện pháp về phòng vệ thương mại, hàng rào kỹ thuật, chống bán phá giá… nhằm loại bỏ các hành vi cạnh tranh không công bằng và bảo đảm phù hợp với những quy định của Việt Nam và WTO.

Bên cạnh đó, chủ động đổi mới, áp dụng linh hoạt công nghệ cao, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn để giảm giá thành, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm.

Đẩy mạnh đầu tư công, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, nông thôn. Tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, nhà ở. Đẩy mạnh triển khai Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ NƠXH và các chương trình, dự án xây dựng nhà ở khác để tiêu thụ VLXD.

Đẩy mạnh xây dựng các công trình chống BĐKH như đê chắn sóng, các công trình chống sạt lở, gây lún đất. Ưu tiên đầu tư đường bê tông xi măng trong phát triển đường giao thông nông thôn miền núi.

Ngoài ra, đẩy mạnh hợp tác đầu tư, chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ, quản trị doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả, tiết kiệm nguyên, nhiên liệu, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường trong lĩnh vực VLXD.

Hoàn thiện cơ chế, chính sách

Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng rà soát, đánh giá tình hình thực hiện Chiến lược phát triển VLXD thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050; Chương trình phát triển vật liệu xây không nung tại Việt Nam đến năm 2030 và các văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, đề án liên quan đến VLXD để điều chỉnh cho phù hợp.

Đồng thời triển khai hiệu quả Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm VLXD thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm VLXD thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Cùng với đó, đôn đốc các doanh nghiệp VLXD, đặc biệt là xi măng tiết giảm chi phí sản xuất, tiết kiệm năng lượng, đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ, tăng cường đầu tư các hệ thống phát điện nhiệt dư và sử dụng các loại nhiên liệu thay thế từ rác thải, sử dụng các nguyên liệu thay thế là phế thải của các ngành công nghiệp như tro xỉ, thạch cao.

Dây chuyền công nghệ hiện đại sản xuất kính siêu trắng của Viglacera. Ảnh: Tổng CT Viglacera

Bộ Xây dựng được giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn và triển khai các biện pháp về hàng rào kỹ thuật đối với các sản phẩm VLXD nhập khẩu, đặc biệt là gạch ốp lát, sứ vệ sinh và kính xây dựng, bảo đảm phù hợp với những quy định về Tự do thương mại của WTO.

Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, đẩy mạnh triển khai Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp và các chương trình, dự án xây dựng nhà ở khác.

Thủ tướng cũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất các sản phẩm VLXD trong nước; đẩy mạnh các dự án đầu tư công, NƠXH, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, nông thôn.

Các doanh nghiệp VLXD phải đổi mới, áp dụng công nghệ sản xuất mới đẻ nâng cao năng suất, hạ giá thành sản phẩm; đa dạng hoá sản phẩm, phù hợp các loại hình công trình xây dựng, điều kiện khí hậu các địa phương; thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm VLXD với nhiều nước trên thế giới...

Theo Bộ Xây dựng, trong 10 năm gần đây, tổng năng lực sản xuất các VLXD chủ lực của Việt Nam đã tăng trưởng đạt khoảng 120 triệu tấn xi măng, 830 triệu m² gạch ốp lát, 26 triệu sản phẩm sứ vệ sinh, 330 triệu m² kính xây dựng, 20 tỷ viên gạch đất sét nung, 12 tỷ viên gạch không nung (quy tiêu chuẩn).

Tuy nhiên, trong 3 năm trở lại đây, ngành VLXD nước ta gặp nhiều khó khăn, sản lượng tiêu thụ và doanh thu giảm sút, dẫn đến nguy cơ tác động đến nền kinh tế và sự nghiệp xây dựng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Bình luận