
1. Mở đầu
Hoạt động thanh quyết toán đóng vai trò huyết mạch trong ngành công nghiệp xây dựng [1] và việc thực hiện thanh quyết toán hiệu quả, đúng hạn là nhân tố quan trọng tác động đến sự thành công của dự án [2].
Theo thống kê của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), từ năm 2015 đến tháng 7/2021, có đến 143 vụ tranh chấp hợp đồng xây dựng chiếm 12% tổng số tranh chấp tại Việt Nam liên quan đến hoạt động thanh quyết toán với tổng giá trị lên tới 10.000 tỷ đồng [3].
Khi bên giao thầu không thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo thỏa thuận hợp đồng [4] [5] thì bên nhận thầu cụ thể là các nhà thầu sẽ đối diện với rủi ro thanh quyết toán. Mặt khác, rủi ro thanh quyết toán cũng có thể xảy ra do lỗi của chính các nhà thầu [6] [7]. Mbachu [8] đã chỉ ra rằng hành vi và sự thiếu sót của các bên liên quan, bao gồm: chủ đầu tư; nhà thầu; tư vấn và nhà cung cấp gây ra rủi ro thanh quyết toán cho nhà thầu với tỷ trọng lần lượt 24%; 36%; 37% và 3%.
Chủ đầu tư và các nhà thầu đều phải đối diện với rủi ro thanh quyết toán và gánh chịu hậu quả với các mức độ khác nhau. Vì vậy, tất cả các bên trong hợp đồng phải nhận thức rõ về những nguồn rủi ro thanh quyết toán khi thực hiện hợp đồng xây dựng [9] và các cơ sở pháp lý nhằm bảo vệ quyền lợi của chính mình.
2. Nguồn rủi ro thanh quyết toán cho nhà thầu trong ngành công nghiệp xây dựng Việt Nam
Tác giả đã kết hợp phương pháp định tính và định lượng bao gồm: nghiên cứu tài liệu, phỏng vấn, khảo sát, thống kê mô tả để xác định các nguồn rủi ro thanh quyết toán cho nhà thầu khi tham gia thị trường ngành công nghiệp xây dựng Việt Nam và xếp hạng tầm quan trọng các nguồn rủi ro này trên cơ sở giá trị trung bình.
Thang đo likert 5 mức được sử dụng để tiến hành khảo sát đánh giá khả năng xảy ra rủi ro thanh quyết toán cho nhà thầu (1: hiếm; 2: không có khả năng; 3: có thể; 4: có khả năng; 5: rất có khả năng) và tác động của rủi ro này (1: rất thấp; 2: thấp; 3: trung bình; 4: cao; 5: rất cao).
21 nhân tố gây nên rủi ro thanh quyết toán cho nhà thầu được phân chia thành 6 nhóm nguồn rủi ro, gồm: hành vi của các bên liên quan chính; đặc điểm và các ràng buộc của dự án; các điều khoản hợp đồng; quy định pháp luật; sự kiện bất khả kháng và các điều kiện kinh tế. Đối tượng tham gia khảo sát đa dạng, tham gia vào nhiều dự án đầu tư xây dựng và có đến 59% là những chuyên gia có hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc.
Kết quả nghiên cứu [9] chỉ ra rằng “Hành vi của các bên liên quan chính” gồm: chủ sở hữu; nhà thầu; tư vấn và nhà cung cấp là nguồn quan trọng nhất gây nên rủi ro thanh quyết toán cho nhà thầu.
Kế tiếp đến “Các điều khoản hợp đồng” là nguồn rủi ro được xếp hạng quan trọng thứ hai trong khi các nguồn rủi ro “Đặc điểm và các ràng buộc của dự án” và “Quy định pháp luật” đóng vai trò là nhân tố quan trọng lần lượt thứ ba và thứ tư.
“Sự kiện bất khả kháng” và “Điều kiện kinh tế” có mức độ quan trọng được đánh giá thấp nhất trong kết quả xếp hạng các rủi ro thanh quyết toán cho nhà thầu trong ngành công nghiệp xây dựng Việt Nam.
