Mối đe dọa môi trường và sức khỏe
Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 mang đến những tiện ích vượt bậc, nhưng đồng thời cũng kéo theo hệ lụy về rác thải điện tử. Điện thoại, máy tính, tivi, tủ lạnh… sau một thời gian sử dụng nhanh chóng trở thành đồ phế thải. Theo thống kê của Bộ TN&MT, Việt Nam phát sinh khoảng 100.000 tấn rác thải điện tử mỗi năm. Con số này dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong bối cảnh người dân có xu hướng thay mới thiết bị nhiều hơn để bắt kịp xu hướng công nghệ.
Rác thải điện tử tại Việt Nam phần lớn được thải bỏ không qua phân loại hoặc xử lý đúng cách, dẫn đến nguy cơ rò rỉ các chất độc hại ra môi trường. Ngoài ra, hạ tầng tái chế và xử lý rác thải điện tử ở nước ta còn rất hạn chế, đa phần chỉ dừng lại ở mức thủ công. Điều này khiến các kim loại nặng và hóa chất độc hại trong các sản phẩm điện tử trở thành một mối đe dọa lớn, cả đối với môi trường lẫn sức khỏe cộng đồng.
Thực tế, rác thải điện tử chứa một lượng lớn chất độc hại như chì, thủy ngân, cadmium và các hợp chất brom hóa. Khi không được xử lý đúng cách, những chất này có thể ngấm vào đất, nước, và không khí, gây ra những tác động lâu dài. Theo một nghiên cứu từ Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội, các kim loại nặng từ rác thải điện tử dễ dàng xâm nhập vào nguồn nước ngầm, dẫn đến ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của con người mà còn làm suy giảm chất lượng đất, gây thiệt hại lớn cho ngành nông nghiệp.
Đặc biệt, việc đốt rác thải điện tử không qua xử lý để tái chế kim loại quý là nguyên nhân gây ra các loại khí độc như dioxin và furan. Những loại khí này không chỉ góp phần vào hiệu ứng nhà kính mà còn gây tổn thương nghiêm trọng đến hệ hô hấp của con người. Các khu vực tập trung bãi rác điện tử ở Việt Nam, như làng tái chế Minh Khai (Hưng Yên), đã ghi nhận mức độ ô nhiễm không khí vượt ngưỡng an toàn nhiều lần.
Các chuyên gia y tế cảnh báo rằng, tiếp xúc lâu dài với các chất độc hại từ rác thải điện tử có thể gây ra các bệnh lý nghiêm trọng như tổn thương thần kinh, suy giảm miễn dịch, và thậm chí là ung thư. Trẻ em, đối tượng nhạy cảm nhất, có nguy cơ bị rối loạn phát triển và dị tật bẩm sinh nếu sống gần các khu vực ô nhiễm.
Cụ thể, một trong các nghiên cứu được công bố trong hội thảo quốc gia về công nghệ xử lý chất thải đô thị và khu công nghiệp Hà Nội cho thấy, các kim loại và hợp chất độc hại trong rác thải điện tử có khả năng gây ra các đột biến làm rối loạn quá trình trao đổi chất, gây ra những khuyết tật trong tế bào và cơ thể sống dẫn đến một số chứng bệnh viêm nhiễm, ung thư, rối loạn nội tiết.
Chẳng hạn, chì từ hoạt động tái chế rác thải điện tử có thể khiến phụ nữ mang thai sinh non hoặc thai chết lưu; có thể gây tổn thương não, hệ thần kinh dẫn đến suy giảm nhận thức của trẻ em. Còn nhiễm độc thủy ngân có thể gây đau bụng nôn mửa hoặc bệnh thiếu máu…
Nhưng điều nguy hiểm hơn ngoại trừ một số hợp chất hữu cơ dễ bay hơi, tạo mùi có thể phát hiện bằng cảm quan để phòng tránh. Còn lại đại đa số các động tố trong chất thải rắn điện tử là không mùi, không vị, điều đó càng tạo nên tâm lý chủ quan đối với những người tiếp xúc trực tiếp khiến hậu quả càng trở nên khó lường hơn.
