Bộ Xây dựng: “Không thay đổi mục tiêu hoàn thành 3.000 km đường cao tốc vào cuối năm 2025“

15:36 26/05/2025
Đợt thi đua cao điểm “500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc” đã qua cột mốc nửa chặng đường, hàng loạt dự án giao thông lớn đã thực sự chuyển biến rõ rệt, nhiều “điểm nghẽn” đã được giải quyết.
Lễ phát động Đợt thi đua cao điểm “500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc”.

Kịp thời giải quyết nhiều “điểm nghẽn”

Bộ Xây dựng vừa có văn bản gửi Bộ Nội vụ về sơ kết phong trào thi đua “500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc”.

Bộ GTVT (nay là Bộ Xây dựng) đã ban hành Quyết định số 1195 ngày 30/9/2024 về ban hành Kế hoạch hưởng ứng Đợt thi đua cao điểm “500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc”. Hưởng ứng Đợt thi đua cao điểm của Thủ tướng Chính phủ, cán bộ, công chức, người lao động của Bộ Xây dựng và các tập thể, cá nhân có liên quan chung sức, đồng lòng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách để đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, hạng mục công trình, dự án do Bộ Xây dựng là cơ quan chủ quản, phấn đấu hoàn thành mục tiêu đến trước ngày 31/12/2025 đưa vào khai thác 3.000 km đường bộ cao tốc.

Bộ Xây dựng đã có nhiều chỉ đạo, đôn đốc các chủ thể tham gia dự án để tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai thi công theo các cam kết của từng gói thầu, dự án. Đồng thời, Bộ Xây dựng đã nắm bắt các vướng mắc, khó khăn phát sinh của từng dự án để kịp thời giải quyết, tháo gỡ, đặc biệt là các khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, mỏ vật liệu trong quá trình thực hiện các dự án

Về một số dự án nổi bật, đối với cao tốc Bắc - Nam, tại thời điểm tháng 9/2024, công tác giải phóng mặt bằng đạt khoảng 99,9% (chỉ còn vướng mắc cục bộ tại một số vị trí do điều chỉnh, bổ sung mái taluy, đường gom,...), đã cấp phép khai khai thác 73/93 mỏ vật liệu các loại; giá trị sản lượng đạt khoảng 52,4%.

Đến nay, công tác giải phóng mặt bằng đã cơ bản hoàn thiện (chỉ còn vướng mắc cục bộ tại một số vị trí do điều chỉnh, bổ sung mái taluy, đường gom,...); đã cấp phép khai khai thác 93/93 mỏ vật liệu các loại, đồng thời đã hoàn thiện thủ tục, nâng công suất các mỏ thương mại để đáp ứng đủ nhu cầu dự án; giá trị sản lượng đạt khoảng 76,4% (tăng 24%); đã hoàn thành, đưa vào khai thác 208/721,3 km (35 km đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi; 54 km đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng; 49 km đoạn Bùng - Vạn Ninh và 70 km đoạn Vân Phong - Nha Trang).

Tại cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, vào thời điểm tháng 9/2024, công tác giải phóng mặt bằng đạt khoảng 73%; trữ lượng, công suất khai thác của các mỏ thương mại trên địa bàn tỉnh Đồng Nai chưa đáp ứng nhu cầu; giá trị sản lượng đạt khoảng 17%. Đến nay, công tác giải phóng mặt bằng đạt khoảng 98%, tuy nhiên chưa hoàn thành di dời công trình hạ tầng kỹ thuật; hoàn thiện thủ tục nâng công suất các mỏ thương mại để đáp ứng đủ nhu cầu dự án; giá trị sản lượng đạt khoảng 50% (tăng 33%); đã thông xe kỹ thuật 10 km.

Tại cao tốc Bến Lức - Long Thành, vào thời điểm tháng 9/2024, công tác giải phóng mặt bằng đã hoàn thành phần tuyến chính, chỉ còn GPMB phần mở rộng nút giao QL51; nguồn cung vật liệu hạn chế; giá trị sản lượng đạt khoảng 84,18%. Đến nay, công tác giải phóng mặt bằng phần mở rộng nút giao QL51 chưa hoàn thành; đã cơ bản đã xác định đủ nguồn cung vật liệu từ khu vực tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa- Vũng Tàu; giá trị sản lượng đạt khoảng 92,71% (tăng 8,53%); đã hoàn thành, đưa vào khai thác 19 km.