Trong thị trường ngành công nghiệp xây dựng Việt Nam, nghiên cứu đã phát hiện ra rằng hành vi của nhà thầu là nhân tố lớn nhất gây nên rủi ro thanh quyết toán và hành vi của chủ đầu tư xếp hạng thứ hai trong số các nhân tố thuộc nguồn rủi ro quan trọng nhất “Hành vi của các bên liên quan chính”.
Phát hiện này có khác biệt so với nghiên cứu trước đây đối với thị trường xây dựng tại New Zealand, ông J. Mbachu chỉ ra rằng chủ đầu tư là chủ thể lớn nhất gây nên rủi ro thanh quyết toán và nhà thầu (thầu chính và thầu phụ) là chủ thể được xếp hạng thứ hai.
Hơn nữa, khi xem xét trong tổng thể 21 nhân tố gây nên rủi ro thanh quyết toán cho nhà thầu tại thị trường xây dựng Việt Nam, Hành vi của nhà thầu và hành vi của chủ đầu tư được xếp hạng quan trọng lần lượt là thứ ba và thứ tư.
Tất cả các vi phạm cam kết hợp đồng của nhà thầu có liên quan đến tiến độ, chất lượng và những yêu cầu khác đều gây nên rủi ro thanh quyết toán cho chính họ. Nguyên nhân chính gây nên các vi phạm này do bởi năng lực và kinh nghiệm không đầy đủ của nhà thầu.
Bên cạnh đó, sự không hợp lệ và không đầy đủ trong các yêu cầu thanh quyết toán của các nhà thầu cũng là nguyên nhân dẫn đến rủi ro thanh quyết toán cho chính họ. Cụ thể, báo cáo của VIAC [7] chỉ ra một số nguyên nhân chủ yếu thường dẫn đến việc chủ đầu tư từ chối thanh toán cho nhà thầu gồm: khối lượng thi công và đơn giá chưa được xác định; chưa đệ trình đủ hồ sơ đối với hạng mục phát sinh và những hạng mục này chưa được phê duyệt bởi chủ đầu tư; hồ sơ nghiệm thu và bàn giao công trình chưa có; sự không hợp lệ của hồ sơ thanh toán; biên bản nghiệm thu được ký tên không đầy đủ các thành phần theo quy định; người ký biên bản nghiệm thu không có thẩm quyền; chất lượng thi công không đảm bảo; chậm tiến độ thi công; hồ sơ được lập và xác nhận không đúng thẩm quyền.
Quy định pháp luật Việt Nam về bảo vệ thanh toán của nhà thầu chưa được tuân thủ nghiêm ngặt bởi các bên do thiếu chế tài thực tế để buộc họ phải tuân thủ các điều khoản thanh toán theo hợp đồng xây dựng bởi mức phạt từ 80 - 100 triệu đồng đối với hành vi vi phạm hợp đồng được ban hành tại Điểm c Khoản 2 Điều 19 Nghị định số 16/2022/NĐ-CP [10] chưa đủ sức răn đe để ngăn chặn tất cả các bên phá vỡ thỏa thuận về thanh quyết toán trong hợp đồng xây dựng [11].
Tình trạng mất khả năng thanh toán nhất là trong bối cảnh cùng lúc thực hiện nhiều dự án đã khiến chủ đầu tư không thể thực hiện được nghĩa vụ thanh quyết toán theo thỏa thuận hợp đồng xây dựng và điều này gây khó khăn về tài chính cho nhà thầu trong kinh doanh [9].
Khoản 2 Điều 27 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP quy định nghiêm cấm bên giao thầu ký kết hợp đồng xây dựng khi chưa có kế hoạch vốn để thanh toán theo thỏa thuận thanh toán trong hợp đồng (trừ các công trình xây dựng theo lệnh khẩn cấp), nhưng điều này cũng không đảm bảo rằng nhà thầu sẽ được thanh toán đúng hạn và đầy đủ giá trị bởi chủ đầu tư.
