Sát dân hơn để xót của cùng dân!

07:00 30/05/2025
May thay, do gần dân nên xót của cùng dân, UBND phường Thạnh Xuân đã có văn bản đề nghị cấp trên tạm hoãn lệnh cưỡng chế 45 căn nhà liền kề này ngày 29/5/2025 để các cấp có thẩm quyền xem xét đúng sai thuộc về ai.

Trong buổi thảo luận tại Quốc hội ngày 23/5/2025 về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, theo thống kê các địa phương gửi lên, hiện cả nước có hơn 2.200 dự án tồn đọng, nếu tháo gỡ sẽ giải phóng được hơn 230 tỷ USD, bằng 50% tổng GDP quốc gia.

Vâng, chắc đây chỉ là những con số tổng hợp của những dự án “có mặt mũi” ở địa phương. Còn nếu tính chi ly những dự án dân sinh ở cấp huyện, xã do buông lỏng quản lý, do trình độ có hạn, do phong bì phong bao... dẫn đến hàng nghìn hàng vạn công trình vi phạm pháp luật về trật tự xây dựng buộc phải phá dỡ thì con số lãng phí của cải xã hội còn "khủng" hơn rất nhiều!

Mời bạn đọc xem tấm ảnh dưới đây là một ví dụ. Theo nguồn tin chính thống, nếu đúng ra, khu dân cư gồm 45 căn nhà này phải bị tháo dỡ cách đây 3 năm do vi phạm các quy định về trật tự xây dựng. Đến nay, hạn phải phá dỡ cuối cùng là ngày 29/5/2025.

Nhiều câu hỏi được đặt ra: Vì sao cả một khu vực dân cư được hình thành bởi những công trình kiên cố được xây dựng như vậy mà chính quyền địa phương sau 6 năm mới phát hiện? Tại sao lệnh cưỡng chế từ năm 2022 nhưng đến nay mới ra hạn cuối cùng?...

Đây là một khu dân cư 45 căn liền kề được hình thành bởi một chủ đầu tư nhỏ lẻ địa phương trên mảnh đất 2.900 m2. Theo người dân ở đây cho hay, căn nhà đầu tiên được bán từ khi công trình vừa hoàn thiện phần thô vào tháng 10/2016. Trước khi đặt cọc và thanh toán toàn bộ số tiền, người dân đã đến UBND phường Thạnh Xuân (quận 12, TP.HCM) gặp cán bộ địa chính để xác minh nguồn gốc đất, tính pháp lý và các vấn đề tranh chấp liên quan và được cho biết, nguồn gốc đất không bị tranh chấp, không vướng quy hoạch.

Người dân cũng được chủ đầu tư cho xem giấy phép xây dựng hợp lệ. Giao dịch sau đó được thực hiện thông qua vi bằng có công chứng. Chủ đầu tư cam kết sau khoảng 1 năm sẽ giao giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ, nhưng sau nhiều năm chờ đợi, người dân vẫn không nhận được giấy tờ dù đã nhiều lần liên hệ với bên bán.

Đến tháng 3/2022, người dân nhận được thông báo từ UBND quận 12 về việc những căn nhà này vi phạm trật tự xây dựng, sai nội dung giấy phép được cấp. Một tháng sau, chính quyền ban hành quyết định cưỡng chế, buộc tháo dỡ công trình để khắc phục hậu quả…

Trả lời giải quyết khiếu nại, Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, nguyên nhân cưỡng chế là do chủ đầu tư các căn nhà không thực hiện việc thông báo khởi công công trình theo quy định. Về phía Đội Thanh tra địa bàn quận 12, cơ quan này không tiến hành kiểm tra sau khi công trình được cấp phép xây dựng, cũng không phối hợp để dừng thi công khi phát hiện vi phạm…

Tường thuật lại câu chuyện trên đây để thấy rằng, lỗi hoàn toàn không phải từ người dân. Lỗi là do "chủ đầu tư các căn nhà không thực hiện việc thông báo khởi công công trình theo quy định", rồi tiếp nữa là do "Thanh tra địa bàn quận 12, cơ quan này không tiến hành kiểm tra sau khi công trình được cấp phép xây dựng...". Có lời bàn rằng, chắc hẳn phải do "lỗi" gì đó không thể nói ra đươc, chứ nếu chỉ vì chủ đầu tư "không thực hiện việc thông báo khởi công công trình" mà định phá dỡ cả một khu dân cư hình thành đã ngót chục năm thì quả là không thể chấp nhận!

May thay, do gần dân nên xót của cùng dân, UBND phường Thạnh Xuân đã có văn bản đề nghị tạm hoãn lệnh cưỡng chế 45 căn nhà liền kề này ngày 29/5/2025 để các cấp có thẩm quyền xem xét đúng sai thuộc về ai.

Mà cũng may nữa, sắp tới sẽ bỏ cấp huyện, cán bộ chính quyền hẳn sẽ sát dân hơn và cũng sẽ xót của dân như của chính nhà mình!

Bình luận