Sắp ban hành Tiêu chuẩn về nhà ở riêng lẻ

07:00 23/08/2024
Bộ Xây dựng đã hoàn thiện và gửi Bộ KH&CN công bố Tiêu chuẩn về nhà ở riêng lẻ. Nhân dịp này, PV Tạp chí Xây dựng đã có cuộc trao đổi với TS Lê Minh Long - Phó vụ trưởng Vụ KHCN&MT Bộ Xây dựng, về một số nội dung liên quan đến bảo đảm an toàn cháy cho người và nhà ở riêng lẻ…
Sắp ban hành Tiêu chuẩn về nhà ở riêng lẻ
Một số hình ảnh minh hoạ để tham khảo trong TCVN 13967:2024.

- PV: Thời gian qua, tình hình cháy, nổ tại khu dân cư, hộ gia đình diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng cả về số vụ lẫn thiệt hại. Xin ông cho biết giải pháp hiệu quả, phù hợp để áp dụng cho loại hình nhà ở riêng lẻ trong các đô thị thời gian tới?

- TS Lê Minh Long: Ở nước ngoài, đã là nhà ở riêng lẻ thì không có nhà cao đến 7 tầng, chỉ cao vài tầng. Họ cũng định nghĩa rất rõ về nhà ở chỉ để ở, không có khái niệm thêm. Còn ở Việt Nam, nhiều nhà ở đang được sử dụng cho mọi mục đích.

Các nước đều ban hành Tiêu chuẩn về nhà để ở. Tại Việt Nam, tiêu chuẩn về nhà ở riêng lẻ cũng từng được ban hành và tuân thủ. Tuy nhiên, theo thời gian, với tốc độ đô thị hoá nhanh, những khu nhà, khu đô thị hiện hữu không còn giữ được như quy hoạch, thiết kế lúc đầu, mà thường xây chen thêm các công trình mới, làm chặn hoặc thu hẹp lối đi.

 
TS Lê Minh Long - Phó vụ trưởng Vụ KHCN&MT (Bộ Xây dựng)

Ngay cả đối với nhiều trường học, theo quy hoạch và thiết kế ban đầu, đã được xây dựng và đưa vào sử dụng với hiện trạng đủ điều kiện bảo đảm an toàn cháy; nhưng sau một thời gian, tiếp tục xây thêm các công trình khác chen vào làm cho đường đi bị chặn hoặc hẹp lại. Hạ tầng quá tải dẫn đến không bảo đảm an toàn cháy cho người và công trình…

Với hiện trạng của nhà thấp tầng ở Việt Nam do lịch sử để lại như vậy, chỉ có 2 hướng để ứng xử phù hợp. Một là, đối với những khu đô thị mới, dự án mới có đất rộng, đất trống, phải được “siết chặt” an toàn cháy; Hai là, đối với những khu nhà hiện hữu, nhà cũ phải có những biện pháp nâng cao an toàn cháy, trong đó kết hợp cả biện pháp về kỹ thuật và biện pháp về con người - nhấn mạnh ở yếu tố ý thức con người.

Hiện nay, Tiêu chuẩn về nhà ở riêng lẻ - Yêu cầu chung về thiết kế, đã được Bộ Xây dựng hoàn thành, đã được thẩm định, cấp mã số Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 13967:2024, chờ Bộ KH&CN công bố. Điều 9 của Tiêu chuẩn quy định cụ thể yêu cầu về an toàn cháy đối với nhà ở riêng lẻ.

Trong đó, yêu cầu chung về an toàn cháy đối với toàn bộ các loại hình nhà ở riêng lẻ, tính đến tầng cao nhất, là: Các tầng phía trên không có người sử dụng và không tập kết hoặc lưu giữ chất, vật liệu cháy được; Có giải pháp ngăn cháy với khu vực có người sử dụng, bảo đảm lối đi theo thang bộ lên mái qua các tầng; Các chỉ tiêu diện tích và không gian của nhà được xác định theo nguyên tắc nêu trong TCVN 9255;

Mặt tiếp xúc với không gian bên ngoài của hành lang bên cần bảo đảm điều kiện thông gió; Cần ngăn chặn cháy lan sang nhà liền kề (hoặc ngược lại); Cần có giải pháp ngăn chặn, không để lan truyền lửa và các sản phẩm cháy giữa các khu vực khác nhau trong nhà; Bảo đảm giao thông phục vụ tiếp cận và chữa cháy; Bố trí và duy trì các lối ra khẩn cấp bằng một hoặc kết hợp của các lối ra; Khi bố trí lối ra khẩn cấp cần có thêm các phương tiện, thiết bị hỗ trợ thoát nạn…

- PV: Vậy, có quy định cụ thể nào cho nhà ở riêng lẻ chỉ để ở hoặc nhà ở riêng lẻ kết hợp mục đích khác không, thưa ông?