Nghiêm trọng hơn, chủ đầu tư cố tình kéo dài thời hạn thanh quyết toán cho nhà thầu đối với các khối lượng, các công trình đã thực hiện hoặc thậm chí cố tình đẩy nhà thầu vào tình thế khó khăn trong việc nhận được khoản thanh quyết toán kịp thời mặc dù chủ đầu tư hoàn toàn có khả năng thanh toán tốt [9].
Thực tế, báo cáo của VIAC [7] cho thấy đã xảy ra trường hợp nhà thầu thực hiện nhiều dự án cùng lúc, nhưng vì chưa được quyết toán hợp đồng thuộc một dự án này nên chủ đầu tư lại tiếp tục viện dẫn rằng do có tranh chấp nên không tiếp tục thanh toán các hợp đồng thuộc dự án khác cũng do cùng nhà thầu trên thi công.
Bên cạnh đó, nghiên cứu đã cho thấy sự thiếu kỹ lưỡng trong công tác chuẩn bị đàm phán và nhà thầu không có bộ phận pháp chế hoặc sự đóng góp/tham gia yếu của bộ phận pháp chế là các nhân tố có mức độ quan trọng nhất trong nhóm nguồn rủi ro “Các điều khoản hợp đồng”.
Thiếu sự chuẩn bị kỹ lưỡng trong đàm phán dẫn đến hợp đồng xây dựng được hình thành kém chất lượng, không thiết lập được nền tảng cho việc thực hiện hợp đồng đúng hạn và hiệu quả.
Chỉ trừ khi phát sinh tranh chấp, nhà thầu gần như không đọc các điều khoản hợp đồng xây dựng, vì thế nhà thầu không phát hiện những điều khoản không hợp lý, không rõ ràng thậm chí là những điều khoản bất lợi về thanh quyết toán cho nhà thầu [12] mà bên giao thầu cố tình đặt ra và đưa vào trong hợp đồng, chẳng hạn như việc sử dụng điều khoản “trả khi được thanh toán (pay when paid)”.
Che Munaaim [13] đã phát hiện ra rằng việc sử dụng điều khoản “trả khi được thanh toán” trong hợp đồng là yếu tố chính gây ra tình trạng chậm thanh toán và không thanh toán trong ngành xây dựng của Malaysia. Vì vậy để bảo vệ quyền lợi của nhà thầu, Đạo luật thanh toán và xét xử ngành xây dựng 2012 - Đạo luật 746 (CIPAA 2021) của Malaysia và cụ thể là Mục 35.
Cấm thanh toán có điều kiện [14] đã khiến cho tất cả các điều khoản “trả khi được thanh toán” đều trở nên vô hiệu đối với các hợp đồng xây dựng được ký kết kể từ sau khi CIPAA 2021 chính thức có hiệu lực thi hành.
Theo Điểm 8, Khoản 8, Điều 146 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 và Điều 45 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP, các bên có thể tự thương lượng giải quyết tranh chấp và tranh chấp của họ sẽ được giải quyết theo trình tự thông qua hòa giải, trọng tài thương mại hoặc tòa án theo quy định của pháp luật trong trường hợp tự thương lượng không thành công.
Tuy nhiên, mọi tranh chấp phát sinh đều gây tốn kém về tiền bạc và các nguồn lực khác cho tất cả các bên của hợp đồng xây dựng. Nhà thầu không có bộ phận pháp chế hoặc sự đóng góp/tham gia yếu của bộ phận pháp chế có thể dẫn đến tình trạng các nhà thầu không biết được văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành, không kiểm tra được hiệu lực của văn bản, không kịp thời tiếp cận được với nội dung của văn bản mới, không hiểu được nội dung của văn bản pháp luật mới, … và điều này có thể gây nên rủi ro thanh quyết toán cho chính họ.
