Những tiêu chí cụ thể cho bộ lọc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang dần định hình khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng dự thảo Đề án Chiến lược Hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030 trình Chính phủ phê duyệt. Trong đó có lồng ghép nội dung Đề án Đẩy mạnh thu hút và nâng cao hiệu quả vốn đầu tư nước ngoài trong tình hình mới.
Bảy tiêu chí cụ thể
Trên cơ sở tổng kết thực tiễn thu hút FDI tại Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất bảy tiêu chí thu hút FDI có chọn lọc, bao gồm suất đầu tư, lao động, công nghệ, chuyển giao công nghệ, tính liên kết và tác động lan tỏa, môi trường và quốc phòng-an ninh.
Trong đó, tiêu chí về suất đầu tư được đưa ra nhằm góp phần hạn chế tình trạng các dự án có quy mô nhỏ, vốn đầu tư thấp nhưng sử dụng diện tích đất lớn gây lãng phí nguồn lực đất đai; tiêu chí về số lao động sử dụng sẽ góp phần tăng hiệu quả sử dụng lao động, giảm áp lực về hạ tầng xã hội và trật tự, an ninh của các địa phương đã quá tải về mật độ tập trung lao động. Cả hai tiêu chí về suất đầu tư và tiêu chí về lao động đã được thể chế hóa trong Luật Đầu tư 2020 và Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư.
Tiêu chí về công nghệ được cụ thể hóa bằng điều kiện được hưởng ưu đãi đầu tư nếu dự án đáp ứng được các tiêu chí về tỷ lệ doanh thu từ sản phẩm công nghệ cao của doanh nghiệp trong tổng doanh thu thuần hằng năm; tỷ lệ tổng chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển được thực hiện tại Việt Nam trên tổng doanh thu thuần hằng năm và tỷ lệ lao động có trình độ chuyên môn từ đại học/cao đẳng trở lên thực hiện nghiên cứu và phát triển trên tổng số lao động của doanh nghiệp. Tương tự, chuyển giao công nghệ cũng là một trong bốn tiêu chí để được áp dụng ưu đãi đầu tư đặc biệt, được xây dựng trên yêu cầu công nghệ được chuyển giao thuộc danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao theo quy định và số lượng doanh nghiệp Việt Nam được chuyển giao công nghệ.
Nhằm thực hiện mục tiêu tăng cường liên kết giữa khu vực doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất yêu cầu cụ thể về tính liên kết và tác động lan tỏa thể hiện bằng tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam trong tổng số doanh nghiệp tham gia và thực hiện hợp đồng lắp ráp, cung cấp linh kiện, nguyên vật liệu, dịch vụ để sản xuất ra sản phẩm và tỷ lệ giá thành sản phẩm được tạo ra bởi các doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi giá trị. Quy định này nhằm khắc phục một trong những hạn chế lớn nhất
về thu hút FDI hiện nay khi tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam bình quân chỉ đạt từ 20% đến 25%. Trong đó, dệt may, da giày đạt từ 40% đến 45%; điện tử gia dụng 30%-35%; nhiều lĩnh vực khác có tỷ lệ nội địa hóa rất thấp như lắp ráp ô-tô cá nhân chỉ ở mức 7%-10%, công nghiệp công nghệ cao chỉ 5%-10%...
Liên quan vấn đề môi trường, tiêu chí quan trọng nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất cần nâng cao các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về sản phẩm, môi trường, tài nguyên và tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải phù hợp tiêu chuẩn khu vực và thế giới. Đối với các tiêu chí về bảo đảm quốc phòng-an ninh cũng đã được thể chế hóa chặt chẽ tại Luật Đầu tư 2020 và Nghị định số 31/2021/NĐ-CP.
Theo đó, các hoạt động có ảnh hưởng đến quốc phòng-an ninh hoặc các dự án tại các địa bàn “nhạy cảm” sẽ được các cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư thẩm định, xem xét kỹ hơn trong tất cả các khâu cấp Giấy chứng nhận đầu tư dự án mới; góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp và trong quá trình hoạt động.
Cạnh tranh ngày càng gay gắt
Sau hai năm sụt giảm do đại dịch Covid-19, dòng vốn FDI vào Việt Nam có dấu hiệu khởi sắc trở lại nhờ những chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn và chủ trương mở cửa trở lại nền kinh tế. Tổng cục Thống kê cho biết, quý I/2022, thu hút vốn FDI đạt hơn 8,9 tỷ USD, bằng 87,9% so cùng kỳ năm 2021 nhưng số dự án cấp mới tăng 37,6%; số lượt dự án điều chỉnh tăng vốn tăng 41,6%; số lượt dự án góp vốn, mua cổ phần vẫn giữ được mức tương đương cùng kỳ năm trước.
Đáng lưu ý, tổng vốn thực hiện đạt 4,42 tỷ USD, tăng 7,8% so cùng kỳ và là mức cao nhất của quý I trong 5 năm qua. “Điều này chứng tỏ các nhà đầu tư nước ngoài đã coi Việt Nam là điểm đến đầu tư an toàn, thể hiện niềm tin về môi trường đầu tư kinh doanh, tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam, khi Việt Nam kiểm soát tốt dịch Covid-19, nền kinh tế đang phục hồi và tăng trưởng trở lại trong trạng thái bình thường mới”, ông Lê Trung Hiếu, Vụ trưởng Hệ thống tài khoản quốc gia, Tổng cục Thống kê phân tích.
Trong tháng 3, dự án quy mô tỷ USD đầu tiên của năm đã được cấp Giấy Chứng nhận đăng ký đầu tư. Đó là dự án Công ty TNHH Lego manufacturing Việt Nam (Đan Mạch), xây dựng nhà máy sản xuất đồ chơi và thực hiện quyền xuất, nhập khẩu, bán buôn bán lẻ hàng hóa tại Bình Dương, tổng vốn đầu tư gần 1,32 tỷ USD. Trước đó trong tháng 1, dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng khu đô thị và dịch vụ VSIP Bắc Ninh (Singapore) cũng được điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm gần 941 triệu USD.
Triển vọng phục hồi của dòng vốn FDI rất tích cực nhưng Tổng cục Thống kê cũng lưu ý Việt Nam sẽ phải cạnh tranh ngày càng quyết liệt với các quốc gia đang phát triển có sự tương đồng về thị trường, trình độ phát triển, công nghệ và lao động để duy trì và phục hồi nền kinh tế sau đại dịch Covid-19. Vì vậy, thời gian tới, Việt Nam cần tìm được biện pháp có thể phát triển các ngành dịch vụ theo chiều sâu, tạo thêm động lực tốt cho việc tăng năng suất khu vực dịch vụ và khu vực sản xuất cùng nhiều lĩnh vực khác của nền kinh tế. Bên cạnh đó, cần chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để thu hút đầu tư như rà soát, bổ sung quỹ đất sạch; rà soát lại quy hoạch điện; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; bổ sung chính sách để phát triển công nghiệp hỗ trợ…
Nguồn: Báo Nhân dân