Giải pháp cấp bách trong xử lý rác thải điện tử
Thực tế đáng buồn là hoạt động tái chế, xử lý rác thải điện tử tại Việt Nam còn nhiều bất cập. Phần lớn rác thải điện tử được xử lý bởi các cơ sở nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu, thiếu quy trình xử lý chuẩn.
Hình ảnh những bãi rác điện tử ngổn ngang, hoạt động đốt, tháo dỡ thiết bị điện tử thủ công diễn ra phổ biến ở nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe người dân sống xung quanh. Thiếu hụt cơ sở xử lý đạt chuẩn, thiếu kinh phí đầu tư công nghệ, cùng với nhận thức của người dân về phân loại rác tại nguồn chưa cao là những nguyên nhân khiến tình trạng này chưa được cải thiện.
Trước thực trạng này, việc xây dựng và phát triển các cơ sở tái chế đạt chuẩn là yêu cầu cấp thiết. Theo các chuyên gia, Việt Nam cần đầu tư vào công nghệ tái chế hiện đại để tận dụng tối đa các vật liệu quý trong rác thải điện tử, đồng thời giảm thiểu tác động môi trường. Học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển, Việt Nam cũng nên thúc đẩy các chính sách "trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất" (EPR), yêu cầu doanh nghiệp thu hồi và tái chế sản phẩm điện tử cũ.
Bà Lê Thị Ngọc Dung từ Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam đề xuất cần xây dựng các nhà máy tái chế rác thải điện tử hiện đại với quy mô lớn, có khả năng thu hồi các kim loại quý, từ đó giải quyết hiệu quả lượng rác thải phát sinh. Đồng thời, các mô hình tái chế tự phát cần được nâng cấp thành hệ thống thu gom, phân loại có kiểm soát, bảo đảm hiệu quả và an toàn.
Ông Hoàng Đức Thảo - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam, nhấn mạnh rằng cần chuyển đổi các nghiên cứu khoa học thành ứng dụng thực tiễn ở quy mô công nghiệp. Các cơ sở xử lý rác thải điện tử được cấp phép phải tuân thủ quy trình tái chế chung, bảo đảm mọi vật liệu đều được xử lý hiệu quả, hạn chế thất thoát tài nguyên.
Bên cạnh đó, việc xây dựng hành lang pháp lý cũng rất quan trọng. Việt Nam cần sớm ban hành luật quản lý rác thải điện tử và chính quy hóa hoạt động tái chế. Điều này bao gồm việc thiết lập hệ thống thu hồi sản phẩm điện tử thải bỏ theo đúng quy định pháp luật, nhằm kiểm soát nguồn gốc và tiết kiệm chi phí trong công tác thu gom, vận chuyển. Các doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu cũng cần đầu tư vào nghiên cứu và phát triển giải pháp tái sử dụng sản phẩm điện tử đã qua sử dụng.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cam kết tiếp tục hỗ trợ các địa phương và đơn vị tái chế trong công tác thu gom và xử lý rác thải điện tử. Ngoài ra, Bộ cũng đang hoàn thiện các chính sách nhằm nâng cao hiệu quả quản lý rác thải điện tử và tăng cường kiểm tra, giám sát trách nhiệm của các nhà sản xuất và nhập khẩu theo quy định hiện hành.
Rác thải điện tử không chỉ là vấn đề về môi trường mà còn đặt ra những thách thức lớn về sức khỏe, kinh tế và xã hội. Giải quyết vấn đề này đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ giữa chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng. Đầu tư vào cơ sở hạ tầng tái chế, nâng cao nhận thức xã hội, cùng việc thực thi các chính sách quản lý hiệu quả là những bước đi cần thiết.
Điều 54, 55 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã đưa ra những quy định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu đối với việc tái chế, xử lý các sản phẩm thải bỏ. Theo đó từ ngày 1/2/2025, các loại chất thải điện, điện tử như máy tính bảng, máy tính xách tay, máy tính để bàn, điện thoại di động... nhà sản xuất, nhà nhập khẩu phải có trách nhiệm tái chế theo tỷ lệ và quy cách bắt buộc.
Nguồn: Kinh tế & Đô thị