Tuy nhiên, sự đóng góp/tham gia của bộ phận pháp chế không phải triệt để và sâu rộng trong tất cả các giai đoạn của dự án, do đó Nhà thầu không có bộ phận pháp chế hoặc sự đóng góp/tham gia yếu của bộ phận pháp chế chỉ là một trong số các nguyên nhân dẫn đến rủi ro thanh quyết toán đối với nhà thầu.
3. Cơ sở pháp lý Việt Nam bảo vệ quyền lợi thanh quyết toán cho nhà thầu trong ngành công nghiệp xây dựng
Đến nay, quyền lợi thanh quyết toán của nhà thầu được bảo vệ bởi những văn bản quy phạm pháp luật bao gồm các Bộ luật/Luật, các Nghị định, các Thông tư và một số văn bản pháp luật hiện hành khác [11], chẳng hạn như: Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13; Luật Xây dựng số 50/2014/QH13; Luật số 62/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; Nghị định số 37/2015/NĐ-CP quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng; Nghị định số 50/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2015/NĐ-CP ngày 22/4/2015 của Chính phủ quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng; Nghị định số 10/2021 về quản lý chi phí đầu tư xây dựng; Nghị định số 16/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng [10]; Thông tư số 02/2023/TT-BXD hướng dẫn một số nội dung về hợp đồng xây dựng [15]; …
Nhà thầu có quyền yêu cầu bên giao thầu thực hiện nghĩa vụ thanh quyết toán theo các điều khoản hợp đồng xây dựng đã ký kết và chủ đầu tư có nghĩa vụ tổ chức nghiệm thu, thanh quyết toán hợp đồng xây dựng (Điểm đ Khoản 2 Điều 112 và Điểm c Khoản 1 Điều 113 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13; Khoản 3 Điều 47 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP, Điều 3 Thông tư số 02/2023/TT-BXD).
Các quyền và nghĩa vụ đã được ban hành này bảo đảm các nhà thầu bao gồm cả tổng thầu và nhà thầu phụ đều được thanh toán đúng hạn cho các công việc họ thực hiện theo thỏa thuận hợp đồng đã ký kết.
Bên giao thầu phải thanh toán đủ giá trị của từng lần thanh toán cho bên nhận thầu sau khi đã giảm trừ tiền tạm ứng, tiền bảo hành công trình theo thỏa thuận hợp đồng, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Giá trị của từng đợt thanh toán, sau khi trừ đi khoản thanh toán trước và chi phí bảo hành theo thỏa thuận trong hợp đồng, sẽ được thanh toán cho nhà thầu, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác (Khoản 3 Điều 144 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 và Khoản 3 Điều 19 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP).
Việt Nam đã có những quy định pháp luật về bảo đảm quyền lợi thanh quyết toán cho nhà thầu, nhưng hiện vẫn chưa hoàn thiện và chưa đủ tính răn đe để hạn chế việc bên giao thầu vi phạm các điều khoản liên quan đến thanh quyết toán được nêu trong hợp đồng xây dựng, ví như: Điểm b Khoản 2 Điều 138 của Luật xây dựng số 50/2014/QH13 [16] cũng như Khoản 2 Điều 17 của Nghị định số 37/2015/NĐ-CP [17] đã quy định rằng bên giao thầu chỉ được phép ký kết hợp đồng xây dựng khi bảo đảm có đủ vốn để thanh toán theo thỏa thuận của hợp đồng.
Nhưng bất cập ở điểm, hiện không có bất kỳ cơ chế kiểm soát nào có thể kiểm tra được thực hư sự tồn tại của các nguồn vốn được đề cập đến trong kế hoạch bố trí vốn đã được phê duyệt và dẫn đến nhà thầu có thể sẽ không được thanh quyết toán đúng hạn, có thể chỉ nhận được một phần giá trị hoặc thậm chí là không nhận được bất kỳ đồng nào từ bên giao thầu.
