
Nếu được hiện thực hóa, công trình này sẽ đánh dấu cột mốc mới trong phát triển hạ tầng khu vực Trung Đông - Bắc Phi, thúc đẩy liên kết kinh tế, thương mại và du lịch giữa hai quốc gia, đồng thời tạo thêm trục giao thông chiến lược phục vụ siêu dự án NEOM.
Theo Reuters, ông Kamel al-Wazir - Bộ trưởng Bộ Giao thông Ai Cập, trong phát biểu gần đây tại một hội nghị trong nước xác nhận rằng, giai đoạn lập kế hoạch cho tuyến kết nối giữa Saudi Arabia và Ai Cập đã hoàn tất. Ai Cập hiện đang sẵn sàng triển khai bất cứ khi nào có quyết định chính thức. Đồng thời, ông cũng cho biết đang xem xét cả hai phương án: xây dựng cầu vượt biển hoặc đường hầm ngầm tùy theo đánh giá về môi trường và điều kiện địa chất.
Ý tưởng về công trình này thực tế đã được đề xuất từ năm 2016 bởi Saudi Arabia. Sau nhiều năm gián đoạn, thông tin mới nhất cho thấy dự án đang được tái kích hoạt trong bối cảnh Saudi Arabia đẩy nhanh lộ trình trở thành trung tâm du lịch, công nghệ và logistic toàn cầu, thông qua các đại dự án như The Line, Oxagon, JEC Tower và hệ thống hạ tầng cao tốc kết nối vùng Neom.
Saudi Arabia và Ai Cập được ngăn cách bởi Biển Đỏ, với điểm gần nhất tại Eo biển Tiran, chỉ rộng khoảng 6,4 km. Đây cũng là vị trí từng được xác định là hành lang khả thi cho cây cầu trong các nghiên cứu ban đầu. Dù chiều dài tuyến kết nối không quá lớn (so với các cây cầu nổi tiếng như Cầu Danyang-Kunshan dài 164,8 km tại Trung Quốc), nhưng thách thức kỹ thuật không hề nhỏ, đặc biệt liên quan đến độ sâu biển, hệ sinh thái san hô và tuyến vận tải biển quốc tế.
Ngoài tiềm năng phục vụ khách du lịch, đặc biệt là du khách quốc tế đến khu vực NEOM, công trình này cũng sẽ đảm nhận vai trò quan trọng trong chuỗi logistics khu vực. Mạng lưới đường sắt của Ai Cập, vốn đang được nâng cấp mạnh mẽ trong thập kỷ qua, sẽ kết nối trực tiếp với cầu hoặc hầm, tạo ra một trục giao thông hàng hóa xuyên Đông - Tây thuận tiện hơn bao giờ hết, từ Biển Đỏ đến Địa Trung Hải.
Việc tái khởi động ý tưởng xây dựng cầu vượt Biển Đỏ không chỉ cho thấy tầm nhìn quy hoạch liên quốc gia của Saudi Arabia, mà còn phản ánh xu thế quy hoạch hạ tầng tích hợp vùng, liên lục địa đang nổi lên ở nhiều quốc gia. Việc lựa chọn giữa cầu nổi và đường hầm ngầm cũng đặt ra những yêu cầu cao về đánh giá môi trường, địa chất biển và điều phối vận tải hàng hải, những khía cạnh đang ngày càng được chú trọng trong các dự án hạ tầng thế kỷ.
Nếu được triển khai, dự án này sẽ trở thành một biểu tượng mới của hợp tác Ai Cập - Saudi Arabia, đồng thời đóng vai trò như một “cầu nối địa chính trị - hạ tầng” giữa châu Á và châu Phi. Giới chuyên môn kỳ vọng, công trình này, nếu kết hợp hiệu quả giữa quy hoạch vùng, công nghệ xây dựng hiện đại và chiến lược logistics sẽ trở thành hình mẫu cho các dự án hạ tầng xuyên biên giới trong thế kỷ 21.