- TS Lê Minh Long: Ngoài việc đáp ứng các yêu cầu chung như trên, đối với mỗi loại hình nhà ở kết hợp sử dụng cho mục đích khác, Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 13967:2024 về nhà ở riêng lẻ quy định cụ thể cho từng loại hình nhà ở sử dụng cho mục đích ở và sử dụng kết hợp với mục đích khác.

Trong đó, riêng đối với loại hình nhà ở chỉ sử dụng cho mục đích ở, cần có các giải pháp an toàn cháy cho người trong nhà; Không để cháy lan sang các nhà liền kề, kể cả trong trường hợp nhà đang cháy bị sập đổ.

Để bảo đảm an toàn cháy cho người trong nhà, cần thực hiện theo nguyên tắc cơ bản như: Bố trí và duy trì lối ra thoát nạn (các vị trí cửa ra) và đường thoát nạn (bao gồm các hành lang, cầu thang bộ, buồng thang bộ) để toàn bộ người trong nhà thoát được ra bên ngoài một cách an toàn hoặc di chuyển sang nhà liền kề.

Cửa đi được lắp đặt trên lối ra thoát nạn tại tầng một/trệt cần mở được từ bên trong dễ dàng, nhanh chóng. Các cửa vận hành bằng điện ở điều kiện nhà hoạt động bình thường (khi không có cháy) cần mở được nhanh chóng ngay cả khi mất điện.

Nên trang bị các dụng cụ phá dỡ tại gần các vị trí lối ra thoát nạn hoặc lối ra khẩn cấp của nhà để nhanh chóng mở được các cửa trên lối ra khi cần thiết.

Để bảo đảm an toàn cháy cho người, việc tổ chức thoát nạn có thể thực hiện qua cầu thang bộ bên trong nhà, để hở. Đối với nhà cao từ 4 - 6 tầng trên mặt đất, khuyến khích bổ sung biện pháp ngăn ngừa khói lọt qua các cửa trên lối ra của tất cả các gian phòng đi vào không gian liên thông với cầu thang bộ loại 2. Ngoài ra, có thể lựa chọn bố trí thêm các lối ra khẩn cấp để người trong nhà thoát được ra khỏi khu vực chịu các tác động nguy hiểm của đám cháy (khói, khí độc, nhiệt độ cao) và đến các khu vực lánh nạn tạm thời có tiếp xúc với không khí bên ngoài.

Khi trong nhà có bố trí khu vực có nguy cơ phát sinh cháy cao như khu vực để ô tô, mô tô, xe gắn máy, xe điện, hay hàng hóa, đồ đạc bằng chất hoặc vật liệu dễ bắt cháy ở tầng một/trệt, nơi có lối ra thoát nạn của nhà, hoặc ở những nơi có ảnh hưởng đến đường thoát nạn, nên lựa chọn áp dụng thêm giải pháp phù hợp với điều kiện cụ thể của nhà để ngăn ngừa khói và các sản phẩm cháy lan truyền giữa các khu vực khác nhau trong nhà…

Với nhà ở riêng lẻ có kết hợp các mục đích sử dụng khác, yêu cầu chung về an toàn cháy đối với loại hình nhà ở này cần được xem xét áp dụng phù hợp với các giải pháp an ninh của nhà để bảo đảm an toàn sinh mạng khi xảy ra cháy. Bên cạnh đó, Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 13967:2024 quy định cụ thể các trường hợp trên cơ sở diện tích, số tầng sử dụng cho mục đích kinh doanh.  

Ví dụ, nhà có chiều cao PCCC không lớn hơn 15 m, diện tích sàn xây dựng mỗi tầng không lớn hơn 100 m2, hoặc không lớn hơn 300 m2 khi phần diện tích không dùng cho mục đích ở của nhà chỉ bố trí đồ đạc, hàng hoá bằng vật liệu không cháy, và số người sử dụng trên mỗi tầng không quá 20 người, cho phép thực hiện theo yêu cầu chung về nhà ở riêng lẻ chỉ sử dụng cho mục đích ở.

Tuy nhiên, đối với loại hình nhà khác, phải thực hiện bổ sung thêm quy định nhằm bảo đảm an toàn cho người như: Lối ra thoát nạn cần có chiều rộng thông thủy không nhỏ hơn 0,8 m và chiều cao thông thủy không nhỏ hơn 1,9 m; Chiều rộng thông thủy của các đoạn nằm ngang của đường thoát nạn không nhỏ hơn 1,0 m. Chiều cao thông thủy của đường thoát nạn không nhỏ hơn 2,0 m…

- PV: Đối với những nhà hiện hữu, nằm trong ngõ sâu thì phải làm thế nào, thưa ông?

