Thật ra, thương mại nước, hay mua bán quyền tiếp cận nước hoặc quyền sử dụng nước, đã trở nên nổi bật trong những năm gần đây, như một cơ chế nhằm giải quyết các thách thức về khan hiếm nước và phân bổ nguồn lực nước kém hiệu quả.
Sơ lược về thương mại nước
Giao dịch nước là các giao dịch mua, bán hoặc cho thuê toàn bộ hoặc một phần quyền sử dụng nước. Buôn bán nước có thể được phân thành 2 loại: buôn bán lâu dài và tạm thời. Thương mại lâu dài là trao đổi các quyền về nước, quyền được độc quyền tiếp cận một phần nước. Thương mại tạm thời là phân bổ nước hàng năm, có thể được giải quyết vào bất kỳ mùa nào, dựa trên mô hình kinh doanh của doanh nghiệp.
Khi quyền sử dụng nước được trao đổi giữa những người sử dụng cuối cùng, thị trường nước sẽ phát triển. Giá thị trường của nước phản ánh cung và cầu của tài nguyên và có thể thay đổi để đáp ứng với bất kỳ biến động nào về cung và cầu. Thí dụ, hạn hán kéo dài khiến nguồn cung cấp nước bị hạn chế, từ đó giá nước có thể tăng. Các ngành sử dụng ít nước hơn có thể bán hoặc trao đổi lượng nước dư thừa của mình cho những doanh nghiệp sử dụng nhiều nước hơn.
Do đó, cơ chế thị trường mua bán nước cho phép các nguồn nước khan hiếm được phân bổ theo mục đích sử dụng có giá trị cao nhất, tái phân bổ nước từ mục đích sử dụng có giá trị thấp đến mục đích sử dụng có giá trị cao để khuyến khích tăng hiệu quả.
Buôn bán nước cũng thúc đẩy việc bảo tồn nước và không khuyến khích việc tưới tiêu quá mức hoặc sử dụng quá mức nước, vì lượng nước dư thừa tiết kiệm được có thể được bán. Thương mại nước tái phân bổ nước cho những người coi trọng và có nhu cầu sử dụng nước nhiều hơn, cải thiện hiệu quả thị trường và bảo tồn nước.
Do đó, phương pháp quản lý nước hiệu quả có ý nghĩa quan trọng ở những khu vực bị hạn hán và khan hiếm nước nghiêm trọng. Australia đã thực hiện hoạt động buôn bán nước từ những năm 1980 và đã sớm mở rộng thị trường buôn bán nước tới lưu vực sông Murray-Darling (MDB).
Kinh nghiệm từ Australia
MDB là hệ thống sông lớn nhất của Australia, bao gồm 22 lưu vực chính, với 40% tổng số trang trại nằm trong lưu vực. Về mặt kinh tế xã hội, nó hỗ trợ 7.300 doanh nghiệp nông nghiệp được tưới tiêu và là nơi sinh sống của 2,3 triệu người, đồng thời sản xuất thực phẩm và chất xơ trị giá 22 tỷ đô la Australia (AUD) mỗi năm.
Lưu vực này có hệ sinh thái đa dạng, là nơi sinh sống của 120 loài chim nước, hơn 50 loài cá, 16 vùng đất ngập nước được quốc tế công nhận và bảo vệ. Nếu không có nguồn cung cấp nước bền vững, nó có thể tàn phá nền kinh tế địa phương và môi trường của MDB.
Thương mại nước đã được thực hiện ở MDB vì tính hiệu quả trong phân bổ nước. MDB là thị trường giao dịch nước sôi động nhất ở Australia, chiếm 97% tổng giao dịch phân bổ và 77% tổng giao dịch quyền lợi trong năm 2016-2017. Doanh thu thị trường nước trung bình của lưu vực trong thập niên qua gần 2 tỷ AUD/năm. Nước trao đổi được sử dụng chủ yếu cho nông nghiệp, với các sản phẩm như bông, ngũ cốc và đồng cỏ. Thương mại nước đã mang lại cả mặt tích cực và tiêu cực cho xã hội, kinh tế và môi trường của MDB.