Rủi ro thanh quyết toán cho nhà thầu được ngăn ngừa bởi đảm bảo nghĩa vụ thanh toán hợp đồng xây dựng của bên giao thầu với bên nhận thầu theo quy định tại Khoản 1 Điều 17 của Nghị định số 37/2015/NĐ-CP và một số quy định về bảo lãnh được quy định từ Điều 335 đến Điều 343 Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 [18].
Tuy nhiên, với bảo lãnh thanh toán, nhà thầu có thể vẫn không được thanh toán bởi bên bảo lãnh mặc dù bên bảo lãnh đã nhận được văn bản yêu cầu thực hiện nghĩa vụ thanh toán của nhà thầu.
Nguyên nhân không thực hiện nghĩa vụ thanh toán được bên bảo lãnh viện dẫn bởi các điều khoản vô lý và không rõ ràng đã được chính bên bảo lãnh đưa vào trong bảo lãnh thanh toán một cách cố ý nhưng không được nhà thầu phát hiện khi thương thảo và đàm phán, chẳng hạn như: để được thanh toán thì nhà thầu cần có xác nhận của bên giao thầu.
Do đó, để phòng tránh rủi ro này cần có sự tham gia sâu sát của bộ phận pháp chế nhà thầu không chỉ trong soạn thảo hợp đồng mà còn trong thương thảo, đàm phán hợp đồng [12].
Bên cạnh đó, để bảo vệ quyền lợi thanh quyết toán cho nhà thầu, Khoản 10 Điều 19 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP có quy định thời hạn thanh toán không được kéo dài quá 14 ngày làm việc kể từ ngày bên giao thầu nhận đủ hồ sơ thanh toán hợp lệ theo thỏa thuận trong hợp đồng.
Đặc biệt là các quy định về nghiêm cấm nhằm bảo vệ quyền lợi thanh quyết toán cho nhà thầu tối đa, cụ thể: Khoản 11 Điều 19 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP nghiêm cấm bên giao thầu không thanh toán đầy đủ hoặc không đúng thời hạn theo các thỏa thuận trong hợp đồng cho bên nhận thầu; Khoản 3 Điều 34 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP [19] nghiêm cấm cơ quan thanh toán vốn đầu tư và chủ đầu tư tự đặt ra các quy định trái pháp luật trong việc thanh toán vốn đầu tư xây dựng.
Tuy nhiên, các quy định nghiêm cấm nhằm bảo vệ quyền lợi thanh quyết toán cho nhà thầu này được quy định một cách rải rác tại một số Khoản của các văn bản dưới Luật mà chưa được quy định cụ thể tại nội dung các hành vi nghiêm cấm của Luật. Do đó, tính răn đe của các quy định nghiêm cấm này chưa đủ cao để các bên của hợp đồng xây dựng chấp hành nghiêm túc.
Ngoài ra, để ngăn ngừa rủi ro thanh quyết toán và bảo vệ quyền lợi thanh quyết toán cho nhà thầu, các văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam đã có quy định về việc bên giao thầu có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng cũng như quyền và nghĩa vụ của nhà thầu về việc yêu cầu bồi thường thiệt hại do bên giao thầu xây dựng gây ra (Điểm k Khoản 2 Điều 112, Điểm đ Khoản 1 Điều 113 và Điểm d Khoản 4 Điều 146 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13; Điểm c Khoản 1 Điều 28 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP). Đồng thời, theo Khoản 2 Điều 43 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP quy định khi bên giao thầu thanh toán không đúng thời hạn và không đầy đủ theo thỏa thuận trong hợp đồng thì phải bồi thường cho bên nhận thầu theo lãi suất quá hạn do ngân hàng thương mại nơi bên nhận thầu mở tài khoản thanh toán công bố tương ứng với các thời kỳ chậm thanh toán và lãi chậm thanh toán được tính từ ngày đầu tiên chậm thanh toán cho đến khi bên giao thầu đã thanh toán đầy đủ cho bên nhận thầu, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Hơn nữa, theo Điểm b Khoản 1 Điều 145 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 và Điểm b Khoản 2 Điều 40 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP có quy định về việc nhà thầu có quyền tạm dừng thực hiện hợp đồng xây dựng và kéo dài tiến độ thực hiện hợp đồng khi bên giao thầu vi phạm các thỏa thuận về thanh toán cụ thể như: Không thanh toán đủ cho bên nhận thầu giá trị của giai đoạn thanh toán mà các bên đã thống nhất vượt quá 28 ngày kể từ ngày hết hạn thanh toán.