- TS Lê Minh Long: Đối với những nhà trong ngõ sâu, các địa phương cần có nguồn lực để bổ sung, tăng thêm cho công tác bảo đảm an toàn cháy như: Cung cấp đường nước, nên kết hợp đường nước sạch với đường nước chữa cháy. Ở những nơi có sẵn hồ, ao, có thể có đường nước riêng từ hồ, ao đến các khu dân cư, hoặc tạo điều kiện để lấy đường nước từ hồ, ao để dập lửa khi cháy.

Nhà dân trong ngõ sâu, người dân có thể lưu ý tham khảo các quy định cụ thể trong Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 13967:2024 đối với từng loại hình nhà ở cho phù hợp.

Đặc biệt, người dân có thể trang bị bổ sung thiết bị báo cháy tự động kết hợp bể nước đặt ở trong nhà, để khi có cháy hệ thống sẽ tự động kích hoạt lấy nước chữa cháy. Nói cách khác, nếu có nguồn nước phòng thủ bên ngoài nhà và cả bên trong nhà nữa, sẽ giảm thiểu được thiệt hại do cháy.

Tuy nhiên, sau khi thiết kế các giải pháp phòng cháy, phải duy trì hệ thống này trong quá trình sử dụng, đặc biệt là phải luôn luôn duy trì đường thoát nạn và lối thoát nạn để sẵn sàng chạy trong trường hợp có cháy xảy ra. Lối thoát nạn ở đây bao gồm cả cửa chính, cửa lên tầng thượng luôn luôn được duy trì, không được chặn lại.

- PV: Như vậy, có thể coi Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 13967:2024 sắp ban hành như cuốn “cẩm nang” về an toàn cháy cho nhà ở riêng lẻ đúng không, thưa ông?

- TS Lê Minh Long: Xin được nói rõ, phạm vi áp dụng của Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 13967:2024 là những nội dung mà Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn cháy cho nhà và công trình QCVN 06:2022/BXD không quy định. Chúng ta đã từng có Tiêu chuẩn cho nhà ở riêng lẻ, Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 13967:2024 sắp ban hành là Tiêu chuẩn cập nhật thêm các thông tin, công nghệ hiện đại trên thế giới.

Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục lắng nghe những ý kiến phản hồi từ địa phương để tiếp tục hoàn thiện Tiêu chuẩn này phù hợp hơn với thực tiễn và cập nhật công nghệ mới trên thế giới.

Tôi cho rằng, không nên nghĩ Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 13967:2024 sắp ban hành là cẩm nang, có khả năng giải quyết được mọi việc; mà nó chỉ là Tiêu chuẩn chung, gồm những yêu cầu chung nhất, căn bản nhất, cho những khối nhà thấp tầng, với những khu vực được quy hoạch, thiết kế bảo đảm an toàn cháy.

Tên Tiêu chuẩn cũng không phải chỉ dành riêng cho an toàn cháy, an toàn cháy chỉ là một phần của Tiêu chuẩn, Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 13967:2024 dùng cho cả kiến trúc, kết cấu, điện, nước. Trên nền của Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 13967:2024, các nhà thiết kế ra được giải pháp cụ thể cho từng công trình, trong đó có giải pháp về an toàn cháy.

Còn đối với những công trình mang tính khác thường, phức tạp, trong khu đường xá khó khăn, Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 13967:2024 vẫn áp đụng được, tuy nhiên phải điều chỉnh một số thông tin, giải pháp để phù hợp với tính khác thường của công trình mà vẫn đáp ứng được vấn đề quan trọng, nhất là thoát người khỏi đám cháy, trong trường hợp xấu nhất vẫn thoát được người và hạn chế tối đa việc truyền lửa sang nhà bên cạnh.

- PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

TCVN 13967:2024 do Viện Kiến trúc Quốc gia (Bộ Xây dựng) chủ trì, phối hợp với Viện Khoa học công nghệ xây dựng (Bộ Xây dựng) và Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an) biên soạn, Bộ Xây dựng đề nghị, Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ KH&CN công bố.

Tiêu chuẩn này được xây dựng trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn Việt Nam. Với tính đa dạng của loại hình nhà ở riêng lẻ, đặc biệt là các nhà ở riêng lẻ hiện hữu, nên trong Tiêu chuẩn này chỉ đưa ra các yêu cầu kỹ thuật chung về thiết kế. Trên cơ sở các yêu cầu này, các cá nhân, tổ chức có liên quan có thể lựa chọn các giải pháp khác nhau (với các loại vật liệu và kết cấu thích hợp) để thiết kế nhà ở riêng lẻ đáp ứng nhu cầu sử dụng, trên nguyên tắc đảm bảo các yêu cầu an toàn về khả năng chịu lực và sử dụng, trong đó có yêu cầu về an toàn cháy,..).

Trong Tiêu chuẩn này có đưa ra một số giải pháp và hình minh họa cho một số trường hợp để việc áp dụng trong thực tế được thuận lợi hơn.

Bình luận