Chỉ rõ các khó khăn, vướng mắc
Sáng 29/7, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị chủ trì Hội nghị trực tuyến làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Tiền Giang về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng kỹ thuật và xuất nhập khẩu.
Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Bộ Xây dựng có đại diện lãnh đạo các Bộ: TN&MT, Công thương, Tài chính, NN&PTNT, KH&ĐT; Đại diện các Cục, Vụ chức năng của Bộ Xây dựng; Lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Tiền Giang...
Thực hiện quyết định số 853/QĐ-TTg ngày 17/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ phân công Thành viên Chính phủ chủ trì, đôn đốc làm việc với các địa phương, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị nhằm nắm bắt tình hình, giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đầu tư công và xuất nhập khẩu tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Tiền Giang.
Thông qua các ý kiến, báo cáo của các địa phương tại Hội nghị, lãnh đạo các các bộ, ngành Trung ương có liên quan sẽ giải đáp thắc mắc đối với các đề xuất, kiến nghị thuộc lĩnh vực thuộc thẩm quyền.
Báo cáo tại Hội nghị, đại diện tỉnh Bình Dương nhấn mạnh những khó khăn, vướng mắc về thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, trong đó có thủ tục pháp lý liên quan đến đất đai như: Lựa chọn đơn vị tư vấn giá đất; Việc xác định nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khi nhận chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án đầu tư; Thời điểm xác định giá đất tính nghĩa vụ tài chính đối với các dự án đầu tư (KCN, khu nhà ở, khu đô thị…) khi điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng.
Bên cạnh đó, việc thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng; Công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư; Công tác tạm ứng, nghiệm thu, thanh toán, thu hồi tạm ứng vốn đầu tư; Công tác PCCC; Chính sách tín dụng...tỉnh Bình Dương cũng đang gặp phải những vướng mắc khi triển khai, thực hiện.
Từ thực tế trên, lãnh đạo tỉnh Bình Dương kiến nghị các bộ, ngành có hướng dẫn, nghiên cứu, sửa đổi các quy định, chính sách phù hợp, tạo thuận lợi trong quá trình thực hiện.
Cụ thể, tỉnh Bình Dương đề nghị xem xét hướng dẫn cụ thể trình tự, thủ tục cho thuê đất có mặt nước của các dự án đầu tư khai thác khoáng sản (khai thác cát) thuộc khu vực hồ Dầu Tiếng; Hướng dẫn tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy định của pháp luật về đầu tư công; Xác định nghĩa vụ tài chính và cho ý kiến về thời điểm xác định giá đất cụ thể; hướng dẫn, nghiên cứu, sửa đổi các quy định và tạo điều kiện để các doanh nghiệp thực hiện các quy định về PCCC; Các chính sách hỗ trợ lãi suất, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn vay hỗ trợ...
Tại Hội nghị, đại diện UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, tỉnh đang gặp những vướng mắc liên quan đến chủ trương đầu tư dự án; Về thủ tục đầu tư dự án xây dựng; Các vấn đề liên quan đến công tác quy hoạch; Về việc cấp giấy phép xây dựng, nhất là các dự án du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái dự kiến xây dựng các công trình phụ trợ như nhà hàng phục vụ ăn uống, khu trưng bày - bán đồ lưu niệm, các chòi nghỉ với kết cấu bán kiên cố, sử dụng vật liệu lắp ghép, các vật liệu tự nhiên như gổ, mây, tre, nứa...Đây là là những vấn đề tỉnh Đồng Nai rất cần các bộ, ngành tháo gỡ, xem xét và có hướng dẫn cụ thể.
Đặc biệt, đối với thủ tục đầu tư dự án xây dựng, trong đó có NƠXH, tỉnh Đồng Nai kiến nghị Bộ Xây dựng tham mưu bổ sung các chính sách ưu đãi dành quỹ đất và diện tích sàn kinh doanh thương mại trong dự án NƠXH. Bên cạnh đó, tại điều khoản chuyển tiếp đề nghị cho phép áp dụng các chính sách ưu đãi này đối với các dự án đã được quyết định chủ trương đầu tư trước khi Luật Nhà ở (sửa đổi) có hiệu lực thi hành.
UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành quy trình rút ngắn đối với dự án NƠXH, tuy nhiên thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư mất nhiều thời gian. Do đó, tỉnh Đồng Nai kiến nghị Bộ Xây dựng ban hành theo thẩm quyền hoặc báo cáo Chính phủ ban hành quy định riêng về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án NƠXH theo hướng chỉ định nhà đầu tư trong một số trường hợp hoặc rút ngắn thời gian tổ chức đầu thầu lựa chọn nhà đầu tư nhằm tạo điều kiện đẩy nhanh việc thực hiện các dự án NƠXH, nhà ở công nhân.
Về phía tỉnh Tiền Giang, đại diện UBND tỉnh cho biết, hiện nay tỉnh Tiền Giang phải đối mặt với các khó khăn trong thực hiện các dự án đầu tư, xây dựng; Thủ tục pháp lý liên quan đến đất đai; Công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư; Các vấn đề liên quan đến công tác quy hoạch; Chính sách tín dụng; Thủ tục hành chính, ưu đãi đầu tư phát triển điện gió.
Do đó, lãnh đạo tỉnh Tiền Giang đề xuất, kiến nghị với các bộ, ngành, Chính phủ hướng dẫn về danh mục dự án thu hồi đất đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại; Hướng dẫn rõ việc thực hiện góp đất vào công ty để thực hiện dự án khi trình UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư có thuộc trường hợp quy định của Luật Nhà ở.
Đồng thời, ban hành quy định về an toàn công trình xây dựng, quy định về môi trường, quy định về phòng chống cháy nổ khi lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà để thống nhất thực hiện chung trên toàn quốc.
Ban hành quy định và hướng dẫn trình tự, thủ tục lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà tự dùng; Các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về điện gió, điện mặt trời...
Bộ, ngành chủ động nêu giải pháp tháo gỡ
Trong khuôn khổ Hội nghị, các Bộ: Công thương, Bộ TN&MT, NN&PTNT, Xây dựng đã chia sẻ, giải đáp các vướng mắc, kiến nghị cụ thể của từng địa phương trên nhiều lĩnh vực như: Đầu tư công, đầu tư xây dựng các dự án NƠXH; Quy hoạch, quy hoạch đô thị, dự án điện mặt trời…
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đánh giá cao sự chuyển biến tích cực của 3 tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang trong phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư xây dựng... thời gian vừa qua, đồng thời ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng của các địa phương trong việc đưa ra giải pháp, chủ động tháo gỡ khó khăn đưa kinh tế - xã hội các địa phương phát triển.
Đối với các kiến nghị của các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng, các ý kiến trả lời của các bộ, ngành đều rất sát vấn đề.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, sẽ tiếp tục lắng nghe, ghi nhận thêm ý kiến của từng địa phương trên nguyên tắc giải đáp, tháo gỡ. Đặc biệt, sau Hội nghị này, các bộ, ngành sẽ tổng hợp các ý kiến và sẽ có văn bản phản hồi chính thức gửi đến các địa phương.
Cụ thể, đối với các vấn đề thuộc thẩm quyền của bộ, ngành sẽ ghi nhận và phản hồi chính thức bằng văn bản cho các địa phương. Đối với các vấn đề vượt thẩm quyền sẽ báo cáo Chính phủ và các cơ quan cấp trên để xem xét, giải quyết.