Không chỉ vậy, nhà thầu thậm chí còn có quyền chấm dứt hợp đồng khi vượt quá thời hạn thanh toán đã thỏa thuận kể từ ngày bên giao thầu nhận đủ hồ sơ thanh toán hợp lệ mà bên giao thầu vẫn không thanh toán cho nhà thầu, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác (Điểm c Khoản 3 Điều 145 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 và Điểm c Khoản 8 Điều 41 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP).
Cuối cùng, theo quy định tại Khoản 3 và Khoản 4 Điều 44 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP, trong vòng 56 ngày kể từ khi bên giao thầu vi phạm các điều khoản hợp đồng về thanh quyết toán, nhà thầu phải gửi ngay thông báo cho bên giao thầu và khiếu nại để yêu cầu bên giao thầu thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng đã ký kết.
Khi đó, trong vòng 28 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại của nhà thầu, bên giao thầu phải trả lời khiếu nại của nhà thầu và nếu không có ý kiến thì xem như bên giao thầu đã chấp thuận với những nội dung khiếu nại của nhà thầu.
Khi phát sinh tranh chấp, bên giao thầu và bên nhận thầu sẽ tự thương lượng để giải quyết tranh chấp (Điểm 8, Khoản 8, Điều 146 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 và Khoản 1 Điều 45 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP) và nếu các bên hợp đồng không tự thương lượng được có thể chọn hoặc hòa giải hoặc trọng tài thương mại hoặc tòa án để giải quyết tranh chấp (Khoản 2 và Khoản 3 Điều 45 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP).
Như vậy có thể thấy rằng hành lang pháp lý Việt Nam hiện hành bảo vệ quyền lợi thanh quyết toán cho nhà thầu tương đối đầy đủ nhưng vẫn tồn tại một số bất cập dẫn đến các bên chưa nghiêm túc chấp hành các điều khoản của hợp đồng xây dựng.
4. Kết luận
Nghiên cứu chỉ ra rằng sự thiếu kỹ lưỡng trong công tác chuẩn bị đàm phán; Nhà thầu không có bộ phận pháp chế hoặc sự đóng góp/tham gia yếu của bộ phận pháp chế; Hành vi của nhà thầu; Hành vi của chủ đầu tư là 04 nguồn chính gây nên rủi ro thanh quyết toán cho nhà thầu và đây là cơ sở khoa học để các nhà thầu khi tham gia vào thị trường xây dựng Việt Nam cần có những giải pháp phù hợp, hiệu quả và khả thi nhằm bảo vệ quyền lợi của chính các nhà thầu.
Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng đã cung cấp một góc nhìn tổng quan về cơ sở pháp lý Việt Nam hiện hành bảo vệ quyền lợi thanh quyết toán cho nhà thầu khi tham gia thị trường xây dựng và đã chỉ ra một số bất cập của các quy định pháp luật này nhằm làm cơ sở đề xuất hoàn thiện hành lang pháp lý bảo vệ quyền lợi thanh quyết toán các bên hợp đồng xây dựng.
Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu mới chỉ ra được các nguồn rủi ro thanh quyết toán đối với nhà thầu một cách khái quát mà chưa nghiên cứu phân tích chi tiết gốc rễ rủi ro thanh quyết toán tương ứng với mỗi nguồn này. Hơn nữa, nghiên cứu chưa tiến hành phân tích xác định rủi ro thanh quyết toán gốc rễ đối với nhà thầu theo từng giai đoạn của vòng đời dự án.
