Cần giải pháp điều trị bệnh “sợ trách nhiệm”
Sáng 31/5, tại Kỳ họp thứ V, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước và một số vấn đề quan trọng khác. Nhiều ý kiến đại biểu đặc biệt quan tâm đến bổ sung nguồn lực cho nền kinh tế, tuy nhiên cũng có những ý kiến nêu lên một số tồn tại, hạn chế làm cản trở sự phát triển kinh tế của đất nước.
Đại biểu Trần Quốc Tuấn - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh cho rằng, cần có giải pháp cho căn bệnh “sợ trách nhiệm” là một trong số tồn tại hiện nay làm cản trở sự phát triển của nền kinh tế. Từ trước tới nay không xuất hiện hiện tượng cán bộ có tâm lý sợ trách nhiệm, đến nay mới xuất hiện, lan rộng từ Trung ương đến địa phương và tiếp tục lan rộng từ khu vực công đến khu vực tư.
Do vậy, cần xác định nguyên phát của căn bệnh này để điều trị hiệu quả, đồng nghĩa với việc cần phân hóa, phân định rõ một bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm ấy gồm những cán bộ nào và nguyên nhân nào dẫn đến sự tồn tại của một bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm.
Đại biểu Trần Quốc Tuấn cho rằng, có hai nhóm cán bộ: Một là nhóm cán bộ suy thoái về tư tưởng chính trị, cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai, cán bộ không muốn làm vì không có lợi ích; Hai là những cán bộ sợ vi phạm pháp luật nên không dám làm.
Đề xuất Quốc hội, Chính phủ quan tâm, tập trung nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung đầy đủ quy định pháp luật, đặc biệt là các văn bản dưới luật, đảm bảo tính chặt chẽ, thống nhất, dễ áp dụng để các địa phương, đơn vị, tổ chức, cá nhân có thể triển khai thực hiện được ngay.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền nhiều hơn nữa (Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo nhưng đến nay vẫn chưa có chuyển biến), để giảm bớt áp lực, gánh nặng cho các cơ quan cấp trên, đồng thời tăng cường trách nhiệm cho các địa phương và cơ quan cấp dưới. Đồng thời, tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát để hướng dẫn, nhắc nhở, đôn đốc thực thi công vụ có hiệu quả.
Dùng công cụ tài khóa hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp
Các đại biểu Quốc hội cũng đồng thời chỉ rõ những khó khăn và yếu tố bất lợi tác động đến chỉ tiêu năm 2023 như: Đầu tư công triển khai chậm, tiêu dung và xuất khẩu giảm, thị trường xuất khẩu và đơn đặt hàng bị thu hẹp, nguồn lực của doanh nghiệp suy giảm nhiều…
Đại biểu Ma Thị Thúy - Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm triển khai một số giải pháp như: Sớm rà soát toàn diện các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đang được triển khai, xem chính sách nào hiệu quả, chính sách nào chưa thực sự hiệu quả để tạm dừng hoặc có biện pháp thay đổi kịp thời để bổ sung nguồn lực cho nền kinh tế. Trong đó, biện pháp nhanh nhất, hiệu quả nhất và doanh nghiệp dễ hấp thụ nhất trong lúc này chính là dùng công cụ tài khóa để hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp như giảm lãi suất ngân hàng, giảm tiền thuê đất, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; giảm, giãn, miễn lãi chậm nộp bảo hiểm xã hội...
Có cơ chế, chính sách riêng, cụ thể về đầu tư công; quyết tâm, sát sao hơn nữa để gỡ các vướng mắc nhất là các vướng mắc về thể chế, văn bản hướng dẫn cho các địa phương.
Đẩy mạnh phân cấp, giao quyền về cho địa phương chủ động thực hiện và tự chịu trách nhiệm như là việc phân cấp chuyển mục đích sử dụng đất lúa, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công và bám sát, đánh giá đúng tình hình, chú trọng nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án, chuẩn bị tốt mặt bằng sạch cho thi công.
Theo đại biểu Đặng Xuân Phương - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An, trong công tác chỉ đạo, điều hành vĩ mô của Chính phủ, cần kiên trì quan điểm tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao hiệu quả đầu tư, nhất là đầu tư công; cơ cấu lại và phát triển lành mạnh các loại thị trường, trong đó quan trọng nhất là cơ cấu lại thị trường bất động sản, đất đai và các tài nguyên khác theo hướng sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả.
Ngoài ra, trên cơ sở dự báo kinh tế cần có khuyến cáo để các doanh nghiệp và hộ gia đình chủ động hạn chế đầu tư, mở rộng năng lực sản xuất; cần tổ chức lại sản xuất theo hướng sử dụng lao động luân phiên, hạn chế việc sa thải đột ngột gây ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của người lao động; xây dựng hệ thống chỉ tiêu cảnh báo đối với các ngành nghề dư thừa năng lực có nguy cơ suy thoái trong dài hạn…
Kết thúc phiên thảo luận sáng 31/5, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị các đại biểu tiếp tục phát biểu thêm về các vấn đề mới trong phiên họp chiều 31/5.
Cũng trong chiều 31/5, một số Bộ trưởng, trưởng ngành sẽ phát biểu giải trình, trao đổi một số vấn đề các đại biểu Quốc hội quan tâm.