Tại cao tốc Hòa Liên - Túy Loan, vào tại thời điểm tháng 9/2024, công tác giải phóng mặt bằng đạt khoảng 92%; đang di dời 02 vị trí đường điện 220Kv và đường điện trung, hạ thế; nguồn cung vật liệu đá hạn chế; giá trị sản lượng đạt khoảng 30,6%. Đến nay, công tác giải phóng mặt bằng đã hoàn thành (chỉ còn vướng cục bộ khoảng 200m đường gom); hoàn thành di dời công trình hạ tầng kỹ thuật; hoàn thiện thủ tục nâng công suất mỏ vật liệu thương mại để đáp ứng đủ nhu cầu dự án; giá trị sản lượng đạt khoảng 60,24% (tăng 30%).

Thi công cao tốc Vũng Áng - Bùng.

Giải ngân nhanh nhạy, linh hoạt

Theo Bộ Xây dựng, một trong những trọng tâm của phong trào là thi đua đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong đó tập trung giải quyết nhanh những thủ tục liên quan cho nhà thầu; nhanh nhạy, linh hoạt hơn nữa trong việc áp dụng cơ chế giải ngân nhằm hỗ trợ, duy trì năng lực tài chính cho các nhà thầu tăng tốc thi công; phải kiểm soát chặt chẽ từng khâu, từng thủ tục đảm bảo đúng quy định của pháp luật, không để xảy ra tiêu cực, sai phạm; kiểm soát nghiêm chất lượng thi công của nhà thầu.

Xác định quản lý chất lượng là yếu tố quan trọng hàng đầu, Bộ đã ban hành nhiều chỉ thị, công điện và văn bản về nâng cao công tác quản lý, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường quản lý chất lượng, an toàn lao động, vệ sinh môi trường. Trong đó, Bộ Xây dựng đã ban hành Chỉ thị số 04 ngày 30/9/2024 gửi các chủ đầu tư và các cơ quan tham mưu, yêu cầu các cơ quan, đơn vị tiếp tục tăng cường công tác quản lý đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, siết chặt kỷ luật, kỷ cương nâng cao nhận thức, ý thức của các chủ thể tham gia dự án và rút kinh nghiệm không lặp lại tồn tại, sai sót đã được các đoàn thanh tra, kiểm toán, cơ quan chức năng nêu ra trong khâu khảo sát, thiết kế, lập, thẩm định, phê duyệt dự toán, quản lý hợp đồng, thi công xây dựng đối với các dự án do Bộ Xây dựng quản lý.

Bộ Xây dựng đã phối hợp với các cơ quan của các bộ, ngành có liên quan để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án; đặc biệt đã phối hợp với các cơ quan của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, các địa phương để tổ chức kiểm tra thực địa, hoàn thiện hồ sơ, giải trình và đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua điều chỉnh chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, tháo gỡ nút thắt về thủ tục cản trở tiến độ dự án Cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.

Phong trào cũng thi đua thi công, tư vấn giám sát bảo đảm chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật, vệ sinh môi trường, an toàn lao động, tạo cảnh quan không gian phát triển của dự án sau khi hoàn thành; tư vấn giám sát luôn bám sát hiện trường để giám sát chặt chẽ về quy trình, chất lượng thi công, đẩy nhanh nghiệm thu thanh toán, kịp thời xử lý ngay những điều chỉnh, bổ sung thiết kế kỹ thuật nếu có.

Triển khai kế hoạch, các đơn vị thi công đã huy động thêm máy móc, thiết bị, nhân lực, tăng thêm các mũi thi công; các đơn vị tư vấn giám sát đã bổ sung nhân sự để tổ chức thi công, giám sát các dự án bảo đảm chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật, vệ sinh môi trường, an toàn lao động; các đơn vị tư vấn giám sát luôn bám sát hiện trường để giám sát chặt chẽ về quy trình, chất lượng thi công, đẩy nhanh nghiệm thu thanh toán, kịp thời xử lý ngay những điều chỉnh, bổ sung thiết kế kỹ thuật phát sinh.

Đến nay, đã hoàn thành thi công và hoàn thành các thủ tục nghiệm thu, đưa vào khai thác 208/721,3 km đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, Bến Lức - Long Thành (19 km), thông xe 10 km tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu như nêu trên. Các chủ đầu tư, tư vấn và các nhà thầu thi công đang tích cực triển khai thi công, phấn đấu hoàn thành thêm 133 km đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông vào dịp 30/6 (55 km đoạn Vũng Áng - Bùng; 66 km đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ; 13 km còn lại của đoạn Vân Phong - Nha Trang) và hoàn thành các đoạn tuyến còn lại thuộc 4 dự án theo kế hoạch đề ra, đáp ứng tiến độ yêu cầu.

Thi đua để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, nhất là các đoạn Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau, Hòa Liên - Túy Loan, Biên Hòa - Vũng Tàu, Bến Lức - Long Thành… tổ chức thi công “làm việc 3 ca, 4 kíp, xuyên lễ, xuyên Tết”, “vượt nắng, thắng mưa”, “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương” để đẩy nhanh tiến độ và thực hiện đúng với cam kết thi đua về tiến độ hoàn thành gói thầu, dự án, đảm bảo hoàn thành dự án đúng tiến độ yêu cầu; tuyệt đối không vì tiến độ mà đánh đổi chất lượng.