Liên quan đến tác động xã hội của nó, một số người lo ngại buôn bán nước có thể dẫn đến mất dân số và việc làm. Việc buôn bán nước có thể khiến nông dân rời khỏi vùng nông thôn, sẽ làm giảm chi tiêu địa phương, dẫn đến ít việc làm hơn và suy giảm các dịch vụ xã hội. Sự sụt giảm nông dân có thể khiến nguồn thu của địa phương và giá nhà sụt giảm hơn.
Việc di cư của những người trẻ tuổi cũng có thể ảnh hưởng đến cộng đồng địa phương. Tuy nhiên, một cuộc khảo sát cho thấy nhiều nông dân đã ở lại khu vực của họ sau khi bán quyền sử dụng nước cho chính phủ.
Từ góc độ kinh tế, giao dịch nước nhìn chung có tác động tích cực, góp phần vào việc cải thiện hiệu quả thị trường. Thí dụ, hoạt động kinh doanh nước ở miền Nam MDB đã làm tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Australia thêm 220 triệu AUD trong năm 2008-2009, trong khi trong giai đoạn 2006-2007 và 2010-2011, thương mại nước ước tính đóng góp thêm 4,3 tỷ AUD vào GDP.
Thiệt hại do hạn hán cũng giảm khi thương mại nước xuất hiện, giảm từ 11,7 tỷ AUD năm 2006-2007 xuống còn 7 tỷ AUD năm 2010-2011 ở miền Nam MDB. Do đó, thương mại nước thúc đẩy một thị trường tối ưu hơn, tăng lợi ích xã hội và phúc lợi kinh tế.
Tuy nhiên, thị trường mua bán nước tạo ra cả tác động tiêu cực cho môi trường. Độ mặn của nước tăng lên do buôn bán nước ở MDB, làm đảo lộn hệ sinh thái các dòng suối. Độ mặn của nước ngầm cao hơn ở các đoạn sông MDB ở hạ lưu phía Nam. Với việc buôn bán nước dẫn đến sự di chuyển lớn của nước xuống các khu vực hạ lưu, độ mặn trong dòng suối càng tăng lên do lượng nước ngầm thấm vào sông nhiều hơn.
Ngược lại, buôn bán nước cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc bảo vệ môi trường và bảo tồn nguồn nước. Nếu không có đủ nước, hệ sinh thái sẽ bị tổn hại, hệ thống sông có khả năng phải đối mặt với tình trạng nhiễm mặn gia tăng và bùng phát tảo, gây mất mát các loài động vật do nơi sinh sản và nguồn thức ăn bị phá hủy. Thảm thực vật cũng bị mất, ảnh hưởng đến nguồn cung cấp thức ăn và nơi trú ẩn của động vật.
Do đó, nguồn cung cấp nước ổn định và dồi dào dành cho môi trường trở nên cần thiết. Theo đó, nước được sử dụng để cải thiện tình trạng của sông, vùng đất ngập nước và vùng đồng bằng ngập lũ, phục hồi sức khỏe của dòng sông bằng cách cung cấp dòng chảy đến nơi cần.
Theo cơ chế thị trường mua bán nước, Chính phủ Australia đã tiến hành mua bán nước tự nhiên. Từ tháng 4-2015 đến tháng 3-2020, dự án đã đảm bảo tổng cộng 68.267 megalit nước được sử dụng để hỗ trợ phục hồi các vùng đất ngập nước và các loài thực vật ven sông, đồng thời giúp kết nối lại các con sông trong lưu vực MDB.
Tiết kiệm nước được khuyến khích trong thương mại nước. Công nghệ tiết kiệm nước như phương pháp tưới nhỏ giọt và tưới phun mưa được áp dụng, giúp giảm tưới tiêu quá mức và nhiễm mặn đất, chống xói mòn đất...
Thị trường nước giao dịch hiệu quả có thể giúp tiết kiệm được 6.000 tỷ m3 nước cho đến cuối thế kỷ này, lớn hơn thể tích hồ Michigan của Mỹ (gần 5.000km3 nước).
Nguồn: Báo SGGP