Vì vậy, để giải quyết được những hạn chế này, trong thời gian tới tác giả tiếp tục tiến hành các nghiên cứu về rủi ro thanh quyết toán đối với nhà thầu sâu hơn và chi tiết hơn nhằm làm cơ sở để đề xuất các công cụ/nguyên tắc có thể áp dụng được vào thực tiễn và mang lại hiệu quả.
* Đầu đề do Tòa soạn đặt - Xem file PDF tại đây
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. M. F. Hasmori, I. Ismail and I. Said, "Issues of Late and Non - Payment Amon Contractors in Malaysia," in 3rd International Conference on Business and Economic Research, Bandung, Indonesia, 2012.
2. N. Naseem, "A Construction Industry Payment and Adjudication Act - Reducing Payment-Default and Increasing Dispute Resolution Efficiency," International Forum Construction Industry Payment and Adjudication Act Kuala Lumpur: CIDB and ISM, 2006.
3. C. Bắc, "Giải quyết hiệu quả tranh chấp trong các hợp đồng tổng thầu EPC - Khơi thông tắc nghẽn tại các dự án trọng điểm của Việt Nam," Hồ Chí Minh, 2019.
4. K. D. Vo, P. T. Nguyen and L. H. T. T. Nguyen, "Disputes in Managing Projects: A Case Study of Construction Industry in Vietnam," The Journal of Asian Finance, Economics and Business, pp. 635-644, 2020.
5. H. Wenfa, C. Jianguo, R. Zhaomin and W. George, "Identification and control of payment risks in international construction projects," in the International Conference on Multi-national Construction Project, Shanghai, 2008.
6. N. Mohamad, A. S. Suman and H. Hashim, "Mitigating delay and non-payment in the Malaysian construction industry.," in IOP Conference Series: Earth and Environmental Science, 2018.
7. VIAC, "Vi phạm thanh toán chiếm đến 66% tranh chấp hợp đồng xây dựng," Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, Hà Nội, 2022.
8. J. Mbachu, "Sources of contractor’s payment risks and cash flow problems in the New Zealand construction industry: project team’s perceptions of the risks and mitigation measures," Construction Management and Economics, pp. 1027-1041, 2011.
9. D. Vuong, T. Huynh and P. Tran, "Sources of Payment Risks to Contractors in theVietnam Construction Industry," in 6th International Conference on Green Technology and Sustainable Development, Nha Trang, 2022.
10. C. phủ, Nghị định số 16/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng, Hà Nội: Chính phủ, 2022.
11. V. T. T. Duong and T. T. Thiem, "Vietnam legal corridor for protection of payment to contractor," Journal of tranportation scienve and technology, pp. 56-62, 2022.
12. V. T. T. Dương, "Đảm bảo thanh toán cho nhà thầu "Phòng bệnh hơn chữa bệnh"," Bản tin tri thức Phú Yên, trang 21-22, 2022.
13. M. E. C. Munaaim, M. S. M. Danuri and H. Abdul-Rahman, "Is late or non-payment a significant problem to Malaysian contractors?," Journal of Design and the Built Environment, pp. 35-50, 2007.
14. T. M. government, The Construction Industry Payment and Adjudication Act 2012 (Act 746), The Malaysian government , 2012.
15. B. X. dựng, Thông tư số 02/2023/TT-BXD hướng dẫn một số nội dung về hợp đồng xây dựng, Hà Nội: Bộ Xây dựng, 2023.
16. Q. Hội, Luật xây dựng số 50/2014/QH13, Hà Nội: Quốc hội, 2014.
17. C. Phủ, Nghị định số 37/2015/NĐ-CP quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng, Hà Nội: Chính phủ, 2015.
18. Q. Hội, Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13, Hà Nội: Quốc hội, 2015.
19. C. Phủ, Nghị định số 10/2021/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, Hà Nội: Chính phủ, 2021.