Trong quá trình triển khai dự án, Bộ Xây dựng đã tổ chức kiểm tra hiện trường các dự án hoặc tham gia cùng đoàn kiểm tra khác có liên quan. Sau mỗi đợt kiểm tra, Bộ Xây dựng đã ban hành các văn bản, thông báo kết luận chỉ đạo chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn giám sát và các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ, kiểm soát chất lượng, giá thành công trình, an toàn giao thông, an toàn lao động, vệ sinh môi trường theo đúng quy định. Nhờ đó, nhiều dự án bị chậm trước đây đã dần lấy lại được tiến độ.

Các dự án đều có các chuyển biến rõ rệt

Trong thời gian qua, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm, dành nhiều thời gian, công sức chỉ đạo các bộ, ngành phối hợp trong tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến cơ chế, thủ tục; chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, giải quyết các thủ tục cấp mỏ; chỉ đạo các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ, quan tâm đến công tác bảo đảm chất lượng. Đến nay, tiến độ đa số các dự án bám sát kế hoạch, nhiều dự án vượt tiến độ so với kế hoạch.

Đến nay, kể từ thời điểm Thủ tướng Chính phủ phát động Đợt thi đua cao điểm, tiến độ thực hiện các dự án đều có các chuyển biến rõ rệt, đặc biệt, đối với 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 sản lượng thực hiện khoảng 72.806/76.469 tỷ đồng, đạt 76,4% hợp đồng (tăng 18.352,56 tỷ đồng, tương đương 24% so với thời điểm tháng 9/2024), đã hoàn thành 4 dự án thành phần với tổng chiều dài 247 km dịp 30/4/2025, nhiều dự án thành phần có giá trị thực hiện lớn, vượt tiến độ và đăng ký rút ngắn thời gian hoàn thành từ 3 đến 6 tháng, dự kiến đến ngày 30/6/2025 hoàn thành 133 km (gồm 2 dự án thành phần đoạn Vũng Áng - Bùng, đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ và 13 km còn lại DATP đoạn Vân Phong - Nha Trang).

Dự kiến đến 30/9 sẽ hoàn thành 154 km (gồm: 70 km đoạn Hoài Nhơn - Quy Nhơn, 62 km đoạn Quy Nhơn - Chí Thạnh; 12 km đoạn Hòa Liên - Túy Loan và 10 km DATP 3 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu).

Dự kiến đến hết ngày 31/12 sẽ hoàn thành 654 km còn lại (đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn có công trình hầm dài 3,2 km tiến độ hoàn thành năm 2026 nhưng nhà thầu đã đăng ký rút ngắn tiến độ 9 tháng để hoàn thành trong năm 2025).

Dự án Cao Lãnh - Lộ Tẻ dài khoảng 29 km qua tỉnh Đồng Tháp và thành phố Cần Thơ, được khởi công ngày 10/4/2024. Tính đến hết tháng 9/2024, tình hình triển khai dự án còn chậm, sản lượng thi công đạt khoảng 5,27%. Ngay khi có phát động phong trào thi đua đến nay, dự án triển khai có tích cực và chuyển biến rõ rệt, cơ bản bám sát tiến độ đề ra. Tính đến ngày 15/5, sản lượng dự án đạt 67%; công tác giải phóng mặt bằng đã hoàn thành vào đầu tháng 4/2025; nguồn vật liệu cát đã được UBND tỉnh Đồng Tháp cấp nguồn và bắt đầu khai thác từ ngày 25/12/2024; vật liệu đá cho dự án đã được UBND tỉnh An Giang hỗ trợ nguồn từ 20/4.

Dự án Lộ Tẻ - Rạch Sỏi dài khoảng 51,5 km qua thành phố Cần Thơ và tỉnh Kiên Giang, được khởi công ngày 13/6/2024. Tính đến hết tháng 9/2024, tình hình triển khai Dự án còn chậm, sản lượng thi công đạt khoảng 2,73%. Ngay khi phát động phong trào thi đua đến nay, dự án triển khai có tích cực và chuyển biến rõ rệt, tính đến ngày 15/5, sản lượng dự án đạt 40%; các khó khăn vướng mắc về vật liệu đá cho dự án đã được UBND tỉnh An Giang hỗ trợ nguồn từ 20/4.

Bộ Xây dựng khẳng định: “Mục tiêu hoàn thành 3.000 km vào năm 2025 là không thay đổi, các địa phương, cơ quan, đơn vị phải xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu để tập trung chỉ đạo, điều hành bảo đảm hoàn thành đúng kế hoạch”.

Bình luận